Giải pháp phát triển du lịch di sản văn hóa | Tạp chí Quản lý nhà nước

(Quanlynhanuoc.vn) – Bài viết đánh giá thực trạng phát triển và khai thác các điểm du lịch di sản văn hóa của Việt Nam trong thời gian qua, những lợi ích đạt được, những bất cập, khó khăn và nguyên nhân. Trên cơ sở đó khuyến nghị và đề xuất với các nhà hoạch định phát triển du lịch di sản văn hóa và cộng đồng địa phương một số giải pháp để phát triển du lịch di sản văn hóa Việt Nam một cách bền vững.

 

 

Về phát triển du lịch di sản văn hóa ở Việt Nam

Việt Nam hiện có 28 di sản được UNESCO công nhận là di sản thế giới, trong đó có 19 di sản văn hóa (DSVH) (bao gồm 06 DSVH vật thể và 13 DSVH phi vật thể thế giới). Ngoài ra, còn có các di sản thiên nhiên và di sản tư liệu thế giới được UNESCO vinh danh. Những di sản này đã góp phần không nhỏ trong việc quảng bá hình ảnh đất nước, truyền bá các giá trị văn hóa truyền thống của Việt Nam đến với bạn bè quốc tế. Không chỉ dừng lại ở giá trị tinh thần mà các di sản thế giới này còn góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế – xã hội. Theo số liệu thống kê của UNESCO, mỗi năm có khoảng trên 1 tỷ lượt khách du lịch đến tham quan các khu DSVH và thiên nhiên trên thế giới1.

Những năm qua, sự tăng trưởng số lượng khách du lịch đến với các di sản tại Việt Nam cũng có chuyển biến rõ rệt. Hiện tại, các điểm du lịch DSVH vật thể như: quần thể di tích Cố đô Huế, đô thị cổ Hội An, khu Đền tháp Thánh địa Mỹ Sơn, Thành Nhà Hồ và khu trung tâm di tích Hoàng thành Thăng Long là các điểm du lịch DSVH được nhiều du khách trong và ngoài nước tới tham quan hằng năm.

Trong thời gian đầu khi mới được công nhận DSVH, quần thể Di tích Cố đô Huế chỉ đạt vài chục nghìn lượt khách du lịch, đến nay đã thu hút hàng triệu khách tham quan, du lịch mỗi năm. Cùng với sự gia tăng về số lượng khách là nguồn thu hằng năm từ tiền bán vé tại các di sản này cũng tăng lên. Tổng thu du lịch tăng trên 5 lần, từ 96.000 tỷ đồng năm 2010 lên 720.000 tỷ đồng năm 2019, trung bình tăng 26,9%, đóng góp trên 7 – 8% GDP và tác động lan tỏa trên 13,9% GDP; tạo ra trên 1,2 triệu việc làm trực tiếp và 3,6 triệu việc làm gián tiếp2.

Nhiều sản phẩm du lịch di sản đã trở thành thương hiệu đặc trưng cho du lịch Việt Nam. Đặc biệt, DSVH còn là yếu tố quan trọng tạo nên sự khác biệt cho hệ thống điểm đến và sản phẩm du lịch của Việt Nam, kết nối và đa dạng hóa các tuyến du lịch xuyên vùng và quốc tế.

Để đạt được những kết quả đáng khích lệ trên là nhờ công tác quản lý, tổ chức hoạt động tại các DSVH. Hầu hết các DSVH hiện đã có Ban Quản lý trực tiếp chịu trách nhiệm quản lý, điều hành các hoạt động theo Luật và quy định của Nhà nước. Trình độ, năng lực của cán bộ chuyên trách trong lĩnh vực bảo tồn, phát huy giá trị di sản cũng ngày càng nâng cao qua nhiều khóa đào tạo chuyên sâu. Quy chế quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị DSVH cũng đã được UBND các tỉnh có di sản cho xây dựng, ban hành và thực hiện từ nhiều năm qua.

Tính đến nay, các di sản thế giới đã có quy hoạch tổng thể để bảo tồn, phát huy giá trị như quần thể Di tích Cố đô Huế (giai đoạn 2010 – 2020) với tổng mức đầu tư lên đến 1.284 tỷ đồng. Vịnh Hạ Long; khu di tích Mỹ Sơn; khu phố cổ Hội An và các di sản còn lại như khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long; Thành Nhà Hồ đã triển khai xây dựng quy hoạch tổng thể. Thông qua đó, hầu hết các di sản đều đã được tu bổ, bảo quản, chống xuống cấp bằng nhiều biện pháp khác nhau, đồng thời tuyên truyền quảng bá các giá trị cũng như ý thức giữ gìn tới cộng đồng3.

Bên cạnh những kết quả đạt được thì công tác quản lý DSVH vẫn còn nhiều bất cập. Ví dụ, theo Luật Di sản năm 2001 sửa đổi năm 2009 và quy chế quản lý, bảo vệ của di sản Thành Nhà Hồ thì khu vực 1 là vùng bất khả xâm phạm. Tuy nhiên, một số hộ dân đang sinh sống trong khu vực này vẫn tiến hành xây dựng nhà ở và các công trình dân sinh,  gây không ít khó khăn cho công tác quản lý di sản trên địa bàn.

Thực tế, 142 ha của di tích Thành Nội hiện nay vẫn thuộc quyền quản lý của chính quyền địa phương nhưng nhân dân vẫn canh tác, sản xuất lúa và hoa màu chính trong khu vực bảo vệ đặc biệt của di sản. Các hoạt động sản xuất nông nghiệp đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới kiến trúc khảo cổ của di sản. Vấn đề  khó khăn ở đây là Trung tâm Bảo tồn di sản Thành Nhà Hồ chỉ có thể áp dụng các biện pháp quản lý theo quy chế của Luật Di sản, trong khi đó, các hoạt động dân sinh lại dựa vào Luật Đất đai và Luật Xây dựng: dân có sổ đỏ sở hữu đất đai thì có quyền tự do sử dụng đất đai và xây dựng nhà dưới ba tầng thì không cần phải xin giấy phép. Vậy là cứ mạnh ai nấy làm. Và, công tác quản lý, bảo vệ, bảo tồn di sản Thành Nhà Hồ vẫn cứ loay hoay trong một bài toán khó4.

Bên cạnh đó là sự thiếu đồng bộ của các quy chế quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Các Trung tâm/Ban quản lý Di sản chưa tổ chức các cuộc nghiên cứu về công tác quản lý hằng năm để điều chỉnh với tình hình thực tiễn. Một số di sản như ở Hội An, Mỹ Sơn, Huế đến nay vẫn chưa có kế hoạch quản lý tổng hợp theo quy định hướng dẫn thực hiện Công ước Di sản Thế giới 1972. Những di sản khác như: Hoàng Thành Thăng Long, cố đô Huế, Thánh địa Mỹ Sơn chưa có quy chế quản lý, bảo tồn hoặc đã có nhưng chưa điều chỉnh để phù hợp với thực tế công tác quản lý những năm gần đây…

Kết cấu hạ tầng phục vụ hoạt động du lịch thiếu thốn và thiếu đồng bộ khiến nhiều di sản trở nên kém sức hút, một số di sản khác do hạ tầng và dịch vụ xung quanh vùng di sản phát triển tự do ồ ạt và thiếu quản lý của ngành và chính quyền địa phương đã gây ra sự lộn xộn, thay đổi về mặt cảnh quan xung quanh. Việc xả rác bừa bãi cũng làm môi trường xung quanh di sản bị ô nhiễm nặng nề…

Hiện nay, các DSVH phi vật thể như: tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ; Nhã nhạc cung đình Huế; không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên; ca trù; quan họ Bắc Ninh; hội Gióng ở đền Phù Đổng và Đền Sóc; hát Xoan ở Phú Thọ; nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ; dân ca ví dặm Nghệ Tĩnh; nghi lễ Kéo co; thực hành tín ngưỡng thờ mẫu tam tứ phủ; nghệ thuật bài chòi Trung Bộ; hát then của người Tày, Nùng, Thái là những DSVH được UNESCO công nhận là DSVH phi vật thể của nhân loại. Mặc dù những năm qua, Đảng và Nhà nước đã hết sức quan tâm trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị DSVH phi vật thể, nhưng trên thực tế, việc bảo tồn và phát huy các giá trị DSVH phi vật thể gặp rất nhiều khó khăn trong công tác tổ chức duy trì các hoạt động thực hành cũng như đào tạo, truyền nghề cho các thế hệ kế cận…

Hiện tại, chỉ có một vài điểm tham quan DSVH vật thể trên cả nước có tổ chức các hoạt động thực hành và trình diễn giới thiệu các loại hình văn hóa phi vật thể thông qua các đoàn nghệ thuật hoạt động mang tính xã hội hóa. Các hoạt động trình diễn giới thiệu văn hóa phi vật thể chỉ được thực hiện khi có yêu cầu riêng của du khách (du khách phải trả phí xem biểu diễn) cũng như thông qua các ngày lễ hội truyền thống thường niên và không mang tính liên tục tại các điểm tham quan và trong các trung tâm tổ chức sự kiện giới thiệu du lịch lớn của cả nước… Do vậy, các loại hình DSVH phi vật thể rất bị hạn chế trong việc giới thiệu và quảng bá đối với công chúng và du khách trong và ngoài nước…

Một số đánh giá xét trên góc độ quản lý bền vững và hiệu quả các di sản

Theo đánh giá chung, hiện chỉ có một số rất ít các di sản vật thể và thiên nhiên thế giới được UNESCO công nhận đang thực hiện tốt song hành hai nhiệm vụ bảo tồn và phát huy hiệu quả các giá trị di sản.

Những hạn chế, yếu kém trong nội dung quản lý DSVH đã bộc lộ khá rõ, đó là: định hướng quản lý về di sản kết hợp với hoạt động du lịch DSVH chưa rõ ràng; việc triển khai và thực thi các chính sách quản lý bền vững chưa sâu sát. Chưa gắn kết được vai trò trung tâm của cộng đồng dân cư địa phương với các di sản…; chính sách về quản lý và phát triển du lịch DSVH vẫn còn chung chung; việc kiểm tra, giám sát thực hiện quản lý còn lỏng lẻo. Công tác đánh giá và điều chỉnh chính sách không được triển khai hoặc có triển khai nhưng chỉ mang tính hình thức và không được đánh giá chi tiết, không bổ sung những thiếu sót kịp thời.

Công tác quản lý tại các di sản được UNESCO công nhận còn rất lỏng lẻo, chưa có các kế hoạch chi tiết và cụ thể trong việc duy tu bảo dưỡng, bảo tồn các DSVH vật thể. Trên thực tế, vấn đề khó khăn đặt ra hiện nay là lấy nguồn kinh phí ở đâu ngoài nguồn ngân sách hạn hẹp để duy tu, bảo dưỡng, tôn tạo và quản lý các DSVH vật thể? cũng như việc duy trì, bảo tồn và thực hành văn hóa phi vật thể.

Ngoài ra, việc khó khăn nhất hiện nay là chưa có phương hướng cụ thể để kêu gọi đầu tư các nguồn lực xã hội hóa vào các DSVH vật thể và phi vật thể để vừa có thể gìn giữ  vừa có thể phát huy giá trị DSVH nhằm thu hút và phát triển các hoạt động du lịch. Hơn nữa, vai trò của cộng đồng địa phương tại nơi có các di sản chưa được các cấp chính quyền và các cơ quan chức năng quản lý di sản quan tâm và chú trọng, dẫn đến việc phát triển du lịch có thể bị chống đối hoặc phát triển mang tính tự phát, mạnh ai người đấy làm, hoạt động du lịch thiếu ý thức gây ra tổn hại đối với môi trường tự nhiên xung quanh di sản.

Có thể thấy, việc chuyển đổi các giá trị DSVH thành các sản phẩm du lịch nhằm thu hút du khách trong và ngoài nước để tự tái tạo ra nguồn ngân sách phục vụ cho chính nó hiện chưa được đầu tư triệt để, thiếu các nguồn lực và hợp tác triển khai. Vẫn còn tình trạng buông lỏng trong công tác chỉ đạo triển khai quy hoạch; kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch phát triển du lịch nói chung và du lịch DSVH nói riêng. Vai trò của Ban Chỉ đạo về phát triển du lịch DSVH còn mờ nhạt.

Ngoài ra, năng lực quản lý nhà nước về du lịch DSVH của các cấp chính quyền, địa phương nơi có di sản còn yếu kém. Chưa có chính sách khuyến khích phát triển doanh nghiệp có thương hiệu mạnh trong lĩnh vực du lịch DSVH; chưa chú trọng phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt là các hộ gia đình gắn với phát triển du lịch DSVH nói riêng và du lịch nói chung.

Một số giải pháp phát triển du lịch di sản văn hóa tại Việt Nam

Một là, xây dựng mục tiêu phát triển du lịch DSVH cho cộng đồng văn hóa xã hội tại địa phương nơi có các DSVH vật thể và phi vật thể. Những mục tiêu trọng tâm phổ biến nhất sẽ là:

Ở cấp độ môi trường: giảm thiểu các tác động tiêu cực đến môi trường do du lịch (văn hóa) đem lại. Cho phép cộng đồng giới hạn sự chấp nhận có thể thay đổi môi trường của họ. Thu hút người dân địa phương lập kế hoạch và quản lý các tác động đến môi trường. Chứng minh cho người dân địa phương về sự phát triển du lịch văn hóa trong không gian chung của họ sẽ góp phần khôi phục những tác động xấu đến môi trường như là một phần của quá trình bảo tồn các DSVH. Xây dựng các chính sách bắt buộc nhằm bảo đảm các lợi ích do du lịch DSVH đem lại sẽ được trực tiếp đóng góp vào sự tái tạo môi trường và bảo tồn các di sản.

Ở cấp độ kinh tế: lồng ghép cộng đồng vào phát triển kinh tế du lịch địa phương bằng các biện pháp đào tạo, khuyến khích về tài chính, tạo các vườn ươm doanh nghiệp… Mở ra một tổ chức tiếp thị điểm đến địa phương hoặc liên kết cộng đồng với tổ chức tiếp thị điểm đến để tạo ra các lợi thế quy mô về kinh tế cho người dân. Phân tích các lợi thế kinh doanh về du lịch theo không gian và chức năng cho phép số lượng các doanh nghiệp có thể tối đa hưởng lợi về mặt kinh tế đối với di sản. Lập kế hoạch và theo dõi sự phát triển của các doanh nghiệp nhỏ một cách cẩn thận để tránh việc bỏ giữa chừng trong 3 năm đầu kể từ sau khi tổ chức hoạt động du lịch DSVH vật thể hoặc phi vật thể tại địa phương tiến hành.

Ở cấp độ văn hóa – xã hội: bảo đảm ở cấp độ lập kế hoạch và nghiên cứu tính khả thi để các giá trị nổi bật của DSVH không mâu thuẫn với những lợi ích và nguyên tắc của người dân địa phương và thậm chí trao quyền cho họ. Sử dụng việc duy trì và bảo tồn các giá trị di sản như một đòn bẩy cho sự hồi sinh văn hóa (chủ yếu liên quan đến thế hệ trẻ địa phương). Sử dụng quá trình được ghi nhận DSVH như là một công cụ để đánh giá cao về DSVH của địa phương nhằm tăng cường sự kết nối với cộng đồng. Cho phép người dân địa phương thiết lập các chương trình nghị sự riêng để họ có sự trao đổi về văn hóa xã hội và họ sẵn sàng tiếp nhận một lượng lớn du khách đến tham quan. Thiết lập hệ thống giám sát thông qua việc nghiên cứu, ghi lại những thay đổi về văn hóa xã hội nhằm tạo ra sự nhận thức về quản lý các di sản và tạo điều kiện cho các chính sách tham quan linh hoạt và năng động. Cho phép tất cả các thành phần cộng đồng địa phương tham gia vào việc lập kế hoạch, phát triển và hoạt động.

Ở cấp độ chất lượng cuộc sống: bảo đảm quyền truy cập của người dân địa phương vào các cơ sở giải trí, di sản và phát triển du lịch như một phần của việc du lịch hóa các di sản thế giới. Quản lý các mẫu truy cập để bảo đảm khả năng tiếp cận của người dân địa phương đối với các hệ thống giao thông và các dịch vụ khác tại địa phương. Sử dụng sự hiện diện của khách du lịch để tạo ra các sự kiện và dịch vụ giải trí trong ngưỡng kinh tế tối thiểu. Giảm thiểu bất kỳ sự xao lãng tiềm năng nào đến cuộc sống hàng ngày. Giảm thiểu tối đa và loại bỏ toàn bộ những tác động gây ô nhiễm từ khách du lịch tới các di sản thế giới nói riêng và các di sản địa phương nói chung.

Hai là, xây dựng cấp độ liên quan đến cộng đồng và tính trung tâm của cộng đồng tại các DSVH. Trên thực tế, có ba mức độ quan sát có thể tham gia của cộng đồng: bỏ qua – rời khỏi. Cộng đồng ra khỏi quá trình; hoàn toàn bỏ qua thái độ và kỳ vọng từ các DSVH đang phát triển. Do vậy, việc thông báo có nghĩa là các nhà hoạch định và người ra quyết định cần phải thông báo cho cộng đồng về quá trình, tuy nhiên, mong muốn cộng đồng không tham gia vào việc lập kế hoạch, phát triển/hoặc quản lý các điểm đến và/hoặc xác định lợi ích riêng của mình trong quy trình này. Cuối cùng – tham gia bằng cách lắng nghe ý kiến và mong muốn của cộng đồng và xem cộng đồng địa phương như một phần của quá trình tổng thể.

Về mức độ trung tâm của sự tham gia của cộng đồng địa phương trong quá trình cũng có ba cấp độ xác định: cấp độ cộng đồng thấp nhất chỉ đóng vai trò thứ yếu trong việc lập kế hoạch, phát triển và quản lý các di sản thế giới; cấp độ thứ hai đề cập đến các cộng đồng địa phương đóng vai trò như các bên liên quan bình đẳng; cấp độ thứ ba mô tả cộng đồng địa phương đang dẫn dắt quá trình, mức tham gia của họ cao hơn và lợi ích cũng như giới hạn của họ luôn đặt ở trung tâm của quy trình. Điều quan trọng được lưu ý rằng mức độ tham gia của cộng đồng và tính trung tâm của cộng đồng trong quá trình có thể là động lực và thay đổi theo thời gian, cũng như việc phát triển du lịch DSVH có sự di chuyển từ giai đoạn lập kế hoạch, qua giai đoạn phát triển và cuối cùng đạt đến trạng thái ổn định.

Ba là, các bước và thực tiễn trong quá trình xây dựng tham gia của cộng đồng địa phương trong việc phát triển du lịch tại DSVH. Xây dựng sự tham gia của cộng đồng trong việc phát triển du lịch tại DSVH thế giới nói riêng và DSVH nói chung, đòi hỏi sự tích cực tham gia bắt đầu từ giai đoạn lập kế hoạch cho đến khi thực sự vận hành địa điểm này như một điểm thu hút du lịch văn hóa. Các giai đoạn này như là một phần của quy trình lập kế hoạch. Việc thực hiện đúng sẽ bảo đảm lợi ích của cộng đồng được tích hợp tốt trong toàn bộ quá trình xây dựng, phát triển du lịch DSVH.

Chú thích:
1, 2, 3, 4. Số liệu thống kê của Tổng Cục Du lịch. Vietnamtourism.gov.vn

Tài liệu tham khảo:
1. Hà Văn Siêu. Đổi mới trong quy hoạch phát triển du lịch Việt Nam. Website Viện Nghiên cứu phát triển Du lịch, ngày 07/02/2013.

2. Du lịch Việt Nam – Bách khoa toàn thư mở Wikipedia.

3. Vũ Tuấn Anh. Viện Kinh tế Việt Nam. Khai thác tiềm năng thiên nhiên và giá trị văn hóa truyền thống để phát triển du lịch cộng đồng ở Măng Đen. Hà Nội, 2013.

4. Michael M. Coltman. Tiếp thị du lịch. NXB Trẻ TP. Hồ Chí Minh, 1991.

5. Tourism Management at UNESCO World Heritage Sites (2018). edited by Silvia De Ascaniis, Maria Gravari-Barbas and Lorenzo Cantoni.

6. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa.

ThS. Nguyễn Phúc Lưu
Đại học Kinh tế – Trường Đại học Quốc gia