[HƯỚNG DẪN] Đánh giá chênh lệch tỷ giá cuối năm
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế, khuyến khích giao lưu mua bán quốc tế thì việc sử dụng ngoại tệ của các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng phổ biến. Do đó, những kiến thức liên quan đến giao dịch ngoại tệ như đánh giá chênh lệch tỷ giá cuối năm và cách hạch toán là điều mà doanh nghiệp cần biết. Hãy theo dõi bài viết sau đây của Học viện TACA để tìm hiểu cụ thể về vấn đề này.
I. Quy định về chênh lệch tỷ giá hối đoái
Theo Điều 69 Thông tư 200/2014/TT-BTC thì “Chênh lệch tỷ giá hối đoái là chênh lệch phát sinh từ việc trao đổi thực tế hoặc quy đổi cùng một số lượng ngoại tệ sang đơn vị tiền tệ kế toán theo tỷ giá hối đoái khác nhau. Chênh lệch tỷ giá hối đoái chủ yếu phát sinh trong các trường hợp:
– Thực tế mua bán, trao đổi, thanh toán các nghiệp vụ kinh tế phát sinh bằng ngoại tệ trong kỳ;
– Đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ tại thời điểm lập Báo cáo tài chính;
– Chuyển đổi Báo cáo tài chính được lập bằng ngoại tệ sang Đồng Việt Nam.”
Trong đó, theo điểm b tiết 1.3 Khoản Điều 69 Thông tư 200/2014/TT-BTC cũng quy định về nguyên tắc xác định tỷ giá. Theo đó, “tỷ giá giao dịch thực tế khi đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ tại thời điểm lập Báo cáo tài chính: Là tỷ giá công bố của ngân hàng thương mại nơi doanh nghiệp thường xuyên có giao dịch (do doanh nghiệp tự lựa chọn) theo nguyên tắc:
Tỷ giá giao dịch thực tế khi đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ được phân loại là tài sản: Là tỷ giá mua ngoại tệ của ngân hàng thương mại nơi doanh nghiệp thường xuyên có giao dịch tại thời điểm lập Báo cáo tài chính. Đối với các khoản ngoại tệ gửi ngân hàng thì tỷ giá thực tế khi đánh giá lại là tỷ giá mua của chính ngân hàng nơi doanh nghiệp mở tài khoản ngoại tệ.
– Tỷ giá giao dịch thực tế khi đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ được phân loại là nợ phải trả: Là tỷ giá bán ngoại tệ của ngân hàng thương mại tại thời điểm lập Báo cáo tài chính;
– Các đơn vị trong tập đoàn được áp dụng chung một tỷ giá do Công ty mẹ quy định (phải đảm bảo sát với tỷ giá giao dịch thực tế) để đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ phát sinh từ các giao dịch nội bộ.”
Ví dụ: Doanh nghiệp thực hiện việc đánh giá lại các khoản mục tiền có gốc ngoại tệ vào cuối năm tài chính. Theo đó, để có thể đánh giá được chênh lệch tỷ giá cuối năm, kế toán vào trang web của ngân hàng thương mại mà doanh nghiệp thường xuyên sử dụng để thực hiện giao dịch thanh toán nhằm lấy thông tin về tỷ giá.
Số liệu về tỷ giá hối đoái mà ngân hàng công bố sẽ bao gồm các nội dung: tỷ giá mua – tỷ giá mua tiền mặt và tỷ giá mua chuyển khoản; tỷ giá bán. Trong đó, sẽ phụ thuộc vào việc doanh nghiệp sử dụng hình thức thanh toán nào để chọn tỷ giá mua tiền mặt hoặc tỷ giá mua chuyển khoản.
Ngoài ra, việc chọn giá mua hay tỷ giá bán còn phải phụ thuộc vào việc phân loại khoản mục tiền có gốc ngoại tệ là tài sản nợ hay tài sản phải trả. Nếu khoản mục tiền đó có gốc ngoại tệ được phân loại là nợ phải trả thì kế toán doanh nghiệp chọn tỷ giá giao dịch thực tế khi đánh giá là tỷ giá bán và ngược lại.
Xem thêm các kiến thức liên quan đến kế toán:
II. Các tài khoản sử dụng khi tiến hành đánh giá chênh lệch tỷ giá
Kế toán có thể sử dụng tài TK 413 – Chênh lệch tỷ giá hối đoái theo quy định tại Khoản 3 Điều 69 Thông tư 200/2014/TT-BTC. Theo đó, TK 413 có 2 tài khoản cấp 2:
-
Tài khoản 4131 – Chênh lệch tỷ giá đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ;
-
Tài khoản 4132 – Chênh lệch tỷ giá hối đoái giai đoạn trước hoạt động.
Kết cấu và nội dung mà TK 413 – Chênh lệch tỷ giá hối đoái phản ánh:
– Lỗ tỷ giá do đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ.
– Lỗ tỷ giá trong giai đoạn trước hoạt động của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ có thực hiện dự án, công trình trọng điểm quốc gia gắn với nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô, an ninh, quốc phòng.
– Kết chuyển lãi tỷ giá vào doanh thu hoạt động tài chính.
– Lãi tỷ giá do đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ.
– Lãi tỷ giá trong giai đoạn trước hoạt động của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ có thực hiện dự án, công trình trọng điểm quốc gia gắn với nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô, an ninh, quốc phòng.
– Kết chuyển lỗ tỷ giá vào chi phí tài chính.
SDCK:
Lỗ tỷ giá trong giai đoạn trước hoạt động của DNNN.
SDCK:
Lãi tỷ giá trong giai đoạn trước hoạt động của DNNN.
Ngoài ra, Thông tư cũng quy định chênh lệch tỷ giá do đánh giá lại số dư các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ cuối kỳ lập Báo cáo tài chính được ghi nhận vào TK 4131, sau khi bù trừ chênh lệch tỷ giá tăng và giảm trên TK 4131 số còn lại kết chuyển ngay vào doanh thu hoạt động tài chính hoặc chi phí tài chính trong kỳ.
Một điều cần lưu ý nữa là TK 413 không có số dư cuối kỳ.
III. Phương pháp kế toán nghiệp vụ đánh giá chênh lệch tỷ giá cuối năm tài chính
Khoản 5 Điều 1 Thông tư 53/2016/TT-BTC quy định như sau:
(1) Khi lập báo cáo tài chính, kế toán tiến hành đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ theo tỷ giá hối đoái giao dịch thực tế tại thời điểm thực hiện báo cáo:
+ Kết chuyển lãi chênh lệch tỷ giá hối đoái, ghi:
Nợ các TK 1112, 1122, 128, 228, 131, 136, 138, 331, 341,..
Có TK 515 – Doanh thu hoạt động tài chính.
+ Kết chuyển chênh lệch lỗ tỷ giá hối đoái, ghi:
Nợ TK 635 – Chi phí tài chính
Có các TK 1112, 1122, 128, 228, 131, 136, 138, 331, 341,…
(2) Kế toán xử lý chênh lệch tỷ giá hối đoái phát sinh khi đánh giá các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ:
+ Kết chuyển lãi tỷ giá hối đoái đánh giá lại cuối năm tài chính:
Nợ TK 4131
Có TK 515
+ Kết chuyển lỗ tỷ giá hối đoái đánh giá lại cuối năm tài chính:
Nợ TK 635
Có TK 4131
Chú ý: Không được dùng số tiền lãi tỷ giá hối đoái do đánh giá lại các khoản mục tiền tệ cuối năm tài chính để phân chia lợi tức cho cổ đông hay chia liên doanh.
IV. Một số điểm cần chú ý khi đánh giá lại chênh lệch tỷ giá và các nghiệp vụ khác liên quan đến ngoại tệ
Theo Khoản 1 Điều 4, Điều 5 Thông tư 200/2014/TT-BTC, Luật thuế TNDN đối với doanh nghiệp có đủ điều kiện sử dụng ngoại tệ làm đơn vị tiền tệ cần đảm bảo những điều sau:
-
Có văn bản thông báo cho cơ quan quản lý thuế trực tiếp về việc lựa chọn đơn vị tiền tệ trong kế toán;
-
Kê khai, nộp thuế bằng đồng Việt Nam;
-
Báo cáo tài chính phải được trình bày bằng đồng Việt Nam và được kiểm kiểm toán;
-
Lỗ kết chuyển, tờ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp được xác định dựa trên báo cáo đã chuyển đổi ra đồng Việt Nam
Thường xuyên theo dõi số nguyên tệ của doanh nghiệp trên sổ chi tiết các tài khoản gồm: tiền mặt, tiền gửi ngân hàng, vốn góp của chủ sở hữu, các khoản phải thu và phải trả.
Thực hiện đúng theo các nguyên tắc ghi nhận khi phát sinh giao dịch bằng ngoại tệ cũng như nguyên tắc ghi nhận khi thực hiện thanh toán bằng ngoại tệ.
Khoản chênh lệch tỷ giá phát sinh trong kỳ phải được ghi nhận ngay vào chi phí tài chính (trong trường hợp lỗ) hay doanh thu hoạt động tài chính (trong trường hợp lãi).
Sử dụng tỷ giá công bố của ngân hàng thương mại nơi doanh nghiệp thường xuyên thực hiện giao dịch tại thời điểm lập Báo cáo tài chính để đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ.
Tại thời điểm lập Báo cáo tài chính nên rà soát tất cả các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ còn lại nhằm tránh tình trạng bỏ sót khoản mục.
Không được sử dụng phần lãi chênh lệch tỷ giá do đánh giá lại số dư ngoại tệ cuối kỳ để chia lợi nhuận hay trả cổ tức.
Trên đây là những kiến thức về đánh giá chênh lệch tỷ giá cuối năm mà Học viện TACA đã tổng hợp và biên soạn. Mong rằng bạn sẽ áp dụng thành công những kiến thức mà chúng tôi cung cấp vào công việc.