Giữ bản sắc văn hóa để hòa nhập mà không hoà tan


“Văn hoá là hồn cốt dân tộc. Văn hoá còn thì dân tộc còn. Văn hoá mất thì dân tộc mất…”, lời của tiền nhân được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh tại Hội nghị Văn hoá Toàn quốc năm 2021 không chỉ mang ý nghĩa hiệu triệu mà sâu xa hơn, đó còn là lời nhắc nhở về nguy cơ xói mòn, lai căng, thậm chí mất mát giá trị hồn cốt của bản sắc văn hoá dân tộc. Nguy cơ ấy vô hình nhưng luôn hiện hữu, bất cứ khi nào cũng có thể trở thành làn sóng cuốn phăng những giá trị truyền thống, nếu chúng ta không thực sự nâng niu, gìn giữ mà mải mê chạy theo xu thế thời đại.

Thời điểm những năm 40 của thế kỷ XX, bối cảnh phải cương quyết đấu tranh với các tông phái văn nghệ có nguy cơ làm xao nhãng quần chúng khỏi cuộc chiến sinh tử trước mắt, Đề cương Văn hoá Việt Nam đã phải đề ra các biện pháp tự vệ bằng cuộc đấu tranh triệt để “chống chủ nghĩa cổ điển, chủ nghĩa lãng mạn, chủ nghĩa tự nhiên, chủ nghĩa tượng trưng,… làm cho xu hướng tả thực xã hội chủ nghĩa thắng”. Trong ba nguyên tắc trụ cột của bản đề cương, nguyên tắc “dân tộc hoá” đã nêu bật yếu tố phải có chỗ dựa vững chắc là bản sắc văn hóa dân tộc.

Khai thác giá trị văn hóa đồng bằng sông Hồng làm nên thành công chương trình thực cảnh “Tinh hoa Bắc Bộ”.

GS.TS Từ Thị Loan, nguyên Quyền Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam nhấn mạnh: “Bản sắc dân tộc được kết tinh trong ý thức dân tộc, tâm hồn dân tộc, tính cách dân tộc, tâm lý dân tộc, di sản văn hóa của dân tộc… Bản sắc dân tộc tạo nên cốt cách, tinh hoa, “quốc hồn, quốc túy” cho văn hóa Việt Nam, đảm bảo sự trường tồn của dân tộc. Bản sắc văn hóa cũng góp phần tạo dựng bản lĩnh, nội lực, giúp chúng ta “hòa nhập mà không hòa tan”, đứng vững trong cơn lốc toàn cầu hóa. Bản sắc văn hóa tạo sức đề kháng, trở thành đối trọng để chống lại sự xâm lăng văn hóa, bá quyền văn hóa trong hội nhập quốc tế hiện nay”.

Đến lúc này, khi chúng ta đang mở rộng cánh cửa để hội nhập mạnh mẽ với toàn cầu, vấn đề giữ gìn bản sắc càng trở nên cấp thiết. Trên nhiều diễn đàn, các chính trị gia, những nhà quản lý, chuyên gia văn hoá đặc biệt lưu ý cụm từ “xâm lăng văn hoá”. Suốt chiều dài lịch sử dân tộc, khi bị kẻ thù đô hộ, chúng không chỉ thiết lập thể chế chính trị, đàn áp người dân, tạo xung đột giai cấp…mà còn nô dịch văn hóa, tiến tới đồng hoá về văn hoá. Trong 1000 năm Bắc thuộc, các triều đại phong kiến Trung Quốc khuất phục người Việt bằng văn hóa Trung Quốc. Có những giai đoạn lịch sử dân tộc phải chứng kiến sự tàn phá về văn hóa khủng khiếp. Cho đến sau này, thực dân Pháp, đế quốc Mỹ cũng muốn bành trướng, thay đổi toàn bộ văn hóa dân tộc Việt Nam, nhiều tư tưởng, sản phẩm công nghiệp gắn với văn hóa của chế độ thực dân, đế quốc được đưa vào xâm chiếm.

Trình chiếu phim quảng bá Việt Nam tại mái vòm Al Wasl, Dubai (Nguồn: Virtualexpodubai.com)

Nhưng có một điều, sức sống mãnh liệt của văn hóa Việt đã hoàn toàn không bị khuất phục trước kẻ thù xâm lược. Hơn thế, người Việt Nam ứng xử thông minh, “Việt Nam hóa” những tư tưởng từ bên ngoài để tạo nên nhiều thành tựu văn hóa cực kỳ to lớn mà chính chúng ta cũng không thể ngờ. Những tác phẩm văn học nghệ thuật, những tiểu thuyết, hội hoạ, sân khấu…đểu xác lập nhiều thành tựu đỉnh cao, bắt nguồn từ bản sắc cùng với quá trình hội nhập một cách chọn lọc để cuối cùng đi đến mệnh đề mà ngày hôm nay, chúng ta vẫn luôn nhắc tới: Hoà nhập nhưng không hoà tan.


Giá
trị lý luận nổi bật của Đề cương Văn hoá Việt Nam năm 1943 là Đảng ta đã nêu
lên ba nguyên tắc của vận động xây dựng văn hóa Việt Nam trong giai đoạn này: “Dân
tộc hóa”, “Đại chúng hóa” và “Khoa học hóa”. Ba nguyên tắc hay ba phương châm vận
động văn hóa này đã đáp ứng đúng nhu cầu bức thiết của thực tiễn làm cơ sở, để
Đảng lãnh đạo, tổ chức và huy động các lực lượng văn hóa, đội ngũ trí thức văn
nghệ sĩ và các tầng lớp nhân dân, khơi dậy khát vọng giải phóng dân tộc, đập
tan chế độ phát xít, thực dân, phong kiến, giành độc lập, tự do cho dân tộc.

Trong
bài phát biểu tại Lễ kỷ niệm 40 năm Đề cương (1983), đồng chí Trường Chinh đã
giải thích cụ thể về lý do và mục đích của việc đề ra các nguyên tắc này. Trong
đó, trả lời câu hỏi “Vì sao phải Dân tộc hóa?”, theo đồng chí Trường Chinh, gần
100 năm thống trị, thực dân Pháp đã du nhập vào Việt Nam những nhân tố tiêu cực,
phản động của văn hóa tư sản và đế quốc. Chúng đề cao sự giàu mạnh của thực
dân, ca tụng chính sách thuộc địa của chủ nghĩa thực dân, gieo rắc vào đầu óc
người Việt Nam tinh thần nô lệ, lệ thuộc, sùng bái văn hóa Pháp, chạy theo cuộc
sống hưởng lạc, đồi trụy, xa rời và miệt thị truyền thống văn hóa dân tộc, nảy
sinh tâm lý tự ti dân tộc, giảm sút tinh thần yêu nước và ý chí đấu tranh giành
độc lập dân tộc. Mục đích của nguyên tắc “Dân tộc hóa là làm cho văn hóa trực
tiếp phục vụ sự nghiệp giải phóng dân tộc, làm cho trí thức có đầy lòng tự hào,
dũng cảm đứng lên tiếp nhận trách nhiệm của mình trong sự nghiệp giải phóng dân
tộc, giải phóng Tổ quốc, xây dựng và phát triển nền văn hóa mới Việt Nam”.

Khát
vọng đổi mới tạo xu thế phát triển mới của nền văn hoá, ở đó không có sự tách rời
với xu thế phát triển của nhân loại. Nhưng cũng sớm nhìn thấy những nguy cơ nếu
một nền văn hoá, văn nghệ cứ mải miết chạy theo những trào lưu, những xu thế thời
thượng ấy mà vô tình, hoặc cố ý lãng quên những giá trị thuộc về cốt cách, bản
sắc của mình, Đảng ta ngay từ rất sớm đã vạch ra đường lối phát triển đúng đắn
để từ đó cho đến sau này, đội ngũ văn nghệ sĩ, tri thức, hàng ngũ tinh hoa Việt
đều luôn thấm nhuần tư tưởng giữ gìn văn hoá chính là giữ gìn hồn cốt dân tộc.

Cũng chính từ “kim chỉ nam” đó, trải qua những năm tháng kháng chiến gian khổ, trước vô vàn thách thức trong đó có nguy cơ nô dịch, đồng hoá văn hoá thì chúng ta vẫn có một nền văn học nghệ thuật mới hình thành trong khói lửa chiến tranh, với nhiều tác phẩm có giá trị, phản ánh một giai đoạn rực rỡ và vẻ vang của dân tộc. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhớ lại: Năm 1997, khi ông tham dự lễ ra mắt một cuốn sách rất đặc biệt được xuất bản tại Mỹ. Người Mỹ nói rằng, họ đã phát hiện bí mật quan trọng nhất trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam, đó là bí mật về văn hoá Việt. Những giá trị văn hoá được tạo nên từ những người lính là những nhà thơ, nhà văn, trên mặt trận, trên chiến trường. Họ đi trên con đường văn hoá, con đường chính nghĩa do Đảng, Nhà nước đã vạch ra. Qua 2 cuộc kháng chiến, trong thời kỳ đổi mới và trong giai đoạn hiện nay, sự trung thành của các văn nghệ sĩ với Tổ quốc, với Đảng, với nhân dân được thể hiện qua chính trang viết của họ, qua sự hi sinh của họ.


Bài thơ “Tấm ảnh” – Tố Hữu. Giọng đọc: Hướng Dương.

“Những trang viết đầy máu của thời chiến tranh, đầy trăn trở trong thời bình. Công cuộc đổi mới đã mở ra cánh cửa vô cùng rộng lớn, nhiều biến động sâu sắc, có những nhà văn cảm thấy hoang mang, lúng túng. Nhưng bản Đề cương với 3 trụ cột tinh thần đó đã mang lạị cho chúng ta niềm tin. Chưa bao giờ Đảng, Nhà nước có sự đồng hành và gần gũi với đội ngũ văn nghệ sĩ như bây giờ…”, theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều.

Xuyên
suốt những chặng đường phát triển của lịch sử dân tộc, sức mạnh nội sinh, nền tảng
của văn hoá đã tạo thành sợi dây kết nối, từ mạch nguồn truyền thống cho đến
hôm nay. Những bài ca, bản nhạc, những vở kịch, tác phẩm văn chương… được các
văn nghệ sĩ sáng tạo luôn thấm đẫm tinh thần thời đại, nhưng vẫn luôn trong một
mẫu số hài hoà: truyền thống và phát triển.


Liên hoan phim quốc tế Hà Nội đang dần vươn trở thành “điểm đến” của giới điện ảnh toàn cầu.

GS.TS Từ Thị Loan cho rằng, dân tộc hóa trong bối cảnh hiện nay phải đi đôi với quốc tế hóa, tức là mang các giá trị văn hóa dân tộc quảng bá ra thế giới, thâm nhập vào các nền văn hóa khác. Khi văn hóa dân tộc đã phát triển ở trình độ cao, phát triển đến mức đủ sức chinh phục, cuốn hút các cộng đồng khác, thì văn hóa dân tộc đã mang tính quốc tế mạnh mẽ. Văn hóa càng có bản sắc dân tộc ở trình độ cao thì càng được quốc tế hóa tương ứng. Ngược lại, càng được quốc tế hóa mạnh mẽ, thì càng làm giàu cho văn hóa nước nhà, củng cố bản sắc dân tộc. Bài học “làn sóng Hàn Quốc” (Hallyu) là một ví dụ. Có như vậy, chúng ta mới không chỉ “nhận” mà còn “cho”, có những đóng góp nhất định vào bức tranh chung của văn hóa nhân loại.

Xiếc tre “Làng tôi” biểu diễn hơn 300 buổi biểu diễn ở Châu Âu và Châu Á. Show diễn vinh dự được biểu diễn tại APEC CEO Summit Đà Nẵng 2017.

“Hiện
nay, múa rối nước, xiếc tre, sản phẩm thủ công mỹ nghệ, áo dài, phở, nem… của
Việt Nam đang ngày càng chinh phục thế giới. Chúng ta cần thúc đẩy để quá trình
này trở nên đa dạng và rộng rãi hơn, bao gồm cả những sản phẩm đương đại như
đưa phim Việt, nghệ thuật biểu diễn Việt, mỹ thuật Việt thâm nhập sâu rộng hơn
vào thị trường quốc tế…”, bà Loan nói.

Nỗi
lo mai một bản sắc văn hoá ở thời kỳ nào cũng vậy, luôn hiện hữu rõ nét. Nói
như PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc
hội, chúng ta đang sống trong một xã hội toàn cầu hóa, đó là một quá trình và
không quốc gia nào tránh khỏi. Chúng ta cũng hay nói đến thuật ngữ “ngôi làng
toàn cầu”, ở đấy thế giới thật nhỏ bé và đương nhiên, trong ngôi làng đó bất cứ
quốc gia nào, nền văn hoá nào cũng đều chịu ảnh hưởng rất lớn từ các nền văn
hóa khác nhau. “Trên thế giới, người ta đang lo ngại trào lưu “Mỹ hóa”, ăn kiểu
Mỹ – ăn đồ ăn nhanh, uống kiểu Mỹ – uống đồ uống có gas, nói tiếng Mỹ – Anh,
xem phim Mỹ, nghe nhạc Mỹ… Đó là dấu hiệu tiêu biểu nhất của quá trình toàn cầu
hóa. Các quốc gia chứ không riêng gì Việt Nam thực sự phải khẳng định bản lĩnh
để chống lại nguy cơ bị đồng hoá, nguy cơ bị hoà tan trong quá trình trình toàn
cầu hóa dữ dội này.

Ngày 15/12,  Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đã chính thức ghi danh Xòe Thái là Di sản phi vật thể đại diện của nhân loại.


chiều ngược lại, cũng không một quốc gia nào lại mong muốn, hoặc coi nhẹ để người
dân và bản sắc văn hoá của mình trở thành bản sao mờ của những nền văn hoá
khác. Đó là lý do tại sao, năm 2005, UNESCO đã ban hành một công ước về bảo vệ
và phát huy sự đa dạng trong biểu đạt của văn hóa, như là một hình thức để các
quốc gia ý thức nhiều hơn về chủ quyền văn hóa quốc gia của mình. Ở đó, chúng
ta không chỉ nhìn thấy câu chuyện về chủ quyền lãnh thổ,  chủ quyền lãnh hải mà quan trọng không kém,
đó là chủ quyền về văn hóa.

Câu
hỏi đặt ra là “Làm thế nào để hoà nhập mà không hoà tan?”. Nhiều chính trị gia,
các nhà văn hoá cho rằng, để làm được điều đó, các quốc gia phải hình thành nên
hệ thống luật pháp và chính sách để thúc đẩy, để bảo vệ những giá trị văn hóa của
mình. Nếu chúng ta không có một bản lĩnh văn hóa, không hiểu rõ và thực hành những
giá trị văn hóa của dân tộc mình, bản sắc văn hóa của đất nước mình, thì chúng
ta sẽ không tự tin trong quá trình hội nhập quốc tế.

“Và
chỉ khi chúng ta tự tin trong quá trình hội nhập quốc tế, thì chúng ta mới
thành công trong quá trình hội nhập quốc tế. Chúng ta có thể giới thiệu văn hóa
của mình, giới thiệu những sản phẩm, ký ức, tâm hồn, giá trị của dân tộc mình
ra thế giới chứ không chỉ tiếp thu những giá trị văn hóa từ thế giới…”, PGS.TS
Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh.

Thấu hiểu điều quan trọng nhất dành cho sự phát triển văn hoá trong giai đoạn hiện nay, liên tục trong thời gian qua, Đảng ta đã tổ chức nhiều chương trình lớn mang tầm vóc quốc gia về văn hoá. Từ Đề cương Văn hoá 1943 cho đến Hội nghị Văn hoá toàn quốc 2021, chúng ta nhận thấy rằng, những tư tưởng sâu sắc, mang tính dẫn đường về xây dựng một nền văn hóa cách mạng với những nguyên tắc như dân tộc hóa, đại chúng hóa, khoa học hóa đã thực sự “soi đường cho quốc dân đi”, tạo ra sức mạnh tổng hợp cho quốc gia, để dẫn dắt đất nước ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Ở đó, văn hoá Việt Nam dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào vẫn luôn giữ vững trong mình bản lĩnh, cốt cách, tinh thần dân tộc./.