Giải pháp phát triển du lịch Tiền Giang bền vững, hiệu quả | Du lịch | Báo ảnh Dân tộc và Miền núi
Giải pháp phát triển du lịch Tiền Giang bền vững, hiệu quả
Chiều 7/11, Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang tổ chức Hội thảo bàn các giải pháp phát triển du lịch một cách bền vững, hiệu quả, giải quyết việc làm, thu nhập cho người lao động và an sinh xã hội. Hội thảo thu hút đông đảo các nhà khoa học, chuyên gia đến từ các Viện, trường, các địa phương trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Giám đốc các doanh nghiệp du lịch lữ hành tại các tỉnh, thành phố phía Nam.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Thành Diệu phát biểu khai mạc Hội thảo. Ảnh: Minh Trí – TTXVN
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang Nguyễn Thành Diệu nhấn mạnh, Hội thảo nhằm tập trung thảo luận, đề xuất giải quyết các vấn đề như đánh giá tiềm năng, cơ hội đầu tư và thực trạng phát triển du lịch tỉnh Tiền Giang; nghiên cứu đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng các điểm đến thu hút, hấp dẫn du khách; đồng thời đưa ra những nhóm biện pháp phát triển du lịch một cách căn cơ; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng vùng, miền, thu hút và đào tạo nguồn nhân lực du lịch, đẩy nhanh tiến độ, hiệu quả xúc tiến đầu tư, quảng bá du lịch, chuyển đổi số ngành du lịch…
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Huỳnh Quốc Thắng, giảng viên cao cấp Khoa Văn hóa học, Trường Đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh, Tiền Giang cần đưa ra định hướng chung về giải pháp xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng đạt chuẩn; đổi mới cơ chế, chính sách về mở rộng điều kiện huy động vốn đầu tư ưu tiên cho xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng. Địa phương cần tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, đẩy mạnh liên kết phát triển du lịch, đầu tư nghiên cứu, xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng; quan tâm phát huy vai trò du lịch cộng đồng để xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch phù hợp, hiệu quả, độc đáo, hấp dẫn.
Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: Minh Trí – TTXVN
Thạc sỹ Phan Bửu Toàn, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch Sài Gòn cho rằng, Tiền Giang cần chú ý đến một trong những yếu tố then chốt phát triển du lịch bền vững; đó là đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch đáp ứng nhu cầu khôi phục và phát triển kinh tế – xã hội thời kỳ hậu COVID-19. Về lâu dài, ngành Du lịch tỉnh cần xây dựng Đề án phát triển nguồn nhân lực du lịch một cách cụ thể, khả thi, đáp ứng được nhu cầu thực tế, mang tính dài hơi. Công tác đào tạo nguồn nhân lực phải gắn với các chính sách thu hút nhân lực, chính sách giữ chân người lao động…
Lãnh đạo Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh, giải pháp thúc đẩy liên kết phát triển du lịch giữa Thành phố và tỉnh Tiền Giang nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh du lịch giữa hai địa phương một cách căn cơ, hiệu quả, bền vững. Trong đó, chú trọng các nội dung xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng gắn liền với tài nguyên sinh thái sông nước miệt vườn; đa dạng hóa, nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch để thu hút du khách; liên kết phát triển sản phẩm du lịch địa phương gắn với định hướng của tiểu vùng Đồng Tháp Mười, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long… Từ đó, phát huy tốt hơn vai trò Thành phố Hồ Chí Minh và Tiền Giang là cầu nối du lịch cho cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Các đại biểu dự Hội thảo. Ảnh: Minh Trí – TTXVN
Cùng mong muốn gắn kết để phát triển du lịch bền vững, tháo gỡ những điểm “nghẽn” ảnh hưởng đến ngành du lịch Tiền Giang và Bến Tre, lãnh đạo ngành Du lịch tỉnh Bến Tre nêu rõ, thời gian tới, các đơn vị chủ quản của hai địa phương cần phối hợp chặt chẽ giải quyết dứt điểm tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, chèo kéo khách du lịch; có biện pháp xử lý cụ thể đối với các trường hợp vi phạm. Tiền Giang và Bến Tre cần phối hợp tổ chức nhiều chương trình liên kết du lịch, các hội nghị, hội thảo chung nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp lữ hành có thêm cơ hội tìm hiểu, tạo ra những sản phẩm du lịch mới, lạ, hấp dẫn du khách. Hai tỉnh tăng cường thông tin, tuyên truyền rộng rãi cho người dân, chủ các điểm kinh doanh dịch vụ du lịch hiểu rõ hơn và mạnh dạn đầu tư, phát triển dịch vụ đạt chất lượng. Trước mắt, cần phối hợp liên kết phát triển du lịch, sản phẩm du lịch cụm Cái Bè – Cai Lậy (Tiền Giang) với Chợ Lách (Bến Tre) và cụm Chợ Gạo (Tiền Giang) với cù lao Tam Hiệp (Bến Tre).
Các ý kiến đóng góp tại hội thảo của các nhà khoa học, nhà quản lý, các đại biểu, doanh nghiệp… sẽ được địa phương tiếp thu, vận dụng nhằm tạo đột phá trong phát triển du lịch năm 2022 và các năm tiếp theo để ngành du lịch tiếp tục tăng trưởng bền vững, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế – xã hội Tiền Giang thời kỳ hậu COVID-19. Theo Ban Tổ chức hội thảo, ngành du lịch Tiền Giang đang hồi phục và khởi sắc sau đại dịch COVID-19. Trong 10 tháng của năm 2022, tổng lượng du khách đến Tiền Giang là trên 600.000 lượt, trong đó có 36.000 khách quốc tế; doanh thu đạt trên 300 tỷ đồng.
Minh Trí