Giám đốc Sở Văn hóa Phú Thọ nói về lễ hội Linh tinh tình phộc
Ông Nguyễn Đắc Thủy, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ khẳng định lễ hội Trò trám và lễ hội Cướp kén xã Dị Nậu (huyện Tam Nông) được tổ chức hàng năm theo tập quán truyền thống của địa phương.
Tại lễ hội Trò trám (diễn ra 11, 12 tháng Giêng), vật linh nõ – nường được thờ quanh năm trong hòm kín ở miếu. Đến ngày tổ chức lễ hội mới được đem ra để người ta thực hành nghi lễ – “Lễ mật”.
Thời gian tổ chức vào lúc nửa đêm, trong miếu chỉ có ông từ và đôi trai gái thực hành nghi lễ cho cộng đồng, mang ước nguyện về cuộc sống sinh sôi nảy nở, phát triển.
Không chỉ có “Lễ mật”, lễ hội phồn thực Trò trám còn có nhiều nghi lễ và hoạt động khác nhằm cầu mong một năm mùa màng tươi tốt như rước bông lúa thần đi quanh làng… Phần “tháo khoán” để trai gái tự do yêu đương theo tục xưa cũng không còn.
Lễ mật được tổ chức vào nửa đêm với ước nguyện của người dân về cuộc sống sinh sôi nảy nở, phát triển.
Ảnh: Đinh Huy
Từ góc độ nhà quản lý văn hóa, ông Nguyễn Đắc Thủy nêu quan điểm để tránh làm biến tướng, dung tục hoá, câu khách cho các lễ hội truyền thống, các nhà quản lý, các nhà nghiên cứu văn hóa, lễ hội cần phải nghiên cứu kỹ tập quán truyền thống và giá trị cốt lõi của di sản, lễ hội để hướng dẫn cho nhân dân từ lúc phục dựng cho đến lúc thực hành.
“Đừng biến lễ hội truyền thống thành sự kiện để câu khách. Điều đó đi ngược với mong ước của cộng đồng, người dân về quá trình thực hành văn hóa. Người làm công tác quản lý phải kiên quyết bảo vệ những giá trị cốt lõi, mong muốn cộng đồng gửi gắm vào lễ hội”, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ nói.
Bên cạnh Lễ mật, lễ hội Trò trám có nhiều nghi lễ cầu mong một năm mùa màng tươi tốt. Ảnh: ĐINH HUY.
Tín ngưỡng phồn thực không thuần túy là tình dục
PGS.TS Nguyễn Văn Huy – nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Giám đốc chuyên môn Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam khẳng định mỗi dân tộc có những phong tục tập quán khác nhau. Các tập quán là những sinh hoạt của cộng đồng, những sinh hoạt này bắt nguồn từ tín ngưỡng xa xôi.
“Tín ngưỡng phồn thực là sự mong mỏi về sự sinh trưởng, phát triển. Tín ngưỡng này cũng gắn với cây cỏ, con người”, PGS.TS Nguyễn Văn Huy nêu.
PGS.TS Huy cho biết tín ngưỡng phồn thực phổ biến ở nhiều dân tộc, trong đó phía Bắc nước ta có hai lễ hội phồn thực được biết đến nhiều nhất là Linh tinh tình phộc (Trò trám, Phú Thọ), lễ hội Ná Nhèm (Lạng Sơn). Ngoài ra ở nhiều tộc người cũng có những hình thức thờ cúng, sinh hoạt liên quan âm dương, phồn thực.
Theo TS. Đặng Vũ Cảnh Linh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thanh niên, Lễ hội Ná Nhèm ở Lạng Sơn hay Trò Trám ở Phú Thọ đại diện cho tín ngưỡng phồn thực tồn tại cho tới ngày nay.
“Về bản chất, phồn thực là tín ngưỡng dân gian thờ các sinh thực khí và những biểu tượng liên quan đến mối quan hệ tình dục giữa nam và nữ. Tuy nhiên ý nghĩa của tín ngưỡng phồn thực không phải thuần túy là tình dục. Thời xưa các cụ quan niệm rằng việc thờ sinh thực khí thể hiện được ý nghĩa về việc sinh sản, sinh sôi nảy nở hay rộng hơn là sự phát triển của nền nông nghiệp lúa nước”, TS. Đặng Vũ Cảnh Linh cho biết./.