Gợi ý mâm cúng và văn khấn mùng 3 tết Quý Mão
Mục lục bài viết
1. Mâm cúng mùng 3 tết Nguyên đán 2023
Theo sách Tín ngưỡng Việt Nam của tác giả Lưu Ánh được NXB Trẻ xuất bản và lưu hành, lễ cúng mùng 3 Tết là một trong những ngày cúng đặc biệt quan trọng. Nhiều gia đình chọn ngày mùng 3 Tết để cúng lễ hóa vàng, cầu mong một năm vạn sự tốt lành.
Mâm cúng mùng 3 Tết bao gồm một mâm cỗ mặn và mâm ngũ quả, hoa tươi, bánh kẹo, trầu cau, mía…
Tùy vào điều kiện, gia chủ có thể làm mâm cỗ mặn hay chay nhưng mâm cúng phải được chuẩn bị trang nghiêm, thể hiện lòng thành kính. Trong đó, nếu chuẩn bị mâm cỗ mặn thì nhất định phải có một con gà luộc.
Con gà tượng trưng cho 5 đức tính của người dân Việt: Văn – Võ – Dũng cảm – Nhân hậu – Trung tín. Mâm cúng có con gà tượng trưng cho sự tốt lành và một tương lai tốt đẹp.
Mâm cúng mặn mùng 3 Tết phải có một con gà luộc. (Ảnh minh họa: Cooky)
Nếu chuẩn bị mâm cỗ cúng ngoài trời, phải đặt gà cúng lên đĩa to, bầy ngay ngắn trên đĩa, tiết lòng đặt dưới bụng gà, mỏ ngậm bông hoa hồng đỏ.
Đặc biệt, ở mâm cúng ngoài trời, gia chủ phải đặt đầu gà quay ra đường để đón quan Hành khiển cai quản năm mới đi qua. Cách đặt gà cúng như vậy còn có ý nghĩa gọi mặt trời chiếu vào nhà mình.
Trường hợp đặt gà cúng trên ban thờ, theo chuyên gia nghiên cứu văn hóa dân gian, gia chủ nên bài trí sao cho đầu gà hướng về bát hương.
Nếu gia chủ chọn cúng hóa vàng vào mùng 3 Tết thì lễ tạ phải được thực hiện một cách trang nghiêm ở một góc vườn hoặc sân sạch sẽ.
Phần tiền vàng sẽ được hóa trước, phần đồ dùng hóa sau. Nếu trong gia đình có người mới mất thì phần vàng mã phải được hóa riêng.