Hà Nội: Chợ cóc, xe ô tô lấn chiếm vỉa hè ở khu đô thị HH Linh Đàm

Khu đô thị HH Linh Đàm, phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai) gồm 12 tòa nhà với 9.000 căn hộ được xây dựng trên diện tích hơn 3.500m2, dân số khoảng 37.000 người là một trong những khu vực có mật độ dân cư đông nhất TP Hà Nội.

Dạo quanh một vòng khu đô thị này có thể thấy tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè diễn ra rất phổ biến. Nổi cộm là dãy chợ cóc phía sau tòa HH3A, HH3B, HH4A,… với hơn 100 tiểu thương buôn bán từ sáng đến tối. 

Tại đây các tiểu thương bày bán đủ các mặt hàng thiếu yếu như rau củ quả, đồ khô đến các loại thực phẩm tươi sống. Tuy nhiên, hầu hết các gian hàng đều được bày trên vỉa hè, người đi bộ khi qua đây buộc phải xuống lòng đường.

Hà Nội: Chợ cóc, xe ô tô lấn chiếm vỉa hè ở khu đô thị HH Linh Đàm - 1

Các tiểu thương tại dãy chợ cóc phía sau tòa HH3A, HH3B, HH4A,… ngang nhiên chiếm vỉa hè làm nơi buôn bán (Ảnh: Nguyễn Hải)

Một số cư dân sống tại khu đô thị HH Linh Đàm cho biết, chợ cóc đã hoạt động từ lâu, đây là khu chợ duy nhất phục vụ cư dân nên sáng sớm và cuối chiều rất đông đúc. 

Việc các tiểu thương ngang nhiên chiếm vỉa hè để bày bán các mặt hàng khiến nhiều cư dân cảm thấy khó chịu mỗi khi đi qua nhưng họ đành chấp nhận.

“Chúng tôi mong muốn cơ quan chức năng sớm giải quyết triệt để việc lấn chiếm vỉa hè tại khu vực chợ “cóc” để có không gian cho người đi bộ”, một nữ cư dân sống tại HH2A bày tỏ.

Hà Nội: Chợ cóc, xe ô tô lấn chiếm vỉa hè ở khu đô thị HH Linh Đàm - 2

Theo ghi nhận tại dãy chợ cóc khu HH Linh Đàm có hơn 100 tiểu thương buôn bán và hầu hết đều lấn chiếm vỉa hè (Ảnh: Nguyễn Hải)

Còn anh Phạm Anh Tuấn (21 tuổi, sống tại tòa HH2B), chia sẻ, buổi chiều anh thường chạy bộ quanh khu HH Linh Đàm nhưng vỉa hè bị ô tô, xe máy và người bán hàng lấn chiếm buộc Tuấn phải chạy dưới lòng đường. 

Anh Tuấn mong muốn thời gian tới cơ quan chức năng sẽ xử lý nghiêm việc lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, trả lại không gian cho người đi bộ.

Hà Nội: Chợ cóc, xe ô tô lấn chiếm vỉa hè ở khu đô thị HH Linh Đàm - 3

Vỉa hè bị tiểu thương, xe ô tô lấn chiếm buộc người dân phải xuống lòng đường để chạy tập thể dục (Ảnh: Nguyễn Hải)

Ông Nguyễn Hải Tú, Phó Chủ tịch UBND phường Hoàng Liệt, cho biết địa phương đang ra quân xử lý triệt để tình trạng lấn chiếm vỉa hè tại khu chợ cóc chung cư HH Linh Đàm.

Tuy nhiên, ý thức của người dân chưa cao nên việc xử lý gặp nhiều khó khăn. Để việc xử lý đạt hiệu quả cao nhất, địa phương đang kết hợp giữa tuyên truyền, nhắc nhở và xử phạt các hộ cố tình vi phạm.

Hà Nội: Chợ cóc, xe ô tô lấn chiếm vỉa hè ở khu đô thị HH Linh Đàm - 4

Xe ô tô đỗ tràn lan dưới lòng đường, vỉa hè đoạn qua tòa nhà HH2B, HH3B khu đô thị HH Linh Đàm (Ảnh: Nguyễn Hải)

“Lãnh đạo phường cũng đã họp với khu dân cư, tổ dân phố, tiểu ban văn minh đô thị tại đây để tập chung xử lý chợ cóc, quyết tâm lập lại kỷ cương văn minh đô thị”, Phó Chủ tịch UBND phường Hoàng Liệt nhấn mạnh. 

Việc ô tô đỗ tràn lan dưới lòng đường, vỉa hè ông Tú cho biết thời gian qua lực lượng chức năng đã tiến hành xử lý, cẩu kéo các xe đỗ trái phép quanh khu HH Linh Đàm nhưng nhiều người vẫn cố tình vi phạm.

Hà Nội: Chợ cóc, xe ô tô lấn chiếm vỉa hè ở khu đô thị HH Linh Đàm - 5

Ô tô, xe máy quây kín tấm biển “cấm để ô tô – xe máy” (Ảnh: Nguyễn Hải).

Theo ông Tú, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do số lượng xe của cư dân ngày càng tăng nhưng bãi đỗ xe còn thiếu, chưa đáp ứng đủ nhu cầu. 

Trong thời gian tới, địa phương sẽ nghiên cứu các biện pháp phù hợp để chấm dứt tình trạng này. 

“Để xử lý triệt để việc lấn chiếm vỉa hè, lòng đường tại HH Linh Đàm cần phải có thời gian tuyên truyền, phổ biến, nhắc nhở người dân” ông Tú nêu và cho biết thêm hiện khu HH Linh Đàm có khoảng 37.000 người nên nhu cầu về mọi mặt là rất lớn.

Từ ngày 1-31/3, Hà Nội ra quân tổng kiểm tra, xử lý về trật tự đô thị, trật tự công cộng với quyết tâm giành lại vỉa hè cho người đi bộ.

Trong đó tăng cường xử lý hành vi lấn chiếm lòng đường, hè phố để kinh doanh, buôn bán, trông giữ phương tiện sai quy định,…

 Sau 1 tháng ra quân, Thanh tra Giao thông Vận tải Hà Nội đã lập biên bản xử phạt 1.645 trường hợp vi phạm, với số tiền xử phạt trên 6 tỷ đồng, tạm giữ 23 phương tiện và tước GPLX 170 trường hợp.