Góp ý Dự thảo Chiến lược Phát triển văn hóa đến năm 2030: Di sản văn hóa Việt Nam – Hài hòa bảo tồn và phát triển
30/07/2021 | 15:13
Chúng ta thường gặp các luận điểm được coi như nguyên tắc ứng xử trong khai thác di sản văn hóa như: khai thác và phát huy giá trị văn hóa để bảo tồn di tích; cần làm cho di tích “sống”, hòa vào với cuộc sống của xã hội đương đại, có tác dụng giáo dục và nâng cao đời sống văn hóa của nhân dân, góp phần phát triển kinh tế, tạo nguồn sinh lợi để bảo tồn di tích… Những luận điểm đó nghe mãi thành quen, nhưng được cụ thể hóa trên thực tế như thế nào thì vẫn là câu chuyện cần bàn.
Khu di tích cố đô Huế
Kho tàng di sản phong phú và đa dạng
Cho đến nay, cả nước có trên 4 vạn di tích đã được kiểm kê, lập danh mục theo quy định của Luật Di sản văn hóa, trong đó có 8 di tích và thắng cảnh đã được UNESCO ghi vào Danh mục Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới là: Khu di tích cố đô Huế (1993), Khu thắng cảnh Hạ Long (1994,2000), Khu thánh địa Mỹ Sơn (1999), Khu phố cổ Hội An (1999), Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng (2003), Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long (2010), Thành Nhà Hồ (2012) và Khu danh thắng Tràng An (2014). Đã có 105 di tích quốc gia đặc biệt, 3.486 di tích quốc gia, gần 10.000 di tích cấp tỉnh, thành phố. Về cơ bản, hệ thống các di tích lịch sử-văn hóa, danh lam thắng cảnh và các di sản văn hóa phi vật thể ở Việt Nam được quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa. Đồng thời, cả nước đã có 08 khu bảo tồn thiên nhiên được UNESCO ghi vào Danh sách các khu dự trữ sinh quyển của thế giới, Cao nguyên đá Đồng Văn được Hội đồng tư vấn Mạng lưới Công viên Địa chất Toàn cầu của UNESCO chính thức công nhận là Công viên địa chất Toàn cầu.
Trong lĩnh vực phi vật thể, cả nước có 61.669 di sản văn hóa phi vật thể của 63 tỉnh/thành phố được kiểm kê, khẳng định sự đa dạng về loại hình, phong phú về trữ lượng, đặc sắc về lịch sử, văn hóa, khoa học. Trong đó, có 301 di sản văn hóa phi vật thể được Bộ VHTTDL đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và 13 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh (bao gồm 12 di sản văn hóa phi vật thể trong Danh sách đại diện của nhân loại và 01 di sản văn hóa phi vật thể trong Danh sách cần bảo vệ khẩn cấp)
Khu Danh thắng Tràng An
Cùng với hàng triệu di vật, cổ vật đang được lưu giữ tại gần 200 bảo tàng các loại, qua 7 đợt xét chọn, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định công nhận 164 hiện vật và nhóm hiện vật là bảo vật quốc gia. Ngoài ra, Theo Chương trình Ký ức Thế giới của UNESCO, tính đến nay, Việt Nam đã có 7 Di sản Tư liệu được UNESCO ghi danh, gồm 03 Di sản Tư liệu Thế giới và 04 Di sản Tư liệu Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Bên cạnh đó, có hàng trăm di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc được đưa vào Danh mục di sản phi vật thể quốc gia, đã và đang đ¬ược nghiên cứu bảo vệ và phát huy giá trị.
Về cơ bản, sự nghiệp bảo tồn di sản ở nước ta đã thu được những thành tựu không thể phủ nhận, thiết thực góp phần vào công cuộc đổi mới ở Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn còn không ít những tồn tại và hạn chế bắt nguồn từ những nhận thức chưa chuẩn về bảo tồn và phát triển. Chính vì vậy, chúng tôi đề xuất những kiến giải dưới đây nhằm trao đổi về những nội dung có tính chiến lược này.
Bảo tồn và phát triển
Chúng ta thường gặp các luận điểm được coi như nguyên tắc ứng xử trong khai thác di sản văn hóa như: khai thác và phát huy giá trị văn hóa (cả vật thể và phi vật thể) để bảo tồn di tích; cần làm cho di tích “sống”, hòa vào cuộc sống xã hội đương đại, có tác dụng giáo dục và nâng cao đời sống văn hóa của nhân dân, góp phần phát triển kinh tế, tạo nguồn sinh lợi để bảo tồn di tích… Những luận điểm đó nghe mãi thành quen, nhưng được cụ thể hóa trên thực tế như thế nào thì vẫn là câu chuyện cần bàn.
Mục đích số một của doanh nghiệp là lợi nhuận, cộng thêm việc phát sinh nhiều dấu hiệu biến tướng của việc “xã hội hóa bảo tồn di sản” ở một số địa phương đã khiến người yêu quý di sản văn hóa lo lắng di sản đã bị “bán” (!). Đơn cử, một số chuyên gia kinh tế lên tiếng ủng hộ việc giao quyền khai thác vịnh Hạ Long cho doanh nghiệp tư nhân, thậm chí là doanh nghiệp nước ngoài, coi đó là việc hợp với xu thế phát triển của thế giới; tư nhân sẽ chịu trách nhiệm xây dựng cơ sở hạ tầng, các dịch vụ công ích, đồng thời chia sẻ lợi nhuận… Tuy nhiên, Nhà nước không thể buông lỏng quản lý, giám sát, nhất là với di sản thiên nhiên thế giới có nhiều đặc thù như Vịnh Hạ Long. Từ quan điểm bảo tồn tổng thể, phải có cách tiếp cận toàn diện hơn để bổ sung một mục tiêu phát triển là hướng tới việc giữ gìn, bảo vệ môi trường sinh thái với tư cách là không gian sinh tồn và nguồn sống của con người. Việc trao quyền kinh doanh khai thác trên (trong) di tích, di sản đạt kết quả tốt hay xấu luôn phụ thuộc nhiều yếu tố, như: lựa chọn doanh nghiệp để trao quyền; cách tổ chức hoạt động khai thác kinh doanh; sự giám sát chặt chẽ của cơ quan quản lý nhà nước…
Phong Nha- Kẻ Bàng
Chính vì vậy, cần hết sức lưu ý về sự phân biệt rạch ròi giữa khai thác di sản và quản lý nhà nước về di sản.
Nguyên tắc đầu tiên cần tuân thủ là những gì thuộc về trách nhiệm của quản lý nhà nước thì không giao cho doanh nghiệp. Tổ chức các hoạt động dịch vụ, khai thác dịch vụ thì có thể giao theo nguyên tắc ai làm tốt hơn thì tạo điều kiện, tránh độc quyền và tự ý. Việc tách biệt này sẽ phát huy vai trò các nguồn lực xã hội trong đầu tư và tổ chức dịch vụ. Những mô hình thành công khi kết hợp khai thác kinh tế với việc bảo tồn di tích, di sản (cả trên thế giới và ở Việt Nam) đều cho thấy rằng chúng ta hoàn toàn có thể làm tốt và nên khuyến khích, phát huy để tìm ra mô hình tổ chức và cách thức quản lý thích hợp trong công việc này ở mỗi di tích, di sản.
Phê phán quan điểm sai trái về tận thu mà xem nhẹ bảo tồn di sản
Một thách thức lớn nhất mà Việt Nam và nhiều quốc gia sở hữu di sản thế giới phải đối mặt là cân bằng giữa phát triển và bảo tồn. Kho tàng di sản thực sự đem lại nguồn lợi kinh tế to lớn và nhiều lợi ích khác cho quốc gia nói chung và mỗi địa phương nói riêng. Tuy nhiên, cần khẳng định rằng các di sản là tài sản của quốc gia và dân tộc, các địa phương được giao nhiệm vụ quản lý chứ không thể coi đó là nguồn thu của riêng địa phương mình. Việc khai thác giá trị từ di sản là hợp lý và cần thiết nhưng không thể đặt mục tiêu tận thu từ di sản.
Trong năm 2018, trước khi có đại dịch Covid- 19, 8 khu Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới ở Việt Nam đón trên 16 triệu lượt khách (trong đó có 7 triệu lượt khách quốc tế), với doanh thu từ vé tham quan và phí dịch vụ trực tiếp khoảng hơn 2.500 tỉ đồng… Sự thay đổi này cũng hàm chứa trong đó nhiều thực tiễn điển hình của quá trình xóa đói giảm nghèo, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội địa phương, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân, thực hiện phương châm“sống trong di sản, bảo vệ di sản và hưởng lợi từ di sản”. Phải chăng, sự phát triển này dẫn đến tâm lý khai thác di sản bằng mọi giá để để tận thu?
Vịnh Hạ Long
Những quan niệm sai lầm tận thu di sản để đem lại nguồn lợi kinh tế đã và đang khiến nhiều di sản bị xâm hại, có nơi tới mức trầm trọng. Vài năm gần đây, tình trạng xâm phạm di sản hết sức báo động đã và đang diễn ra tại nhiều nơi trong toàn quốc như vi phạm ở Tràng An (Ninh Bình), Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), Phong Nha-Kẻ Bàng (Quảng Bình) và gần nhất là ở Mã Pì Lèng, khu di tích quốc gia Cột cờ Lũng Cú, tỉnh Hà Giang
Mô hình hợp tác công – tư
Bên cạnh việc phê phán và ngăn ngừa những quan điểm tận thu khai thác di sản, cần coi trọng việc khai thác những yếu tố kinh tế trong các hoạt động bảo tồn di sản theo mục tiêu bảo tồn để phát triển bền vững của UNESCO.
Hợp tác công – tư (Public Private Partner gọi tắt là PPP) là sự hợp tác mà theo đó Nhà nước cho phép tư nhân cùng tham gia đầu tư vào các dịch vụ hoặc công trình công cộng của Nhà nước.
Từ lâu nay nhiều quốc gia trên thế giới đã cho phép các doanh nghiệp, công ty, tập đoàn tham gia tổ chức, quản lý, kinh doanh các dịch vụ tại các khu di sản văn hóa và thiên nhiên. Ví dụ như: Khu Cung điện Blenheim là điểm du lịch nổi tiếng gắn với lịch sử của Hoàng gia Anh, được giao cho tư nhân quản lý. Ở Pháp, di sản văn hóa thế giới tháp Eiffel do hai công ty Mark Inch và Robert Waterland cùng nắm quyền kinh doanh khai thác hơn 10 năm qua. Ở Cam-pu-chia việc kinh doanh khai thác ở Angkor Wat được Chính phủ Cam-pu-chia giao cho Tập đoàn Sokimex Invesment Co.
Hợp tác công – tư trong lĩnh vực di sản văn hóa hiện nay ở Việt Nam còn rất khiêm tốn, dù mô hình này đã được chứng minh là có hiệu quả đối với các nước trên thế giới.
Thánh địa Mỹ Sơn
Di sản là tài sản của quốc gia, di sản thế giới còn là tài sản của nhân loại. Một di sản chỉ phát huy hết giá trị khi nó đến được với mọi người dân. Trên thực tế nhiều quốc gia đã tách hai chức năng: Quản lý di sản vẫn thuộc về Nhà nước; nhưng việc quản trị và thu phí thì giao cho doanh nghiệp, ví dụ như tháp Eiffel của Pháp, Angkor Wat của Campuchia và rất nhiều di sản thế giới khác đều đang vận hành theo mô hình hợp tác công tư. Mô hình này đã mang lại lợi ích cho cả nhà nước và người dân; bởi tận dụng được nguồn lực tài chính và quản lý từ tư nhân, trong khi vẫn đảm bảo các lợi ích cho người dân.
Ở Việt Nam, từ năm 2010, tỉnh Quảng Bình cũng đã áp dụng mô hình tư nhân tham gia quản lý – khai thác di sản. Việc quản lý, khai thác khu động Thiên Đường thuộc Khu di sản Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng được giao cho Tập đoàn Trường Thịnh. Tập đoàn này đã đưa vào khai thác tour khép kín: Sun Spa Resort – động Thiên Đường – hang Tám Cô và đã được đánh giá là khá hiệu quả, “đánh thức” tiềm năng du lịch của di sản. Trường hợp khác là di sản thế giới quần thể di tích cố đô Huế. Phải nói rằng đến nay, số thu từ du lịch – dịch vụ giữ một vị trí quan trọng trong nguồn thu của Thừa Thiên – Huế. Chỉ tính riêng doanh thu từ vé tham quan di tích của Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, năm 2016 đạt 245- 250 tỉ đồng. Giai đoạn năm 2016 – 2020, doanh thu từ vé tham quan ước tính sẽ đạt mức tương đương 20 năm trước cộng lại (khoảng hơn 1.200 tỉ đồng) và từ năm 2020, sẽ vượt mức 300 tỉ đồng/năm (đây là cách tính trước khi xảy ra đại dịch Covid-19). Hơn 70% nguồn thu này được dùng để bảo tồn các giá trị di sản văn hóa Huế, bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích…
Những kết quả trong việc bảo tồn và phát huy, phát triển văn hóa, du lịch ở Thừa Thiên – Huế cho thấy nếu có quan niệm, định hướng đúng đắn kết hợp với tổ chức, quản lý, khai thác tốt, di sản văn hóa hoàn toàn có thể trở thành động lực phát triển kinh tế – xã hội ở một địa phương nói riêng, cả nước nói chung. Tại quần thể danh thắng Tràng An, tỉnh Ninh Bình, Việt Nam cũng đã và đang được vận hành theo mô hình nay và bước đầu cho thấy có hiệu quả. Như vậy, mô hình hợp tác công – tư trong lĩnh vực di sản văn hóa hoàn toàn có thể triển khai nhằm nâng cao giá trị khai thác di sản nói chung và di sản thế giới nói riêng ở tại Việt Nam.