Giáo dục học sinh giữ gìn bản sắc dân tộc: Những cách làm hay của ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Bình Liêu

Câu lạc bộ hát Then ở Trường THCS&THPT Hoành Mô và PTDTBT THCS Đồng Văn

Hát Then tiếng Tày Bình Liêu gọi là “xướng then”, có từ xa xưa trong đời sống tinh thần của tộc người Tày, tồn tại theo hình thức truyền miệng trong dân gian từ đời này sang đời khác, là món ăn tinh thần không thể thiếu, góp phần lưu giữ và tôn vinh bản sắc văn hóa đặc sắc dân tộc của người Tày ở Bình Liêu. Để di sản hát then được lưu giữ, bảo tồn và phát huy, trong những năm gần đây, các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể và nhân dân huyện rất quan tâm, trân trọng và nỗ lực giữ gìn Then như tài sản vô giá của mình.

Hiểu được giá trị của Then, thầy giáo Tô Đình Hiệu đã thành lập Câu lạc bộ hát Then và thu hút được nhiều học sinh tham gia. Từ khi Câu lạc bộ Then được thành lập việc tổ chức dạy hát Then trong nhà trường đã nhận được sự ủng hộ, quan tâm của ngành, của phụ huynh học sinh và các tổ chức khác trên địa bàn. Từ chỗ “vắng bóng” trong các hoạt động tập thể của các nhà trường, những tiết mục hát Then, đàn tính đã được biểu diễn trên sân khấu vào ngày lễ, các hội thi, hội diễn văn nghệ… nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của cán bộ, giáo viên và học sinh trong toàn trường. Ngoài các hoạt động ở trường mình, Câu lạc bộ Then còn tham gia biểu diễn các làn điệu hát then trong các chương trình văn nghệ chào mừng các ngày lễ lớn, các sự kiện văn hoá của ngành, của địa phương.

Tổ  thêu hoa văn dân tộc Dao ở trường PTDTBT THCS Đồng Văn

Thêu trang phục truyền thống là một trong những nét văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc Dao. Từ xa xưa, người Dao có phong tục con gái lớn phải biết thêu những sản phẩm này để làm gấu áo, gấu quần và khăn đội đầu cho bộ trang phục truyền thống trước khi đi lấy chồng. Những bộ trang phục truyền thống mang giá trị văn hóa độc đáo là niềm tự hào của đồng bào dân tộc Dao ở xã vùng cao Đồng Văn. Với mong muốn giúp các em học sinh biết trân trọng và giữ gìn những nét đẹp văn hóa của dân tộc mình, đầu năm học 2015-2016, trường PTDTBT THCS Đồng Văn đã thành lập Tổ thêu hoa văn dân tộc Dao. Những học sinh nào đã biết thêu  rồi thì hướng dẫn cho các bạn, các em. Hiện tại, nhà trường đã phát động phong trào học thêu cho các em học sinh ở bán trú. Việc làm này vừa thu hút các em học sinh đến trường, vừa giữ gìn bản sắc dân tộc của người Dao, cần được gìn giữ và phát huy.

Theo định hướng của Ban Giám hiệu nhà trường, thì trong tương lai, khi du lịch của huyện nhà ngày càng phát triển, thầy và trò nhà trường sẽ từng bước xây dựng các sản phẩm thêu hoa văn của các em học sinh thành những sản phẩm để phục vụ nhu cầu, thị hiếu của khách du lịch khi họ đến với Đồng Văn như: trang phục, ví, túi xách, khăn,…

Mặc trang phục truyền thống dân tộc đến trường

Để góp phần bảo tồn trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số, giúp các em học sinh hiểu giá trị của mỗi dân tộc, sự tự tôn dân tộc mình và tôn trọng các dân tộc khác thì nhà trường chính là nơi tuyên truyền giáo dục tốt nhất. Xác định được tầm quan trọng đó, ngành Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các nhà trường tổ chức thực hiện việc quy định mặc trang phục dân tộc đối với học sinh là người dân tộc thiểu số vào một số ngày nhất định trong tuần phù hợp với tình hình thực tế của nhà trường; tăng cường công tác tuyên truyền đến phụ huynh học sinh và nhân dân về nội dung trên để tạo được sự đồng thuận trong xã hội. Trong thời gian qua, các trường học đã và đang triển khai việc học sinh mặc trang phục dân tộc đến trường. Việc làm này đã giúp cho các em học sinh thấy được trang phục truyền thống của mỗi dân tộc không phải ngẫu nhiên xuất hiện và tồn tại mà được tạo ra dần trong suốt quá trình hình thành, tồn tại và phát triển qua chiều dài lịch sử của đất nước. Từ đó, các em biết trân trọng giá trị của trang phục dân tộc mình, để các em nhớ về cội nguồn và có ý thức gìn giữ giá trị văn hóa dân tộc.

Việc đưa các nội dung giáo dục bản sắc văn hóa dân tộc vào trường học luôn được ngành giáo dục và đào tạo huyện quan tâm thực hiện. Qua hoạt động ngoại khóa, sinh hoạt tập thể, các em học sinh có điều kiện được giao lưu, trao đổi học tập và cùng tham gia vào việc bảo tồn, phát triển các giá trị văn hóa dân tộc. Giữ gìn nét văn hóa truyền thống trong trường học không những giúp cho các em tái hiện lại bản sắc văn hóa của dân tộc, góp phần bồi đắp nhân cách cho thế hệ học sinh mà còn giúp học sinh sống có trách nhiệm với gia đình, quê hương, phấn đấu trở thành người có ích cho xã hội.               

Xổ số miền Bắc