HÀ NỘI NƠI CÓ NHIỀU DI SẢN THẾ GIỚI NHẤT VIỆT NAM

 

HÀ NỘI NƠI CÓ NHIỀU DI SẢN THẾ GIỚI NHẤT VIỆT NAM

 

     Việt Nam là một quốc gia có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, trở thành điểm đến của nhiều du khách nước ngoài. Cả nước có 63 tỉnh thành, mỗi vùng miền đều có những loại hình du lịch, điểm du lịch thu hút riêng, nhưng quan trọng và nổi bật nhất là những di sản thế giới có tại Việt Nam. Đến tháng 6/2012, Việt Nam đã có 16 Di sản thế giới gồm: 3 Di sản thiên nhiên thế giới gồm: Vịnh Hạ Long, Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, Cao nguyên đá Đồng Văn và 13 Di sản văn hóa thế giới, gồm: Quần thể di tích Cố đô Huế, Phố Cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn, Nhã nhạc cung đình Huế, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, Quan họ Bắc Ninh, Ca trù, Mộc bản triều Nguyễn, Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long, Hội Gióng ở Phù Đổng và Sóc Sơn, 82 bia Tiến sỹ ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Hát xoan, Thành nhà Hồ. Với số lượng các di sản thế giới nêu trên, Việt Nam luôn là sự lựa chọn của du khách quốc tế.


     Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, trong 6 tháng đầu năm 2012, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt 3.363.427 lượt, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm 2011. Riêng lượng khách quốc tế đến Hà Nội ước đạt trên 1 triệu lượt, tăng 20% so với cùng kỳ 2011, trong đó, khách lưu trú ước đạt 736.000 lượt người. Một số thị trường khách du lịch trọng điểm đến Hà Nội tăng đáng kể là Hàn Quốc ước đạt 36.590 lượt khách, tăng 46% so với cùng kỳ; Australia đạt 61.867 lượt khách, tăng 13% so với cùng kỳ; Nhật Bản đạt 68.738 lượt khách, tăng 24% so với cùng kỳ.

     So với các tỉnh, thành khác, Hà Nội được xem là nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa và lịch sử, nơi có hàng trăm lễ hội lớn nhỏ diễn ra hàng năm. Hơn thế nữa, Hà Nội còn là một trong những địa phương có nhiều di sản được UNESCO công nhận nhất với 4 loại di sản gồm:

     1. Hát ca trù hay hát ả đào là một bộ môn nghệ thuật truyền thống ở phía Bắc  Việt Nam, rất phổ biến trong đời sống sinh hoạt văn hóa ở khu vực này từ thế kỷ 15. Ca trù sử dụng ba nhạc khí đặc biệt là đàn đáy, phách và trống chầu. Ngày 01/10/2009, ca trù được UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp. Đây là di sản văn hóa thế giới có vùng ảnh hưởng lớn nhất Việt Nam, có phạm vi tới 15 tỉnh, thành phố phía Bắc gồm: Hà Nội, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình.

Nghệ sĩ đang biểu diễn ca trù (Ảnh sưu tầm : http://www.petrotimes.vn)

     2. Bia tiến sĩ Văn Miếu Thăng Long hay bia tiến sĩ Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Hà Nội là các bia đá ghi tên những người đỗ Tiến sĩ các khoa thi thời Lê sơ, thời Mạc và thời Lê Trung Hưng (1442-1779). Các bia đá này đã được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới thuộc Chương trình Ký ức Thế giới vào ngày 09/03/2010, tại Macau, Trung Quốc.

Bia tiến sĩ Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Hà Nội; Ảnh: TTT

     3. Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội bao gồm Khu di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu với diện tích hơn 47.000m2 và Thành cổ Hà Nội với diện tích hơn 138.000m2, tạo thành một di sản thống nhất. Đây là một công trình kiến trúc đồ sộ, được các triều vua xây dựng trong nhiều giai đoạn lịch sử và trở thành di tích quan trọng trong hệ thống các di tích Việt Nam. Ngày 01/8/2010,  Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới theo tiêu chuẩn C (II) (III) và (VI). Những giá trị nổi bật của khu di sản này được ghi nhận bởi 3 đặc điểm: chiều dài lịch sử văn hóa suốt 13 thế kỷ; tính liên tục của di sản với tư cách là một trung tâm quyền lực và các tầng di tích di vật đa dạng, phong phú.

     4. Hội Gióng là một lễ hội truyền thống hàng năm được tổ chức ở nhiều nơi thuộc vùng Hà Nội để tưởng niệm và ca ngợi chiến công của người anh hùng truyền thuyết Thánh Gióng theo tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Có 2 hội Gióng tiêu biểu ở Hà Nội là hội Gióng Sóc Sơn ở đền Sóc, xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn và hội Gióng Phù Đổng ở đền Phù Đổng, xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại vào ngày 16/11/2010. Giá trị nổi bật toàn cầu ở hội Gióng chính là một hiện tượng văn hóa được bảo lưu, trao truyền khá liên tục và toàn vẹn qua nhiều thế hệ.

     Việc bảo tồn di sản thế giới tại Hà Nội vẫn luôn được nhắc đến mỗi khi có những dự án lớn của đất nước nói chung và của Thủ đô nói riêng, để Hà Nội luôn là điểm đến hấp dẫn của du khách gần xa khi đến thăm Việt Nam./.

Nguyệt Giang

Xổ số miền Bắc