Hà Nội bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể – Cổng thông tin Sở Văn Hóa Thể Thao Hà Nội

Thành phố có 1.793 di sản văn hóa phi vật thể đã được nhận diện, kiểm kê, bảo tồn và phát huy giá trị, trong đó có Hội Gióng ở đền Sóc và đền Phù Đổng được ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, Hát Ca trù được ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của UNESCO…

Hà Nội – Thủ đô, trái tim của cả nước đã trở thành điểm đến không thể bỏ qua đối với du khách trong nước và quốc tế bởi sự yên bình, cảnh quan xanh, sạch, đẹp; sự thân thiện, mến khách của người dân và cả sức hấp dẫn, lôi cuốn của các di sản văn hóa phi vật thể.

Kho tàng di sản văn hóa phi vật thể phong phú, đa dạng

Vào năm 2015, Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước tiến hành tổng kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể. Theo đó, thành phố ghi nhận 1.793 di sản văn hóa phi vật thể đã được nhận diện và kiểm kê, bảo tồn và phát huy giá trị, trong đó có Hội Gióng ở đền Sóc và đền Phù Đổng được ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, Hát Ca trù được ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của UNESCO; 26 di sản thuộc nhiều loại hình được ghi vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Di sản văn hóa phi vật thể của Hà Nội bao gồm nhiều loại hình: Ngữ văn truyền khẩu, nghệ thuật trình diễn truyền thống, lễ hội truyền thống, nghề thủ công truyền thống và tri thức dân gian. Các di sản phân bố ở khắp 30 quận, huyện, thị xã. Trong đó, một số địa phương sở hữu số lượng di sản lớn, như: Huyện Thường Tín có 129 di sản, huyện Đông Anh có 128 di sản, huyện Ba Vì có 126 di sản. Những giá trị di sản văn hóa này không chỉ đang được phát huy trong đời sống hàng ngày tại các cộng đồng thôn, làng mà còn từng bước được giới thiệu đến bạn bè trong nước và quốc tế.

Trao tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Nghệ nhân Ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể cho nghệ nhân

Trong những năm qua, thành phố Hà Nội đã và luôn có những chính sách quan tâm tới công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể trong đó có việc vinh danh các Nghệ nhân, những người sáng tạo, gìn giữ, phát huy và trao truyền lại cho các thế hệ kế tiếp để các loại hình di sản văn hóa truyền thống được tồn tại, phát triển cùng với sự phát triển chung của xã hội. Đây thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo thành phố đồng thời cũng chính là thực hiện đúng tinh thần của Công ước quốc tế 2003 “Nghệ nhân dân gian là nhân tố quan trọng hàng đầu trong việc bảo tồn và phát huy của mọi hiện tượng văn hóa phi vật thể. Không có nghệ nhân dân gian thì cũng không có văn hóa dân gian”. Sau 3 lần Nhà nước phong tặng, truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Nghệ nhân Nhân dân”, “Nghệ nhân Ưu tú”, Hà Nội có 18 Nghệ nhân Nhân dân và 113 Nghệ nhân Ưu tú – dẫn đầu cả nước về số lượng nghệ nhân được phong tặng. Đây không chỉ là niềm vinh hạnh đối với các Nghệ nhân, gia đình mà còn là niềm niềm vui lớn đối với cộng đồng, các ngành, các cấp của Thành phố Hà Nội. Và đây cũng là tín hiệu vui cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản.

 Nỗ lực bảo tồn, phát huy giá trị di sản

Sở hữu số lượng lớn di sản văn hóa phi vật thể, Hà Nội đã triển khai nhiều biện pháp để các di sản được bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị. Trên cơ sở kết quả kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể, thành phố đã triển khai các hoạt động hỗ trợ công tác truyền dạy di sản văn hóa tại nhiều địa phương, với nhiều di sản, như: Ca trù, hát dô, chèo tàu, xẩm, múa rối, cồng chiêng, chèo, hát trống quân…góp phần nhân rộng đối tượng thực hành di sản, nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ, phát huy giá trị di sản trong cộng đồng; thực hiện giáo dục di sản văn hóa phi vật thể cho học sinh phổ thông trung học, với 4 loại hình: Nghề gốm Bát Tràng, múa rối nước, tục ăn trầu và làm đèn kéo quân; triển khai tư liệu hóa di sản làm cơ sở giảng dạy, lưu giữ cũng như quảng bá tại các sự kiện văn hóa.

Một tiết mục tại Liên hoan Ca trù Hà Nội lần thứ Ba – năm 2022

Để công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản đạt hiệu quả hơn, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã xây dựng dự thảo Kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể giai đoạn 2021-2025, trình UBND thành phố xem xét, phê duyệt. Ngày 18/2/2022, UBND thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch số 55/KH-UBND về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể thành phố Hà Nội đến năm 2025. Kế hoạch nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và ý thức bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa của xã hội, các chủ thể văn hóa và tổ chức, cá nhân có liên quan; giữ gìn bản sắc văn hóa, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể phục vụ nhiệm vụ chính trị và phát triển kinh tế – xã hội; huy động nguồn lực của toàn xã hội cùng tham gia gìn giữ, bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể trên địa bàn thành phố…

Kế hoạch nêu rõ 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể thành phố Hà Nội : Bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO ghi danh, di sản trong danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và di sản có nguy cơ mai một; đẩy mạnh xã hội hóa nguồn lực bảo vệ và phát huy giá trị di sản; tăng cường công tác quản lý nhà nước, nâng cao hiệu quả tuyên truyền, vận động cộng đồng tham gia gìn giữ di sản.

Theo kế hoạch, nội dung thực hiện từng năm và trọng tâm các năm được xác định rõ. Điểm đáng chú ý là, mỗi năm, thành phố sẽ xây dựng 3-4 hồ sơ khoa học đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Cùng với đó, là biên soạn 1 đầu sách chuyên đề về di sản văn hóa phi vật thể; xây dựng 2 phim phục vụ tuyên truyền, giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể của Hà Nội; thực hiện tư liệu hóa bằng các hình thức ghi âm, ghi hình, chụp ảnh, tư liệu viết đối với 10 di sản văn hóa phi vật thể.

Hoạt động trao truyền di sản cũng được chú trọng. Mỗi năm, dự kiến tổ chức từ 2 – 3 lớp truyền dạy cơ bản và nâng cao về kỹ năng trình diễn, thực hành di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu, có nguy cơ mai một. Tổ chức tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể cho đội ngũ cán bộ chuyên môn về di sản văn hóa, chủ thể văn hóa, chức sắc tôn giáo. Tổ chức từ 1 đến 2 tọa đàm, hội nghị chuyên sâu nhằm trao đổi chuyên môn về các vấn đề liên quan đến công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn thành phố. Tổ chức liên hoan trình diễn, giao lưu, giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể Hà Nội và tham gia các liên hoan quốc gia tổ chức…

Chiều 08/12/2022, tại Kỳ họp thứ 10, HĐND  thành phố Hà Nội khóa XVI đã biểu quyết tán thành thông qua Nghị quyết về chế độ đãi ngộ, hỗ trợ “Nghệ sỹ nhân dân”, “Nghệ sỹ ưu tú”; Nghệ nhân và Câu lạc bộ tiêu biểu trong lĩnh vực Di sản văn hóa phi vật thể thành phố Hà Nội. Nghị quyết nhằm mục tiêu bảo vệ, phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn Thành phố đúng định hướng, phát huy có hiệu quả, tránh nguy cơ mai một, thất truyền, hỗ trợ giáo dục lịch sử, phục hồi các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của Nhân dân; Góp phần hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các Nghệ nhân, các Câu lạc bộ hoạt động trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể có điều kiện thuận lợi trong việc thực hành, bảo vệ, phát huy giá trị các loại hình di sản văn hóa phi vật thể.

Nghị quyết này và Kế hoạch số 55/KH-UBND chắc chắn sẽ tạo ra đòn bẩy, sức mạnh mới trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể  để những di sản này có những đóng góp tích cực hơn nữa vào phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trong thời kỳ hội nhập khu vực và quốc tế của Thủ đô Hà Nội.

Hà Thanh