Giải pháp để du lịch Đà Nẵng có khả năng cạnh tranh quốc tế – Tạp chí Kinh tế Sài Gòn
Giải pháp để du lịch Đà Nẵng có khả năng cạnh tranh quốc tế
Nhân Tâm
(TBKTSG Online) – Bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng, đã có bài tham luận “Một số giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch chất lượng cao, khẳng định là ngành kinh tế mũi nhọn, có thương hiệu, có khả năng cạnh tranh quốc tế” tại Đại hội lần thứ 22 Đảng bộ thành phố Đà Nẵng được tổ chức ngày 22-10.
Dịch vụ đa dạng, chất lượng cao là chìa khóa để du lịch Đà Nẵng có thể cạnh tranh quốc tế trong tương lai. Ảnh: Nhân Tâm
Theo bà Hạnh, mục tiêu phấn đấu của ngành du lịch thành phố biển miền Trung trong 5 năm đến là tiếp tục phát triển du lịch bền vững và thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố, có thương hiệu, có khả năng cạnh tranh quốc tế. Thành phố sẽ tập trung vào du lịch và dịch vụ chất lượng cao gắn với bất động sản nghỉ dưỡng; xây dựng Đà Nẵng trở thành điểm đến du lịch, trung tâm dịch vụ hàng đầu, tầm khu vực, thành phố sự kiện, trung tâm hội nghị quốc tế.
Ngành du lịch phấn đấu đến năm 2025 đón 12-13 triệu lượt khách, tăng 1,4 lần so với 2019; trong đó, có 4,2 lượt khách quốc tế; tốc độ tăng trưởng bình quân tổng thu du lịch giai đoạn 2021-2025 ước đạt 12-12,5%/năm.
Bà Hạnh cho biết để thực hiện phương hướng và mục tiêu nêu trên, Sở Du lịch đề xuất 8 giải pháp chính.
Thứ nhất, tập trung khôi phục hoạt động du lịch sau ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Thực hiện cơ cấu lại ngành du lịch theo 4 lĩnh vực cơ bản gồm cơ cấu lại thị trường khách; sản phẩm du lịch; hệ thống cơ sở hạ tầng-cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch và nguồn nhân lực.
Thứ hai, triển khai quy hoạch định hướng phát triển du lịch với trọng tâm dọc theo bờ biển Sơn Trà – Ngũ Hành Sơn (Bờ Đông), ven vịnh Đà Nẵng, khu vực đồi phía Tây và Bán đảo Sơn Trà để khai thác hiệu quả các tài nguyên mặt nước tự nhiên, di tích văn hóa lịch sử, cảnh quan thiên nhiên và đa dạng sinh học. Toàn bộ thành phố sẽ trở thành một điểm du lịch đặc sắc với 6 nút du lịch chuyên đề. Quy hoạch các khu tổ hợp giải trí ban đêm riêng biệt.
Thứ ba, xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch, trong đó: Chú trọng phát triển sản phẩm du lịch đặc thù, chất lượng cao để tạo sự khác biệt, nâng cao sức hấp dẫn và cạnh tranh của điểm đến Đà Nẵng; Phát triển các sản phẩm, dịch vụ kinh tế ban đêm và tăng cường khai thác du lịch thủy nội địa. Bốn nhóm sản phẩm chủ lực được xác định là: du lịch biển, nghỉ dưỡng cao cấp; du lịch mua sắm, vui chơi giải trí, golf, hội nghị hội thảo (MICE); du lịch văn hoá, lịch sử, tâm linh, cộng đồng, sinh thái (gắn với nông nghiệp công nghệ cao) và du lịch đô thị gắn với thành phố trung tâm của cả khu vực. Đa dạng hóa sản phẩm hỗ trợ: du lịch ẩm thực, du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch cưới.
Kế tiếp, sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư, huy động các nguồn lực để phát triển du lịch, trong đó ưu tiên đầu tư công cho phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, các đề án du lịch lớn đã phê duyệt tại Nam Ô, Thọ Quang, K20, Hòa Vang và hỗ trợ hình thành các sản phẩm mới, đặc sắc như Tuyến phố đi bộ Bạch Đằng – Nguyễn Văn Trỗi – Trần Hưng Đạo, Phố du lịch An Thượng, Phố đêm 24/7, bán đảo Sơn Trà. Kêu gọi đầu tư Cảng Sông Hàn, Cảng Sông Thu, trung tâm du thuyền, mở rộng Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, chuyển đổi Cảng biển Tiên Sa thành cảng du lịch.
Thứ năm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực – chất lượng dịch vụ: Đặt mục tiêu chuyên nghiệp lên hàng đầu, triển khai chuẩn hóa nguồn nhân lực và quy trình phục vụ đối với các hoạt động, dịch vụ phục vụ du lịch đạt chuẩn chuyên nghiệp.
Giải pháp thứ sáu là đổi mới công tác quản lý nhà nước, phát triển du lịch phù hợp định hướng và mục tiêu đề ra. Tháo gỡ các điểm nghẽn-khó khăn vướng mắc hiện nay để phát triển du lịch bền vững. Tăng cường năng lực cạnh tranh của hệ thống doanh nghiệp du lịch, phát triển các mô hình hợp tác công – tư trong quản lý khai thác các khu điểm du lịch, di tích văn hóa lịch sử… Hỗ trợ khuyến khích hình thành các doanh nghiệp du lịch có thương hiệu, đủ năng lực cạnh tranh quốc tế. Đồng thời tiếp tục nâng cao nhận thức của cộng đồng, gìn giữ môi trường du lịch an ninh, an toàn và mến khách.
Thứ bảy, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động quản lý, khai thác và xúc tiến quảng bá du lịch. Ưu tiên ứng dụng công nghệ số để quản lý điểm đến, quản lý bãi biển, phát triển các ứng dụng hỗ trợ du khách tiếp cận, trải nghiệm các dịch vụ du lịch.
Sự thân thiện và năng động sẽ giúp du lịch Đà Nẵng phục hồi nhanh trong 5 năm tới. Ảnh: Nhân Tâm
Cuối cùng, tăng cường liên kết hợp tác trong và ngoài nước để phát triển du lịch, tập trung mở rộng liên kết vùng, quốc gia và quốc tế để hợp tác quảng bá điểm đến, khai thác sản phẩm và trao đổi nguồn khách. Tranh thủ lợi thế các thị trường có kết nối đường bay trực tiếp, nguồn lực từ các cơ quan ngoại giao và các hiệp hội nghề nghiệp trong và ngoài nước để triển khai các hoạt động, chương trình hợp tác phát triển. Xúc tiến mở các đường bay trực tiếp đến Mỹ, châu Âu, Úc, Ấn Độ…
Du lịch Đà Nẵng nhạy cảm với các biến động
Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 21, hoạt động du lịch thành phố đã có bước tăng trưởng ấn tượng, định vị thương hiệu trên bản đồ du lịch thế giới và thực sự thể hiện vai trò ngành kinh tế mũi nhọn với tốc độ tăng trưởng bình quân tổng thu du lịch giai đoạn 2016-2019 đạt 24,6%, tăng 5,5 điểm phần trăm. Đóng góp quan trọng vào GRDP thành phố (năm 2016 là 23,72%, đến năm 2019 là 31,4% (trong đó đóng góp trực tiếp là 13,7%, đóng góp lan tỏa vào các ngành, lĩnh vực khác là 17,7%). Ngành du lịch cũng tạo ra nhiều việc làm với 50.963 lao động trong năm 2019, tăng gấp 2,2 lần so với năm 2016.
Tuy nhiên, một trong những hạn chế, khó khăn, thách thức của ngành du lịch thành phố Đà Nẵng là rất nhạy cảm với biến động kinh tế – xã hội trong và ngoài nước, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh…
Điển hình gần đây nhất là đại dịch Covid-19 đã gây ra thiệt hại lớn cũng như làm thay đổi xu hướng, thói quen du lịch. Ngành du lịch cũng đang đối mặt với sự thiếu bền vững về cơ cấu thị trường, chất lượng tăng trưởng, quy mô doanh nghiệp nhỏ và hạn chế về năng lực cạnh tranh quốc tế; sự cạnh tranh điểm đến “khốc liệt” trong và ngoài nước.
Sản phẩm du lịch đã được đầu tư phát triển với một số sản phẩm đẳng cấp nhưng vẫn chưa có nhiều sản phẩm đặc trưng. Chất lượng nguồn nhân lực mặc dù được cải thiện nhưng vẫn chưa đạt được sự đồng bộ và tính chuyên nghiệp. Cách mạng công nghiệp 4.0 vừa là cơ hội cũng là thách thức cho ngành du lịch phải đổi mới, ứng dụng công nghệ trong xúc tiến quảng bá, khai thác và quản lý các hoạt động du lịch. Thiếu các cơ chế chính sách đặc thù để thu hút đầu tư phát triển du lịch, thu hút du lịch du thuyền, trung tâm thương mại, vui chơi giải trí đẳng cấp quốc tế. Các khu vực tiềm năng đặc sắc như bán đảo Sơn Trà, tuyến đường thủy quanh bán đảo Sơn Trà, đường thủy kết nối với Hội An còn nhiều vướng mắc để khai thác và phát triển du lịch.