Gìn giữ không gian văn hóa tâm linh

Tôn vinh giá trị dân tộc

Tại Việt Nam có nhiều tín ngưỡng, tôn giáo, và nhiều người theo tín ngưỡng, tôn giáo. Trong đó, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương có cội nguồn từ tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên trong dân gian đã được khẳng định, trở thành tín ngưỡng chính thống của người Việt. Hàng năm, cứ đến ngày 10.3 âm lịch, nhân dân cả nước không kể dân tộc, tôn giáo, miền ngược hay miền xuôi, từ đáy lòng mình đều nhớ về công đức các vua Hùng, trong hoàn cảnh cho phép, tham dự các lễ hội tại Đền Hùng hay ở các cơ sở thờ vua Hùng ở địa phương.

Ảnh: TTXVN
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là tín ngưỡng bản địa tiêu biểu, đặc trưng của người Việt. Ảnh: phutho.gov.vn

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là hình thức thờ Tổ độc đáo mà hiếm quốc gia nào trên thế giới có được. Nhận định như vậy, GS.TS.NGND Trần Văn Bính, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phân tích: huyền thoại Lạc Long Quân và Âu Cơ đã giáo dục chúng ta lòng biết ơn, đặc biệt là ý thức về cội nguồn giống nòi, mối quan hệ máu thịt của người Việt Nam. Hai chữ “đồng bào” đã nói lên điều đó.

“Tất cả chúng ta, dù người miền Bắc, miền Nam, miền Trung, dù người miền núi, miền xuôi, miền biển đều chung một bọc trứng của Âu Cơ. Đó là một mối quan hệ đặc biệt, chỉ dân tộc Việt Nam mới có. Vì vậy, giá trị sâu xa của tín ngưỡng Hùng Vương là sự gắn kết thương yêu, đùm bọc lẫn nhau của cộng đồng dân tộc Việt, những người có chung một cội, cùng chung một nguồn”, GS.TS.NGND Trần Văn Bính nói.

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương thuộc văn hóa tín ngưỡng thờ tổ tiên của dân tộc Việt Nam. Người Việt thờ cúng các vua Hùng chính là để tôn vinh dân tộc mình. Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Phú Thọ Nguyễn Tiến Khôi cho rằng: Đền Hùng không phải là gốc của một tôn giáo, các Vua Hùng không phải là giáo chủ, người Việt thờ Hùng Vương không có học thuyết và cũng không hề có giáo hội truyền bá, nhưng từ hàng nghìn đời nay, người Việt vẫn hành hương về Đền Hùng để tri ân Quốc Tổ – những người đã có công dựng nước. Lòng biết ơn, thành kính tổ tiên đã được cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng phát biểu trong ngày giỗ Tổ Hùng Vương năm 1969: “Từ lòng biết ơn đến sự tôn kính các thế hệ tiền nhân và tổ tiên gia đình, dòng họ, dân tộc ta đã phát triển hình thức sinh hoạt văn hóa tinh thần ấy thành một đạo lý và tín ngưỡng dân tộc độc đáo, là tín ngưỡng và phụng thờ một tổ tiên chung của toàn dân tộc – các vua Hùng”.

Những giá trị nổi bật về sự phổ cập rộng rãi và truyền thống lâu đời của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, sự đóng góp tích cực của cộng đồng người Việt trong bảo tồn sức sống của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trên mọi miền Tổ quốc, lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài như một bản sắc văn hóa truyền thống được duy trì, kế tục và phát huy chính là một trong những tiêu chí để UNESCO ghi danh Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương cũng chính là di sản đầu tiên của Việt Nam ở loại hình tín ngưỡng được ghi vào danh sách này.

Quảng bá di sản, khơi dậy niềm tự hào

Từ hàng nghìn đời nay, trong đời sống tâm linh của người Việt, vua Hùng vẫn luôn có vị trí quan trọng đặc biệt như một biểu tượng văn hóa cụ thể, một thực thể thiêng liêng khác hẳn với những biểu tượng tín ngưỡng tôn giáo trên thế giới. Theo PGS.TS. Nguyễn Thanh Xuân, Viện Nghiên cứu tôn giáo, tín ngưỡng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương mang một ý nghĩa tâm linh to lớn, tạo sức mạnh thống nhất các tầng lớp nhân dân về một đức tin. Đến nay, các Vua Hùng đã trở thành vị thần bảo trợ của cả cộng đồng quốc gia – dân tộc, là các vị thần linh thiêng trong tâm linh người Việt Nam.

Bên cạnh đó, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương còn là nét văn hóa đặc sắc của người Việt Nam. Trong nghi thức sinh hoạt tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương bao giờ cũng gồm phần lễ và phần hội. Trong vật phẩm dâng lễ có bánh chưng, bánh giầy để nhắc nhở cội nguồn văn minh lúa nước của người dân Việt Nam và công đức của các Vua Hùng dạy dân trồng lúa nước; trong phần hội có các hình thức vui chơi truyền thống như đánh trống đồng, đâm đuống, rước kiệu, hát Xoan… Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương thật sự trở thành không gian văn hóa tâm linh đặc sắc của người Việt. Gìn giữ và phát huy giá trị của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, bởi vậy cũng cần làm nổi bật yếu tố tiêu biểu và đặc trưng nhất ấy.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng cho rằng, một số người dân, đặc biệt là lớp trẻ chưa biết nhiều về các vua Hùng và các di tích thờ cúng Hùng Vương, thậm chí ngay ở địa phương mình. Bởi vậy, cần đầu tư tôn tạo, tu bổ hệ thống di tích liên quan đến tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, tạo thêm những kênh tư liệu thông tin về các di tích này. Đồng thời, tổ chức giới thiệu, phổ biến, quảng bá về tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, giúp cán bộ, nhân dân, du khách trong và ngoài nước hiểu hơn về di sản này; xây dựng và tổ chức các chương trình trải nghiệm, các sản phẩm du lịch học đường, giáo dục truyền thống lịch sử cội nguồn. Việc phát huy giá trị di sản tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương gắn với hoạt động du lịch, góp phần phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, củng cố bản sắc văn hóa, gìn giữ kinh nghiệm, tri thức dân gian, tập tục truyền thống… cũng vô cùng quan trọng.

Trong khi đó, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam, GS.TS. Nguyễn Chí Bền nhận định: nhìn chung, các di sản văn hóa phi vật thể có tính mong manh, dễ bị tổn thương hơn so với các di sản văn hóa vật thể. Cho nên, việc bảo tồn phải đặc biệt lưu tâm. Riêng đối với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, bài toán đặt ra là xử lý thật khéo quan hệ giữa vai trò của Nhà nước và cộng đồng. Cộng đồng cần ý thức tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là di sản của chính mình. Nhiệm vụ của cộng đồng là giữ gìn và trao truyền cho thế hệ sau… Có thể thấy, trong tâm thức thế hệ trẻ Việt Nam, dù sống trong nước hay ngoài nước, tôn kính tổ tiên, tôn kính các vị Hùng Vương luôn là tình cảm thường trực. Vì thế, phải tin tưởng ở thế hệ trẻ, chú trọng khơi dậy niềm tự hào về lịch sử, truyền thống độc đáo của dân tộc.

Xổ số miền Bắc