Giao lưu văn hóa trong thời hội nhập :: Suy ngẫm & Tự vấn :: ChúngTa.com
Giao lưu văn hóa (GLVH) trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa đòi hỏi bản lĩnh văn hóa Việt Nam. Bản lĩnh, bản sắc dân tộc là cội rễ của GLVH. Trong mọi hoạt động văn hóa, Đảng và Nhà nước ta bao giờ cũng nêu cao định đề biện chứng: Kế thừa truyền thống tốt đẹp của dân tộc và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.
Vậy nội dung của Giao lưu văn hóa là gì?
Tiếp thu có chọn lọc những cái hay, cái tiến bộ của các dân tộc khác.
Nói về vai trò những thành tựu tinh thần của các dân tộc, trong “Tuyên ngôn Đảng Cộng Sản” Mác và Ănghen viết: “Những thành quả hoạt động tinh thần của một dân tộc trở thành tài sản chung của tất cả các dân tộc khác. Tính đơn phương và phiến diện dân tộc ngày càng không tồn tại được nữa, và từ những nền văn học dân tộc và địa phương muôn hình muôn vẻ, đang nảy nở một nền văn hóa chung toàn thế giới… Một nước có thể và phải học hỏi kinh nghiệm lịch sử của một nước khác”. Trong những năm đầu thế kỷ XX, vào năm 1908, V.I. Lênin cũng có những quan điểm cởi mở đối với các học thuyết ngoài chủ nghĩa Mác: “Người nghệ sĩ có thể tìm thấy cho mình nhiều cái có lợi trong bất cứ triết học nào”. Trong lịch sử giao lưu giữa phương Đông và phương Tây, phương Bắc và phương Nam có ít nhất là 4 con đường: Con đường thương mại, sự tiếp nhận các tôn giáo, con đường chiến tranh xâm lược, con đường trao đổi bình đẳng giữa các nước. Ở nước ta, việc tiếp nhận văn hóa đi kèm theo sự thôn tính của phong kiến phương Bắc, sự xâm lăng của thực dân Pháp, của phát xít Nhật và đế quốc Mỹ, về bản chất dùng phương thức cưỡng chế, áp đặt, âm mưu đồng hóa. Còn các phương thức khác thường trải qua quá trình tiếp thu tự nguyện. Nhưng dù là tự nguyện cũng phải dựa trên cơ sở bản sắc, bản lĩnh dân tộc. Đạo Phật là một ví dụ. Đạo Phật từ Ấn Độ, Trung Quốc vào nước ta vào cuối thế kỷ thứ hai (Theo Thiền uyển tập anh) và sớm trở thành tôn giáo nhập thế nhờ giáo lý được bản địa hóa, phong tục hóa để tăng, sư dễ bề truyền đạo, được đông đảo người dân, đặc biệt là nông dân, tiểu thương, thợ thủ công gửi gắm niềm tin và lòng ngưỡng mộ. Thời Lý, Phật giáo trở thành quốc giáo, phát triển đến cực thịnh. Vì sao vậy? Vì bản chất của tôn giáo này là hòa hiếu bác ái, từ bi, cứu khổ, khuyến điều thiện, răn điều ác. Vai trò của Phật giáo là không nhỏ trong sự nghiệp cứu nước và xây dựng đất nước, nhất là từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945.
Trong quá trình giao lưu văn hóa với các nước phát triển, chúng ta đã tiếp thu nhiều tác phẩm tiêu biểu và nhiều kinh nghiệm sáng tạo. Các tác phẩm nghệ thuật nước ngoài, nhất là các tác phẩm cổ điển, là những “sứ giả” có công nhất trong việc truyền bá văn hóa nước ngoài đến với độc giả trong nước. Chúng mang những giá trị nhân văn cao đẹp, mẫu mực về ngôn ngữ, cách tân về thi pháp miêu tả. Trong quá trình tiếp thu cái bên ngoài cần đề phòng tâm lý sính ngoại, phục ngoại vô cớ, mặt khác, cũng tránh tâm lý khép kín, coi thường những giá trị các dân tộc. Thái độ đúng đắn nhất để ứng xử mối quan hệ giữa cái bên ngoài và cái bên trong là: Càng đi vào dân tộc sâu sắc bao nhiêu, thì càng nhanh chóng hiểu biết, dễ tiếp nhận cái hay, cái đẹp của thế giới bấy nhiêu. Thật đúng chỗ khi dẫn ra đây những kiến giải của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Văn hóa của các dân tộc khác cần phải nghiên cứu toàn diện, chỉ có trong trường hợp đó mới có thể tiếp thu được nhiều hơn cho văn hóa của chính mình”, “Mỗi một dân tộc cần phải chăm lo đặc tính dân tộc trong nghệ thuật”, “Càng thấm nhuần chủ nghĩa Mác – Lênin, càng phải coi trọng những truyền thống tốt đẹp của cha ông”. Chính Người là hiện thân rực rỡ, biểu tượng mẫu mực của GLVH. Người thông thạo nhiều ngoại ngữ, hiểu biết Bắc sử và chữ Hán, am tường nhiều trào lưu nghệ thuật, tiếp xúc với nhiều bậc thầy văn hóa thế giới…
Giới thiệu lịch sử, đất nước, con người, văn hóa Việt Nam với thế giới
Trong GLVH, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nhắc câu nói giản dị: “Chúng ta không chịu vay mà không trả. Trả ở đây là giới thiệu những giá trị văn hóa truyền thống và hiện đại nước ta cho thế giới biết, để họ hiểu, từ đó mà “làm bạn với chúng ta”, ủng hộ sự nghiệp đấu tranh chống xâm lược trước đây và công cuộc đổi mới hôm nay”.
Các giá trị truyền thống văn hóa nước ta thì nhiều. Ở đây, chúng tôi xin nêu ba bình diện nổi trội: chủ nghĩa yêu nước Việt Nam, nền văn hóa Việt Nam và con người Việt Nam. Chủ nghĩa yêu nước, ý thức tự cường dân tộc là tài sản vô giá của truyền thống văn hóa Việt Nam. Yêu nước là giữ nước, giữ dân, coi dân là gốc. Nói dân ta có sức sống trường tồn, không bị đồng hóa trước âm mưu thôn tính của kẻ thù, đứng lên chống giặc ngoại xâm là nói sức mạnh của dân, trách nhiệm của dân và lợi ích của dân. Thời nào cũng vậy, lúc bình cũng như lúc biến, các bậc minh quân đều lấy dân làm gốc, lấy nhân nghĩa làm đức, lấy hòa hiếu để ứng xử bang giao, đối nội thì thuận lòng người, đối ngoại thì mềm dẻo, linh hoạt. Đó là sách lược của kẻ thắng. Truyền thống hòa hiếu là cơ sở cho chính sách ngoại giao đa phương, cơ hội để hội nhập với thế giới trong thời đại Hồ Chí Minh. Suy nghĩ về chiều cao và bề sâu của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam, Tổng bí thư Lê Duẩn có lần nói: “Phải có một nghìn năm văn hóa trước đó, mới có chuyện Hai Bà Trưng thắng quân Hán… Dân tộc Việt Nam, con người Việt Nam không bị đồng hóa là vì sao? Vì sớm có nền văn hóa của mình mà cao nhất là chủ nghĩa yêu nước…”.
Trong mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước, dân tộc ta đã có một nền văn hóa rực rỡ mà đỉnh cao là trí tuệ lấp lánh, phải kể đến trước tiên là Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Quang Trung, Nguyễn Du, Hồ Chí Minh. Do khuôn khổ hạn hẹp của những trang viết, chúng tôi xin luận giải hai hiện tượng văn hóa lỗi lạc: Nguyễn Trãi – anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới ghi đậm dấu ấn lịch sử về văn hóa hòa hiếu, một giá trị nhân văn bền vững. Mục đích cao nhất của cuộc kháng chiến chống quân xâm lược nhà Minh là cốt để mở nền “thái bình muôn thuở”. Câu chuyện của vợ chồng nhà học thuật, nhà báo Irênê, Phabe, người Đức (đã dịch Truyện Kiều ra tiếng Đức) có lần thưa với Bác Hồ rằng, trong thời đại Nguyễn Trãi sống, sáng tác, hoạt động, thì ở châu Âu chưa có một tác giả nào lớn. Nhận định này đòi hỏi sự nghiên cứu so sánh Nguyễn Trãi với các tác giả thời đại Phục Hưng, thế kỷ Ánh Sáng và các thế kỷ tiếp theo ở châu Âu. Còn Quang Trung với chính sách mở và cải cách của vị minh quân: tầm nhìn kinh tế xa rộng phù hợp với nền kinh tế hàng hóa, mở cửa biên giới với nhà Thanh, tăng cường quan hệ buôn bán với các thuyền buôn phương Tây, việc sử dụng chữ Nôm làm Quốc ngữ chính thống thay chữ Hán, chính sách chiêu tập hiền nhân có hệ thống… làm chúng ta liên tưởng tới một vị vua anh minh nước Nga Pie Đại đế (1687 – 1785) với nhiều cách táo bạo để nước Nga nhìn sang châu Âu bằng “khung cửa sổ phía Tây”.
Còn con người Việt Nam? Những phẩm chất gì liên quan tới đề tài GLVH thế kỷ XXI. Trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương V (khóa VIII) Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu nhấn mạnh: “Những thắng lợi trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc và sự đứng vững trước những biến đổi dữ dội khôn lường của thế giới ngày nay chính là những thắng lợi của con người Việt Nam, của văn hóa Việt Nam… nhiệm vụ trọng đại đó (CNH – HĐH) đòi hỏi con người Việt Nam phải kế thừa và phát triển về nhân cách, trí tuệ, tư tưởng đạo đức với năng lực tổng hợp và kỹ thuật lao động tiên tiến, đưa dân tộc ta đến một tầm cao văn minh mới, đủ sức làm chủ và bảo đảm sự nghiệp cách mạng thắng lợi”. Người Việt Nam với những tố chất tích cực như tính cộng đồng cao, ý thức đồng thuận, tính cần cù, cường độ lao động lớn, truyền thống hiếu học… đã và sẽ làm được nhiều việc phi thường. Nhưng cần khắc phục một số nhược điểm: người Việt Nam thông minh, nhưng mới ở từng cá nhân, chưa đến độ thông minh cộng đồng, người có trí tuệ lỗi lạc rất hiếm (Nếu chỉ cần so sánh với người Nhật Bản, hay Hàn Quốc). Não bộ người Việt Nam phát triển, nhưng não sáng tạo ít hơn não thích ứng, thói quen bắt chước rất nhanh… Nguyên nhân? Cho đến nay tinh thần cốt lõi của văn hóa Việt Nam vẫn là tư tưởng nông dân, tâm lý hạn hẹp, chưa thật sự tôn trọng quyền cá nhân, chấp nhận cá tính, ý thức dân chủ chưa cao, mặc dầu các nghị quyết của Đảng, các văn bản pháp quy của Nhà nước đã ngăn ngừa, phê phán không phải một lần.
Ngăn ngừa và đấu tranh chống sự xâm nhập các sản phẩm văn hóa độc hại
Trong Đề cương văn hóa năm 1943, Đảng ta đã yêu cầu chống chính sách văn hóa của thực dân Pháp, chống sự tuyên truyền chủ nghĩa “Đại Đông Á” của Nhật, xu hướng văn hóa quá trớn của bọn Trôxkít và các triết thuyết tư sản và duy tâm… Trong Nghị quyết V Đảng ta tiếp tục cụ thể hóa: Ngăn ngừa sự xâm nhập các sản phẩm văn hóa phản động, đồi trụy, chống việc lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng thực hiện ý đồ chính trị xấu, bài trừ các phương hướng sáng tác suy đồi, phi nhân tính, đẩy lùi hủ tục, tệ nạn cờ bạc, ma túy, mại dâm, bạo lực, gây rối trật tự công cộng, hạn chế tác dụng tiêu cực qua mạng Internet cũng như các phương tiện thông tin đại chúng khác.
Ngày nay, mục tiêu chính của chủ nghĩa đế quốc văn hóa là làm suy yếu tiềm năng và nội lực của văn hóa dân tộc. Những yếu tố độc hại, suy đồi của văn hóa đế quốc đang như những đợt sóng ngầm va đạp âm ỉ vào bến bờ của nhiều nước đang phát triển. Nó có những đặc điểm sau: Truyền bá phương châm tiêu dùng, lối sống thực dụng, trước hết là vào lớp trẻ, Dùng các hình thức quảng cáo từ thiện, du lịch, tôn giáo để đạt mục đích chính trị, tuyên truyền sùng bái văn hóa phương Tây, trước hết là văn hóa Mỹ, coi đó là mô hình chuẩn, tổ chức và bảo trợ cho một số trí thức, văn nghệ sĩ nhẹ dạ cả tin biến họ thành “cái loa”, chất men phản kháng, chống sự nghiệp đổi mới của ta. Những chiến dịch ồn ào về đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, “chuyển lửa về quê hương” đã được thay thế bằng bàn tay bọc nhung nắm lấy hoạt động từ thiện, du lịch giả hiệu, giương cao những tuyên ngôn, tuyên cáo về nhân quyền, tự do, dân chủ với mục đích chính trị đen tối.
Giao lưu văn hóa trong thời kỳ hội nhập quốc tế có liên quan tới sự nghiệp CNH, HĐH:
– Nếu CNH là quá trình xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, thì HĐH là chặng đường xây dựng kiến trúc thượng tầng, giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống. HĐH trong văn hóa chỉ có thể đi vào đời sống, khi trình độ dân trí được nâng cao. Nhiều nhà dự báo cho rằng, trong thế kỷ mới, trí thông minh, sức tưởng tượng và trực giác của con người sẽ tiếp tục quan trọng hơn máy móc.
– HĐH không đồng nhất với phương Tây hóa. Những công nghệ mới, những dòng thông tin tự do, Internet là con dao hai lưỡi. Chúng có thể mang lại cơ hội mới, nhưng tác hại của chúng cũng không ít và khôn lường. Trước, sau vẫn là sự điều chỉnh quá trình biện chứng giữa việc giữ gìn văn hóa dân tộc và tiếp nhận tinh hoa văn hóa nhân loại để làm dày thêm các lớp văn hóa nhân bản, xóa bỏ dần lớp văn hóa phi nhân tính.
– HĐH trong văn hóa (ngoài những nội dung như đổi mới khoa học công nghệ trong các lĩnh vực), cần coi trọng hàng đầu những quy luật đặc thù sau: Một là, xây dựng con người Việt Nam là con người phát triển cao về trí tuệ, phong phú về tinh thần, trong sáng về đạo đức, cường tráng về thể chất. Con người không phải là phương tiện của quá trình CNH, HĐH mà là trung tâm, là động lực và mục tiêu của phát triển. Một đại diện xuất sắc của triết học cổ điển Đức, F.G.Fichte (1762-1814) đã viết: Mỗi một sinh vật chỉ có thể là cái mà nó đang là…, duy chỉ có con người là không có gì tuyệt đối cả. Nó sẽ trở thành cái mà nó phải là… có nghĩa là con người phải trở thành con người văn hóa. Hai là, xây dựng môi sinh văn hóa tức là “thiên nhiên thứ hai” do con người xây dựng trong quá trình CNH, HĐH và đô thị hóa. Thứ 3 là, điều kiện văn hóa tức là chính sách, thể chế, hành lang pháp lý cần và đủ cho hoạt động văn hóa và xã hội hóa văn hóa. Thứ tư là, quản lý văn hóa tức là quản lý tri thức. Trong quản lý xã hội thì quản lý những cái vô hình (tâm trạng, tâm lý, tình cảm, nguyện vọng của quần chúng) là khó nhất, trong quản lý con người thì khó nhất là biết “đo lòng người”. Vào thời đại “thế giới phẳng” người quản lý có tài không phải là người giỏi nhất mà là người biết thu gom những tri thức, quy tụ được những người tài. Tất cả những nội dung trên được triển khai một phần những luận điểm của Đảng về GLVH được ghi trong Nghị quyết Đại hội Đảng X (2006).
GLVH là sự đối thoại giữa các nền văn hóa nhiều khi đóng vai trò quan trọng, thậm chí quyết định cho những cuộc đàm phán về biên giới, lãnh thổ, xung đột sắc tộc. Quá trình GLVH cần tính đến giá trị chung, giá trị nhân loại, đồng thời thừa nhận cái khác biệt của ta. Lo sợ về cơn lốc toàn cầu hóa là có thật, nhưng việc dân chủ hóa công nghệ, dân chủ hóa tài chính, dân chủ hóa thông tin là không thể không chấp nhận. Vấn đề còn lại là bản sắc, bản lĩnh, đạo lý dân tộc. Câu sau này của Thomas L.Friedman có thể chiêm nghiệm được: “Một đất nước không có rặng cây Ôliu khỏe khoắn (biểu trưng gốc rễ dân tộc) sẽ không bao giờ có được cảm giác nguồn gốc được duy trì hay an tâm để hội nhập với thế giới. Nhưng một đất nước chỉ có rặng cây Ôliu không thôi, chỉ lo cội rễ mà không có xe Lexus (biểu trưng tính hiện đại) thì sẽ không bao giờ tiến xa được. Giữ cân bằng hai yếu tố trên là cuộc vật lộn triền miên”.