Giáo dục giá trị văn hóa truyền thống cho thanh niên hiện nay
VHO- Việt Nam đang bước vào một thời kỳ tương đối đặc biệt của lịch sử. Đây là giai đoạn nước ta hội nhập toàn diện và sâu sắc nhất trên các phương diện chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa với toàn thế giới. Hội nhập quốc tế mang lại nhiều cơ hội cho đất nước, đặc biệt, trong việc huy động các nguồn lực, đúc rút kinh nghiệm cũng như trải nghiệm những khác biệt về văn hóa. Song bên cạnh những cơ hội, chúng ta cũng đang gặp nhiều thách thức trong quá trình hội nhập.
Đó có thể là những phức tạp trong diễn biến hòa bình, thách thức trong cạnh tranh kinh tế quốc tế, hay sự xao lãng của người dân, đặc biệt là thanh niên đối với văn hóa dân tộc… Những thách thức này, nếu chuyển hóa được và giải quyết một cách thấu đáo, sẽ trở thành những điều kiện thuận lợi khác cho sự phát triển xã hội ở Việt Nam, bằng không, chúng sẽ trở thành những mối hại lâu dài cho sự nghiệp phát triển bền vững của dân tộc.
Các giá trị văn hóa truyền thống được hun đúc, thử thách qua thời gian và trở thành chuẩn mực trong lối sống của dân tộc Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh khi sinh thời đều lựa chọn những giá trị đạo đức truyền thống để làm chuẩn mực đạo đức cho con người mới. Trong bài bàn về Sửa đổi lối làm việc (tháng 10.1947), Bác Hồ kính yêu đã nói đến khái niệm Đạo đức cách mạng trong đó Bác nhấn mạnh tới những giá trị như Nhân, Nghĩa, Trí, Dũng, Liêm. Bác cũng bàn đến khái niệm Cần, Kiệm, Liêm, Chính như những phẩm chất cần thiết của người cán bộ. Những lời dạy của Bác còn mãi với thời gian.
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, bên cạnh những lợi ích do sự trao đổi văn hóa, những giá trị văn hóa truyền thống đang đứng trước những thách thức nghiêm trọng. Chúng ta đang sống trong một xã hội tiêu thụ, ở đó, sức mạnh của đồng tiền có thể làm phai nhạt những bản sắc văn hóa, mối quan hệ đạo đức trong gia đình và ngoài xã hội, giữa người và người với nhau… Các thể loại nhạc Hip Hop, phim Hollywood, Hàn Quốc, đồ ăn nhanh… có thể giúp cho thói quen thưởng thức nghệ thuật, ẩm thực của chúng ta phong phú hơn, nhưng nó cũng góp phần khiến cho các loại hình nghệ thuật, ẩm thực truyền thống bị mai một. Đó chính là hai mặt trong bất kỳ sự hội nhập quốc tế nào.
Sự va chạm giữa các nền văn hóa có thể khiến một nền văn hóa mạnh lên, cũng có thể khiến nó yếu đi, tuỳ vào khả năng đề kháng của nền văn hóa đó. Khả năng đề kháng phụ thuộc vào giá trị của văn hóa truyền thống cũng như ý thức của thế hệ ngày hôm nay đối với những vấn đề của văn hóa.
Trong xã hội đương đại, văn hóa truyền thống có vai trò quan trọng trong việc xác định mối dây liên hệ lịch sử giúp đoàn kết cộng đồng, xác định giá trị của mỗi cộng đồng, và góp phần định hướng các giá trị của tương lai. Trong khi các vấn đề xã hội nảy sinh cần nhiều biện pháp giải quyết như những vấn đề tệ nạn xã hội, lối sống buông thả, không mục đích của không ít bộ phận thanh thiếu niên… Văn hóa truyền thống trở thành một cột trụ để xác lập nền tảng phát huy những giá trị tốt đẹp của dân tộc và đề kháng những tác động tiêu cực đối với nền văn hóa đó.
Chính vì tầm quan trọng đó của văn hóa truyền thống, giáo dục giá trị văn hóa truyền thống cho thanh niên hiện nay là một việc làm cấp thiết. Giúp thanh niên ý thức và tự hào về cái hay, cái đẹp và giá trị của văn hóa dân tộc, việc giáo dục này sẽ giúp cho họ hình thành bản lĩnh trong quá trình tiếp xúc với các nền văn hóa khác. Văn hóa truyền thống cần trở thành nền tảng trong việc giáo dục đạo đức cho thanh niên. Có hiểu những văn hóa truyền thống, thanh niên mới biết cách khắc phục nhược điểm, phát huy ưu điểm để Việt Nam có thể hội nhập tốt hơn vào đời sống kinh tế – chính trị – văn hóa của thế giới. Một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, với những giá trị văn hóa được đúc kết hàng ngàn năm luôn là hành trang quý giá của thế hệ trẻ trong quá trình tiếp xúc với văn hóa thế giới.
Bản sắc văn hóa dân tộc là một khái niệm được nhiều người quan tâm, và cũng có nhiều tranh cãi. Tuy nhiên, bất luận những tranh cãi này diễn ra như thế nào, chúng ta đều thừa nhận việc xác định bản sắc văn hóa dân tộc là quan trọng trong quá trình xác lập giá trị quốc gia và tư cách độc lập, tự chủ của các dân tộc. Văn hóa truyền thống chính là chỗ dựa và là nguồn gốc của các giá trị dân tộc ấy.
Để những giá trị dân tộc được trường tồn cùng thời gian, rõ ràng, chúng ta cần nhấn mạnh đến công tác giáo dục giá trị văn hóa truyền thống cho thành niên, người chủ tương lai của đất nước. Quá trình giáo dục này là một nỗ lực đòi hỏi nhiều thời gian và công sức. Trước hết, đó là sự thống nhất nhận thức và hành động từ Đảng, Nhà nước, các tổ chức đoàn thể (đặc biệt là tổ chức đoàn) và các tầng lớp nhân dân; thứ hai, nó cần được triển khai một cách đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, theo các phong trào rộng khắp và các hoạt động nhỏ lẻ; thứ ba, công tác giáo dục văn hóa truyền thống cho thanh niên phải được thực hiện theo những cách thức phong phú, đa dạng về nội dung, hình thức và cách thể hiện, được lồng ghép trong cách chương trình khác nhau để có thể lôi kéo thanh niên.
Có thể có những giải pháp cụ thể để khuyến khích thanh niên quan tâm đến văn hóa dân tộc và biến những giá trị văn hóa ấy trở thành chuẩn mực đạo đức cho mình. Chúng ta có thể quảng bá về văn hóa dân tộc tốt hơn trên các phương tiện truyền thông đại chúng như có những chương trình hay giới thiệu về những nét đẹp văn hóa của đất nước và những vùng miền, giới thiệu về những tinh hoa văn hóa được kết tinh trong lễ hội truyền thống hay những sinh hoạt văn nghệ cộng đồng như hát Quan họ, thực hành then, múa xòe,…; có những trang web, facebook, youtube, TikTok hay quảng bá về văn hóa Việt Nam cho thanh niên Việt Nam và thế giới, thành lập những câu lạc bộ, tổ chức các liên hoan nghệ thuật cổ truyền theo kỳ dịp để phổ biến tri thức, giới thiệu cho mọi người về cái hay, cái đẹp của các loại hình nghệ thuật ấy, cũng như xây dựng những phong trào trong trường lớp, các tổ chức đoàn thể theo các chủ đề lấy cảm hứng từ các giá trị đạo đức truyền thống… Mục đích quan trọng nhất của các hoạt động này là quảng bá giá trị văn hóa truyền thống và làm sao để thanh niên hiểu rõ được vị trí, vai trò và tầm quan trọng của văn hóa truyền thống đối với chính bản thân họ và tương lai của đất nước, để từ đó, họ có thể chủ động, tự nguyện, khao khát tìm hiểu về văn hóa truyền thống của đất nước.
Để quá trình hội nhập quốc tế đạt hiệu quả, hành trang cần thiết của thanh niên chính là hiểu biết về văn hóa truyền thống của dân tộc. Làm được điều đó, chúng ta mới có đủ bản lĩnh, sự tự tin để tham gia vào các hoạt động quốc tế, nhận được sự tôn trọng từ bè bạn và không sợ đánh mất mình.
PGS.TS BÙI HOÀI SƠN