Giao hàng dịp Tết: Quá tải, cước cao
–
Thứ năm, 19/01/2023 13:33 (GMT+7)
Những ngày gần đây, nhiều khách hàng tại Hà Nội phải chật vật để gọi taxi, xe ôm công nghệ, giao hàng dù giá cước nhiều thời điểm tăng cao.
Shipper quá tải, giao hàng 6 ngày chưa nhận được
Anh Đỗ Minh Tuấn (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) đặt một chiếc áo trên ứng dụng thương mại điện tử từ ngày 13.1. Sản phẩm của anh được giao từ quận Bình Tân (TPHCM) về Hà Nội, nhưng đến nay đã 6 ngày trôi qua, sản phẩm vẫn chưa được shipper giao đến.
Khi gọi điện qua số hotline của shop thì nhận được câu trả lời “xin thông cảm vì số lượng hàng quá tải, trong khi số lượng shipper rất ít”.
Những ngày này, anh Nguyễn Văn Hùng, shipper của một hãng giao hàng công nghệ làm việc từ 7h sáng cho đến 23h đêm mới được nghỉ. Do nhu cầu giao – nhận hàng tăng cao trong những ngày giáp Tết, anh phải giữ tập trung và làm việc hết công suất.
Mỗi ngày, anh nhận gần 200 đơn hàng. Đa số khách đều là nhân viên tại các văn phòng, chờ sản phẩm để mang về Tết. Tuy nhiên, vì số lượng shipper quá ít, nên đơn hàng giao chậm hơn so với ngày thường.
“Những ngày này, bên cạnh mỹ phẩm, quần áo, đơn giao chủ yếu là thực phẩm tích trữ hoặc dụng cụ trang trí nhà cửa. Bên cạnh đó, các thiết bị gia dụng như nồi cơm điện, lò chiên không dầu cũng được đặt khá nhiều. Có những hôm, vì đơn hàng quá nhiều, tôi không kịp ăn trưa, chỉ lót dạ tạm ổ bánh mì cho qua bữa”, anh Hùng nói.
Giao hàng quá tải dịp Tết. Ảnh: Anh Tuấn
Đối với việc giao đồ ăn, thời điểm này cũng rất khó khăn do nhiều người đã về quê ăn Tết hoặc tạm chuyển sang việc thời vụ khác, dẫn đến việc phải ghép đơn ship. Trong khi đó, khách hàng không biết hết được tình hình lại dễ bực mình vì phải đợi chờ lâu mới có món.
Chị Nguyễn Yến, chủ quán bún chả ở Cầu Giấy cho biết, cả sáng thứ năm (28 Tết), không thể tìm tài xế nhận giao hàng qua các ứng dụng dù cũng chấp nhận giá cao hơn vì nhu cầu chung những ngày gần Tết đều tăng đột biến. Vì vậy, để phục vụ khách hàng của mình, chị Nguyễn Yến phải tìm shipper trên các hội, nhóm trên mạng xã hội và cả các tài xế xe ôm truyền thống ở khu vực gần cửa hàng.
Không chỉ giao hàng, những ngày gần đây, nhiều khách hàng tại Hà Nội phải chật vật để gọi xe ôm công nghệ dù giá cước nhiều thời điểm tăng cao.
Cước gọi xe tăng chóng mặt
Đỗ Hoài (26 tuổi) đặt ứng dụng gọi xe công nghệ để giao hàng từ Cầu Giấy về Việt Hưng (Long Biên) vào sáng 27 Tết. Lần 1, tài xế từ chối đơn hàng vì số lượng khách đặt quá tải. Đặt thêm lần nữa, cước phí cho chuyến hàng này đã vọt lên 150.000 đồng, trong khi ngày thường chỉ khoảng 65.000 đồng. Dù giá tăng, nhưng Đỗ Hoài vẫn phải đặt vì đơn hàng cần giao gấp.
“2 ngày cuối tuần, gần như lúc nào tôi mở ứng dụng để đặt xe cũng thấy hiện thông báo giá cước cao hơn do nhu cầu cao”, Đỗ Hoài cho biết và nói thêm có thời điểm, cuốc xe chị đi từ Tây Mỗ (Nam Từ Liêm) đến Phạm Văn Bạch (Cầu Giấy), chỉ 6km, nhưng cước xe vọt lên 123.000 đồng, đắt gấp đôi so với ngày thường.
Những ngày gần đây, nhiều khách hàng tại Hà Nội phải chật vật để gọi taxi, xe ôm công nghệ dù giá cước nhiều thời điểm tăng cao. Ảnh: Anh Tuấn
Du nhu cầu đặt xe cao dịp Tết, các hãng đều áp dụng phụ phí để khuyến khích tài xế nỗ lực đảm bảo hoạt động xuyên suốt trong giai đoạn cao điểm này. Be sẽ áp dụng phụ phí Tết 5.000-20.000 đồng mỗi chuyến xe trong khung giờ từ 6h đến 22h cho tất cả dịch vụ từ ngày 20.1 đến ngày 26.1. Riêng beFood, phụ phí Tết sẽ áp dụng trong khung giờ 6h-23h (tính từ thời điểm phát sinh chuyến xe).
Tương tự, Grab cũng thu phụ phí 5.000 đồng mỗi chuyến GrabBike, đơn hàng dịch vụ GrabMart, GrabExpress và 15.000 đồng cho mỗi chuyến GrabCar tại TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, TP.Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng…
Giai đoạn 28 Âm lịch đến mùng 5 Tết, Gojek áp dụng mức phụ phí 20.000 đồng cho mỗi chuyến GoCar tại TPHCM và 15.000 đồng tại Hà Nội. Các dịch vụ xe ôm, giao hàng và giao đồ ăn được doanh nghiệp này thu thêm 5.000-7.000 đồng mỗi đơn hàng. Baemin phụ thu tối đa 10.000 đồng một đơn hàng.