Giaỉ pháp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa để phát triển du lịch tỉnh Hòa Bình
Hiện nay tỉnh Hòa Bình đã có 102 di tích được xếp hạng các cấp, trong đó có 41 di tích được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch xếp hạng cấp quốc gia và 61 di tích xếp hạng cấp tỉnh. Về di sản văn hóa phi vật thể, Hòa Bình có bốn di sản văn hóa phí vật thể cấp quốc gia là Nghệ thuật Chiêng Mường, Mo Mường, Tri thức dân gian Lịch tre dân tộc Mường, Lễ Hội Khai Hạ Mường Bi. Hàng năm, Hòa Bình có trên 60 lễ hội dân gian truyền thống được đăng ký tổ chức. Đây chính là nguồn tài nguyên vô giá để Hòa Bình đẩy mạnh phát triển kinh tế du lịch, dịch vụ.
Lễ Hội Xên bản xên mường ở Mai Châu
Tuy nhiên, trong xu hướng du lịch tăng trưởng mạnh như hiện nay, do tính chất nhạy cảm và dễ bị tổn thương của di sản mà quá trình vận động du lịch ồ ạt, thiếu kiểm soát ở một số di tích đang có không ít những tác động nhiều mặt như: Khai thác thương mại hóa quá mức, quá tải về khách, lạm dụng di sản, phục dựng sai quy cách, làm mới di sản…, làm cho di sản nhanh xuống cấp, méo mó, nhạt nhòa giá trị. Hệ lụy của việc phát triển du lịch di sản chưa được kiểm soát chặt chẽ và bền vững đó đang đe dọa tới tính nguyên vẹn của di sản văn hóa.
Công tác quản lý nhà nước về di tích đặt ra nhiều vấn đề quan tâm: Hòa Bình là một tỉnh miền núi, địa hình phức tạp, hơn nữa các di tích được phân bố rộng khắp các huyện trong tỉnh, nhiều di tích ở những nơi khó đi lại như các hang động hay di tích khảo cổ… dẫn đến nhiều khó khăn trong việc theo dõi, quản lý di tích, di vật, cổ vật trong di tích và lễ hội tại di tích; Hơn nữa nhiều địa phương trong tỉnh chưa quan tâm đến công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống cho bà con nhân dân về ý thức bảo vệ di tích; Một số công trình tu bổ chưa thực hiện đúng quy trình, dẫn tới sai lệch và biến dạng di tích; nguồn vốn đầu tư cho hoạt động quản lý, bảo vệ, tôn tạo, bảo tồn và phát huy di tích còn hạn hẹp, việc khai thác giá trị của di tích ở một số nơi chưa thực sự gắn với phát triển du lịch, chưa có sự liên kết trong khai thác các tua, tuyến du lịch; Đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý di sản còn thiếu và yếu. Ở huyện hầu như chưa có cán bộ chuyên trách về mảng di tích, hầu hết chỉ mang tính chất kiêm nhiệm, đặc biệt là cán bộ ở cấp xã số lượng người có chuyên môn về bảo tồn di sản, du lịch hầu như rất ít.
Lễ hội Gầu Tào ở Mai Châu
Sản phẩm du lịch, dịch vụ du lịch ở các khu di tích, điểm du lịch của tỉnh Hòa Bình còn đơn điệu, nghèo nàn, không hấp dẫn du khách. Hiện nay, các khu di tích của tỉnh mới chỉ đáp ứng ở góc độ tâm linh, sau đó du khách lại đi nơi khác, du khách không được trải nghiệm, thụ hưởng các sản phẩm du lịch khác. Hệ thống lưu trú ăn, nghỉ, chơi như khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng, khu vui chơi giải trí gắn với di tích còn ít, chưa hấp dẫn nên không đủ sức giữ chân du khách ở lại để lưu trú và chi tiêu. Do đó, nguồn thu từ các dịch vụ du lịch không cao và thiếu tính bền vững. Sự kết nối giữa di tích với công tác xúc tiến, quảng bá du lịch, các công ty lữ hành chưa được quan tâm đúng mức, đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh viên, lễ tân tại các khu di tích, điểm du lịch, khách sạn, nhà hàng còn hạn chế về chuyên môn nghiệp vụ. Sự kết nối giữa các di tích với nhau, giữa di tích với các điểm tham quan khác ở các địa phương trong tỉnh còn chưa chặt chẽ, bền vững. Chính vì những nguyên nhân hạn chế này khiến cho di tích phát huy tác dụng chưa cao, nguồn thu trên lĩnh vực du lịch, dịch vụ du lịch còn khiêm tốn, chưa góp phần tạo nhiều việc làm cho người lao động trong lĩnh vực này.
Để các khu di tích, điểm du lịch, các giá trị của di sản văn hóa của Hòa Bình phát huy tiềm năng thế mạnh phát triển du lịch, dịch vụ và trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, chính quyền các cấp và ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hòa Bình cần thực hiện những giải pháp sau:
Thứ nhất: Cần tăng cường công tác quản lý nhà nước về di tích, nâng cao chất lượng các hoạt động tổ chức lễ hội, nghi lễ, nghi thức thực hành tín ngưỡng tâm linh.
Thứ hai: Cần xây dựng cơ chế, quy hoạch hợp lý, hài hòa giữa diện tích, không gian tại các khu, điểm di tích để phát triển các hoạt động, dịch vụ du lịch, có chính sách hấp dẫn, kêu gọi thu hút các doanh nghiệp lớn về đầu tư xây dựng các khu nghỉ dưỡng, khu vui chơi giải trí, không gian trải nghiệm cho du khách.
Thứ ba: Để phát huy giá trị các di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch, bên cạnh làm tốt công tác bảo tồn, Hòa Bình tập trung khai thác các yếu tố đặc trưng văn hóa của địa phương để xây dựng, phát triển các sản phẩm du lịch với đặc thù, cạnh tranh cao. Bên cạnh đó, tỉnh chú trọng đầu tư phát triển, định vị và quảng bá rộng rãi thương hiệu du lịch Hòa Bình dựa vào những giá trị nổi bật về di sản, những giá trị chân thực về văn hóa truyền thống, lối sống địa phương. Đồng thời phát huy các giá trị di sản, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm du lịch. Đẩy mạnh công tác bảo tồn, trùng tu di tích đúng quy cách sẽ là điều kiện tiên quyết để phát triển du lịch có chiều sâu và bền vững, đóng góp vào sự tăng trưởng chung của ngành Du lịch cũng như vào quá trình phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Thứ tư: Tạo cơ chế khích lệ người dân cùng tham gia làm du lịch để tạo nên các sản phẩm, dịch vụ du lịch độc đáo, hấp dẫn và mang đặc thù của khu di tích đó, địa phương đó để phục vụ du khách. Chỉ khi những người dân bản địa được cùng tham gia vào các hoạt động du lịch thì việc bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản mới được bền vững.
Thứ năm: Ngành VH,TT&DL Hòa Bình, các Ban Quản lý khu di tích, điểm du lịch, khách sạn, nhà hàng, nhà nghỉ cộng đồng cần quan tâm đẩy mạnh đào tạo nâng cao chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, nhân viên làm các công việc liên quan đến các hoạt động dịch vụ như lễ tân, hướng dẫn viên, thuyết minh viên, phục vụ chuyên nghiệp hơn.
Thứ sáu: Tăng cường sự phối hợp với các cơ quan chuyên môn các cấp, các doanh nghiệp du lịch lữ hành, các cơ quan thông tin đại chúng đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến du lịch, tuyên truyền quảng bá các di tích, điểm du lịch, các sản phẩm, dịch vụ du lịch.