Giải mã bí ẩn người Ai Cập vận chuyển những khối đá khổng lồ để xây kim tự tháp

Giải mã bí ẩn người Ai Cập vận chuyển những khối đá khổng lồ để xây kim tự tháp - Ảnh 1.

Du khách ngồi trên lưng lạc đà và xe ngựa băng qua các kim tự tháp ở Giza, ngoại ô Cairo, Ai Cập – Ảnh: REUTERS

Theo trang Business Insider ngày 2-9, có thể các nhà khoa học đã giải đáp được bí ẩn về cách thức người Ai Cập cổ đại vận chuyển hàng triệu khối đá nặng 2 tấn qua sa mạc để xây dựng các kim tự tháp.

Cụ thể, các nhà nghiên cứu phát hiện dấu vết một nhánh của sông Nile đã biến mất cách đây hàng ngàn năm. Khi còn hoạt động, nhánh sông này chảy tới khu vực nằm ngay cạnh quần thể kim tự tháp Giza (được xây dựng khoảng 4.500 năm trước).

Phát hiện trên được công bố trên kỷ yếu của Viện hàn lâm Khoa học quốc gia Mỹ (PNAS) đầu tuần này.

Hiện nay, sông Nile nằm cách các kim tự tháp trong quần thể trên khoảng 6km về phía đông. Làm thế nào các nhà xây dựng cổ đại có thể vận chuyển những khối đá khổng lồ đến địa điểm xây dựng kim tự tháp? Câu hỏi này từ lâu đã khiến các nhà khoa học và khảo cổ học bối rối.

Các nhà khoa học vẫn tin rằng người Ai Cập dùng đường thủy để vận chuyển đá. Năm 2013, người ta phát hiện một tấm giấy cói với nội dung mô tả vị trí của một bến cảng cổ đại gần biển Đỏ. Bến cảng này là nơi những khối đá xây kim tự tháp được chất lên thuyền. Đây là bằng chứng cho thấy người Ai Cập biết cách vận chuyển các khối đá dọc theo các con sông.

Nhiều cuộc khai quật khác cũng cho thấy một bến cảng được xây dựng bên cạnh các kim tự tháp và các nhà xây dựng cổ đại đã tạo ra những tuyến đường thủy phức tạp nối với cảng này.

Giải mã bí ẩn người Ai Cập vận chuyển những khối đá khổng lồ để xây kim tự tháp - Ảnh 2.

Một người Ai Cập đi cạnh các kim tự tháp ở Giza, Ai Cập vào tháng 4-2021 – Ảnh: XINHUA

Do đó, để xác định sông Nile có đi theo con đường nào khác dẫn tới bến cảng vào thời điểm kim tự tháp được xây dựng hay không, các nhà khoa học đào nhiều lỗ thăm dò xung quanh các kim tự tháp trên sa mạc. Trong những lỗ này, họ tìm kiếm dấu vết phấn hoa của các loài thực vật như cây cói giấy (papyrus) và cỏ đuôi mèo, vốn phát triển mạnh trong môi trường nước.

Nghiên cứu mới nhất chỉ ra rằng trong thời kỳ các pharaoh Khufu, Khafre và Menkaure cai trị (cách đây khoảng 4.500 năm), sông Nile có một nhánh ổn định chảy về phía các kim tự tháp nói trên. Nhưng qua thời gian, nhánh sông này đã khô cạn.

Dấu vết phấn hoa của các loài thực vật chịu hạn cho thấy thời điểm pharaoh Tutankhamun lên nắm quyền (vào khoảng năm 1350 trước Công nguyên), nhánh sông này đã khô cạn vài thế kỷ.

Báo New York Times dẫn lời nhà địa lý Hader Sheesh, tác giả của nghiên cứu, đánh giá: “Không thể xây dựng các kim tự tháp ở nơi đây nếu không có nhánh sông Nile này”.

Với kích thước to lớn, hình học hoàn hảo và trang trí công phu, các kim tự tháp ở Giza (ngoại ô thủ đô Cairo của Ai Cập hiện nay) đóng vai trò chứng minh sức mạnh của các pharaoh trong thời kỳ hoàng kim của Ai Cập.

Quần thể kim tự tháp Giza bao gồm ba kim tự tháp lớn và tượng Nhân sư. Các kim tự tháp này được xây dựng làm lăng mộ cho các pharaoh Khufu, Khafre và Menkaure vào khoảng giữa năm 2560 trước Công nguyên và năm 2540 trước Công nguyên.

Đại kim tự tháp Giza (còn được gọi là kim tự tháp Khufu hay kim tự tháp Cheops) là kim tự tháp đầu tiên được xây dựng và là kim tự tháp lớn nhất trong số ba kim tự tháp. Theo trang National Geographic, ước tính dùng khoảng 2,3 triệu khối đá vôi và đá granit để xây dựng kim tự tháp này. Mỗi khối đá nặng từ 2,5 – 15 tấn.

Theo Business Insider, ngày nay thậm chí nếu dùng cần cẩu, máy bay trực thăng, máy kéo và xe tải theo ý muốn của chúng ta, vẫn rất khó để xây dựng Đại kim tự tháp Giza. Việc xây dựng công trình này đáng kinh ngạc, đến mức một số người cho rằng có sự tham gia của người ngoài hành tinh hoặc yếu tố thần bí.

Thì ra học sinh chưa ngoan ở Ai Cập 2.000 năm trước cũng bị... chép phạt Thì ra học sinh chưa ngoan ở Ai Cập 2.000 năm trước cũng bị… chép phạt

TTO – Các mảnh gốm hơn 2.000 năm tuổi giúp nhóm nghiên cứu Đại học Tubingen (Đức) hình dung về cuộc sống của người Ai Cập xưa, từ việc đi học đến mua bán hằng ngày và cách xử phạt học sinh không ngoan.