Giải mã bí mật khiến Tử Cấm Thành vẫn ‘sừng sững’ trường tồn suốt hàng trăm năm
Mười trong số 14 năm xây dựng Tử Cấm Thành (1406-1420) được dành để lập kế hoạch cho cung điện mới của Hoàng đế Vĩnh Lạc (Minh Thành Tổ) một cách tỉ mỉ nhất. Trong số nhiều yếu tố mà các kiến trúc sư đã phải tính toán thì quan trọng nhất phải kể đến là vị trí, hướng của các cung điện và tìm nguồn cung cấp, chuẩn bị và vận chuyển nguyên liệu thô.
Khu phức hợp Tử Cấm Thành được coi là “trái tim” của Bắc Kinh. Cung điện có tường bao quanh hình chữ nhật được bao bọc bởi hai con đường vành đai hình vuông nhằm khoanh vùng và bảo vệ nội cung. Khi Bắc Kinh liên tục được mở rộng trong những năm qua, những con đường vành đai hình vuông vẫn có hướng tỏa ra từ Tử Cấm Thành. Ngay cả ngày nay, đường vành đai thứ bảy – nối Hà Bắc với Thiên Tân để tạo thành siêu đô thị được gọi là “Jingjinji” – vẫn giữ nguyên hình dạng hình vuông ban đầu, với Cố cung ở trung tâm của cả thành phố.
Theo truyền thống, các vòng tròn tượng trưng cho sự hoàn hảo vì người Trung Quốc tin rằng không ai có thể tạo ra một vòng tròn hoàn mỹ bằng tay. Trong khi đó, các đường thẳng của hình vuông và hình chữ nhật gắn liền với luật pháp và tính trật tự. Do vậy, hầu hết các thành phố và khu phức hợp của Trung Quốc sau này đều được quy hoạch thành hình chữ nhật. Cung điện của nhà vua ở trung tâm của một khu phức hợp có tường bao quanh giúp người đứng đầu đất nước có cảm giác an toàn và được bảo vệ.
Tử Cấm Thành được xây dựng theo trục Nam – Bắc và bố trí một cách đối xứng, lệch về phía Bắc địa lý chỉ duy nhất 1.3 độ. Điều đáng chú ý là công trình này được xây 150 năm trước khi Gerardus Mercator, một nhà bản đồ người Đức gốc Flemish, giới thiệu bản đồ đầu tiên có chính xác các tỷ lệ vĩ độ và kinh độ. Và đây vẫn được coi là trục trung tâm của Bắc Kinh cho đến ngày nay.
Văn hóa Trung Quốc luôn được coi là kho tàng tuyệt vời bởi những yếu tố thần bí và tâm linh đan xen. Phong thủy là một ví dụ điển hình, vì đây là nguyên tắc tìm cách cân bằng và hài hòa giữa yếu tố con người và nhà cửa với môi trường xung quanh. Theo các chuyên gia, một trong những nguyên tắc phong thủy quan trọng được sử dụng trong kiến trúc Tử Cấm Thành là ‘”Núi ôm, nước bọc”. Nơi đây có địa thế rất đẹp khi quay lưng vào núi Yên Sơn, trước mặt nhìn ra biển Bột Hải ở phía Đông.
Bên cạnh đó, tất cả các cung điện trong Tử Cấm Thành đều được quay mặt về hướng Nam vì người Trung Quốc quan niệm hướng Nam tiên thiên Bát quái là hướng Càn (quẻ Càn tượng trưng cho Trời). Vì vậy hẳn nhiên, hướng Nam được coi là điềm lành cho hoàng đế.
Các cung điện cũng được xây dựng để đạt được sự cân bằng tối đa giữa âm và dương. Ví dụ, Hoàng đế cư trú tại Càn Thanh Cung tượng trưng cho dương và đặt ở phương Nam đối xứng với Hoàng hậu sống trong Khôn Ninh Cung đặt ở phương Bắc tượng trưng cho âm.
Tử Cấm Thành có tổng diện tích khoảng 720.000 mét vuông và chỉ mất bốn năm để xây dựng. Tổng cộng 100.000 nghệ nhân cùng một triệu lao động đã được huy động để làm nên kỳ tích “có một không hai” trong lịch sử thế giới này.
Dưới đây là một số sự kiện chính trong suốt chiều dài lịch sử của Tử Cấm Thành
Vật liệu được sử dụng để xây dựng Tử Cấm Thành được tuyển chọn từ khắp đất nước. Gỗ được lấy từ các khu rừng ở xa xôi phía tây nam Trung Quốc, trong khi đá được khai thác từ các hồ tự nhiên rồi vận chuyển đến Bắc Kinh để bày trí trong các khu vườn thượng uyển. Có nhiều câu chuyện đáng kinh ngạc được lưu truyền về cách những người thợ vận chuyển số nguyên liệu khổng lồ này tới kinh đô để xây dựng cung điện.
Những viên đá chạm khắc với nhiều kích cỡ khác nhau được dùng để trang trí ở lối vào sảnh chính trong Tử Cấm Thành. Hầu hết chúng đều được vận chuyển tới từ một mỏ đá cách đó 70 km trong mùa đông.
Làm việc trong điều kiện nhiệt độ trung bình vào mùa đông là -3,7 độ , những nhân công thời đó đã tận dụng việc mặt đường bị đóng băng rồi dội nước ra để bánh xe có thể trượt dễ dàng.
Bằng cách này, 40 đến 50 người đàn ông có thể vận chuyển những tảng đá khổng lồ suốt 70 km từ mỏ đá đến nơi xây dựng cung điện chỉ trong vòng 30 ngày. Trong khi đó vào mùa hè, cùng một loại đá sẽ mất khoảng 1.500 người vận chuyển ít nhất trong 40 ngày.
Một vật liệu đặc biệt khác được chuyển đến từ Tô Châu, thung lũng hạ lưu sông Dương Tử là hàng triệu viên gạch ngói vàng. Người ta ước tính khoảng 100 triệu viên gạch lát đã được sử dụng khắp Tử Cấm Thành, chỉ riêng các sân trong đã tốn đến 20 triệu viên gạch lát nền.
Các cung điện mà hoàng đế thường xuyên lui tới được xây bằng loại gạch có chất lượng cao nhất. Làm ra những viên gạch lát sàn này là một quá trình tốn kém và đòi hỏi nhiều công sức. Trong triều đại nhà Minh, một viên gạch có giá tương đương 750 kg gạo hay ba tháng lương của một quan tòa nhà Tần. Đó là lý do tại sao loại gạch này được ví với “vàng”.
Đó là lý do tại sao cho tới ngày nay Tử Cấm Thành vẫn là quần thể kiến trúc cung điện quy mô lớn nhất và được bảo tồn hoàn chỉnh nhất trên thế giới, thu hút hàng triệu du khách tới tham quan mỗi năm.
Đỗ An (Tổng hợp)