Giám đốc Sở Du lịch: TP.HCM “lội dòng nước ngược”, nhưng đúng hướng


Từ sau đại dịch, ngành du lịch TP.HCM đã xác định chuyển hướng, không những trong vai trò là thị trường cung cấp nguồn khách cho các điểm đến trên cả nước, mà còn là một điểm đến hấp dẫn thu hút khách đến tham quan, khám phá.

Sau thời gian dài trì trệ vì làn sóng đại dịch COVID-19, ngành du lịch TP.HCM từng bước được phục hồi và phát triển bứt phá, đánh dấu sự trở lại của một trong những thị trường du lịch năng động nhất cả nước.

Đứng đầu danh sách 10 điểm đến trong nước được yêu thích nhất

Nhờ thực hiện đồng bộ các chính sách về phục hồi và phát triển du lịch, du lịch TP.HCM lần lượt ghi nhận nhiều tín hiệu khả quan. Căn cứ trên dữ liệu đặt phòng của nền tảng Agoda từ tháng 5 đến tháng 8/2022 cho thấy, thành phố thu hút nhiều sự quan tâm và tình cảm của du khách khi vượt qua nhiều tỉnh thành khác để dẫn đầu danh sách “10 điểm đến trong nước được yêu thích nhất”.

Từ đầu mùa hè đến nay, các điểm vui chơi, giải trí trên địa bàn cũng liên tục tiếp đón nhiều du khách.

Giám đốc Sở Du lịch: TP.HCM "lội dòng nước ngược", nhưng đúng hướng - 1

Du khách hào hứng ngồi xe buýt hai tầng tham quan TP.HCM. Ảnh: Sở Du lịch TP.HCM

Đơn cử như Thảo cầm viên Sài Gòn, một điểm đến được nhiều du khách thập phương yêu mến khi ghé thăm TP.HCM, luôn trong tình trạng chật kín khách tham quan kể từ khi bước vào mùa du lịch hè. Đại diện đơn vị cho biết, những ngày cuối tuần, Thảo cầm viên đón khoảng 30 nghìn đến 40 nghìn lượt khách tham quan, vui chơi giải trí.

“Sở dĩ người dân và du khách thích đến Thảo cầm viên Sài Gòn do nơi đây có hệ thống cây xanh lớn nhất thành phố, thích hợp cho các gia đình có con nhỏ vừa tranh thủ tham quan, tìm hiểu về động vật, thực vật vừa có thể nghỉ ngơi dưới bóng cây khi trời nắng”, vị đại diện này chia sẻ.

Khu du lịch văn hóa Suối Tiên tại Thành phố Thủ Đức (TP.HCM) cũng ghi nhận lượng lớn du khách đổ về trong mùa du lịch hè. Bà Bùi Thị Tố Trinh, Phó Tổng giám đốc Khu du lịch văn hóa Suối Tiên cho biết, trung bình mỗi ngày, khu du lịch đón khoảng 8 nghìn đến 10 nghìn lượt khách, chủ yếu là học sinh hoặc các đoàn khách lẻ đến từ các tỉnh, thành lân cận.

Giám đốc Sở Du lịch: TP.HCM "lội dòng nước ngược", nhưng đúng hướng - 2

Rất đông du khách đến vui chơi tại Thảo cầm viên Sài Gòn trong những ngày cuối tuần. Ảnh: Tuổi trẻ Thủ đô

Không riêng các khu du lịch, hệ thống các khách sạn 4 – 5 sao tại TP.HCM cũng ghi nhận lượng đặt phòng tăng đáng kể. Nhiều khách sạn đạt công suất phòng ở mức 85 – 90% kể từ khi Chính phủ cho phép “thông quan” du lịch quốc tế từ giữa tháng 3.

Đại diện khách sạn Park Hyatt Saigon cho biết tình hình kinh doanh bắt đầu khởi sắc khi Việt Nam đón du khách quốc tế trở lại. Từ tháng 6, bước vào mùa hè công suất phòng tăng mạnh, đạt 80 – 85%. 

“Mức này có thể tăng hơn nhưng chúng tôi cân đối dựa vào công suất phòng và khả năng phục vụ của nhân sự để đảm bảo chất lượng dịch vụ. Hiện nhóm khách chính vẫn là doanh nhân, tỉ lệ người Việt và khách người nước ngoài chia đều”, đại diện Park Hyatt Saigon thông tin.

Tương tự, khách sạn Sheraton Sài Gòn cũng có mức tăng trưởng đáng kể, từ mức công suất phòng 30% hồi đầu năm nay đã nhanh chóng vọt lên 85 – 90% vào những tháng hè. Đối tượng khách chủ yếu là khách đoàn nội địa đến thành phố để dự hội nghị, các doanh nghiệp họp mặt, tổ chức sự kiện.

Giám đốc Sở Du lịch: TP.HCM "lội dòng nước ngược", nhưng đúng hướng - 3

Nhân viên lễ tân khách sạn mở cửa đón khách.

Du lịch thành phố còn nhiều dư địa để phát triển

Thời gian qua, Sở Du lịch Thành phố cùng các quận, huyện và doanh nghiệp không ngừng đổi mới và nâng cao chất lượng dịch vụ. Trong đó, nổi bật phải kể đến là chiến lược “mỗi quận, huyện có ít nhất một sản phẩm đặc trưng” nhằm gia tăng sản phẩm du lịch, tăng sức hấp dẫn cho điểm đến.

Giám đốc Sở Du lịch: TP.HCM "lội dòng nước ngược", nhưng đúng hướng - 4

Là một thành phố có bề dày lịch sử và văn hóa đa dạng, TP.HCM còn nhiều tiềm năng để phát triển du lịch trong thời gian tới. 

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, đánh giá chiến lược mỗi quận, huyện một sản phẩm du lịch là một nỗ lực của thành phố trong việc đưa những giá trị lịch sử, điểm đến hấp dẫn nhưng chưa được chú trọng đưa vào khai thác du lịch.

“Qua các đợt khảo sát, những tour tuyến mới được xây dựng, trở thành sản phẩm du lịch đón khách cho thấy tiềm năng của du lịch TP.HCM còn rất lớn và rất nhiều dư địa phát triển. Chiến lược biến TP.HCM thành điểm đến hấp dẫn, dù là khó khăn, lội dòng nước ngược nhưng đến giờ chúng tôi thấy đang đi đúng hướng”, bà Ánh Hoa chia sẻ.

Theo đại diện Công ty TSTtourist nhận xét, mỗi quận, huyện ở TP.HCM đều có những đặc trưng riêng để thu hút du khách, như Quận 1 có nhiều công trình văn hóa lịch sử du khách có thể trải nghiệm, giải trí, mua sắm; Quận 3 có du lịch ẩm thực, mua sắm; Quận 4 có thế mạnh du lịch văn hóa – lịch sử; Quận 5 là thế giới ẩm thực với không gian văn hóa của người Hoa…

Được biết, trong thời gian tới, Sở Du lịch thành phố sẽ tiếp tục phối hợp các sở, ban, ngành, các quận, huyện và Thành phố Thủ Đức khảo sát, thiết kế các tour/tuyến du lịch nội vùng. Đồng thời, Sở cũng thực hiện lấy ý kiến góp ý cho đề án Phố đi bộ và khu ẩm thực Hà Tôn Quyền, Quận 11, cũng như phối hợp Huyện Nhà Bè khảo sát các địa điểm tiềm năng phát triển du lịch ven sông nhằm đẩy mạnh sản phẩm du lịch đường thủy của thành phố.

Ngoài ra, Sở Du lịch còn dành sự quan tâm lớn đến việc làm mới lại các chương trình du lịch tại các điểm đến của thành phố, gắn với các hoạt động trải nghiệm, đạp xe tại các vùng nông thôn ngoại thành, tìm hiểu văn hóa địa phương, tham gia các hoạt động hướng đến việc bảo vệ môi trường…

Giám đốc Sở Du lịch: TP.HCM "lội dòng nước ngược", nhưng đúng hướng - 5

Lãnh đạo TP.HCM đạp xe tham quan Cần Giờ. Ảnh: Hải An

Về du lịch quốc tế, Sở Du lịch và Trung tâm Xúc tiến du lịch TP.HCM sẽ đẩy mạnh các chương trình truyền thông điểm đến thông qua các kênh truyền thông lớn của thế giới, cũng như kênh trực tuyến, mạng xã hội… nhằm lan tỏa, quảng bá nét đẹp thiên nhiên, kiến trúc, văn hóa, lịch sử, ngành nghề truyền thống của thành phố đến với du khách nước ngoài, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu đón khoảng 3,5 triệu lượt khách quốc tế đến tham quan trong năm 2022.