Giải pháp thúc đẩy ngành cơ khí chế tạo Việt Nam
Cơ khí chế tạo là ngành kinh tế – kỹ thuật có vị trí đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế – xã hội, vừa là nền tảng, vừa là động lực cho sự phát triển của nhiều ngành nghề khác nhau, bởi đây là ngành công nghiệp sản xuất ra máy móc, thiết bị cung cấp công cụ cho các ngành kinh tế khác. Theo tác giả, để đẩy mạnh phát triển ngành cơ khí chế tạo nước ta trong thời gian tới cần phải có các giải pháp đồng bộ và hiệu quả.
Mũi nhọn nhưng chưa mạnh
Thực tế cho thấy, trên thế giới không có bất kỳ quốc gia nào thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa mà lại không có ngành công nghiệp cơ khí mạnh. Ở Việt Nam, cơ khí chế tạo là một trong những ngành được Đảng và Nhà nước ta luôn đặt ở vị trí quan trọng, đã có nhiều định hướng quan trọng và chiến lược được ban hành, ưu tiên phát triển và kết quả là đã đạt được nhiều tiến bộ đáng ghi nhận. Thời gian gần đây tỷ trọng giá trị sản xuất công nghiệp cơ khí so với tổng giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng theo từng năm, một số phân ngành đã có sự chuyển biến đáng kể, nhiều thiết bị đã được sản xuất trong nước[1]. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã làm chủ được một số công nghệ hiện đại, tiên tiến, góp phần nâng cao năng lực nội sinh của ngành cơ khí chế tạo.
Trong tiến trình công nghiệp hóa đất nước, công nghiệp cơ khí được coi là khâu then chốt để phát triển nhanh và bền vững các ngành công nghiệp chủ lực của Việt Nam. Trong những năm vừa qua, Chính phủ đã có nhiều chính sách khuyến khích đầu tư, phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, từng bước nội địa hoá linh kiện, phụ kiện để sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Đây đang được coi là hướng đi tất yếu của các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam trong quá trình hội nhập. Xét cả về trung hạn và dài hạn, không thể phủ nhận tầm quan trọng của ngành công nghiệp cơ khí, bởi công nghiệp cơ khí liên quan tới hầu hết các ngành công nghiệp chế tạo quan trọng như ôtô, xe máy, hóa dầu, điện, điện tử, chế tạo máy… Theo đó, ngành cơ khí chế tạo đã tạo ra nhiều sản phẩm, công nghệ mới, hình thành các doanh nghiệp mới với sức cạnh tranh được nâng cao trong điều kiện kinh tế thị trường.
Những kết quả của ngành cơ khí chế tạo thời gian qua không thể tách rời với các kết quả nghiên cứu khoa học và triển khai công nghệ của ngành. Đã có nhiều chương trình nghiên cứu khoa học trọng điểm cấp nhà nước như Nghiên cứu khoa học cơ khí chế tạo (KC.05/06-10), Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ cơ khí, tự động hóa (KC.03/11-15), Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ vật liệu mới (KC.02/11-15), Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia… Ngành cơ khí đã đầu tư, nâng cấp, mở rộng nhiều trung tâm nghiên cứu – triển khai, nhiều tổ chức khoa học và công nghệ. Từ những tổ chức này, nhiều công trình đã được ứng dụng, nhiều sản phẩm có trình độ cơ khí cao trước đây phải nhập khẩu, thì đến nay đã được sản xuất trong nước hoặc tỷ lệ nội địa hóa đạt mức cao…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, ngành cơ khí chế tạo Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế và tồn tại. Cơ khí chế tạo chưa đóng vai trò là ngành công nghiệp nền tảng; chưa có khả năng cạnh tranh để phát triển trong hội nhập; chưa có nhiều công nghệ hiện đại để tham gia chuỗi giá trị toàn cầu ở một số phân ngành; chưa có chiến lược đối với sự phát triển nhanh, bền vững để đáp ứng các yêu cầu công nghiệp hóa của đất nước; chưa tương xứng với tiềm năng, trí tuệ Việt Nam trong lĩnh vực cơ khí chế tạo. Các đơn vị tư vấn chưa làm chủ được thiết kế; các sản phẩm chuyên ngành, các linh, phụ kiện đòi hỏi độ chính xác cao chưa làm được. Tỷ lệ nội địa hóa ở các doanh nghiệp FDI chưa cao[2], khả năng đáp ứng của các doanh nghiệp cơ khí, chế tạo Việt Nam còn rất hạn chế. Tuy có doanh nghiệp FDI mong muốn phối hợp với các nhà cung cấp trong nước để giảm chi phí sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, nhưng rất khó có thể tìm được các nhà cung cấp thích hợp. Nhiều chính sách cho ngành cơ khí chế tạo và công nghiệp hỗ trợ gặp khó khăn trong quá trình triển khai…
Nguyên nhân
Một là, hệ thống pháp luật về cơ khí chế tạo chưa thực sự hoàn thiện, phù hợp, có một số nội dung chưa tạo sự bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp FDI (như quy định của Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư công…) làm cho doanh nghiệp trong nước khó cạnh tranh được với doanh nghiệp nước ngoài trong đấu thầu các dự án. Nhà nước chưa có cơ chế, chính sách đủ mạnh để khuyến khích các doanh nghiệp trong nước đầu tư, nghiên cứu, đổi mới công nghệ trong thiết kế, sản xuất, gia công các sản phẩm cơ khí.
Hai là, Việt Nam là thị trường cơ khí rất lớn, khoảng 40 tỷ USD/năm nhưng thị phần của doanh nghiệp Việt Nam được tham gia còn rất thấp. Chi tiêu công là ưu thế để cơ khí phát triển nhưng vẫn chủ yếu là hàng nhập ngoại, kể cả đối với những sản phẩm chúng ta không những làm được mà còn làm tốt hơn nhiều sản phẩm nhập khẩu.
Ba là, sự chỉ đạo của Nhà nước chưa quyết liệt, chưa chặt chẽ, sự phối hợp giữa các cơ quan, bộ, ngành chưa đồng bộ, hiệu quả, chưa tạo động lực đủ mạnh để doanh nghiệp quan tâm đầu tư cho đổi mới và phát triển công nghệ. Vai trò quản lý, kiểm tra, đề xuất và triển khai thực hiện cơ chế chính sách phát triển ngành cơ khí chế tạo của các cơ quan quản lý nhà nước còn hạn chế, thiếu sự nhất quán, đặc biệt là về cơ chế tài chính.
Bốn là, quản lý nhà nước về lĩnh vực cơ khí chế tạo chưa được tập trung, quan tâm đúng mức. Từ chỗ có Bộ quản lý về cơ khí là Bộ Cơ khí và Luyện kim, hiện nay chỉ còn 2 – 3 nhân viên theo dõi tại Bộ Công thương
Năm là, các chủ đầu tư các dự án sử dụng vốn trong nước chưa tạo điều kiện cho các nhà thầu trong nước tham gia các gói thầu. Có nhiều dự án chúng ta hoàn toàn làm chủ về công nghệ để triển khai thì doanh nghiệp nước ngoài với các lý do khác nhau vẫn trúng thầu, thậm chí công nghệ của họ còn lạc hậu hơn. Phần lớn gói thầu cung cấp thiết bị cơ khí cần lượng vốn lớn, nên chủ đầu tư thường áp dụng hình thức thu xếp vốn từ chính nhà thầu cung cấp thiết bị nước ngoài, dẫn đến khả năng để các doanh nghiệp cơ khí trong nước được thực hiện các gói thầu là rất khó.
Sáu là, trong bối cảnh quy mô và trình độ phát triển nền kinh tế của Việt Nam còn thấp, các doanh nghiệp nhà nước chậm đổi mới, thiếu chủ động chuyển đổi cơ chế quản lý đồng bộ, còn nặng tư tưởng quản lý bao cấp, chưa thực sự quan tâm đến việc đổi mới cơ chế quản lý theo hướng thị trường để đầu tư sản xuất, nghiên cứu KH&CN, chuyển giao công nghệ, tìm kiếm sản phẩm mới đáp ứng thị trường trong nước và xuất khẩu[3].
Bảy là, các doanh nghiệp tư nhân, hầu hết quy mô nhỏ bé, không đủ vốn để đầu tư vào lĩnh vực cơ khí chế tạo; năng lực về quản lý, công nghệ… còn hạn chế để thực hiện các dự án lớn, trong khi đó các doanh nghiệp còn hoạt động phân tán, khép kín trong nội bộ, thiếu sự phối kết hợp giữa các doanh nghiệp, dẫn đến sản xuất gặp khó khăn, chi phí sản xuất cao, khả năng cạnh tranh thấp, chất lượng sản phẩm hạn chế.
Tám là, các doanh nghiệp chưa chủ động tham gia hội nhập kinh tế quốc tế. Năng lực nghiên cứu phát triển hạn chế, vì vậy, mặc dù năng lực chế tạo có thể đảm nhận được tỷ lệ nội địa hóa lớn, nhưng vẫn phải làm gia công cho nước ngoài. Sự phối hợp giữa các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là giữa tổ chức tư vấn thiết kế và nhà chế tạo, giữa các doanh nghiệp chế tạo với nhau nhằm khai thác hết tiềm năng, thế mạnh từng doanh nghiệp còn rất hạn chế, dẫn đến đầu tư trùng lắp, giảm hiệu quả.
Chín là, doanh nghiệp thiếu vốn để đầu tư có chiều sâu, đổi mới công nghệ hoặc để đầu tư nhằm tạo ra sản phẩm mới có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường trong và ngoài nước. Thiếu các tổng công trình sư hoặc kỹ sư trưởng cho các dự án thiết bị toàn bộ; thiếu lực lượng nghiên cứu phát triển, trước hết là lực lượng thiết kế, chế tạo.
Giải pháp phát triển
Hiện nay, KH&CN đang phát triển với một tốc độ nhanh chưa từng có, đạt đến một trình độ mà chỉ một thời gian ngắn trước đó cũng không thể tưởng tượng nổi – KH&CN của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, nhưng trình độ KH&CN của nước ta hiện nay còn thấp so với nhiều nước trên thế giới và một số nước trong khu vực; năng lực sáng tạo công nghệ mới còn hạn chế…, ngành cơ khí chế tạo chưa đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và mong mỏi, nguyện vọng của người dân. Để thúc đẩy phát triển cơ khí chế tạo, một số giải pháp lớn cần được quan tâm cụ thể là:
(1) Cần có quan điểm rõ ràng về vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng của cơ khí chế tạo trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, đưa nước ta trở thành nước công nghiệp hiện đại. Theo đó, trong chủ trương, đường lối, văn kiện của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021-2030; Kế hoạch 5 năm 2021-2025 phải nêu được các giải pháp, lộ trình và bước đi phù hợp để dần khôi phục lại và nâng nhanh vị thế của ngành cơ khí chế tạo Việt Nam, một ngành đã từng đứng đầu khu vực Đông Nam Á.
(2) Xây dựng chiến lược về phát triển cơ khí chế tạo trên cơ sở khai thác thế mạnh của Việt Nam về nguồn nhân lực, về thị trường rất tiềm năng… gắn với phát triển của ngành, lĩnh vực như: sản xuất máy công cụ phục vụ phát triển nông nghiệp; đẩy mạnh hoạt động thiết kế, chế tạo máy cái để hạn chế nhận gia công cho doanh nghiệp nước ngoài; chế tạo, sản xuất trang thiết bị phục vụ phát triển kinh tế biển, công nghiệp đường sắt, sân bay, bến cảng; củng cố, phát triển ngành công nghiệp vật liệu, các nhà máy luyện kim phục vụ cho sản xuất cơ khí, chế tạo.
(3) Phải coi chi tiêu công là hộ tiêu thị lớn của ngành cơ khí Việt Nam. Chi tiêu công của Việt Nam là thị trường lớn, đầy tiềm năng. Có thị trường này, cơ khí Việt Nam sẽ phát triển. Muốn vậy phải ưu tiên sử dụng sản phẩm được tạo ra trong nước trong mua sắm, đầu tư công liên quan đến lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và cơ khí chế tạo.
(4) Xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù cho hoạt động nghiên cứu trong lĩnh vực công nghệ, sản phẩm mũi nhọn; lựa chọn ngành và lĩnh vực sản phẩm để phát triển theo lộ trình. Xây dựng cơ chế phối hợp tốt giữa Nhà nước, doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà tiêu dùng, trong đó lấy nhà tiêu dùng, thị trường làm trung tâm.
(5) Nâng cao vai trò của Nhà nước trong việc định hướng, tạo điều kiện cho phát triển cơ khí chế tạo thông qua các chính sách về thuế, đất đai, tín dụng, đào tạo cán bộ; xây dựng các hàng rào kỹ thuật để bảo hộ “mềm” cho các doanh nghiệp cơ khí chế tạo trong nước phát triển, ngăn chặn đưa công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường vào Việt Nam; tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.
(6) Tái thành lập ít nhất là một cơ quan quản lý nhà nước đủ mạnh về cơ khí chế tạo để nâng cao năng lực quản lý và chỉ đạo của Nhà nước trong lĩnh vực này. Nhiều chuyên gia cho rằng, ít nhất phải có một ban về cơ khí chế tạo hoặc một cục quản lý nhà nước về vấn đề này.
(7) Có chiến lược đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm thay thế đội ngũ cán bộ kỹ thuật được đào tạo bài bản ở nước ngoài trước đây, nay đã đến tuổi nghỉ hưu. Đào tạo đội ngũ kỹ sư, công nhân có tay nghề, có kỹ thuật cao; sử dụng, cập nhật phần mềm, công nghệ, máy móc hiện đại để thiết kế, chế tạo và sản xuất, kinh doanh.
(8) Cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp cơ khí chế tạo trong nước tham gia thực hiện các Dự án đầu tư lớn của Nhà nước (như sân bay Long Thành, đường sắt cao tốc…); tiếp cận, học hỏi, chuyển giao công nghệ từ các doanh nghiệp nước ngoài để nâng cao trình độ phát triển của cơ khí chế tạo Việt Nam.
(9) Các doanh nghiệp cơ khí cần đổi mới tư duy, xây dựng chiến lược, giải pháp phát triển phù hợp, từng bước làm chủ KH&CN, chủ động về nguồn vốn đầu tư để có được sản phẩm đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước, tiếp cận tiêu chuẩn của thị trường khu vực và quốc tế. Đẩy mạnh liên doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp cơ khí chế tạo trong nước; phát huy vai trò dẫn dắt, liên kết của các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực cơ khí chế tạo; tăng cường hợp tác với doanh nghiệp nước ngoài để nâng cao năng lực điều hành, quản lý, tiếp nhận công nghệ cao, công nghệ mới, công nghệ tiên tiến để áp dụng vào sản xuất, kinh doanh./.