Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Khmer
Các bạn trẻ giới thiệu trang phục truyền thống của đồng bào Khmer.
Đồng bào Khmer sở hữu một di sản văn hóa vô giá, với nhiều loại hình nghệ thuật độc đáo, như hát múa rô băm, nghệ thuật kịch hát dù kê, âm nhạc, văn học dân gian… Trong Ngày hội Văn hóa, thể thao đồng bào Khmer tỉnh Vĩnh Long năm 2023, Liên hoan Văn nghệ quần chúng đồng bào Khmer đã tôn vinh, giới thiệu những nét đặc sắc mà thế hệ hôm nay đang giữ gìn và phát huy.
Giới thiệu văn hóa đặc sắc
Trong quá trình phát triển, người Khmer đã hun đúc, sáng tạo nên các loại hình nghệ thuật truyền thống vô cùng tinh túy, chứa đựng nhiều giá trị nhân văn, chiếm vị trí đặc biệt quan trọng trong đời sống văn hóa.
Với thời gian diễn ra quanh năm, ở nhiều không gian khác nhau- từ các buổi lễ trang trọng trong sinh hoạt tôn giáo đến sinh hoạt đời thường, nghệ thuật truyền thống Khmer mang tính phổ biến, thích hợp với nhiều lứa tuổi, không phân biệt giới tính, ngành nghề, địa vị xã hội… Ở đó, người Khmer vừa là chủ thể sáng tạo, trình diễn, vừa là người thụ hưởng chính giá trị của nghệ thuật truyền thống dân tộc mình.
Ông Lê Thanh Hiền- Phó Giám đốc Sở Văn hóa-TT-DL, cho biết Liên hoan Văn nghệ quần chúng đồng bào Khmer nhằm tạo không khí vui tươi, sôi nổi chào đón Tết Chol Chnam Thmay; tiếp tục thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc; tôn vinh, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp của đồng bào Khmer; đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và sáng tạo văn hóa cũng như động viên nhân dân đoàn kết thi đua, lao động, học tập, công tác góp phần phát triển kinh tế- xã hội ở địa phương.
Giới thiệu nét đặc sắc trong văn hóa của đồng bào Khmer, đội văn nghệ huyện Tam Bình mang đến tiết mục hòa tấu nhạc cụ truyền thống “horm rong” đầy ấn tượng, sân khấu hóa lễ hội truyền thống với nghi thức trao nhận hoa cau trong ngày cưới. Huyện Vũng Liêm giới thiệu lễ hội dâng y, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú song ca sakabak scroc dương và TX Bình Minh ghi dấu ấn với điệu múa chal dăm.
Chị Lâm Thái Nguyệt (giáo viên Trường mầm non Tân Mỹ) giành giải diễn viên xuất sắc khi hóa thân vào vai cụ già trong lễ hội Trà Ôn. Em Thạch Minh Của (Trường Phổ thông Dân tộc nội trú) trau chuốt diện trang phục truyền thống và múa roam tevsresua.
Cống hiến hết mình trên sân khấu, cả Thái Nguyệt và Minh Của đều tâm niệm: “Cố gắng giới thiệu nét độc đáo trong văn hóa của dân tộc mình và tiếp tục phát huy, truyền dạy lại cho thế hệ sau nữa, giữ gìn mãi những nét đẹp mà ông cha để lại”.
Những tiết mục thể hiện nét văn hóa đặc sắc mà thế hệ hôm nay đang giữ gìn và phát huy.
Ông Sơn Cao Thắng- Chi hội Phó Chi hội Nghệ sĩ múa Việt Nam tỉnh Trà Vinh, Trưởng Ban Giám khảo liên hoan, đánh giá các đơn vị có sự đầu tư chỉn chu, xây dựng tiết mục phong phú. Các tiết mục múa có nội dung, cốt cách, câu chuyện; tiết mục hát và phục dựng lễ hội như lễ hội dâng bông, dâng y Kathina, một số lễ trong ngày Tết Chol Chnam Thmay… gắn kết với đời sống, sinh hoạt của người đồng bào.
“Cùng với những buổi diễn, không khí Tết đã ngập tràn. Dưới khán đài, khán giả cổ vũ rất đông. Thông qua những hoạt động sôi nổi thế này, đồng bào có sân chơi, thể hiện được năng khiếu bản thân và giữ gìn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc”, ông Sơn Cao Thắng chia sẻ.
Thế hệ trẻ chung tay giữ gìn
Thời gian qua, đi đôi với nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội, Vĩnh Long đã thường xuyên triển khai, tổ chức nhiều hoạt động nhằm tôn vinh, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của người Khmer nói riêng trong bối cảnh bản sắc văn hóa dân tộc nói chung hiện nay đang bị nhiều yếu tố tác động. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng thì việc gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc là điều không dễ dàng.
Cô Thạch Thị Sa Rít (xã Trà Côn, huyện Trà Ôn) cho biết, vì gắn bó với đời sống nên các điệu múa, bài hát đã lớn lên cùng mỗi em nhỏ người đồng bào Khmer. Tuy nhiên, để đạt độ thuần thục và có thể giữ gìn đến mai sau thì rất cần nỗ lực của những người trẻ.
Một ví dụ như điệu múa truyền thống rô băm đòi hỏi sự công phu và khổ luyện mới có thể diễn xuất tốt và mỗi khi múa, các nghệ sĩ mới có các kỹ năng phối hợp nhịp nhàng uyển chuyển từng động tác uốn cong của toàn thân, rồi sự mềm dẻo của hông, lưng, cánh tay, bàn tay, bước chân… Dàn nhạc làm cho không khí vở diễn khi tưng bừng, thúc giục như hồi trống trận, lúc lại cất lên tiếng kèn nỉ non.
Ông Sơn Cao Thắng cho biết, tại liên hoan văn nghệ quần chúng ở Vĩnh Long, có một tín hiệu vui là: “Các tiết mục hòa tấu nhạc cụ truyền thống của dân tộc được trình bày ngoài những nghệ nhân lớn tuổi, có cả các bạn dưới 20 tuổi tham dự. Các bạn trẻ vừa giữ gìn cũng là thế hệ kế thừa, đó là điểm nổi trội trong các tiết mục”.
Theo Sở Văn hóa-TT-DL, thực hiện công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số, trung tâm văn hóa nghệ thuật đã xây dựng 3 chương trình văn nghệ phục vụ đồng bào Khmer dịp Tết cổ truyền, thành lập 2 đội văn nghệ quần chúng Khmer tại huyện Trà Ôn và TX Bình Minh.
Qua các tiết mục sẽ phát hiện các hạt nhân trong phong trào văn nghệ quần chúng.
Bên cạnh đó, tổ chức 3 lớp truyền dạy sử dụng nhạc cụ dân tộc truyền thống của dân tộc Khmer- nhạc ngũ âm; lớp múa dân gian Khmer và dạy môn cờ ốc của đồng bào Khmer. Hỗ trợ trang thiết bị âm thanh cho thiết chế văn hóa, thể thao ấp Thôn Rôn (xã Trà Côn, huyện Trà Ôn)…
Thông qua các hoạt động văn hóa, văn nghệ, ông Lê Thanh Hiền mong muốn các diễn viên văn nghệ quần chúng Khmer, các nghệ nhân Khmer giao lưu, trao đổi trong việc trình diễn, sáng tạo, bảo tồn và phát triển những nét văn hóa, nghệ thuật truyền thống đặc sắc của đồng bào.
Qua các tiết mục sẽ phát hiện các hạt nhân trong phong trào văn nghệ quần chúng, từ đó nâng cao sự quan tâm của các ngành, các cấp trong việc xây dựng chính sách đào tạo nhân lực nòng cốt trong công tác bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc Khmer.
Bài, ảnh: PHƯƠNG THƯ