Giấc mơ Grand Slam trở lại

GD&TĐ – Lý Hoàng Nam vào top 300 thế giới, khát vọng tham dự Grand Sam của tay vợt Việt Nam tưởng như lụi tàn nay có điều kiện trở thành hiện thực.

Hành trình lịch sử

Hệ thống giải Challenger chỉ đứng sau 4 giải thuộc hệ thống Grand Slam và các giải thuộc ATP Tour. Đúng như tên gọi (Challenger – người thách thức), Challenger là sân chơi dành cho các tay vợt trẻ, các tay vợt chưa thành danh cũng như cho tất cả các tay vợt có thành tích trong quá khứ muốn tìm lại chính mình. Các giải thuộc hệ thống Challenger được tổ chức quanh năm và thường ở những thời điểm trùng với các giải ATP Tour. Từ năm 2019, các giải thuộc hệ thống Challenger đã được mở rộng quy mô, tiền thưởng và giảm chi phí tham dự. Thay vì chỉ giới hạn 32 tay vợt ở vòng đấu chính, giải được mở rộng quy mô lên con số 48. Tất cả đều được miễn phí chỗ ở, và ra về với tiền thưởng cùng điểm ATP, ngay cả nếu thua ngay vòng đầu.

Theo bảng xếp hạng ATP (Hiệp hội Quần vợt nam chuyên nghiệp) công bố cuối tháng 8, Lý Hoàng Nam tăng 38 bậc để đứng thứ 290 thế giới, thứ hạng cao nhất trong sự nghiệp. Đây là lần đầu tiên, một tay vợt Việt Nam (không tính nhập tịch) vào top 300 bảng xếp hạng nhà nghề thế giới. Nam cũng giữ ngôi vị số một Đông Nam Á. Vị trí thứ 2 thuộc về Kasidit Samrej (Thái Lan) với thứ hạng 616.

Trước khi đến Thái Lan, Hoàng Nam còn cách top 300 thế giới 18 điểm. Tay vợt số 1 Việt Nam đặt chỉ tiêu sẽ cố gắng vào top 300 ATP trong năm nay bằng việc tích lũy điểm số tại 2 giải đấu cấp độ Challenger Tour tại Thái Lan và 2 giải nhà nghề M25 tổ chức trên sân nhà Tây Ninh vào cuối tháng 9 đầu tháng 10. Bởi thành tích tốt nhất của Nam tại Challenger Tour chỉ là vào đến vòng 2.

Hoàng Nam khởi đầu chiến tích của mình tại Thái Lan bằng chiến thắng kịch tính trước Dayne Kelly (Australia), từng xếp hạng 252 ATP. Tiến vào vòng 16, thử thách của tay vợt Việt Nam tăng cao khi đối thủ là Illya Marchenko (308 ATP). Vận động viên người Ukraine từng xếp hạng 50 ATP và từng thắng cựu số 1 thế giới Andy Murray ở chung kết Biella Challenger năm ngoái. Mặc dù vậy, tay vợt số 1 Việt Nam thắng chung cuộc 2-1 sau khi để thua set đầu.

Lọt vào tứ kết, Hoàng Nam đụng độ hạt giống số 1 người Anh, Alastair Gray. Tay vợt 24 tuổi xếp hạng 256 ATP sở hữu chiều cao 1m93 và đã lọt vào đến vòng 2 Wimbledon hồi tháng 6 năm nay. Tuy nhiên, Hoàng Nam đã đánh bại đối thủ trong 2 set với cùng tỷ số 7/5. Trong trận bán kết, Hoàng Nam và Dane Sweeny (Australia, hạng 341) đã cống hiến cho khán giả một trận đấu cực kỳ quyết liệt. Hoàng Nam thắng set đầu 6-4. Dane Sweeny thắng nghẹt thở set 2 sau loạt tie-break với tỷ số 7-6. Dù sớm mất break ngay game đầu set 3, Hoàng Nam đã thắng ngược 6-3 để thắng chung cuộc 2-1 sau gần 3 giờ đồng hồ thi đấu.

Dù để thua tay vợt số 1 của Monaco Valentin Vacherot ở trận tranh chức vô địch, song với ngôi á quân, ngoài số tiền thưởng 3.050 USD, Hoàng Nam có thêm 30 điểm tích lũy trên bảng xếp hạng ATP. Với số điểm này, Hoàng Nam đã có bước nhảy vọt trên bảng xếp hạng ATP với tổng cộng 169 điểm. Mốc son lịch sử này giúp anh xếp trên cả tay vợt danh tiếng Stan Wawrinka (Thụy Sỹ), 3 lần vô địch Grand Slam.

Giấc mơ Grand Slam trở lại ảnh 1

Huấn luyện viên của Hoàng Nam, ông Trần Quốc Phong, chia sẻ: “Tôi rất bất ngờ khi Hoàng Nam chơi bùng nổ ở giải Bangkok Open. Nam đã thể hiện sự tiến bộ hơn mong đợi, nhất là thể lực tốt hơn khi mỗi ngày đấu một trận đều rất căng. Đặc biệt, trước những đối thủ từng lọt vào top 100 thế giới, em chơi tự tin, đánh rất tập trung và thể hiện sự quyết liệt ăn miếng trả miếng ngay cả với những đối thủ được đánh giá cao hơn”.

Hoàng Nam khởi đầu năm 2022 với hạng 583 thế giới và trong 8 tháng qua, anh đã liên tiếp lập cột mốc mới trong sự nghiệp. Hai vị trí á quân ở giải M15 tại Pháp và Thái Lan hồi đầu năm là bước khởi đầu cho hành trình lịch sử của tay vợt quê Tây Ninh. Trong đó, 3 lần liên tiếp vô địch M15 trên sân nhà vào tháng 6 đã giúp tay vợt Việt Nam nhảy vọt tổng cộng 113 bậc trên bảng xếp hạng ATP, từ hạng 477 vào ngày 6/6 vươn lên hạng 364 vào ngày 27/6.

Chuỗi trận ấn tượng của Hoàng Nam tiếp tục kéo dài với danh hiệu M15 ở Malaysia và chỉ bị Yuta Shimizu chặn đứng ở chung kết giải thứ hai cũng tại quốc gia này. Trong tháng 8, Lý Hoàng Nam đã góp công lớn giúp đội tuyển quần vợt Việt Nam giành ngôi á quân Davis Cup nhóm III khu vực châu Á – Thái Bình Dương 2022. Tuy để thua 1-2 trước Pacific Oceania ở trận tranh chức vô địch, nhưng đội tuyển Việt Nam vẫn đoạt một suất thăng hạng lên chơi tại play-off nhóm II thế giới vào năm sau.

Và cũng cần nhắc lại, vào tháng 5, Hoàng Nam đã trở thành tay vợt xuất sắc nhất lịch sử quần vợt Việt Nam với thành tích bảo vệ thành công Huy chương Vàng đơn nam quần vợt tại SEA Games 31. Với thành tích này, tay vợt sinh năm 1997 đã được UBND tỉnh Tây Ninh, Liên đoàn Quần vợt Việt Nam, các nhà tài trợ… tuyên dương, khen thưởng với tổng số tiền gần 2 tỷ đồng, con số kỷ lục dành cho một vận động viên.

Giấc mơ Grand Slam trở lại ảnh 2

Giấc mơ có thật

Với việc lọt vào 300 ATP, Lý Hoàng Nam được kỳ vọng làm nên lịch sử là tay vợt Việt Nam đầu tiên (trừ các tay vợt Việt kiều) tham dự Grand Slam (1 trong 4 giải danh giá hàng đầu thế giới là Australia Open, France Open, Wimbledon Open và US Open).

Theo ông Đoàn Thanh Tùng, Tổng Thư ký Liên đoàn Quần vợt Việt Nam: Để một tay vợt Việt Nam góp mặt ở Grand Slam có thể xem là giấc mơ quá lớn. Ngoài các tay vợt nằm trong top 100 – 150 thế giới nghiễm nhiên có mặt ở vòng chính thì hiện nay những tay vợt trong top 150 – 250 cũng có thể được dự Grand Slam từ vòng loại. Tuy nhiên, Hoàng Nam nhiều khả năng góp mặt ở giải đấu danh giá này trong tương lai gần. Một cánh cửa khác để các tay vợt chưa có thứ hạng cao tham dự Grand Slam là suất đặc cách.

Mặc dù vậy, Hoàng Nam muốn chen chân vào top 200 ATP là rất khó khăn. Bởi lẽ, khoảng cách điểm số của anh hiện tại (169 điểm) với tay vợt đang xếp hạng 200 ATP là 84 điểm. Trong khi mỗi năm Nam phải có nhiệm vụ bảo vệ số điểm mà mình có được của giải năm ngoái, nếu không sẽ tụt hạng. Xét trình độ hiện tại, Hoàng Nam vượt đẳng cấp của giải nhà nghề M15 (15 điểm thưởng cho danh hiệu vô địch), có thể cạnh tranh sòng phẳng ở giải nhà nghề M25 (25 điểm thưởng cho danh hiệu vô địch) và luôn đụng độ đối thủ rất khó chơi ở Challenger 50 (50 điểm thưởng cho danh hiệu vô địch) như Bangkok Open.

Đầu năm 2022, tay vợt sinh năm 1997 thổ lộ mục tiêu lớn nhất trong sự nghiệp là từ nay đến năm 30 tuổi phải vào top 100 ATP, nếu không sẽ giã từ sự nghiệp quần vợt đỉnh cao. Đó được xem là thách thức quá khó mà Hoàng Nam đặt ra cho bản thân để phấn đấu. Tay vợt số 1 Việt Nam cần trui rèn thêm về kỹ chiến thuật, thể lực để vươn lên các giải cấp cao hơn như Challenger 100, 125, 250… Khi đó, anh mới có khả năng đứng vững trong top 200 và có thể tự tin chơi từ vòng loại Grand Slam.

Thực tế, không phải đến bây giờ, Lý Hoàng Nam mới có khát vọng và cơ hội làm nên lịch sử dự Grand Slam. Với những người hâm mộ quần vợt Việt Nam, ấn tượng đáng nhớ nhất của Wimbledon 2015 không phải việc Novak Djokovic đánh bại Roger Federer trong trận chung kết, hay Martina Hingis giành đến 2 chức vô địch đánh đôi. Mà đó là lần đầu tiên trong lịch sử một giải Grand Slam, quần vợt Việt Nam được xướng tên trên bảng vàng dù đó chỉ là hạng mục đôi nam giải trẻ.

Trận chung kết đôi nam trẻ năm đó, Hoàng Nam cùng đối tác Ấn Độ Sumit Nagal đụng độ Reilly Opelka (Mỹ) và Akira Santillan (Nhật Bản). Xét về cá nhân, cả hai tay vợt bên kia chiến tuyến đều được đánh giá cao hơn cặp Hoàng Nam – Nagal. Ở nội dung đơn nam giải trẻ Wimbledon năm đó, Santillan đã đánh bại Hoàng Nam ở vòng 1, còn Opelka là người lên ngôi vô địch đầy thuyết phục. Sở hữu chiều cao lên tới 2m11, sở trường của Opelka là những quả giao bóng có tốc độ trên 200 km/h.

Nhưng trong một trận đấu đánh đôi, hai cá nhân vượt trội không phải lúc nào cũng phối hợp ăn ý với nhau. Hoàng Nam và Nagal bằng sự nhanh nhẹn, ăn ý và khéo léo đã giành chiến thắng trong set 1 sau loạt tie-break căng thẳng, rồi tiếp tục đánh bại bộ đôi vượt trội hơn mình về trình độ bằng tỷ số 6-4 ở set 2. Chiến thắng của Hoàng Nam và Nagal được kỳ vọng mở đầu cho một kỷ nguyên mới của quần vợt châu Á nói chung, và với Việt Nam, người hâm mộ kỳ vọng anh sẽ chinh chiến ở Grand Slam trong tương lai gần.

Tuy nhiên, đời không như mơ thực tế lại diễn ra nghiệt ngã hơn rất nhiều so với những gì mọi người tưởng tượng. Hơn 6 năm trôi qua cho đến trước năm 2022, Hoàng Nam vẫn chỉ ngấp nghé nằm ở top 400, trong khi “bại tướng” Opelka từng áp sát top 30 thế giới, hay người đánh cặp Nagal đã lọt vào vòng 2 US Open. Thất bại của Hoàng Nam sau kỳ tích năm 2015 vừa có yếu tố cá nhân và cũng là hệ quả tất yếu của quần vợt Việt Nam.

Kể từ ngày tay vợt người Tây Ninh đăng quang tại Wimbledon trẻ, Việt Nam gần như không có thêm vận động viên nào đến tranh tài ở các hạng mục giải trẻ Grand Slam. Đội tuyển quần vợt Việt Nam luôn sớm dừng bước tại vòng loại Davis Cup mà không để lại ấn tượng nào đáng kể. Cái tên Việt Nam chưa đủ sức hút trên bản đồ quần vợt quốc tế để trở thành điểm đến cho những giải đấu lớn. Vietnam Open từng được kỳ vọng sẽ nâng cấp lên thành giải ATP 250 nhưng đến giờ vẫn chỉ nằm trong hệ thống Challenger.

Cơ hội dự Grand Slam với Hoàng Nam không chỉ tồn tại về mặt lý thuyết. Nhưng câu chuyện sau chức vô địch Wimbledon 2015 vẫn còn nguyên tính thời sự với tay vợt đã bước sang tuổi 25. Và để giấc mơ dự Grand Slam trở thành hiện thực, một mình Hoàng Nam là không đủ.

Chỉ tính từ đầu tháng 6 đến cuối tháng 8/2022, Hoàng Nam đã nhảy vọt tổng cộng 187 hạng trên bảng xếp hạng ATP với thành tích ấn tượng gồm: 4 chức vô địch và 1 ngôi á quân các giải thuộc hệ thống ITF Men’s World Tennis Tour và 1 ngôi á quân giải thuộc ATP Challenger Tour. Cũng trên bảng xếp hạng ATP hiện nay, tay vợt số 2 Việt Nam là Vũ Hà Minh Đức (CLB quần vợt Hải Đăng) tụt 11 bậc, xuống hạng 1.428 thế giới. Các tay vợt Việt Nam xếp tiếp theo là Trịnh Linh Giang (hạng 1.463 thế giới), Nguyễn Văn Phương (hạng 1.479 thế giới), Từ Lê Khánh Duy (hạng 1.666 thế giới)…