Giáo dục văn hóa ứng xử trên mạng xã hội cho giới trẻ

Trong thời đại công nghệ số, mạng xã hội (MXH) trở thành công cụ truyền thông, môi trường giải trí được nhiều người ưa thích, sử dụng hàng ngày, đặc biệt là giới trẻ. Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực với những tiện ích vượt trội mà MXH mang lại thì việc sử dụng MXH trong giới trẻ cũng nảy sinh không ít vấn đề mà dư luận tỏ ra lo ngại như những biểu hiện tiêu cực, lệch chuẩn, trục lợi, ứng xử thiếu văn hóa, tuyên truyền thông tin sai sự thật, bôi nhọ danh dự của người khác…, gây ra nhiều hậu quả, tác động xấu tới nền tảng giá trị văn hóa, đạo đức truyền thống.

Tổ chức các hoạt động ngoại khóa, sinh hoạt tập thể trong trường học để giáo dục kỹ năng sống, văn hóa giao tiếp, ứng xử cho học sinh (Trong ảnh: Học sinh Trường Tiểu học Chu Văn An, thành phố Nam Định vui Tết Trung thu).

Tổ chức các hoạt động ngoại khóa, sinh hoạt tập thể trong trường học để giáo dục kỹ năng sống, văn hóa giao tiếp, ứng xử cho học sinh (Trong ảnh: Học sinh Trường Tiểu học Chu Văn An, thành phố Nam Định vui Tết Trung thu).

Là người hay giao tiếp qua MXH, Phương Vy (tên nhân vật đã được thay đổi) 14 tuổi ở xã Nam Phong (thành phố Nam Định) cho biết: “Ở lớp, em chơi thân với 4 bạn và lập 1 nhóm chat Facebook để tâm sự với nhau bằng những ký tự riêng. Nói chuyện bằng ngôn ngữ tuổi teen là cách giải tỏa stress trong cuộc sống, thậm chí nếu bố mẹ có đọc được tin nhắn thì cũng không hiểu chúng em nói gì”. Chị Hoàng Lan ở xã Lộc An có con trai học lớp 6 thì chia sẻ: “Có lần tôi vô tình đọc được tin nhắn trên máy tính của cháu nói chuyện với bạn bè và gọi nhau là “mày – tao”, tôi đã góp ý là không nên xưng hô như vậy mà nên chuyển thành “cậu – tớ” hoặc “bạn – tôi”. Cháu nói rằng phải thân nhau lắm bọn con mới gọi nhau là mày – tao, còn cậu – tớ, bạn – tôi chỉ dùng xã giao khi nói chuyện với những người bạn khác”. Chị Lan cũng chia sẻ thêm: “Trong các cuộc trò chuyện trên MXH của lớp trẻ bây giờ, đặc biệt là các cháu học cấp 2, cấp 3 hay gọi thầy cô là “bà ấy”, “mụ ấy”, “ông ấy” để giải tỏa ức chế khi cho rằng thầy cô làm điều gì đó “bất công” với mình. Khi được góp ý về những ngôn từ không phù hợp trong giao tiếp thì các cháu có ý không tiếp thu”. Chị Trần Thị Bích ở phường Trần Tế Xương chia sẻ: “Cơ quan tôi có cháu sinh viên vào thực tập. Khi cô bé nhắn tin xin nghỉ, tôi đọc và luận mãi mới hiểu được những từ ngữ viết tắt, ký tự. Đọc tin nhắn, tôi rất khó chịu và cảm thấy mình không được tôn trọng. Tôi biết cô bé không cố ý làm cho tôi bực mình, chỉ do sử dụng quá nhiều ngôn ngữ “mạng” để giao tiếp thành quen dùng trong mọi hoàn cảnh với mọi đối tượng”.

Trong giao tiếp, qua việc sử dụng ngôn ngữ, người ta có thể đánh giá được phần nào phẩm chất đạo đức, trình độ, phong cách và lối sống của mỗi người. Thực tế cho thấy, ở lứa tuổi mới lớn, các em có tâm lý muốn khẳng định mình, muốn có sự sáng tạo, độc, lạ, gây ấn tượng với người tiếp xúc. Các em thường không thích cách quy chụp theo mô tuýp ứng xử của người lớn. Người lớn càng hướng các em giao tiếp theo chuẩn mực chung thì các em càng muốn thoát ra và giao tiếp bằng ngôn ngữ riêng để khẳng định “thế giới” của riêng mình. Tuy nhiên, nếu lạm dụng nhiều cách giao tiếp như vậy thường xuyên, thiếu kiểm soát sẽ thành thói quen và ảnh hưởng không tốt tới khả năng giao tiếp sau này. Không chỉ đối tượng tuổi teen mà nhiều người lớn cũng đang lạm dụng MXH để giao tiếp không lành mạnh, thiếu văn hóa, làm tổn thương người khác. Điển hình như sau một số trận thua của đội tuyển bóng đá Việt Nam ở đấu trường quốc tế, không ít cổ động viên vào tìm trang Facebook của các trọng tài được cho là “có vấn đề” trong điều khiển trận đấu nói những lời khiếm nhã để “trút” giận vì bắt lỗi thiên vị ở một vài tình huống gây tranh cãi. Hành vi này đang tạo ra tiếng xấu về hành xử thiếu văn minh của người hâm mộ trong nước, khiến những người yêu bóng đá phản đối. Cùng với đó, nhiều người sử dụng tính năng livestream trên MXH để công kích người khác hoặc giới thiệu, quảng cáo bán hàng kém chất lượng, một số cá nhân ăn mặc hở hang, phản cảm để câu view, câu like…

Nhằm hướng dẫn đoàn viên thanh niên, học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh kỹ năng khai thác, sử dụng các thông tin chính thống trên internet, MXH để phục vụ cho việc học tập, nghiên cứu, giải trí an toàn, lành mạnh, thời gian qua, các ngành: Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông, Công an và các cấp bộ Đoàn trong tỉnh đã chủ động tổ chức hoặc phối hợp tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, giáo dục văn hóa giao tiếp, ứng xử trên MXH cho thế hệ trẻ. Các hoạt động được triển khai tại các cơ quan, đơn vị, trường học trên địa bàn tỉnh, tập trung vào các nội dung: giáo dục Luật An ninh mạng; quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện; quy định về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên MXH; khái quát tình hình sử dụng MXH ở nước ta cũng như trên địa bàn tỉnh; thông tin các vụ lừa đảo, kích động trên MXH trong thời gian qua…; Hướng dẫn học sinh, sinh viên kỹ năng khai thác, sử dụng thông tin chính thống trên internet, MXH; cách phát hiện và ứng xử với những thông tin chưa được kiểm chứng, nhận ra âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động của thế lực thù địch, các cá nhân lợi dụng internet, đặc biệt là sử dụng MXH để tuyên truyền, kích động, chống phá Đảng, Nhà nước. Từ đó, học sinh, sinh viên được trang bị kỹ năng chọn lọc thông tin, sử dụng MXH để phục vụ nhu cầu học tập, giải trí lành mạnh; đồng thời trang bị, nâng cao kỹ năng giao tiếp ứng xử văn hóa qua môi trường mạng… Nhiều cơ sở giáo dục trong tỉnh đã triển khai các chuyên đề về kỹ năng ứng xử cho học sinh, sinh viên; đẩy mạnh công tác truyền thông để cải thiện văn hóa ứng xử trên không gian mạng với một số khẩu hiệu thiết thực như: “Nội dung lành, lướt mạng sạch”, “Thông tin là tài sản, tài khoản là riêng tư”; “Đưa tin có trách nhiệm, dẫn tin đã kiểm nghiệm”; “Chuyện đẹp tin tốt quanh ta, phải share mạnh mẽ mới là văn minh”…

Việt Nam đang là quốc gia đứng thứ 7 trên thế giới về số lượng người sử dụng Facebook nói riêng và có khoảng 55 triệu người dùng MXH nói chung. Với tỷ lệ người sử dụng MXH chiếm khoảng 57% dân số cho thấy MXH đang trở thành một kênh thông tin quan trọng cung cấp tin tức, kiến thức về tất cả các lĩnh vực. Nhằm góp phần xây dựng chuẩn mực đạo đức về ứng xử trên MXH, giáo dục ý thức, tạo thói quen tích cực trong các hành vi ứng xử của người dùng, góp phần xây dựng môi trường mạng an toàn, lành mạnh, Quốc hội đã ban hành Luật An ninh mạng (có hiệu lực từ ngày 1-1-2019). Đây là cơ sở pháp lý để bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng cùng với trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.  Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên MXH (có hiệu lực từ ngày 17-6-2021) áp dụng cho 3 nhóm đối tượng, gồm: Cơ quan Nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan Nhà nước sử dụng MXH; tổ chức, cá nhân khác sử dụng MXH; nhà cung cấp dịch vụ MXH tại Việt Nam. Bên cạnh việc yêu cầu các nhóm đối tượng tham gia, người sử dụng MXH phải tuân thủ 4 quy tắc ứng xử chung: Tôn trọng, tuân thủ pháp luật; lành mạnh; an toàn, bảo mật thông tin và trách nhiệm thì Bộ Quy tắc ứng xử trên MXH cũng quy định: Tổ chức, cá nhân phải chia sẻ những thông tin có nguồn chính thống, đáng tin cậy; có các hành vi, ứng xử phù hợp với những giá trị đạo đức, văn hóa, truyền thống của dân tộc Việt Nam, không sử dụng từ ngữ gây thù hận, kích động bạo lực, phân biệt vùng miền, giới tính, tôn giáo. Không đăng tải những nội dung vi phạm pháp luật, các thông tin xúc phạm danh dự, nhân phẩm, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân khác; sử dụng ngôn ngữ phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục; tung tin giả, tin sai sự thật; quảng cáo, kinh doanh dịch vụ trái phép… gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội.

Để nâng cao kỹ năng giao tiếp, ứng xử văn hóa trên MXH cho thế hệ trẻ, thời gian tới, các cơ sở giáo dục, các gia đình tiếp tục phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, thầy cô giáo, các bậc phụ huynh trong thực hiện văn hóa ứng xử trên MXH; đưa nội dung giáo dục an ninh mạng, an toàn thông tin vào chương trình dạy học phù hợp với ngành học, cấp học. Thực hiện Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018-2025” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tăng cường giáo dục, xây dựng văn hóa ứng xử văn minh, lịch sự, bồi dưỡng các kỹ năng ứng phó với các tình huống trên MXH. Chỉ rõ những trào lưu tiêu cực, phản văn hóa trên MXH và các biện pháp phòng, tránh. Các bậc cha mẹ cần có biện pháp quản lý chặt chẽ khi con em tham gia MXH nhưng không ảnh hưởng đến quyền tự do cá nhân, có những lời khuyên hữu ích, yêu cầu kê khai trung thực những tài khoản, kết bạn với con cái để có thể nhìn thấy được những bài viết, lời bình luận, thái độ và chia sẻ của con cái mình với bạn bè và có những tác động điều chỉnh khi cần thiết. Đồng thời, vận động người thân trong gia đình, bạn bè, những người xung quanh tham gia giáo dục, bảo vệ trẻ em, trẻ vị thành niên sử dụng MXH một cách an toàn, lành mạnh, văn minh./.

Bài và ảnh: Khánh Dũng