Giải Cùng em học Tiếng Việt lớp 4 tập 1 – trang 8, 9, 10 – Tuần 2 –

Lời giải chi tiết

Câu 1. Đọc bài sau và trả lời câu hỏi:

Lỗi lầm và sự biết ơn

            Hai người bạn cùng đi qua sa mạc. Trong chuyến đi, hai người nói chuyện với nhau và đã có một cuộc tranh cãi gay gắt. Một người nổi nóng, không kiềm chế được mình đã nặng lời miệt thị người kí. Người kia cảm thấy bị xúc phạm, nhưng anh không nói gì, chỉ viết lên cát: “Hôm nay, người bạn tốt nhất của tôi đã làm khác đi những gì tôi nghĩ”.

            Họ tiếp tục bước đi cho tới khi nhìn thấy một ốc đảo, nơi họ quyết định sẽ dừng chân và tắm mát.

            Người bị miệt thị lúc này bị sa lầy và lún dần xuống, người bạn kia đã tìm cách cứu anh. Thoát khỏi vũng lầy, anh lấy một miếng kim loại khắc lên tảng đá dòng chữ: “Hôm nay, người bạn tốt nhất của tôi đã cứu sống tôi”.

            Người bạn kia hết sức ngạc nhiên, bèn hỏi: “Tại sao khi tôi xúc phạm anh, anh viết lên cát, còn bây giờ anh lại khắc lên đá?”.

            Anh bạn điềm tĩnh trả lời: “Khi ai đó xúc phạm chúng ta, chúng ta nên viết điều đó lên cát – nơi những cơn gió của sự thứ tha sẽ xóa tan những nỗi trách hờn. Nhưng khi chúng ta nhận được điều tốt đẹp từ người khác, chúng ta phải ghi khắc chuyện ấy lên đá – nơi không cơn gió nào có thể cuốn bay đi.”

            Mỗi chúng ra hãy học cách viết những nỗi buồn lên cát, khắc tạc những niềm vui và hạnh phúc lên đá để chúng mãi không phai.

(Theo Hạt giống tâm hồn)

a) Sau cuộc tranh cãi gay gắt, một trong hai người bạn đã làm gì?

b) Sau khi được cứu sống khỏi vũng lầy, người bị miệt thị lúc trước đã làm gì?

c) Theo em, vì sao người được cứu lúc này lại khắc chữ trên đá?

d) Theo em, câu chuyện trên đã cho chúng ta bài học gì?

A. Phải biết quan tâm đến bạn bè lúc khó khăn, hoạn nạn.

B. Biết chia sẻ, giúp đỡ bạn bè vượt qua khó khăn nhất thời.

C. Biết xóa bỏ những điều không vui trong cuộc sống.

D. Biết bỏ qua những lỗi lầm và ghi nhớ ân nghĩa.

Trả lời:

a) Sau cuộc tranh cãi gay gắt, một trong hai người bạn đã viết lên cát : “Hôm nay, người bạn tốt nhất của tôi đã làm khác đi những gì tôi nghĩ”.

b) Sau khi được cứu sống khỏi vũng lầy, người bị miệt thị lúc trước đã lấy một miếng kim loại khắc lên đá dòng chữ : “Hôm nay, người bạn tốt nhất của tôi đã cứu  sống tôi”.

c) Người được cứu lúc này khắc chữ lên đá bởi vì anh ta muốn ghi nhớ hành động tốt đẹp từ người bạn của mình.

d) Câu chuyện đã cho chúng ta bài học :

D. Biết bỏ qua những lỗi lầm và ghi nhớ ân nghĩa.

Câu 2. Cho các từ sau: nhân dân, nhân ái, nhân tài, công nhân, nhân đức, nhân từ, nhân loại, nhân nghĩa, nhân quyền. Hãy xếp thành các nhóm từ:

a) Từ có tiếng nhân có nghĩa người.

b) Từ có tiếng nhân có nghĩa là lòng thương người.

c) Đặt câu với một từ ở nhóm a, một từ ở nhóm b.

Trả lời:

a) Từ có tiếng nhân có nghĩa là người : nhân dân, nhân tài, công nhân, nhân loại.

b) Từ có tiếng nhân có nghĩa là lòng thương người : nhân hậu, nhân ái, nhân đức, nhân từ, nhân nghĩa

c) Đặt câu :

– Cô chú công nhân làm việc chăm chỉ trong xưởng gốm.

– Bà em là một người hiền từ và nhân hậu.

Câu 3. Dấu hai chấm trong đoạn văn sau có tác dụng gì?

            Chợt người phụ nữ quay sang tôi nói: “Tôi cảm thấy rất ái ngại! Chỉ vì nhường chỗ cho tôi mà cô lại gặp khó khăn như vậy. Cô biết không, nếu hôm nay tôi không gửi phiếu thanh toán tiền gas thì công ti điện và gas sẽ cắt hết nguồn sưởi ấm của gia đình tôi”.

(Theo Quà tặng cuộc sống)

a) Báo hiệu bộ phận câu đứng sau dấu hai chấm là lời nói trực tiếp của nhân vật.

b) Báo hiệu bộ phận câu đứng sau dấu hai chấm là lời giải thích cho bộ phận đứng trước nó.

c) Cả hai ý trên.

Trả lời:

Chọn a. Báo hiệu bộ phận câu đứng sau dấu hai chấm là lời nói trực tiếp của nhân vật.