Grab, Gojek, Be “bung sức” khai phá thị trường
Grab, Gojek, Be “bung sức” khai phá thị trường
Áp lực về tốc độ hòa vốn khiến các hãng gọi xe công nghệ phải bung sức khai thác tất cả trụ cột kinh doanh để cải thiện quỹ đạo lợi nhuận và đạt tốc độ tăng trưởng bền vững.
Grab kỳ vọng thu về 1,25-1,3 tỷ USD trong năm nay. Ảnh: Đức Thanh
Đua nhau “thay áo”
Từ ngày 1/10, ứng dụng gọi xe công nghệ be của Be Group thay đổi logo. Việc thay đổi bộ nhận diện thương hiệu giúp be bỏ “áo khoác” là ứng dụng gọi xe thuần Việt sang nền tảng công nghệ đa dịch vụ.
Trước đó, các đối thủ lớn trên thị trường gọi xe công nghệ như Grab, Gojek cũng không hiếm lần “thay áo”. Đầu năm 2016, ứng dụng đặt xe GrabTaxi thay đổi bộ nhận diện thương hiệu thành Grab. Kể từ thời điểm ra mắt năm 2012 đến ngày đổi tên, Grab phát triển thành công ty dịch vụ vận tải lớn nhất Đông Nam Á với hơn 11 triệu lượt tải về và cài đặt trên điện thoại di động.
Grab bắt đầu đặt chân vào thị trường Việt Nam từ tháng 2/2014 với dịch vụ ban đầu là kết nối với các hãng taxi. Tháng 10 năm đó, nền tảng tiếp tục cho ra mắt dịch vụ xe 2 bánh GrabBike. Đến năm 2015, Grab và đối thủ lúc bấy giờ là Uber mới có thể triển khai dịch vụ xe hợp đồng 4 bánh riêng nhờ hành lang pháp lý từ Đề án 24. Đây cũng là khoảng thời gian đánh dấu sự bùng nổ cuộc đua thị phần gọi xe công nghệ tại Việt Nam.
Hiện tại, bên cạnh 2 dịch vụ truyền thống là GrabBike và GrabCar, Grab đã mở rộng sang nhiều dịch vụ khác như giao hàng (GrabExpress), giao đồ ăn (GrabFood), đi chợ hộ (GrabMart). Ứng dụng đang sở hữu hơn 200.000 đối tác tài xế, hoạt động trên khắp 46 tỉnh, thành phố lớn trong nước.
Năm 2021, Bộ Công thương ước tính, doanh thu của thị trường gọi xe công nghệ khoảng 2,4 tỷ USD, với tốc độ tăng trưởng bình quân 30-35%/năm kể từ năm 2015. Trong lĩnh vực kinh tế số, tốc độ tăng trưởng người dùng của gọi xe trực tuyến chỉ xếp sau thương mại điện tử. Dự kiến, doanh thu gọi xe trực tuyến có thể chạm 4 tỷ USD vào năm 2025.
Trước khi thống nhất bộ nhận diện thương hiệu với công ty mẹ vào giữa năm 2020, Gojek từng hoạt động ở Việt Nam dưới cái tên GoViet. Hãng này gia nhập cuộc đua xe công nghệ Việt Nam vào tháng 9/2018, chỉ vài tháng sau khi Uber rời khỏi Việt Nam và bị Grab thâu tóm hoạt động tại Đông Nam Á.
Ở giai đoạn đầu, GoViet cung cấp 3 dịch vụ chính là GoBike (xe 2 bánh), GoFood (giao đồ ăn) và GoSend (giao hàng) tại Hà Nội và TP.HCM. Tính đến khi thay đổi tên thương hiệu, Hãng tuyên bố sở hữu khoảng 150.000 tài xế, liên kết với 80.000 nhà hàng. Hậu đổi tên, quy mô tài xế của Gojek Việt Nam đã tăng lên 200.000 người và bổ sung dịch vụ đặt xe 4 bánh GoCar từ cuối năm 2021.
Ngoài các ông lớn trên, đầu năm 2022, ứng dụng gọi xe công nghệ khác là Ahamove cũng thay đổi diện mạo logo. Và start-up giao hàng của Việt Nam có tên Săn Ship đổi thương hiệu thành HeyU.
Đến cuộc đua hòa vốn
Mới đây, truyền thông đồng loạt đưa tin, Grab Holding đặt mục tiêu hòa vốn trên EBITDA (lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao) vào nửa cuối năm 2024. Trong quý II/2022, khoản lỗ của Grab đã được thu hẹp còn 572 triệu USD, thấp hơn nhiều mức 801 triệu USD một năm trước đó. Theo lãnh đạo Công ty, khoản lỗ EBITDA đã điều chỉnh vào nửa cuối năm nay, dự kiến đạt 380 triệu USD, cải thiện 27% so với nửa đầu năm.
Grab kỳ vọng thu về 1,25-1,3 tỷ USD trong năm nay và dự kiến mảng giao hàng sẽ chạm điểm hòa vốn vào 2 quý đầu tiên của năm 2023. Các hoạt động của ngân hàng số cũng được dự báo đạt điểm hòa vốn vào năm 2026.
Ông Anthony Tan, nhà sáng lập, kiêm CEO Grab từng chia sẻ, Grab đã và đang khai thác trên tất cả trụ cột kinh doanh để cải thiện quỹ đạo lợi nhuận, đồng thời mang lại tốc độ tăng trưởng bền vững và các mục tiêu mới. Grab cũng thể hiện tham vọng tiếp tục tham gia các dịch vụ tài chính.
Trong 3 trụ cột kinh doanh chính, chỉ có mảng vận chuyển của Grab ghi nhận lợi nhuận với EBITDA điều chỉnh theo bộ phận đạt 125 triệu USD, tăng 40% so với cùng kỳ năm 2021. Trong khi đó, phần lớn doanh thu của GoTo (sáp nhập giữa Gojek và Tokopedia) đến từ thị trường quê nhà Indonesia.
Ông Andre Soelistyo, CEO của GoTo Group khẳng định, GoTo sẽ tăng trưởng cao hơn và nhanh hơn, đặc biệt khi tốc độ tăng trưởng kinh tế ở Indonesia sẽ cao và những lĩnh vực dọc mà Hãng đang hoạt động vẫn có thể mở rộng hơn.
Theo báo cáo, GoTo vẫn chưa có lãi. So với những công ty đối thủ trong cùng lĩnh vực, tỷ lệ hoa hồng của GoTo thấp hơn. Vậy nên, khi đầu tư mạnh để mở rộng thị trường, Hãng tự tin sẽ có cơ hội tốt hơn để tăng lợi nhuận. Vào tháng 11/2021, GoTo huy động 1,3 tỷ USD từ các tên tuổi công nghệ hàng đầu như Google và Tencent trong vòng gọi vốn trước khi phát hành cổ phiếu ra công chúng.
Có thể thấy, Grab và GoTo đang mắc kẹt trong cuộc chiến tốn kém nhằm giành vị trí thống trị phân khúc gọi xe công nghệ. Sau các đợt phát hành cổ phiếu ra công chúng, cả 2 hãng đều phải vật lộn thuyết phục giới đầu tư rót thêm vốn trong bối cảnh hoạt động kinh doanh chưa có lãi.
Trong nhiều năm qua, Grab vẫn coi Singapore là thị trường lớn nhất, bất chấp việc cố gắng mở rộng sang những quốc gia khác như Indonesia. Trong khi đó, đây là thị trường quê nhà mà GoTo đang thống trị, tiềm năng tăng trưởng của Indonesia đã giúp GoTo vượt Grab. Người tiêu dùng địa phương đã quen mua sắm trên nền tảng thương mại điện tử Tokepedia và gọi xe, đặt đồ ăn qua Gojek.
Hiện doanh thu của GoTo chủ yếu từ Indonesia, chiếm 95,7%. Ở chiều ngược lại, doanh thu của Grab phân bổ tại nhiều quốc gia, nhưng chủ yếu vẫn là Singapore (41,9%).
Còn ứng dụng gọi xe được khai sinh ở Việt Nam của Be Group, sau khi có được “điểm tựa” khoản vay 100 triệu USD từ Ngân hàng Deutsche Bank, cũng khẳng định, sẽ đẩy mạnh thực thi chiến lược lớn, thậm chí sẽ giữ được vị thế dẫn đầu thị trường trong nước của nền tảng tiêu dùng Việt.
Tương tự Grab, Gojek và các ứng dụng gọi xe khác, với Be Group, kinh doanh có lãi vẫn đang là bài toán cần tìm lời giải. Tính đến cuối năm 2021, Be Group “gánh” khoản lỗ lũy kế hơn 2.466 tỷ đồng. Trong đó, năm 2019 ghi nhận khoản lỗ hơn 1.500 tỷ đồng và hai năm tiếp theo lần lượt lỗ 492 tỷ đồng và 384 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu tính đến ngày 31/12/2021 là âm 373 tỷ đồng.
Dẫu vậy, trong chưa đầy 4 năm, các dịch vụ của be đã có mặt tại 28 tỉnh, thành phố trên cả nước, đạt hơn 20 triệu lượt tải, trung bình be xử lý hơn 10 triệu giao dịch hàng tháng. Trong đó, tỷ lệ khách hàng sử dụng nhiều hơn 2 dịch vụ trên nền tảng chiếm hơn 50% và lượng khách hàng có giao dịch mỗi tháng đạt hơn 1,5 triệu.
Riêng về phân khúc gọi xe, be đã đạt được thị phần 30-40% tại Hà Nội và 25-35% tại TP.HCM. Với doanh thu tăng gấp đôi trong nửa đầu năm nay, Be Group bắt đầu có lãi góp dương từ quý III/2022 và đặt mục tiêu phục vụ 20 triệu người dùng trong vòng 2 – 3 năm tới.
Cơ hội lớn từ miếng bánh “thập kỷ kỹ thuật số”
Theo một báo cáo do Google, Temasek và Bain&Company đồng công bố đầu năm nay, sự gia tăng nhu cầu sử dụng các dịch vụ kỹ thuật số là dấu hiệu cho thấy, một “thập kỷ kỹ thuật số” đang tới ở Đông Nam Á, nơi nền kinh tế Internet dự kiến đạt tổng giá trị hàng hóa (Gross Merchandise Volume – GMV) là 1.000 tỷ USD vào năm 2030.
Trong các dịch vụ kỹ thuật số, thương mại điện tử và giao đồ ăn là những động lực chính của tăng trưởng. Cả hai dịch vụ đều là trụ cột của các siêu ứng dụng, đóng vai trò rất lớn trong việc mang đến “thập kỷ kỹ thuật số”.
Hiện Gojek, Grab, AirAsia được coi là 3 siêu ứng dụng hàng đầu Đông Nam Á và mỗi “ứng cử viên” có điểm nổi bật trong cuộc chiến “bất phân thắng bại” này. Cụ thể, Grab và Gojek đều xác định dịch vụ gọi xe là mảng kinh doanh cốt lõi của mình và nhanh chóng phát triển thành ứng dụng phải có trong khu vực.
Việc M&A giữa các ông lớn công nghệ sẽ tạo ra những “cú nổ lớn” trên thị trường. Các chuyên gia cho rằng, màn kết hợp hoạt động kinh doanh thương mại điện tử của Tokopedia với hoạt động gọi xe và thanh toán của Gojek trong thương vụ M&A năm ngoái sẽ tạo thành một “WeChat Đông Nam Á”.
Còn AirAsia đang trên đường trở thành một siêu ứng dụng trên toàn Đông Nam Á. Hơn 2 năm đại dịch là lúc AirAsia xoay trục kinh doanh, với quyết định đánh tổng lực vào phát triển các hoạt động kinh doanh hàng không kỹ thuật số và các hãng hàng không phi hành khách khác.
Đó cũng là cách một siêu ứng dụng AirAsia được hình thành ở một số thị trường Đông Nam Á như Indonesia, Malaysia, Singapore và Thái Lan. Tại các quốc gia này, thông qua siêu ứng dụng của mình, AirAsia cung cấp dịch vụ giao đồ ăn, gọi xe, đặt vé máy bay và chỗ ở, mua sắm tạp hóa, dịch vụ tài chính, nền tảng thương mại điện tử, cũng như hậu cần thương mại điện tử xuyên biên giới.
AirAsia cũng nhanh chóng mở rộng quy mô ra khắp khu vực và mua lại một số dịch vụ của Gojek tại Thái Lan. Lợi thế của AirAsia trong cuộc đua này là nắm giữ một kho dữ liệu từ nhiều năm hoạt động với tư cách là một hãng hàng không giá rẻ. Dữ liệu cho phép AirAsia phát triển và điều chỉnh các dịch vụ dựa trên những gì người tiêu dùng muốn và cần, với tốc độ nhanh hơn nhiều so với cả Grab và Gojek.
Sẽ mất nhiều thời gian để quyết định xem ai là nhà vô địch trong cuộc đua, nhưng rõ ràng, với sự cạnh tranh ngày càng tăng, các ứng dụng sẽ tiếp tục bổ sung nhiều tính năng mới phù hợp cho người tiêu dùng trong tương lai.