HƯƠNG TÍCH CỔ TỰ TRÊN ĐỈNH NON HỒNG
|
09/02/2012
Mục lục bài viết
HƯƠNG TÍCH CỔ TỰ TRÊN ĐỈNH NON HỒNG
Hàng năm, cứ sau dịp Tết cổ truyền, đông đảo bà con Phật tử Hà Tĩnh cùng các tỉnh lân cận như Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình… lại nô nức kéo về núi Hồng Lĩnh (xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) trẩy hội chùa Hương Tích. Nguyên đây là ngôi cổ tự nổi tiếng mà theo truyền thuyết thờ công chúa Diệu Thiện, con vua Trang Vương nước Sở.
Danh thắng Hương Tích – Ảnh: Văn Dũng (dantri.com.vn – 9.7.2011)
“Hương Tích” theo nghĩa đen là có chứa mùi thơm. Chùa Hương Tích nằm giữa vùng cảnh quan tuyệt đẹp với dãy 99 ngọn núi cao, đã từng được xưng tụng “Hoan Châu đệ nhất danh lam” và xếp vào hàng 21 danh thắng của nước Nam xưa. Cảnh đẹp động Hương Tích được chọn làm biểu tượng cho danh sơn Hồng Lĩnh giới thiệu trên Anh đỉnh, một trong chín đỉnh đồng đặt trước Thế miếu trong Đại nội Huế (đúc năm Minh Mạng 16 – 18 / 1935 – 1937). Căn cứ vào một số tư liệu cổ, các nhà nghiên cứu đã xác định chùa Hương Tích Hà Tĩnh được hình thành từ thế kỷ 13 dưới thời nhà Trần.
Chùa Hương Tích Hà Tĩnh – Ảnh: nguồn hoidulich.com
Sách “Hoàng Lê nhất thống chí” của Ngô gia văn phái cho biết, trong thời Lê – Trịnh, các vua, chúa phần lớn đều xuất thân từ xứ Thanh và các cung tần mỹ nữ đa phần cũng được tuyển chọn từ miền đất Hoan Châu. Theo truyền thống địa phương, hàng năm các cung tần gốc Thanh – Nghệ thường trẩy hội chùa Hương trên núi Hồng Lĩnh vào ngày 18 tháng Hai âm lịch bằng đường thủy qua cửa Hội Thống (gần Cửa Lò bây giờ). Nhận thấy việc để các “mệnh phụ” phải đi xa thủ phủ rất bất tiện nên chúa Trịnh đã nhờ một vị hòa thượng tìm địa điểm gần kinh đô để lập chùa thờ vọng.
Gian nan đương lên cửa chùa – Ảnh: Văn Dũng (dantri.com.vn – 4.2.2011)
Theo cuốn “Hương Sơn thiên trù thiền phả”, sau khi xác định được vùng rừng núi Hà Tây có địa điểm khá giống với vùng danh thắng Hoan Châu, chúa Trịnh bèn cho xây dựng chùa (đời Lê Hy Tông – niên hiệu Chính Hòa, 1680 – 1705) và cũng đặt tên là Hương Tích. Do nằm gần kinh đô, lại được chúa Trịnh phong tặng “Nam thiên đệ nhất động” nên “phó bản” Hương Tích dần lấn lướt chùa chính, ngày càng được khách hành hương biết đến và trẩy hội đông vui đang khi Hương Tích trên núi Hồng Lĩnh dần mai một và đi vào quên lãng. Thực tế năm 1885 chùa đã bị một cơn hỏa hoạn làm cháy trụi, đến năm 1901 mới được Tổng đốc An Tĩnh là nhà soạn tuồng nổi tiếng Đào Tấn đứng ra vận động xây dựng lại.
Đường lên chùa – Ảnh: nguồn donghuonghatinh.vn
Hương Tích Hà Tĩnh đã từng để lại dấu ấn trong nhiều thơ phú của bao tao nhân mặc khách. Trong bài “Nhớ chùa Hương”, Thái Thuận – Phó nguyên súy Tao Đàn của vua Lê Thánh Tông đã viết:
“Bỗng nhớ chùa Hương Tích
Khe suối đá gập ghềnh
Dấu Quan Âm ẩn náu
Am Thánh Mẫu tu hành
Biết gì ngoài mây rũ
Muôn thuở tiếng Châu Hoan”
Năm 1990, Bộ Văn hóa – Thông tin đã công nhận chùa Hương Tích là di tích văn hóa – thắng cảnh cấp quốc gia. Trong nỗ lực kéo nguồn khách du lịch tâm linh về với địa phương, chính quyền đã cho khôi phục lại lễ hội chùa Hương Tích trên lưng chừng núi Hồng Lĩnh vào dịp 18 tháng Hai âm lịch hàng năm và định lệ cứ ba năm tổ chức hội lớn một lần. Theo thời gian, hội chùa ngày càng có chiều hướng kéo dài trong ba tháng mùa Xuân như chùa Hương tại Hà Nội (Hà Tây cũ). Năm 2003, chùa được trùng tu lại khang trang như hiện nay, gồm có chùa chính hay thượng điện thờ Phật Quan Âm, đền Thiên Vương thờ Hồng Sơn Đại Vương và am Thánh Mẫu, nơi theo truyền thuyết công chúa Diệu Thiện đã tu hành và hóa Phật, lên cao hơn nữa còn có nền Trang Vương mà những khảo cứu khoa học trong thời gian gần đây đã có nhiều phát hiện lý thú.
Hàng năm cứ đến ngày lễ hội đông đảo khách thập phương lại về với chùa Hương Tích – Ảnh: Văn Dũng (dantri.com.vn – 4.2.2011)
Đến với chùa Hương Tích, ngoài việc hướng lòng về cõi tâm linh thành tâm khấn nguyện cho quốc thái, dân an, gia đình hạnh phúc…, du khách còn có dịp trải nghiệm mênh mông hồ nước nhà Đường trước khi theo dòng suối Hương Tuyền đi ngược lên khoảng 2km rồi theo con đường lát đá tiếp tục đi thêm chừng 2km qua nào là rừng trúc, rừng thông, hay rừng mai nhấp nhô những đá và suối nước… Càng lên cao du khách càng bị cuốn hút bởi cảnh đẹp thiên nhiên sơn thủy hữu tình, từ trên cao nhìn những đám mây lững lờ trôi phía dưới lại tưởng như đang lạc vào chốn Bồng Lai tiên cảnh…
…và tâm hồn ai cũng thanh thản lúc rời khỏi chùa Hương Tích – Ảnh: Văn Dũng (dantri.com.vn – 4.2.2011)
Mới đây tuyến cáp treo chùa Hương Tích đã được Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển và du lịch Hồng Lĩnh khánh thành và đưa vào hoạt động chính thức từ ngày 28-1-2012 (6 tháng Giêng âm lịch), giúp du khách thuận tiện hơn trong việc hành hương và thưởng ngoạn cảnh quan. Hệ thống cáp treo này gồm 25 cabin khung vỏ hợp kim có sức chứa 8 – 10 chỗ ngồi/cabin, do hãng Doppelmayr (Áo) sản xuất theo tiêu chuẩn ISO – 9001 của châu Âu. Tuyến cáp treo này có chiều dài 900m, chênh lệch độ cao 300m với ga xuất phát nằm bên trái đền thờ Miếu Cô và ga đến tại chùa Hương Tích, thời gian đi một lượt là 3’59”.
Hệ thống cáp treo hoạt động hết công suất vẫn không đáp ứng được nhu cầu của người dân – Ảnh: Văn Dũng (dantri.com.vn – 31.1.2012)
Trong những năm gần đây, khi ngành công nghiệp không khói được chú trọng thì tỉnh Hà Tĩnh đã chọn chùa Hương Tích làm điểm khai hội để mở đầu năm du lịch cho toàn tỉnh. Hy vọng với mùa khai hội năm nay khi tuyến cáp treo được chính thức đưa vào hoạt động và nhiều công trình được duy tu nâng cấp, du lịch Hà Tĩnh sẽ có nhiều thuận lợi và tín hiệu lạc quan, làm tiền đề cho một năm du lịch mới khởi sắc và bội thu…
Mai Kim Thành
Giá các dịch vụ năm 2012:
– Cáp treo khử hồi: 100.000đ/người – Trẻ em dưới 1,2m: 80.000đ
– Cáp treo một lượt: 70.000đ/người – Trẻ em dưới 1,2m: 50.000đ
– Vé đi xe điện: 5.000đ/người
– Vé đi thuyền: 5.000đ/người
– Vé vào cổng: 10.000đ/người
– Gởi xe gắn máy: 5.000đ/xe
– Gởi xe ô-tô trên 7 chỗ: 20.000đ/xe
– Gởi xe ô-tô dưới 7 chỗ: 15.000đ/xe