HỘP SỐ TỰ ĐỘNG TRÊN XE Ô TÔ

Từ khi ra đời từ đầu thế kỷ 20, hộp số tự động cho các xe khác nhau đều sử dụng chung một công thức, nhưng sức phát triển của công nghệ khiến mỗi hãng phát triển ra những loại hộp số tự động phức tạp hơn để phục vụ những mục đích nhất định.
 

Hộp số sàn tự động

Hộp số sàn tự động (Automated Manual Transmission) là hộp số sàn nhưng hoạt động điện tử. Điểm đặc biệt của hộp số sàn này là không có bàn đạp ly hợp (chân côn) hay cần sang số lên xuống như thường thấy trên xe số sàn thông thường. Ngược lại, những hiển thị bên ngoài tương tự như xe số tự động.

Cấu tạo bên trong hộp số lại thuần chất như một hộp số sàn thông thường. Nhưng sang số khi nào lại không phải do tài xế quyết định mà do xe tính toán và tự lựa chọn thời điểm thích hợp. 

Khi xe thấy vòng tua máy và tốc độ đủ để chuyển số, máy tính điều khiển tự động ngắt ly hợp sau đó sang số và cuối cùng là kết nối ly hợp trở lại. Vì cấu tạo số sàn nên hộp số kiểu này không có số P (đỗ) như số tự động. A là chế độ sang số tự động, M là chế độ sang số bằng tay. Một số cách gọi khác của loại hộp số này là hộp số rô bốt, hộp số không chân côn hay Tiptronic, SMG, ASG… Lợi ích lớn nhất của loại hộp số này là hoạt động tương tự hộp số tự động nhưng chi phí rẻ hơn.

Hộp số CVT

Hộp số biến thiên vô cấp CVT (Continuously Variable Transmission) cũng là hộp số tự động nhưng là loại không có số cụ thể 1-2-3-4-5-6… như trên hộp số tự động sử dụng bánh răng thông thường. Khác biệt này đến từ cấu tạo.

thang 1

Hình 1. Sơ đồ đi số hộp số biến thiên vô cấp CVT

Nếu hộp số tự động thông thường sử dụng các bánh răng khớp vào nhau để thay đổi tỷ số truyền thì hộp số CVT sử dụng dây đai và các puli như ròng rọc để kết nối. Sự dịch chuyển các má puli ở trục thứ cấp và sơ cấp sẽ thay đổi tỷ số truyền. Nhờ cấu tạo như trên, hộp số CVT mượt mà, không bị trễ, hẫng vì không phải sang số. Nhược điểm thường thấy là loại hộp số này có khả năng tăng tốc không tốt vì không tạo ra những tỷ số truyền cực đoan. Vì vậy, CVT chỉ sử dụng cho xe phổ thông.

Hộp số tự động ly hợp kép

Có thể coi hộp số tự động ly hợp kép giống như loại hộp số sàn tự động, nhưng có tới hai bộ ly hợp. Ý tưởng để có hai ly hợp là trong khi một ly hợp ngắt để sang số thì ly hợp còn lại vẫn kết nối động cơ và hộp số, giúp sang số mượt mà, vận hành không bị gián đoạn, trễ vì mỗi lần ngắt kết nối ly hợp như trên hộp số chỉ có một ly hợp. Cấu tạo một kiểu cơ bản của hộp số ly hợp kép như ảnh trên. Theo đó, trục rỗng gắn với ly hợp xám nằm bên ngoài, điều khiển dãy bánh răng sang số 2-4-6, trong khi trục xanh gắn với ly hợp xanh nằm bên trong, điều khiển bánh răng sang số 1-3-5, tất cả đều chung một đầu ra.

thang2

Hình 2. Hộp số tự động ly hợp kép

Khi đang ở số 1, ly hợp xám sẽ ngắt để chuẩn bị sẵn số 2, khi xe đạt đủ các yếu tố về vòng tua, tốc độ, số ly hợp này sẽ bắt để xe lên số 2, mượt mà, không độ trễ. Lúc đó ly hợp xanh đã ngắt, và xe sẵn sàng số 3, cứ như vậy quy luật này lặp đều đặn. Lợi ích lớn nhất của hộp số tự động ly hợp kép là sang số nhanh, mượt mà. Bởi vậy, hãng xe thể thao sử dụng để tối ưu hóa thời gian tăng tốc trong khi hãng xe bình dân lại sử dụng vào mục đích giảm nhiên liệu tiêu thụ.

Hộp số dùng bộ biến mô đây là loại hộp số tự động quen thuộc dùng từ 20 năm trước và vẫn phổ biến hiện nay. Bộ biến mô (torque converter) là bộ phận để biến đổi mô-men xoắn, hiểu đơn giản là biến đổi, truyền tải sức mạnh từ động cơ tới hộp số, giống như vai trò của ly hợp (côn) trên xe sử dụng hộp số sàn.

thang3

Hình 3. Sơ đồ đi số hộp số tự động ly hợp kép

Về cơ bản, cấu tạo bộ biến mô gồm bánh bơm, bánh tuabin, khớp một chiều, stato. Tất cả các bộ phận này nằm trong một vỏ biến mô có hình dạng như hộp tròn. Nguyên tắc hoạt động cơ bản là dòng thủy lực đi vào bánh bơm có sẵn các cánh xếp đều nhau, cánh quay tạo lực ly tâm đẩy văng dầu sang bên bánh tuabin, làm quay các cánh tuabin nhờ đó quay hộp số. Vì cấu tạo cơ khí và thủy lực nên loại hộp số này phù hợp chủ yếu cho xe dân dụng, tốc độ sang số không quá nhanh. Ưu điểm lớn nhất là mượt mà, độ bền cao và không ồn.