Gìn giữ tinh hoa văn hóa ẩm thực Việt

Tham gia chuỗi sự kiện trong hành trình khảo sát xây dựng di sản văn hóa ẩm thực tiêu biểu 5 tỉnh, thành phố phía Bắc do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Nam Định phối hợp với Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam tổ chức ngày 25-3 tại thành phố Nam Định, chúng tôi được trải nghiệm sự cầu kỳ, tinh tế và độc đáo trong việc chế biến các món ăn truyền thống từ những sản vật nông nghiệp phong phú, đa dạng của các địa phương. Những món ăn không chỉ đặc trưng cho các vùng miền mà còn mang đậm bản sắc văn hóa, tinh hoa ẩm thực, được gìn giữ, lưu truyền qua các thế hệ tạo thành bản sắc văn hóa ẩm thực Việt Nam.

Gian hàng giới thiệu tinh hoa văn hóa ẩm thực Hà Nội.

Gian hàng giới thiệu tinh hoa văn hóa ẩm thực Hà Nội.

Hành trình khảo sát xây dựng di sản văn hóa ẩm thực tiêu biểu 5 tỉnh, thành phố phía Bắc diễn ra từ ngày 25 đến 31-3 tại địa bàn các tỉnh: Nam Định, Hà Nam, Thái Nguyên, Phú Thọ và thành phố Hà Nội với nhiều hoạt động: khảo sát, trải nghiệm món ăn dân gian tiêu biểu của các địa phương; giao lưu, tìm hiểu lịch sử văn hóa ẩm thực, phương thức chế biến cùng nghệ nhân các địa phương, quảng diễn một số món ăn… Nam Định là địa phương đầu tiên được chọn khởi động thực hiện hành trình khảo sát. Hành trình có sự tham gia của 50 nghệ nhân ẩm thực tiêu biểu đến từ các tỉnh, thành phố trong cả nước. Theo đó, chương trình tổ chức nhằm khảo sát, xây dựng cơ sở dữ liệu về văn hóa ẩm thực, các món ăn, uống tiêu biểu của các vùng miền. Trên cơ sở đó lập đề cử các món ẩm thực tiêu biểu của 5 tỉnh, thành phố đưa vào danh sách lựa chọn của Dự án 100 món ẩm thực tiêu biểu Việt Nam (giai đoạn 2022-2024); thu thập dữ liệu thực tế để xây dựng bản đồ văn hóa ẩm thực Việt Nam với các món ăn Việt Nam truyền thống và hiện đại. Bà Lê Thị Thiết, Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Nam Định chia sẻ: “Hiệp hội rất vui mừng được tổ chức thực hiện Hành trình khảo sát, xây dựng di sản văn hóa ẩm thực tại 5 tỉnh, thành phố phía Bắc với điểm bắt đầu là Nam Định. Đây là cơ hội để có thể đưa những tinh hoa ẩm thực Thành Nam giới thiệu và giao lưu cùng các nghệ nhân và du khách đến từ khắp mọi miền trên cả nước. Chương trình này có ý nghĩa quan trọng trong việc tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu các món ăn đặc sắc thuần Việt đến người dân trong nước và cộng đồng quốc tế, góp phần quảng bá du lịch qua văn hóa ẩm thực, phù hợp với nhu cầu thị trường và định hướng phát triển văn hóa ẩm thực đến với du khách trong và ngoài nước”.

Trong chuỗi các hoạt động của hành trình tại tỉnh Nam Định đã diễn ra các hoạt động: tìm hiểu di sản lịch sử và văn hóa ẩm thực vùng Trấn Sơn Nam Hạ với các món ăn dân gian vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, tham gia chương trình giao lưu nghệ nhân, quảng diễn một số món ăn; thưởng thức đặc sản ẩm thực tiêu biểu của 3 miền Bắc, Trung, Nam với các món ăn hấp dẫn, đậm đà hương vị đặc trưng các vùng miền như: phở bò, bún đũa, kẹo Sừu Châu Nam Định; bún ốc Hà Thành; bún bò Huế; bánh canh xứ Quảng; những món ăn đặc trưng của đồng bào dân tộc Tày tại xã Thái Hải (tỉnh Thái Nguyên) như thịt gác bếp, lạp xưởng cùng các gia vị mang đậm hương sắc núi rừng. Nằm trong chuỗi hoạt động ở Nam Định, các nghệ nhân và du khách còn được tham quan, trải nghiệm cách thức làm cỗ, dâng cỗ và thi cỗ tại đền Din, xã Nam Dương (Nam Trực) do người dân địa phương trình diễn… Nghệ nhân ẩm thực Vũ Thị Hoa, hội viên Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Nam Định cho biết: “Tham gia chương trình, tôi mong muốn giới thiệu các sản phẩm Kẹo Sừu Châu Kim Thành Hoa để quảng bá rộng rãi một trong những đặc sản của Nam Định đến các nghệ nhân ẩm thực và các du khách. Tôi mong rằng, văn hóa ẩm thực của Nam Định nói riêng và ẩm thực Việt Nam nói chung ngày càng được gắn kết, lan tỏa không chỉ trong nước mà còn rộng rãi đến bạn bè quốc tế hiểu biết thêm về văn hóa ẩm thực Việt Nam”.

Gian hàng ẩm thực giới thiệu đặc sản bún đũa Thành Nam.

Gian hàng ẩm thực giới thiệu đặc sản bún đũa Thành Nam.

Sau các hoạt động tại Nam Định, hành trình tiếp tục triển khai các hoạt động ở các địa phương: khảo sát tuyến điểm du lịch kết hợp trải nghiệm ẩm thực tại khu du lịch tâm linh Tam Chúc (tỉnh Hà Nam); tìm hiểu văn hóa ẩm thực vùng đất Tổ (Phú Thọ); trải nghiệm giao lưu cùng bà con dân tộc, nghệ nhân ẩm thực địa phương tại bản làng Thái Hải (tỉnh Thái Nguyên), cùng thực hành các món ăn truyền thống của đồng bào các dân tộc Việt Bắc; giao lưu với nghệ nhân ẩm thực Hà Nội. Bà Nguyễn Thị Hiền, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Chè Hà Thái (Thái Nguyên) cho biết: “Khi tham gia vào chương trình này tôi thấy các hoạt động rất thiết thực và ý nghĩa, giúp mở mang được hiểu biết các kiến thức về văn hóa, đặc sắc ẩm thực tiêu biểu của các địa phương. Tôi mong rằng thời gian tới, tiếp tục được tham gia vào các chương trình, các sự kiện do Hiệp hội tổ chức để được tìm hiểu và trải nghiệm nhiều hơn về ẩm thực, văn hóa và du lịch các vùng miền trên cả nước”

Hành trình khảo sát xây dựng di sản văn hóa ẩm thực tiêu biểu 5 tỉnh, thành phố phía Bắc cũng là dịp để các thành viên Hiệp hội ẩm thực, các nghệ nhân tiếp cận thực tế địa phương, lịch sử và văn hóa của các món ẩm thực, từ đó hiểu rõ hơn giá trị của văn hóa ẩm thực; xác định được vai trò và trách nhiệm của từng cá nhân và tổ chức trong việc bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống… Bà Lê Thị Thiết cho biết thêm: Qua chương trình này chúng tôi cũng mong muốn được góp phần vào việc tìm kiếm chất liệu để xây dựng bản đồ văn hóa ẩm thực Việt Nam, tiến tới xây dựng cơ sở dữ liệu món ăn Việt Nam truyền thống và hiện đại; khơi dậy niềm tự hào về truyền thống văn hóa ẩm thực Việt Nam, cung cấp nền tảng thông tin thực tế về những món ăn đặc sắc thuần Việt của các vùng miền, trong việc bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống, trao truyền lại cho thế hệ sau. Đồng thời tạo động lực mạnh mẽ, thúc đẩy các doanh nghiệp kinh doanh ẩm thực theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm, giá trị văn hóa góp phần đa dạng hóa, tăng sức cạnh tranh của các sản phẩm ẩm thực.

Ẩm thực truyền thống là kết tinh của tri thức, thẩm mỹ, phản ánh những đặc điểm văn hóa, phong tục tập quán của mỗi địa phương. Hiện nay, văn hóa ẩm thực truyền thống được quảng bá với nhiều hoạt động đa dạng, phong phú nhằm khơi dậy niềm tự hào về truyền thống văn hóa ẩm thực Việt Nam, cung cấp nền tảng thông tin thực tế về những món ăn đặc sắc thuần Việt của các vùng miền trong việc bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống, trao truyền lại cho thế hệ sau. Đồng thời tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu các món ăn đặc sắc thuần Việt đến người dân và cộng đồng quốc tế, góp phần quảng bá văn hóa ẩm thực Việt Nam. Qua đó, góp phần giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa ẩm thực truyền thống của dân tộc./.

Bài và ảnh: Thu Thủy