Giữ chân nhân viên bằng văn hóa doanh nghiệp
Giữ chân nhân viên bằng văn hóa doanh nghiệp
Văn hóa doanh nghiệp ảnh hưởng đến hạnh phúc của nhân viên, sự hài lòng trong công việc và hiệu quả công việc của họ. Chính vì thế, văn hóa doanh nghiệp là yếu tố quan trọng góp phần không nhỏ vào việc giữ chân nhân viên và thu hút nhân tài cho doanh nghiệp.
Mục lục bài viết
VHDN là điều kiện tiên quyết giữ chân nhân viên
Theo khảo sát, có đến 66% người tìm việc coi văn hóa và các giá trị của công ty là yếu tố quan trọng nhất khi xem xét cơ hội nghề nghiệp, có đến 80% người lao động cho rằng văn hóa doanh nghiệp chính là yếu tố khiến họ gắn bó với công ty, có đến 86% người lao động cho biết họ sẽ không nộp đơn xin việc tại một tổ chức, doanh nghiệp có hình ảnh hoặc danh tiếng thương hiệu xấu. Các tổ chức có văn hóa doanh nghiệp mạnh có mức độ gắn kết nhân viên cao hơn rất nhiều so với các tổ chức có văn hóa doanh nghiệp yếu. Các doanh nghiệp chủ động quản lý văn hóa doanh nghiệp của họ có tỷ lệ giữ chân nhân viên cũng cao hơn rất nhiều.
Như vậy, tác động của văn hóa doanh nghiệp đối với việc giữ chân nhân viên là điều không thể phủ nhận. Nếu nhân viên làm việc cho một công ty có nền văn hóa lành mạnh phù hợp với niềm tin và thái độ của chính họ, họ sẽ làm việc chăm chỉ và gắn bó lâu dài hơn với công ty. Ngược lại, nếu văn hóa của công ty khiến họ cảm thấy không thoải mái, nhiều khả năng nhân viên sẽ rời đi, hoặc tệ hơn là ở lại nhưng hoạt động với hiệu quả kém. Rõ ràng là văn hóa doanh nghiệp ảnh hưởng đến hạnh phúc của nhân viên, sự hài lòng trong công việc và hiệu quả công việc của họ. Chính vì thế, văn hóa doanh nghiệp là yếu tố quan trọng góp phần không nhỏ vào việc giữ chân nhân viên và thu hút nhân tài cho doanh nghiệp.
Lãnh đạo cần giao tiếp tốt với nhân viên
Khuyến khích giao tiếp cởi mở và gắn kết sẽ làm cho nhân viên cảm thấy có giá trị và được đánh giá cao. Giao tiếp được đánh giá tốt khi lãnh đạo công ty và tập thể nhân viên được thẳng thắn cởi mở và trình bày những suy nghĩ, quan điểm, ý kiến cá nhân của mình. Nhà quản lý cần hiểu nhân viên của mình muốn gì, cần gì và sử dụng kênh giao tiếp phù hợp nhất. Thông thường đa số nhân viên không bỏ đi vì công ty mà vì người quản lý của mình. Hơn ai hết, nhà quản lý cần có kỹ năng giao tiếp tốt, đặc biệt là sự tinh tế và nhạy cảm khi đưa ra lời nhận xét và đánh giá. Có thể nói, đào tạo những nhà quản lý giỏi giao tiếp là một trong những chiến lược giữ chân nhân viên hiệu quả nhất.
Xây dựng môi trường làm việc gắn kết, thân thiện, thoải mái và hiện đại
Môi trường không tốt dễ khiến nhân viên mệt mỏi, chán nản và tìm đến môi trường mới. Môi trường vui vẻ, thân thiện, mọi người luôn sẵn sàng giúp đỡ nhau trong công việc, trong cuộc sống sẽ giúp nhân viên cảm thấy hạnh phúc hơn, yêu công ty và yêu sếp của mình hơn. Xây dựng môi trường làm việc đoàn kết, gắn bó, thoải mái sẽ thu hẹp khoảng cách giữa nhân viên và doanh nghiệp, từ đó gia tăng tính sáng tạo trong mỗi cá nhân. Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ 4.0, nhân viên cũng mong muốn được làm việc trong môi trường công nghệ hiện đại, mọi thứ được số hóa, được tối ưu cũng sẽ giúp cho nhân viên cảm thấy thoải mái, hài lòng, yêu thích môi trường làm việc mà gắn bó với doanh nghiệp. Thêm nữa, không gian nội thất sáng tạo cũng góp một phần quan trọng trong việc tăng tính gắn bó, tạo hứng khởi và giúp nhân viên thỏa sức sáng tạo, bứt phá mọi giới hạn trong công việc.
Tuyển dụng nhân viên phù hợp văn hóa doanh nghiệp
Trong môi trường làm việc hiện đại, các nhân viên ngày càng tìm kiếm các doanh nghiệp có nền văn hóa và giá trị phù hợp với các ưu tiên hay giá trị cá nhân của riêng họ. Một doanh nghiệp phát triển bền vững là doanh nghiệp sở hữu những con người phù hợp văn hoá của doanh nghiệp, tức là những con người có cùng niềm tin, giá trị với văn hoá doanh nghiệp. Nhân viên làm việc trong môi trường văn hóa phù hợp sẽ hạnh phúc hơn, hài lòng với công việc hơn, cam kết và làm việc tốt hơn, và gắn kết với tổ chức hơn. Văn hóa doanh nghiệp phù hợp sẽ giúp nhân viên có cảm giác mình làm công việc có ý nghĩa, hãnh diện vì là một thành viên của doanh nghiệp. Tuyển dụng nhân viên phù hợp văn hóa doanh nghiệp là hoạt động tìm kiếm ứng viên, không những phải đáp ứng được nhu cầu về năng lực, mà còn cần có khả năng làm việc nhất quán với giá trị và “đặc điểm tính cách” của công ty.
Theo dõi sự hài lòng của nhân viên
Sự hài lòng của nhân viên ảnh hưởng nhiều đến khả năng giữ chân nhân viên. Khi theo dõi mức độ hài lòng của nhân viên (về mức lương thưởng và phúc lợi, về cách thức được quản lý, về những thử thách mà công việc ở công ty đem lại, về các cơ hội được huấn luyện, đào tạo nâng cao…), nhà quản trị biết được những vấn đề còn tồn đọng và đưa ra cách xử lý chúng để giữ nhân viên cho doanh nghiệp.
Tuyên dương và công nhận
Khi nhân viên được khen thưởng và công nhận, họ sẽ cảm thấy giá trị của mình được trân trọng và sẽ đáp lại bằng sự trung thành của họ với công ty. Trên thực tế có đến 74% nhân viên muốn đạt được sự công nhận nhiều hơn từ công việc của họ. Vì thế, sự công nhận nhân viên là một trong những giá trị quan trọng mà doanh nghiệp cần đẩy mạnh phát triển. Tổ chức các lễ kỉ niệm và các bữa tiệc để ăn mừng chiến thắng là một trong những cách giúp các nhân viên thấy được giá trị và tác động của họ đối với doanh nghiệp. Đó cũng là biện pháp giúp cho doanh nghiệp giữ chân nhân viên ở lại với công ty. Cải thiện, sử dụng văn hóa doanh nghiệp để giữ chân nhân viên không phải là một điều dễ dàng và có thể thực hiện chỉ trong “một sớm một chiều”. Tuy nhiên, điều đó sẽ làm gia tăng đáng kể niềm tin của nhân viên đối với doanh nghiệp, họ sẽ gắn bó và trung thành với doanh nghiêp và góp phần xây dựng văn hóa doanh nghiệp vững mạnh.
PGS. TS DƯƠNG THỊ LIỄU
Viện trưởng Viện Văn hóa kinh doanh (trực thuộc Hiệp hội Phát triển VHDN Việt Nam)