Giải thích các thuật ngữ trong ngành tiêu chuẩn đo lường chất lượng

Giải thích các thuật ngữ trong ngành tiêu chuẩn đo lường chất lượng

06/04/2022

Thuật ngữ là những từ ngữ biểu thị khái niệm khoa học, công nghệ, thường được dùng trong các văn bản khoa học, công nghệ. Các thuật ngữ nói chung đều không bị thay đổi ở các ngôn ngữ khác nhau, có nghĩa là thuật ngữ mang tính quốc tế và biểu thị chung cho toàn cầu. Vinalab xin liệt kê môt số thuật ngữ thường được sử dụng trong ngành tiêu chuẩn đo lường chất lượng hiện nay.

1. Thử nghiệm và Thí nghiệm là gì?

Thí nghiệm, hay thực nghiệm, là một bước trong phương pháp khoa học dùng để phân minh giữa mô hình khoa học hay giả thuyết. Một thí nghiệm thường có mục đích chính là kiểm tra giả thuyết. Tuy nhiên, thí nghiệm cũng được dùng để kiểm chứng câu hỏi hoặc kiểm tra kết quả trước đó.

(Theo Wikipedia Tiếng Việt)

Thử nghiệm là thao tác kỹ thuật nhằm xác định một hay nhiều đặc tính của đối tượng cụ thể (sản phẩm, hàng hóa, thiết bị….) theo một quy trình nhất định.

(Theo Luật Chất lượng Sản phẩm hàng hóa số 05/2007/QH12 ngày 21 tháng 11 năm 2007)

Thử nghiệm là việc xác định một hoặc một số đặc tính kỹ thuật đo lường của phương tiện đo, chuẩn đo lường.

(Theo Luật Đo lường số 04/2011/QH13 ngày 11 tháng 11 năm 2011)

Thử nghiệm và Thí nghiệm là gì?
Thử nghiệm và Thí nghiệm là gì?

2. Tiêu chuẩn là gì?

Tiêu chuẩn là quy định về đặc tính kỹ thuật và yêu cầu quản lý dùng làm chuẩn để phân loại, đánh giá sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ, quá trình, môi trường và các đối tượng khác trong hoạt động kinh tế – xã hội nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả của các đối tượng này.

Tiêu chuẩn do một tổ chức công bố dưới dạng văn bản để tự nguyện áp dụng. Việc xác nhận đối tượng của hoạt động trong lĩnh vực tiêu chuẩn phù hợp với tiêu chuẩn tương ứng gọi là chứng nhận hợp chuẩn

(Theo Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn Kỹ thuật số 68/2006/QH11 ngày 29 tháng 6 năm 2006)

Tiêu chuẩn là gì?
Tiêu chuẩn là gì?

3. Quy chuẩn là gì?

Quy chuẩn kỹ thuật là quy định về mức giới hạn của đặc tính kỹ thuật và yêu cầu quản lý mà sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ, quá trình, môi trường và các đối tượng khác trong hoạt động kinh tế – xã hội phải tuân thủ để bảo đảm an toàn, vệ sinh, sức khoẻ con người; bảo vệ động vật, thực vật, môi trường; bảo vệ lợi ích và an ninh quốc gia, quyền lợi của người tiêu dùng và các yêu cầu thiết yếu khác.

Quy chuẩn kỹ thuật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành dưới dạng văn bản để bắt buộc áp dụng. Việc xác nhận đối tượng của hoạt động trong lĩnh vực quy chuẩn kỹ thuật phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng gọi là chứng nhận hợp quy.

(Theo Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn Kỹ thuật số 68/2006/QH11 ngày 29 tháng 6 năm 2006)

Quy chuẩn là gì?
Quy chuẩn là gì?

4. Đánh giá sự phù hợp là gì?

Đánh giá sự phù hợp là việc xác định đối tượng của hoạt động trong lĩnh vực tiêu chuẩn và đối tượng của hoạt động trong lĩnh vực quy chuẩn kỹ thuật phù hợp với đặc tính kỹ thuật và yêu cầu quản lý quy định trong tiêu chuẩn tương ứng và quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.

Đánh giá sự phù hợp bao gồm hoạt động thử nghiệm, hiệu chuẩn, giám định, chứng nhận hợp chuẩn, chứng nhận hợp quy, công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy, công nhận năng lực của phòng thử nghiệm, phòng hiệu chuẩn, tổ chức chứng nhận sự phù hợp, tổ chức giám định.

(Theo Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn Kỹ thuật số 68/2006/QH11 ngày 29 tháng 6 năm 2006)

Đánh giá sự phù hợp là gì?
Đánh giá sự phù hợp là gì?

5. Hiệu chuẩn là gì?

Hiệu chuẩn là hoạt động xác định, thiết lập mối quan hệ giữa giá trị đo của chuẩn đo lường, phương tiện đo với giá trị đo của đại lượng cần đo. Trong đó:

Chuẩn đo lường là phương tiện kỹ thuật để thể hiện, duy trì đơn vị đo của đại lượng đo và được dùng làm chuẩn để so sánh với phương tiện đo hoặc chuẩn đo lường khác.

Phương tiện đo là phương tiện kỹ thuật để thực hiện phép đo.

Phép đo là tập hợp những thao tác để xác định giá trị đo của đại lượng cần đo.

(Theo Luật Đo lường số 04/2011/QH13 ngày 11 tháng 11 năm 2011)

Hiệu chuẩn là gì?
Hiệu chuẩn là gì?

6. Giám định là gì?

Giám định là việc xem xét sự phù hợp của sản phẩm, hàng hóa so với hợp đồng hoặc tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng bằng cách quan trắc và đánh giá kết quả đo, thử nghiệm.

(Theo Luật Chất lượng Sản phẩm hàng hóa số 05/2007/QH12 ngày 21 tháng 11 năm 2007)

Giám định là gì?
Giám định là gì?

7. Kiểm định là gì?

Kiểm định là hoạt động kỹ thuật theo một quy trình nhất định nhằm đánh giá và xác nhận sự phù hợp của sản phẩm, hàng hoá với yêu cầu quy định trong quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.

(Theo Luật Chất lượng Sản phẩm hàng hóa số 05/2007/QH12 ngày 21 tháng 11 năm 2007)

Kiểm định an toàn hay kiểm định kỹ thuật an toàn là hoạt động kỹ thuật theo một quá trình kiểm định nhằm đánh giá và xác nhận sự phù hợp tình trạng kỹ thuật an toàn của đối tượng kiểm định được quy định trong các quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn kỹ thuật tương ứng đối với đối tượng kiểm định.

Kiểm định là hoạt động đánh giá, xác nhận đặc tính kỹ thuật đo lường của phương tiện đo theo yêu cầu kỹ thuật đo lường.

(Theo Luật Đo lường số 04/2011/QH13 ngày 11 tháng 11 năm 2011)

Kiểm định là gì?
Kiểm định là gì?

8. Chứng nhận là gì?

Chứng nhận là việc đánh giá và xác nhận sự phù hợp của sản phẩm, quá trình sản xuất, cung ứng dịch vụ với tiêu chuẩn công bố áp dụng (gọi là chứng nhận hợp chuẩn) hoặc với quy chuẩn kỹ thuật (gọi là chứng nhận hợp quy).

(Theo Luật Chất lượng Sản phẩm hàng hóa số 05/2007/QH12 ngày 21 tháng 11 năm 2007)

Chứng nhận là gì?
Chứng nhận là gì?

9. Kiểm tra nhà nước là gì?

Kiểm tra nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hoá (sau đây gọi là kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa) là việc cơ quan nhà nước xem xét, đánh giá lại chất lượng sản phẩm, hàng hoá, quá trình sản xuất, cung ứng dịch vụ đã được đánh giá chất lượng bởi các tổ chức đánh giá sự phù hợp hoặc đã được áp dụng các biện pháp quản lý chất lượng khác của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh.

(Theo Luật Chất lượng Sản phẩm hàng hóa số 05/2007/QH12 ngày 21 tháng 11 năm 2007)

Kiểm tra nhà nước là gì?
Kiểm tra nhà nước là gì?

Trên đây là một số thuật ngữ thường được sử dụng trong các văn bản hành chính cũng như trong hoạt động làm việc của ngành tiêu chuẩn đo lường chất lượng. Rất mong những kiến thức này sẽ giúp ích được cho các bạn trong học tập cũng như trong công việc.

Chia sẻ: