Giáo dục học sinh giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc

Việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trong hoạt động GD&ĐT đóng vai trò quan trọng. Bằng việc giáo dục văn hóa, giáo dục kỹ năng sống kết hợp với việc đưa những nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc vào trong tiết học, từng hoạt động của các trường học đã góp phần nâng cao ý thức cho học sinh trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc mình. Tạo được không khí thoải mái cho học sinh khi tham gia học tập, góp phần tích cực vào việc đẩy mạnh phong trào xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực…

Giáo dục học sinh giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc - Ảnh 1.

Trang bị dàn nhạc ngũ âm cho các trường dân tộc nội trú ở Sóc Trăng.

Tại tỉnh Sóc Trăng, việc dạy chữ viết và tiếng nói của đồng bào dân tộc luôn được ngành giáo dục quan tâm chỉ đạo. Hiện toàn tỉnh có 506 trường từ mầm non đến THPT, trong đó có 146 trường có dạy chữ Khmer, với 1.586 lớp và tổng số trên 42.000 học sinh đang theo học (kể cả các trường PTDTNT). Bên cạnh đó, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng duy trì tốt các kỳ thi nhằm khuyến khích việc học chữ Khmer ngày càng phát triển bền vững và có hiệu quả, như tổ chức thi viết chữ đẹp môn tiếng Khmer cấp tỉnh, qua đó đã góp phần lan tỏa phong trào học chữ Khmer trong các trường phổ thông.

Sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh và sự chỉ đạo sát sao của ngành giáo dục trong công tác dạy và học chữ Khmer cho học sinh trong các trường phổ thông đã góp phần quan trọng trong việc gìn giữ và bảo tồn chữ viết DTTS, phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào Khmer. Ngoài việc dạy học văn hóa, các trường còn tổ chức các hoạt động giáo dục như: Tổ chức nội trú, nuôi dưỡng, chăm sóc sức khỏe học sinh, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, giáo dục kỹ năng sống, hướng nghiệp, dạy nghề… nhằm phát triển toàn diện về phẩm chất, năng lực học sinh DTTS. Các trường học chú trọng việc dạy tiếng Việt, đào tạo kỹ năng sống cho học sinh dân tộc.

Theo thầy Thạch Song, Hiệu trưởng Trường THPT DTNT Huỳnh Cương (tỉnh Sóc Trăng), bên cạnh việc nâng cao chất lượng dạy và học, trường còn quan tâm giáo dục đạo đức cho học sinh cũng như giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Khmer nói riêng và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc nói chung, nhà trường đã thực hiện một số giải pháp như:

Về phía lãnh đạo nhà trường, xây dự kế hoạch nhà trường có lồng ghép các hoạt động nhằm giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc như: Tổ chức nhiều hoạt động liên quan đến truyền thống như: Lễ cúng trăng, Hội trại Chol-Chnam-Thmay, các trò chơi dân gian… Lồng ghép vào giáo án các môn Ngữ văn, Khmer, GDCD, Địa lý, Lịch sử… để duy trì các phong tục, lễ hội, văn hóa…

Chỉ đạo bộ phận chuyên môn, hàng năm xây dựng kế hoạch nhằm phát triển chuyên môn năng cao chất lượng giáo dục và song song đó phải phát huy việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc; Chỉ đạo Đoàn Thanh niên thành lập các Câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ, thể thao nhằm phát huy và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Về phía các đoàn thể và giáo viên: Xây dựng kế hoạch phù hợp cho việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc; Giáo viên các môn văn hóa, nhất là Ngữ văn, Khmer, GDCD, Địa lý, Lịch sử… phải lồng ghép vào việc giáo dục nhằm giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Về phía học sinh: Thực hiện tốt các hoạt động giáo dục và rèn luyện tại trường; Tham gia tốt các hoạt động của các Câu lạc bộ, hội thi; Duy trì các câu lạc bộ…

Giáo dục học sinh giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc - Ảnh 2.

Trường PT dân tộc nội trú THCS Quảng Uyên (Quảng Hòa, Cao Bằng) tổ chức thi trò chơi dân gian, thể thao dân tộc trong các hoạt động ngoài giờ lên lớp.

Tại tỉnh Cao Bằng, những năm gần đây, cùng với việc nâng cao chất lượng giáo dục, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh đã kết hợp việc đưa nét đẹp văn hóa truyền thống vào trong tiết học và các hoạt động của trường học. Qua đó, nâng cao ý thức cho học sinh trong việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, tạo không khí thoải mái cho học sinh khi học tập, góp phần tích cực đẩy mạnh phong trào xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực. 

Bằng việc lồng ghép tuyên truyền, gìn giữ, bảo tồn văn hóa truyền thống qua các hoạt động ngoại khóa, sinh hoạt tập thể giúp học sinh nhận thức sâu sắc về văn hóa của dân tộc, tạo sân chơi, xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, lành mạnh. Bên cạnh đó, nhà trường đưa các làn điệu dân ca, dân vũ, các trò chơi dân gian vào hoạt động giữa giờ trải nghiệm để truyền dạy cho học sinh, giúp học sinh được giao lưu, học hỏi, nâng cao ý thức giữ gìn, trân trọng nét đẹp truyền thống của dân tộc.

Cô giáo Long Thị Yến, Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Quảng Uyên (Quảng Hòa) cho biết: Trường có 100% học sinh là người dân tộc thiểu số Tày, Nùng, Mông… nên việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống được đặc biệt chú trọng. Vào ngày thứ Hai đầu tuần và dịp kỷ niệm những ngày lễ lớn, nhà trường quy định các học sinh mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình. Nếp sinh hoạt này được nhà trường duy trì từ nhiều năm nay, giúp học sinh hiểu ý nghĩa của từng bộ trang phục.

Có thể thấy, việc đưa nội dung giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc vào trong trường học đang ngày càng nhân rộng trong các tỉnh trên cả nước, nhất là đối với các trường học ở địa bàn vùng cao. Tùy vào điều kiện tình hình thực tế của các trường học, nhà trường có cách làm sáng tạo, phù hợp, thiết thực, ý nghĩa. Trong bối cảnh giao thoa và tiếp biến văn hóa đang diễn ra mạnh mẽ hiện nay, việc gắn công tác giáo dục với giữ gìn, bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc là cách làm sáng tạo, hiệu quả.

Xổ số miền Bắc