Góc tối của ‘thiên đường cờ bạc’ tại Campuchia

Campuchia có chính sách “thoáng” hàng đầu với các casino, nhưng mặt trái của nó cũng khiến giới chức trách không khỏi đau đầu.

Xây dựng “thiên đường cờ bạc” từng nằm trong kế hoạch thu hút khách quốc tế của Campuchia. Năm 2020, Campuchia từng ban hành Luật Quản lý cờ bạc mới với nhiều ưu đãi hấp dẫn, với mong muốn thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực cờ bạc và nghỉ dưỡng, theo Phnom Penh Post.

Tuy nhiên, nhiều sòng bạc được đăng ký hợp pháp đã buộc phải đóng cửa sau lệnh cấm năm 2019 và hạn chế đi lại liên quan đến đại dịch Covid-19 của Campuchia. Một số casino đã lén lút tổ chức sòng bạc trực tuyến bất hợp pháp trong các khu phức hợp, do các nhóm tội phạm của Trung Quốc điều hành.

Thông qua các quảng cáo trực tuyến về mức lương hứa hẹn, các nhóm tội phạm lừa đảo thường dụ dỗ nạn nhân sang Campuchia làm việc trong các sòng bài để bóc lột sức lao động, với vụ việc gần đây nhất là 42 người Việt Nam phải chạy trốn khỏi casino tại tỉnh Kandal.

“Macau” của Đông Nam Á

Theo Diplomat, tới nay có khoảng 150 sòng bạc tại Campuchia. Hầu hết trong số đó là do người Trung Quốc làm chủ và có trụ sở chính tại Sihanoukville, thành phố được coi là “thủ phủ cờ bạc” tại Campuchia.

Một số khác nằm trong khu phức hợp nổi tiếng NagaWorld của tập đoàn Naga ở Phnom Penh. Số còn lại nằm ở gần biên giới với Việt Nam và Thái Lan.

Theo CNN, nhiều dự án casino được xây dựng để phục vụ cho người Trung Quốc đang sống và làm việc tại Campuchia, hoặc đến du lịch tại Sihanoukville. Campuchia được cho là từng muốn biến Sihanoukville trở thành một “Macau ở Đông Nam Á”.

Campuchia,  song bac,  bo tron anh 1

Sòng bạc NagaWorld nổi tiếng ở thủ đô Phnom Penh, Campuchia. Ảnh: Nikkei Asia.

Sihanoukville cũng là nơi phát triển của ngành công nghiệp cờ bạc trực tuyến. Các mô hình tương tự được nhân rộng ở những nơi khác trong khu vực. Tuy nhiên, Campuchia đã cấm hình thức cờ bạc trực tuyến vào năm 2019.

Các nền tảng casino và lừa đảo trực tuyến cần nhiều lao động để vận hành. Công cụ làm việc của họ là điện thoại, máy tính, và nhiều người bị bó buộc trong các cơ sở quy mô lớn.

Một điều tra của Khmer Times được đăng tải tháng 9/2021 về dự án “The China Project” tại Sihanoukville tiết lộ cơ sở này có thể đang chứa tới 8.000-10.000 người. Lúc cao điểm, trong khu phức hợp gồm 10 tòa nhà này có thể có đến 12.000 người làm việc.

Một người bán hàng gần đó miêu tả các nạn nhân không được trực tiếp ra ngoài mua hàng, mà phải nhờ bảo vệ. Họ cũng có dấu hiệu bị đánh đập. Ít nhất một người đã tự tử.

Hầu hết người trong khu phức hợp được cho là công dân Trung Quốc, tự ý đến đây do gặp khó khăn về tài chính. Bên cạnh đó, cơ sở còn có công dân Malaysia, Bangladesh, Philippines, Thái Lan, Singapore, Nam Phi, Nga, Ukraine, Ấn Độ, Pakistan, Nigeria và Việt Nam.

Ngay trong tháng 9/2021, cảnh sát và hiến binh Sihanoukville đã đột kích vào một cơ sở và bắt giữ 15 đối tượng tình nghi, tịch thu 7 khẩu súng và giải cứu hai con tin người Trung Quốc. Vài ngày sau, giới chức Campuchia và Trung Quốc đột kích một cơ sở tương tự tại Phnom Penh và bắt giữ hơn 200 người.

Guo Ying, một công dân Trung Quốc trốn thoát thành công khỏi một tổ hợp Casino ở Sihanoukville, kể lại với South China Morning Post rằng cô bị buộc phải thực hiện hành vi lừa đảo nhằm vào công dân Trung Quốc qua ứng dụng Douyin (phiên bản TikTok tại Trung Quốc). Nếu không hoàn thành công việc, cô có thể bị đánh đập.

Campuchia,  song bac,  bo tron anh 2

Guo Ying tại một ngôi nhà an toàn ở Phnom Penh, sau khi trốn thoát khỏi cảnh giam cầm ở Sihanoukville. Ảnh: South China Morning Post.

Phóng sự của South China Morning Post cho biết nhiều người phải sống trong tình cảnh như nô lệ, làm việc tới 14 giờ một ngày cho các sòng bài trực tuyến hay nhóm lừa đảo, không có ngày nghỉ, bị canh giữ và bị trói buộc bởi các khoản nợ.

“Điều này giống như tra tấn tinh thần”, Xu Mingjian, một công dân Trung Quốc thoát khỏi một cơ sở tại Sihanoukville, kể lại. “Việc lừa đảo người khác gây ra nhiều áp lực tinh thần vô hình, nhưng cũng khiến bạn tưởng rằng việc mình làm không sai trái”.

Mặt trái của casino

Tại Đông Nam Á, Campuchia là quốc gia có chính sách “thoáng” hàng đầu với các casino. Giới chức Campuchia kỳ vọng ngành công nghiệp casino sẽ đem lại nguồn thu cho đất nước – số tiền thuế mà nước này thu được từ casino trước đại dịch Covid-19 lên tới khoảng 80 triệu USD/năm, theo Reuters – cũng như thúc đẩy du lịch.

Dù vậy, thành công này cũng đem lại một số mặt trái, bao gồm tình trạng các mạng lưới đánh bạc trực tuyến bất hợp pháp đóng “đại bản doanh” tại Campuchia. Điều này vừa gây ra các vấn đề xã hội nhức nhối, vừa khiến hình ảnh của xứ sở chùa tháp trong mắt cộng đồng quốc tế bị tổn hại.

Trong báo cáo mới nhất về nạn buôn người của Bộ Ngoại giao Mỹ năm 2022, Campuchia đã rơi xuống nhóm 3 sau nhiều năm được xếp vào nhóm 2.

Ông Chou Bun Eng, Quốc vụ khanh Bộ Nội vụ Campuchia chỉ trích báo cáo này và cho rằng báo cáo đã đánh giá “không công bằng”, theo Phnom Penh Post.

Một bài viết trên Nikkei Asia hôm 16/8 thậm chí cho rằng Campuchia đang khiến các quốc gia láng giềng gặp thêm khó khăn trong phòng chống nạn buôn người.

Trong khi đó, sự hình thành ồ ạt của các casino cũng gây ra các vấn đề về an ninh và xã hội.

Tối 30/7, hai công dân Trung Quốc bị bắn chết tại sòng bạc “Tong Fang Palirin” tại thành phố Sihanoukville. Hai người đàn ông và một phụ nữ Trung Quốc đã bị bắt giữ, Khmer Times cho biết.

Sau vụ việc, ông Kuoch Chamroeun, Tỉnh trưởng Preah Sihanouk, cảnh báo sẽ “hành động quyết đoán” với các casino và cơ sở kinh doanh trong khu vực.

Campuchia,  song bac,  bo tron anh 3

Một tòa nhà được cho là nơi diễn ra hoạt động đánh bạc và lừa đảo trực tuyến tại Sihanoukville. Ảnh: South China Morning Post.

“Nếu họ bị phát hiện phạm tội, chúng tôi sẽ đóng cửa, ngưng hoạt động và đề nghị chính phủ thu hồi giấy phép kinh doanh của họ”, ông Chamroeun nói.

Vụ việc này góp phần “đánh bóng” danh tiếng của Sihanoukville như thành phố của các vụ nổ súng, bắt cóc và rửa tiền. Cựu Tỉnh trưởng Preah Sihanouk Yun Min hồi năm 2018 cáo buộc “mafia Trung Quốc” là nguyên nhân khiến tỷ lệ tội phạm trong thành phố gia tăng.

Giới chức Campuchia sớm nhận ra những thiệt hại có thể phải đối mặt nếu tiếp tục để ngành công nghiệp bí mật bất hợp pháp này phát triển. Tháng 8/2019, Thủ tướng Hun Sen tuyên bố lệnh cấm đánh bạc trực tuyến do lo ngại hoạt động này trở thành công cụ của tội phạm nước ngoài.

Khi đó, lĩnh vực này thu hút nhiều người chơi từ nước ngoài và giúp Campuchia thu tới một phần tư nguồn thuế mà Phnom Penh thu được từ các casino, theo Reuters. Lệnh cấm còn khiến hàng chục casino phải đóng cửa, hơn 7.000 người Campuchia mất việc làm và khoảng 450.000 công dân Trung Quốc rời đất nước.

Năm 2021, bất chấp ngành công nghiệp casino thiệt hại nghiêm trọng do đại dịch Covid-19, chính phủ Campuchia vẫn tìm cách hạn chế sự phát triển tràn lan của lĩnh vực này khi tăng mức đầu tư tối thiểu cho các doanh nghiệp muốn mở casino lên 200 triệu USD cho các sòng bạc kèm cơ sở du lịch, và 100 triệu USD cho các casino đơn lẻ.