Giáo trình Văn hóa đại chúng – Tài liệu đáng tin cậy và hữu dụng để giảng dạy cho sinh viên ngành Truyền thông.
Mục lục bài viết
Giáo trình Văn hóa đại chúng – Tài liệu đáng tin cậy và hữu dụng để giảng dạy cho sinh viên ngành Truyền thông.
bởi quản trị viên |
Ngày đăng: 13-05-2022
VHSO – Sáng ngày 13 tháng 05 năm 2022, Hội đồng nghiệm thu giáo trình cấp Trường đã tổ chức nghiệm thu kết quả nghiên cứu và biên soạn giáo trình “Văn hóa đại chúng”, 3 tín chỉ, trong chương trình đào tạo bậc đại học ngành truyền thông do TS. Lê Thị Thanh Thủy và TS. Nguyễn Thị Thu Thủy (Đồng chủ biên). Đây là một trong những hoạt động nhằm hoàn thiện hệ thống giáo trình, tài liệu giảng dạy, đáp ứng tốt yêu cầu giảng dạy và học tập, đổi mới nội dung chương trình, nâng cao chất lượng đào tạo tại Trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh.
Hội đồng nghiệm thu cấp trường do PGS.TS. Nguyễn Thê Dũng – Hiệu trường Trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh làm Chủ tịch; GS.TS. Phan Thị Thu Hiền – Khoa Văn hóa học, Trường Đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, Phản biện 1; TS. Nguyễn Tiến Mạnh – Giảng viên Trường Đại học Kinh tế – Tài chính TP. Hồ Chí Minh, Phản biện 2; TS. Trịnh Đăng Khoa – Trưởng khoa Quản lý văn hóa, nghệ thuật, Trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh, Ủy viên và TS. Vũ Thị Phương – Phó trưởng Trưởng khoa Quản lý văn hóa, nghệ thuật Trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh, Thư ký.
Toàn cảnh buổi nghiệm thu giáo trình “Văn hóa đại chúng” sáng ngày 13/5. Ảnh: Đăng Khoa.
Văn hóa đại chúng là một học phần thiết yếu trong chương trình giáo dục đại học của ngành văn hóa và truyền thông nói chung; trong bối cảnh các tài liệu và đầu sách về học phần văn hóa đại chúng còn khiêm tốn, thậm chí còn gây ra tranh luận, nhóm tác giả biên soạn giáo trình cho học phần này nhằm mục đích: Cung cấp một tài liệu đáng tin cậy và hữu dụng để giảng dạy một học phần trong chương trình đào tạo của nhà trường; Cung cấp kiến thức, quan điểm và phương pháp, công cụ để người học hiểu, cảm thụ, đánh giá, khai thác, tổ chức thực hành các hoạt động, sự kiện, chương trình, sản phẩm văn hóa đương đại hiệu quả hơn nhằm đáp ứng chuẩn đầu ra cho sản phẩm đào tạo của nhà trường ngày càng tốt hơn; Trang bị hành trang cho người học trong lĩnh vực văn hóa và truyền thông đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực ngày càng cao của xã hội trong bối cảnh phát triển vượt bậc của Internet và cách mạng công nghiệp 4.0.
Kết luận nghiệm thu, thay mặt Hội đồng nghiệm thu, PGS.TS. Nguyễn Thế Dũng, đã chúc mừng đồng tác giả là chủ biên giáo trình được nghiệm thu. Đánh giá chung của Hội đồng cho rằng giáo trình đã có sự đầu tư, xây dựng bố cục hợp lý, mục tiêu rõ ràng, phù hợp điều kiện giảng dạy và đáp ứng được yêu cầu của môn học. Tuy nhiên, để giáo trình được hoàn thiện hơn, Hội đồng nghiệm thu đề nghị nhóm tác giả viết giáo trình cần chỉnh sửa, bổ sung thêm một số nội dung do các thành viên của Hội đồng nghiệm thu đóng góp. Nhóm tác giả đã nghiêm túc tiếp thu những ý kiến đóng góp của Hội đồng nghiệm thu để bổ sung và hoàn thiện giáo trình trong thời gian sớm nhất./.
Hoàng Hải.
BBT Website Trường Đại học Văn hóa TP.HCM