Giảm phí trước bạ: Cứu cánh cho thị trường ô tô trong nước đang ảm đạm?

Ngay sau khi kết thúc kỳ nghỉ Tết Quý Mão 2023, thị trường ô tô Việt Nam đã có dấu hiệu lao dốc và ảm đạm dù vừa vượt mốc thị trường nhỏ vào cuối năm 2022. Để kích cầu, nhiều hãng ô tô tại Việt Nam liên tục tung ra những hình thức khuyến mại, ưu đãi lớn. Tuy nhiên, mọi cố gắng dường như chưa đủ sức để giúp doanh số bán hàng của thị trường tăng trưởng trở lại như kì vọng.

Thị trường lao dốc

Theo số liệu của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), kết thúc tháng 1/2023, doanh số bán hàng của toàn thị trường chỉ đạt 17.314 xe, giảm 51% so với tháng 12/2022 và giảm 44% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là tháng thứ 3 liên tiếp sụt giảm của thị trường ô tô Việt.  Trong tổng số 17.314 xe đã bán được trong tháng 1/2023, doanh số của xe lắp ráp trong nước đạt 8.086 chiếc và xe nhập khẩu nguyên chiếc là 9.228 chiếc, lần lượt giảm 54% và 48%.

Các thành viên ngoài VAMA cũng không ngoại lệ trong tháng đầu tiên của năm 2023. Theo báo cáo của TC Motor – đơn vị lắp ráp và phân phối thương hiệu Hyundai, doanh số xe bán ra chỉ đạt 3.496 xe, giảm hơn 173% (6.049 xe) so với tháng 12/2022. VinFast cũng chỉ bán được 385 xe, giảm mạnh tới 3.920 xe so với tháng 12/2022. Nếu tính cả TC Motor (3.496 xe) và VinFast (358 xe), tổng doanh số cũng chỉ là hơn 21.000 xe, giảm gần 28.000 xe so với tháng 12/2022 (49.124 xe), tương đương gần 57%.

Đến tháng 2/2023, theo báo cáo từ Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), doanh số bán hàng của toàn thị trường cũng chỉ tăng 1% so với cùng kỳ tháng 2/2022.

Tháng 2/2023, doanh số bán hàng của toàn thị trường đạt 23.040 xe, tăng 33% so với tháng 1/2023, tăng 1% so với tháng 2/2022. Sản lượng tiêu thụ xe du lịch đạt 16.970 chiếc, tăng 21% so với tháng trước; xe thương mại đạt 5.760 chiếc, tăng 81% và xe chuyên dụng đạt 300 chiếc, tăng 188%. Doanh số bán của xe lắp ráp trong nước đạt 12.432 xe, tăng 54% so với tháng trước và doanh số xe nhập khẩu nguyên chiếc là 10.608 xe, tăng 15% so với tháng trước.

Doanh số thị trường xe Việt Nam trong các tháng 11,12/2022 và 1,2 của năm 2023. Nguồn:VAMA.
Doanh số thị trường xe Việt Nam trong các tháng 11,12/2022 và 1,2 của năm 2023. Nguồn:VAMA.

Tổng doanh số bán hàng của toàn thị trường tính đến hết tháng 02/2023 giảm 25% so với 2022. Trong đó, xe ô tô du lịch giảm 28%; xe thương mại giảm 10% và xe chuyên dụng giảm 47% so với năm 2022. Doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước giảm 38%, trong khi xe nhập khẩu giảm 3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên đầu tiên là vấn đề trùng thời gian với dịp nghỉ Tết Nguyên đán nên đã rút ngắn khoảng thời gian mua sắm của người tiêu dùng Việt Nam dịp đầu năm 2023. Tiếp đến là bởi nhiều người tiêu dùng gặp các vướng mắc liên quan đến tài chính và vấn đề lãi suất ngân hàng thời gian qua. Trong đó quan trọng nhất là việc ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi cũng như lãi cho vay nhằm hạn chế lạm phát. Khả năng vay để mua xe cũng khó khăn hơn khi lãi quá cao. Không chỉ thế, người tiêu dùng cũng gặp khó về vấn đề room tín dụng khi ngân hàng siết chặt hơn việc xét duyệt cho vay mua xe.

Bên cạnh đó, theo văn bản đánh giá tác động của việc không áp dụng quy định về mức độ rời rạc đối với linh kiện nhập khẩu mới đây của Bộ Công Thương gửi Bộ Tài chính mới đây, mức giá xe tại Việt Nam cao hơn gần 2 lần so với các nước trong khu vực như Thái Lan và Indonesia. Con số này còn lớn hơn nếu so với các nước có ngành công nghiệp ô tô đã phát triển ổn định như Mỹ và Nhật Bản. Nguyên nhân lớn nhất khiến giá xe tại Việt Nam ở mức cao là do thuế và phí cao, đồng thời sản lượng tích lũy trong nước thấp vì hiện các doanh nghiệp đang sản xuất dưới rất xa so với công suất thiết kế.

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định, ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước vẫn chưa đạt được tiêu chí của ngành sản xuất ô tô thực sự (phần lớn mới ở mức độ lắp ráp đơn giản), dây chuyền sản xuất chủ yếu chỉ gồm 4 công đoạn chính là hàn, sơn, lắp ráp, kiểm tra.

Những vấn đề đó là một phần khiến mức giá xe tại Việt Nam thực tế cao hơn gần 2 lần so với các nước trong khu vực. Con số này còn lớn hơn nếu so với các nước có ngành công nghiệp ô tô đã phát triển ổn định như Mỹ và Nhật Bản. Điều này cũng ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý của người tiêu dùng.

Trước tình hình tiêu thụ ô tô trong nước sụt giảm, các hiệp hội sản xuất ô tô, cơ khí, địa phương vừa qua đã đồng loạt có kiến nghị lên Thủ tướng, các bộ ngành hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển, trong đó có đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất trong nước.

Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) và Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI) cùng các địa phương có nhà máy sản xuất ô tô lớn cũng đã kiến nghị tới Chính phủ và các bộ ngành hỗ trợ doanh nghiệp thông qua việc gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt.

Trong đơn kiến nghị vừa được gửi các bộ ngành, VAMA chỉ ra từ cuối quý 4/2022, thị trường ô tô chịu ảnh hưởng của lãi suất ngân hàng tăng, hạn mức tín dụng thấp. Tình hình dự báo còn khó khăn, nên khả năng duy trì sản lượng và doanh số bán hàng khó đạt được đã gây áp lực lên thanh khoản của doanh nghiệp, chi phí tài chính tăng cao. Dẫn chứn là doanh số bán hàng toàn thị trường tháng 1/2023 giảm tới 60% so với tháng trước và 54% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong khi đó, VAMI cho biết khi doanh nghiệp vẫn chưa hoàn toàn phục hồi thì nguy cơ suy thoái ngày càng hiện hữu, làm ảnh hưởng tâm lý tiêu dùng, xu hướng thắt chặt chi tiêu, đặc biệt là các sản phẩm có giá trị cao.

Các hiệp hội cho rằng để giải quyết tình hình hiện tại thì việc giãn thuế tiêu thụ đặc biệt và giảm 50% lệ phí trước bạ sẽ giúp kích thích nhu cầu tiêu dùng trong bối cảnh ảm đạm. Hai chính sách kích cầu này sẽ giúp các doanh nghiệp giảm bớt áp lực dòng tiền cũng như có thêm thời gian, nguồn lực cân đối chi phí duy trì sản xuất.

Có nên tiếp tục giảm lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước?

Trước những kiến nghị, Bộ Tài chính cho rằng hiện nay dịch Covid-19 đã được kiểm soát, do đó việc tiếp tục thực hiện giảm mức thu lệ phí trước bạ (LPTB) với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước là chưa phù hợp. Đây là quan điểm của Bộ Tài chính trước các đề xuất của các hiệp hội, địa phương về việc tiếp tục áp dụng chính sách giảm lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.  
Trước những kiến nghị, Bộ Tài chính cho rằng hiện nay dịch Covid-19 đã được kiểm soát, do đó việc tiếp tục thực hiện giảm mức thu lệ phí trước bạ (LPTB) với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước là chưa phù hợp. Đây là quan điểm của Bộ Tài chính trước các đề xuất của các hiệp hội, địa phương về việc tiếp tục áp dụng chính sách giảm lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.  

Theo Bộ Tài chính, từ tháng 12/2019, dịch Covid-19 bùng phát và nhanh chóng lan rộng ra các quốc gia trên thế giới. Để góp phần hỗ trợ ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước phục hồi sản xuất, kinh doanh trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Bộ Tài chính đã 2 lần xây dựng, trình Chính phủ ban hành các Nghị định giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.

Cũng theo Bộ Tài chính, việc điều chỉnh giảm 50% mức thu LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước được thực hiện thời gian qua về cơ bản đã đạt được các mục tiêu đề ra, có tác động tích cực đối với người tiêu dùng, nhà sản xuất, phân phối ô tô nói riêng và đối với nền kinh tế nói chung… Tuy nhiên, hiện nay, Việt Nam đã tham gia WTO và ký kết nhiều FTA song phương và đa phương với các nước, trong đó đã cam kết thực hiện nguyên tắc đối xử quốc gia trong thương mại và đầu tư.

Theo đó, chính sách thuế, phí, lệ phí tại các văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng thống nhất giữa hàng hóa sản xuất trong nước và hàng hóa nhập khẩu. Vì vậy, chính sách này được nhiều chuyên gia cho rằng không thể “lạm dụng” vì có khả năng ảnh hưởng tiêu cực trong việc thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam.

Trong khi đó, Bộ Tài chính lý giải  rằng với trường hợp cần thực hiện giảm mức thu LPTB đối với ô tô thì phải áp dụng chung cho cả ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước và ô tô nhập khẩu. Điều này sẽ dẫn đến việc giảm thu ngân sách nhà nước từ LPTB, ảnh hưởng đến cân đối ngân sách của các địa phương, nhất là trong điều kiện đây là khoản thu mà ngân sách địa phương được hưởng 100% số thu theo Luật Ngân sách nhà nước.

Khi xây dựng Nghị định số 70/2020/NĐ-CP và Nghị định số 103/2021/NĐ-CP, tại báo cáo thẩm định, Bộ Tư pháp đã chỉ ra việc quy định giảm 50% mức thu LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước chỉ là “tạm thời”, nhưng có thể coi là phân biệt đối xử về thuế giữa ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước và ô tô nhập khẩu. Theo đó, Bộ Tư pháp đề nghị Bộ Tài chính rà soát các cam kết quốc tế, từ đó báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định.

Trên cơ sở đó, khi trình Chính phủ ban hành chính sách giảm 50% mức thu LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ nếu áp dụng chính sách này thì chỉ coi đây là giải pháp hỗ trợ ngắn hạn nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước trước những tác động tiêu cực của dịch Covid-19 khi chuỗi cung ứng bị đứt gãy.

Trước đó, đại diện 12 nhà nhập khẩu ô tô được ủy quyền chính hãng tại Việt Nam (VIVA) cũng đã có văn bản gửi Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và Văn phòng Chính phủ về việc đề xuất ưu đãi lệ phí trước bạ ô tô năm 2023. Liên quan đến chính sách này, các doanh nghiệp thành viên VIVA (gồm Audi, Bentley, Ferrari, Jaguar & Land Rover, Maserati, Morgan & Brabus, Porsch, Subaru, Volkswagen và Volvo) cho rằng, doanh số bán xe của cả sản xuất lắp ráp trong nước và xe nhập khẩu nguyên chiếc đều chịu áp lực nghiêm trọng.

Trước tình hình hiện tại, Bộ Tài chính đã đề nghị chưa đặt vấn đề tiếp tục thực hiện chính sách ưu đãi LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.

Giới chuyên gia thì cho rằng trước đề xuất liên tục của các doanh nghiệp nhằm “cứu” thị trường ô tô đang lao dốc, việc chính sách đưa ra cần phù hợp và đúng với thời điểm thì mới phát huy được tác dụng. Đơn cử việc giãn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt, giảm lệ phí trước bạ với ngành ô tô trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hoành hành đã phát huy tác dụng tích cực khi vừa kích cầu tiêu dùng vừa giúp doanh nghiệp phục hồi. Nhưng hiện tại, tình hình đã khác, đại dịch Covid-19 đã được đẩy lùi, các hoạt động kinh tế đang trong giai đoạn phục hồi phát triển thì cần phải được xem xét kỹ lưỡng những đề xuất về giảm phí hay giãn nộp thuế vì còn nhiều vấn đề vĩ mô liên quan như nguồn thu ngân sách từ LPTB hay quan hệ quốc tế. Đặc biệt, khi Việt Nam đã gia nhập WTO và ký kết nhiều FTA song phương và đa phương, việc đưa ra một chính sách mới cần đảm bảo sự công bằng và cam kết của Việt Nam với quốc tế là rất quan trọng.