HÔN NHÂN CÓ PHẢI LÀ HỢP ĐỒNG DÂN SỰ??? – Công ty Luật số 1 Hà Nội
Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ.
Hôn nhân cũng hình thành từ sự thoả thuận giữa các bên và làm phát sinh quyền và nghĩa vụ.
Vậy, “Hôn nhân có phải là hợp đồng dân sự” không?
* Thứ nhất, có sự khác nhau giữa mục đích giao kết hợp đồng và mục đích kết hôn.
Theo pháp luật về hợp đồng, sự thoả thuận là yếu tố bắt buộc phải có trong hợp đồng, tuy nhiên đó mới chỉ là điều kiện cần chứ chưa đủ để hợp đồng có hiệu lực. Để hợp đồng có hiệu lực, sự thoả thuận của các bên phải làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền và nghĩa vụ dân sự. Trong hôn nhân có sự thoả thuận, nhưng thoả thuận đó không phải là thoả thuận trong hợp đồng. Vì mục đích của các bên kết hôn không phải để tạo lập, thay đổi hay chấm dứt một nghĩa vụ dân sự nào, mà chỉ mong muốn lập một gia đình.
Chính vì có mục đích khác nhau, nên trong hợp đồng ngoài việc tuân thủ các điều kiện do luật định, các bên còn phải tuân thủ các điều kiện do họ đã thoả thuận ấn định. Còn trong hôn nhân, các bên kết hôn phải tuân thủ chặt chẽ các điều kiện do pháp luật ấn định, còn các điều kiện do các bên thoả thuận ra không có giá trị về mặt pháp lý.
Mặt khác, thường pháp luật về hợp đồng không qui định cụ thể quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng, mà do các bên tự thoả thuận và ấn định; trong quá trình thực hiện hợp đồng các bên cũng có thể thoả thuận thay đổi quyền và nghĩa vụ của mỗi bên. Còn trong hôn nhân, pháp luật lại qui định rất cụ thể các quyền và nghĩa vụ của vợ chồng về nhân thân và tài sản. Vợ chồng phải tuân thủ sự ấn định của pháp luật, không thể bằng những thoả thuận của mình làm thay đổi các quyền nghĩa vụ pháp lý đó.
* Thứ hai, pháp luật qui định về năng lực kết hôn khác với qui định về năng lực giao kết hợp đồng.
Năng lực giao kết hợp đồng chủ yếu được xác định trên hai điều kiện: độ tuổi (tuỳ theo từng loại hợp đồng mà pháp luật qui định các độ tuổi khác nhau) và khả năng nhận thức của chủ thể. Còn năng lực kết hôn ngoài điều kiện độ tuổi và năng lực nhận thức, còn được xác định trên các điều kiện khác không có trong pháp luật về hợp đồng:
– Các bên kết hôn phải khác nhau về giới tính. Khoản 5 điều 10 Luật HN & GĐ Việt Nam năm 2000 qui định: cấm việc kết hôn giữa những người cùng giới tính.
– Các bên kết hôn không đồng thời tồn tại nhiều quan hệ hôn nhân – điều kiện một vợ một chồng. Điều 10 Luật HN & GĐ Việt Nam năm 2000 qui định: Cấm việc kết hôn của người đang có vợ hoặc có chồng;
– Các bên kết hôn không có quan hệ họ hàng thân thuộc trong phạm vi luật định. Đây là điều kiện được qui định ở tất cả các nước, tuy nhiên, phụ thuộc vào yếu tố truyền thống đạo đức, phong tục, tập quán mà phạm vi quan hệ họ hàng thân thuộc thích thuộc được pháp luật các nước qui định khác nhau. Khoản 3 và 4 Điều 10 Luật HN & GĐ Việt Nam năm 2000 qui định: Cấm việc kết hôn giữa những cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa những người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, bố chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, bố dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;
* Thứ ba, việc kết hôn được thực hiện theo những ghi thức đặc biệt không có trong pháp luật về hợp đồng.
Pháp luật của tất cả các nước đều qui định để hôn nhân có giá trị pháp lý, việc kết hôn phải được tiến hành theo các nghi thức qui định trong pháp luật. Hiện nay, có hai nghi thức kết hôn phổ biến: nghi thức tôn giáo (thực hiện tại nhà thờ) và nghi thức dân sự (thực hiện tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền).
Chính vì việc kết hôn phải được tiến hành theo những ghi thức đặc biệt trên, nên trong quá trình thực hiện thủ tục kết hôn, cá nhân hoặc cơ quan có thẩm quyền về đăng ký kết hôn có thể phát hiện và từ chối việc kết hôn nếu một hoặc hai bên xin đăng ký kết hôn vì phạm các điều kiện kết hôn theo luật định. Tức là có khả năng ngăn chặn việc kết hôn trái pháp luật ngay từ khi nó chưa xảy ra. Điều này thường không có trong hợp đồng, trên thực tế khi phát hiện có dấu hiệu trái pháp luật hoặc trái đạo đức xã hội thì hợp đồng đã được ký kết, khi đó mới đặt ra việc huỷ bỏ hợp đồng.
* Thứ tư, pháp luật qui định về huỷ kết hôn trái pháp luật khác với các qui định về huỷ hợp đồng.
Căn cứ để hủy kết hôn trái pháp luật và căn cứ hủy hợp đồng là khác nhau. Một hợp đồng bị huỷ khi có một trong hai căn cứ: Các bên vi phạm các điều kiện do luật định hoặc các bên vi phạm điều kiện do thoả thuận. Còn việc kết hôn sẽ bị hủy khi vi phạm một trong các điều kiện kết hôn theo luật định.
Khi phát hiện một hợp đồng có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc đạo đức xã hội, thì hợp đồng luôn bị huỷ bỏ và các bên trở lại tình trạng ban đầu trước khi giao kết hợp đồng. Còn trong hôn nhân, nếu việc kết hôn là trái pháp luật, thì việc huỷ bỏ việc kết hôn đó còn phải được xem xét trên rất nhiều góc độ, đặc biệt có tính toán đến lợi ích của gia đình, mà có thể không huỷ bỏ việc kết hôn. Mặt khác, nếu việc kết hôn bị huỷ, trong nhiều trường hợp các bên không thể trở lại tình trạng ban đầu như trước khi kết hôn, bởi họ còn có nghĩa vụ và quyền liên quan đến nhau (Ví dụ: quyền và nghĩa vụ đối với con chung vẫn còn sau khi việc kết hôn bị huỷ).
Về thủ tục, việc huỷ bỏ hợp đồng dân sự có thể theo thoả thuận hoặc theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Việc huỷ kết hôn trái pháp luật không theo thoả thuận giữa các bên hoặc không do một bên đơn phương đình chỉ thực hiện hoặc huỷ bỏ việc kết hôn như trong hợp đồng, mà việc đó phải diễn ra theo thủ tục tố tụng tại Toà án. Người khởi kiện không chỉ một trong hai bên kết hôn (thường một trong hai bên kết hôn chỉ có quyền khởi kiện yêu cầu huỷ khi họ bị lừa dối hoặc bị cưỡng ép – Điều 15 Luật HN & GĐ Việt Nam năm 2000 mà còn có thể do các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác thực hiện (Điều 15 Luật HN & GĐ Việt Nam năm 2000). Một việc kết hôn chỉ bị coi là trái pháp luật và bị huỷ bỏ khi có bản án hoặc quyết định của Toà án tuyên bố về việc đó.
* Thứ năm, các quy định về chấm dứt hôn nhân bằng ly hôn khác với qui định về chấm dứt hợp đồng
Một hợp đồng có thể chấm dứt do các bên trong hợp đồng thoả thuận hoặc do ý chí đơn phương của một bên, mà không cần có phán quyết của Toà án. Trong khi đó, một quan hệ hôn nhân chỉ chấm dứt khi có bản án, quyết định của Toà án xử cho ly hôn hoặc công nhận thuận tình ly hôn (pháp luật của những nước thừa nhận hôn nhân là một hợp đồng cũng ghi nhận qui định này). Sự thoả thuận của các bên trong hợp đồng là điều kiện tiên quyết để chấm dứt hợp đồng, còn trong hôn nhân, sự đồng thuận chấm dứt hôn nhân của vợ chồng (sự thuận tình ly hôn) chỉ là một trong các sự kiện làm phát sinh việc kiện về ly hôn, chứ không phải là căn cứ làm chấm dứt hôn nhân bằng ly hôn. Pháp luật đảm bảo quyền tự do ly hôn của vợ chồng, nhưng sự thoả thuận của hai vợ chồng vẫn có thể bị Toà án bác yêu cầu, nếu sự thuận tình ly hôn không xuất phát từ lợi ích chung của gia đình.
Với những điểm khác biệt cơ bản nói trên, theo chúng tôi, không thể đồng nhất hôn nhân với hợp đồng dân sự, mà nên xác định nó là một thiết chế pháp luật thì phù hợp với thực tiễn và lý luận hơn.