Giải pháp cho nhà không làm trần thạch cao
Khi xây nhà, tôi không làm trần thạch cao nhưng nhà thầu nói vì ống nước đi trên trần, phải làm thạch cao để che. Có cách nào tốt hơn để tôi chỉ làm trần bê tông không?
Độc giả: Thịnh Nguyễn
Thực tế, hiện nay có nhiều công trình để thô rồi sau đó “biến” các hệ thống kỹ thuật chạy trên trần nhà làm điểm nhấn, nhưng không phải chủ nhà nào cũng thích phong cách này.
Lắp trần thạch cao có một số ưu điểm như cách âm tốt và tạo tính thẩm mỹ. Ảnh minh họa: fabalabse.com
Theo kiến trúc sư Trương Thành Trung (Công ty tư vấn thiết kế kiến trúc và nội thất T&T), việc chủ thầu yêu cầu đóng trần thạch cao vì trên trần có hệ thống ống kỹ thuật là không đúng.
Trong gói thầu xây dựng, chủ thầu sẽ phải trát trần nếu như chủ nhà không muốn đóng trần thạch cao, việc này nằm trong đơn giá thi công chung. Đây là phần việc mất khá nhiều thời gian và nhân công.
Hiện nay, đơn giá vật tư trát trần cùng chi phí nhân công đã tính vào đơn giá chung khi chủ thầu nhận công trình. Gia chủ chỉ mất thêm tiền vật tư gồm xi măng và cát đen, dao động 30.000-40.000 đồng mỗi m2. Trong khi đó, nếu đóng trần thạch cao, chi phí cao hơn rất nhiều, 150-170.000 đồng/m2.
Để tiết kiệm chi phí khi không đóng trần thạch cao mà chỉ làm trần bê tông, bạn có thể trao đổi trước với kỹ sư kết cấu để họ có thể bố trí hợp lý nhất vị trí các dầm chạy trong nhà.
Ngoài ra nếu không muốn trát trần, khi đổ bể tông sàn bạn yêu cầu thợ dùng cốt pha sắt để trần phẳng và không bị lồi lõm. Để bề mặt sàn bê tông bóng và đẹp, nên trải thêm một lớp bạt lót dưới sàn, vừa đảm bảo bê tông sàn không bị mất nước, vừa đảm bảo tính thẩm mỹ của bề mặt trần bê tông.
Một lưu ý nữa là hệ thống kỹ thuật dưới trần phải đi gọn gàng và có đai bắt ống cẩn thận. Phần trần và ống kỹ thuật trên trần sau này có thể sơn cùng màu. Nếu trần bê tông ghép cốp pha đảm bảo, không cần phải trát trần mà để nguyên rồi sơn màu hoàn thiện.
Tuy vậy, khi không đóng trần thạch cao cũng có một số nhược điểm mà bạn cần nắm rõ để tính toán xem phương án này chấp nhận được hay không.
– Sẽ lộ các nhịp dầm cắt ngang qua phòng.
– Hệ thống đường ống kỹ thuật sẽ lộ nằm dưới trần.
– Khi hệ thống nước thải của bồn cầu hoạt động, phải chịu những tiếng ồn nhất định.
– Trần nhà không lắp được các hệ thống đèn âm trần, giảm tính thẩm mỹ.
– Không có khả năng cách âm và chống ồn tốt.
– Các hệ tủ quần áo, tủ bếp sẽ tốn thêm chi phí do trần bê tông cao hơn trần thạch cao.
Bởi vậy, để vừa tiết kiệm chi phí vừa đảm bảo tính thẩm mỹ, bạn nên chọn những không gian nội thất chính để đóng trần thạch cao hoặc những không gian cần đẹp như phòng khách hay phòng sinh hoạt chung như bếp, phòng ăn. Nếu phòng ngủ có các vị trí dầm cắt ngang qua giường thì cũng nên đóng trần thạch cao, đảm bảo tính thẩm mỹ.
Trang Vy