Hà Tĩnh có lễ hội gì?
Du lịch Hà Tĩnh mang những nét hoang sơ về thiên nhiên, cuộc sống bình dị của người dân dựa trên truyền thống văn hóa lịch sử lâu đời. Tuy không có nhiều lễ hội như một số địa phương khác nhưng các lễ hội ở Hà Tĩnh lại khá độc đáo, đón chờ du khách đó đây đến khám phá. Hà Tĩnh có lễ hội gì? Trong bài viết này hãy cùng chúng tôi khám phá các lễ hội dân gian độc đáo, hấp dẫn ở Hà Tĩnh nhé.
2
Hội đền Chiêu Trưng – Hà Tĩnh
Lễ hội đền Chiêu Trưng (Lê Khôi) ở Hà Tĩnh là một trong những di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, được duy trì tổ chức theo thông lệ truyền thống, diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm ngày mất của Đại vương Lê Khôi.
Hàng năm, đền Lê Khôi có 3 lễ chính: Lễ Thưởng Xuân (còn gọi là Khai Ân) diễn ra ngày mồng 4 tháng 1 âm lịch. Lễ hội chính tưởng niệm ngày mất của Lê Khôi, diễn ra trong 3 ngày; (Từ ngày mồng 1đến mồng 3 tháng 5 âm lịch).
Lễ Hạp Ấn diễn ra ngày 25 tháng 12 âm lịch, là lễ báo ân, bao đáp của nhân dân lên Đức Thánh sau một năm làm ăn gặp nhiều may mắn. Năm nào cũng vậy, nhờ làm tốt công tác thông tin, quảng bá nên vào các ngày lễ Chính, khách thập phương từ nhiều tỉnh, thành trong nước, đặc biệt là một số tỉnh có thờ vọng Đức Thánh Lê Khôi như Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Nội kéo nhau về hội tụ đông vô kể. Ngọn Nam Giới vào các ngày đêm từ mồng 1 đến hết mồng 3 tháng 5 rực rỡ đèn, nến trên bộ dưới thuyền. Cả một không gian tràn ngập âm thanh lễ hội văn hóa đầy huyền ảo, thơ mộng. Ở xứ Nghệ, lễ hội Đền Chiêu Trưng được đánh giá là có quy mô nhất, khai thác được nhiều yếu tố văn hóa truyền thống mang đậm phong tục, đặc điểm của cư dân vùng biển.
Đến với lễ hội, du khách được sống trong một không khí thấm đẫm tình người. Mọi hoạt động từ lới đến nhỏ như phần lễ, phần hội, đến mọi sinh hoạt, ăn ở, đi lại của mỗi người đều được Ban tổ chức (BTC) tính toán cẩn trọng, chăm lo chu đáo. Theo ông Nguyễn Bá Chiến, Phó Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Thạch Hà – thành viên BTC: tuy lễ hội diễn ra đã nhiều năm với số lượng du khách rất đông, song nhờ được sự phối hợp chặt chẽ của hai huyện, trách nhiệm cao của các thành viên trong BTC nên lần nào cũng thành công tốt đẹp.
3
Hội Nhượng Bạn – Hà Tĩnh
Hội lễ nhượng bạn ở Hà Tĩnh diễn ra từ ngày 15 đến 30 tháng Sáu âm lịch hàng năm, tại xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên. Đối tượng được người dân nơi đây suy tôn và thờ cúng là Bà Hoàng Càn, là cung phi Trần Duệ Tông ở thế kỷ thứ 14, và ông Đông Đạo là người đã sáng tạo ra bánh lái thuyền.
Làng Nhượng Bạn xưa kia nằm ở phía Bắc của cửa bể Nhượng, cách thị xã Hà Tĩnh về phía Đông Nam khoảng 20km. Cứ đến ngày hội, hội đua thuyền lại được tổ chức trên khúc sông Rác trước khi đổ ra biển. Hội đua thuyền hàng năm gợi nhớ tới những người đã có công truyền dạy nghề đánh cá cho người dân trong vùng, đó là bà Hoàng Càn, được suy tôn là người có công đầu trong việc dựng nên xứ biển này. Sau khi bà qua đời, người dân nơi đây đã lập đền thờ bà để ghi nhớ và biết ơn công ơn to lớn của bà.
Người thứ hai được người dân nơi đây thờ là ông Đông Đạo, tương truyền là người đã sáng tạo ra bánh lái cho thuyền, thay thế cho chiếc chèo cả, được người dân xem như một vị thần hộ mệnh cho nghề đi biển.
Hội lễ đua thuyền hàng năm được tổ chức từ khá sớm. Trước khi vào hội đua, các nghi lễ sẽ được tổ chức một cách linh đình và trang nghiệm. Một dàn lễ sẽ được lập ngay ở bến sông, các trai trong làng sẽ dùng một con thuyền đã được trang hoàng lộng lẫy, được gọi là thuyền thần. Cuộc rước thuyền mang tính chất tâm linh và là nghi thức cổ truyền, với đầy đủ chiêng, trống, cờ… Sau khi thuyền thần được rước đến nơi đặt đàn lễ, chủ tế sẽ dâng hương và khấn các lợi cầu nguyện của dân làng. Sau khi kết thúc nghi lễ này, thuyền thần sẽ được rước về giữa sông Rác, nơi đang tập kết các thuyền đua.
Hội lễ Nhượng bạn diễn ra một cách trang nghiêm, nhưng cũng rất náo nhiệt. Hội đua thuyền trong hội lễ Nhượng Bạn luôn là điểm thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân trong vùng lẫn du khách thập phương.
4
Lễ Hội Hải Thượng Lãn Ông – Hà Tĩnh
Lê Hữu Trác hiệu là Hải Thượng Lãn Ông sinh ngày 12/11 năm Canh Tý (tức ngày 11/12/1720), tại thôn Văn Xá, làng Liêu Xá, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, tỉnh Hải Dương, nay là xã Hoàng Hữu Nam huyện Yên Mỹ, tỉnh Hải Dương.
Tuy nhiên ông sống nhiều (từ năm 26 tuổi đến lúc mất) ở quê mẹ xứ Bầu Thượng, xã Tĩnh Diệm, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, nay là xã Sơn Quang, huyện Hương Sơn và cũng qua đời tại đây vào ngày rằm tháng Giêng năm Tân Hợi (1791), thọ 71 tuổi.
Hải Thượng Lãn Ông là một bậc thiên tài kiệt xuất của nền y học cổ truyền Việt Nam và một nhà văn hóa lớn. Ngay sau khi Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông qua đời, để ghi nhớ công ơn của ông, nhân dân huyện Hương Sơn đã tổ chức các hoạt động tế lễ như dâng hương tại mộ, lễ cúng tại nhà thờ, cầu siêu tại chùa Tượng Sơn. Từ đó, cứ mỗi dịp rằm tháng Giêng, nhân dân khắp nơi lại về Hương Sơn thắp hương tưởng nhớ Đại danh y.
Lễ hội Hải Thượng còn được gọi là Lễ hội cầu sức khỏe. Đặc biệt, từ sau khi quần thể Khu di tích Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia vào năm 1985, lễ hội này ngày càng được phát triển cả về quy mô, nội dung và hình thức.
Lễ hội truyền thống Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác gồm hai phần: phần lễ và phần hội. Lễ chính được diễn ra trong hai ngày 13 và 14 tháng Giêng Âm lịch: Lễ dâng hương và tưởng niệm, Lễ cầu sức khỏe, quốc thái dân an, đốt và thả đèn hoa đăng.
5
Lễ hội rước sắc phong vua Hàm Nghi – Hà Tĩnh
Hàng năm cứ mùng 7 tết là xã Phú Gia (Hương Khê) tổ chức Lễ rước sắc vua Hàm Nghi – một nét văn hóa tâm linh tiêu biểu trong những ngày đầu năm của người dân phố núi Hương Khê.
Lễ hội rước sắc phong vua Hàm Nghi (còn gọi Lễ hội Hàm Nghi – Sơn Phòng) nhằm tỏ lòng biết ơn, tri ân sâu sắc tới công lao to lớn của vua Hàm Nghi và còn có ý nghĩa khác là cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, vụ mùa bội thu.
Theo sử sách còn ghi lại, sau khi kinh đô Huế bị thất thủ, năm 1885, vua Hàm Nghi tiến quân ra huyện Hương Khê, Hà Tĩnh đắp lũy, xây thành Sơn Phòng; chiêu binh, tuyển tướng bảo vệ dinh lũy. Tại đây, vua đã viết chiếu Cần Vương kêu gọi toàn dân đánh giặc Pháp…
Trước sự chứng kiến của lãnh đạo huyện, xã và đông đảo bà con nhân dân, Ban Tổ chức đã lần lượt bàn giao các báu vật của vua Hàm Nghi (gồm voi bằng vàng, nghê bằng đồng, các thanh bảo kiếm, lục lạc bằng đồng đen, 39 đạo sắc phong do các triều vua ban tặng…) từ nhà cố đạo cũ (ông Trần Văn Nhung) cho cố đạo mới (ông Lưu Văn Xân) ở thôn Hòa Nhượng, xã Phú Gia.
Tại lễ rước, các thanh niên trai tráng chưa vợ được chọn lựa từ các thôn trong xã làm trai kiệu. Có 3 kiệu tham gia lễ rước; kiệu đi đầu rước ảnh vua Hàm Nghi, kiệu kế tiếp rước sắc Đức Đại Vương, kiệu cuối cùng rước Đức thánh mẫu và Mã Hồng Công chúa.
Trong quá trình rước, được khởi hành từ nhà cố đạo cũ tiếp tục rước kiệu, sắc về đặt trang trọng tại nhà cố đạo mới, hai bên lề đường nơi đoàn rước đi qua người dân bày sẵn trầu cau, rượu, bánh kẹo và thắp hương để nghênh đón, mời những người đi trong đoàn thưởng thức lộc đầu xuân – một nét văn hóa độc đảo đã ăn sâu vào tâm thức của người dân nơi đây.
6
Lễ hội đánh cá Đồng Hoa – Hà Tĩnh
Lễ hội truyền thống đánh cá Đồng Hoa diễn ra tại Đầm Vực, thuộc xã Xuân Viên, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh). Đây là ngày hội mang đậm màu sắc dân gian độc đáo, được tổ chức hàng năm, mang tư tưởng khuyến nông, khuyến ngư, phát triển nông nghiệp nông thôn.
Lễ hội đánh cá Đồng Hoa còn được gọi là lễ hội đánh Vực Rào, được tổ chức mỗi năm một lần khi mùa màng của người dân trong vùng đã thu hoạch hết. Nơi diễn ra lễ hội là Đầm Vực, nằm dưới chân dãy Hồng Lĩnh, có chiều dài hơn 1km với diện tích khoảng 30 ha. Đây là khu vực có nhiều loài cá nước ngọt sinh sống.
Theo các cụ cao niên trong làng, ngày trước lễ hội đánh cá Đồng Hoa được tổ chức khá quy cũ. Làng lập ra quy định, có ban quản lý tuần tra canh gác, ngày thường không cho người dân đến đánh bắt cá, chỉ đến ngày lễ, mọi người trong xã mới được đánh bắt cá tại Đầm Vực.
Trước đây, ngày mồng 5 tháng 5 âm lịch được chọn là ngày tổ chức lễ hội chính. Vào ngày này, người đứng đầu làng và các bậc cao niên trong làng cho lập bàn thờ, hương đăng hoa quả cúng tế Thành Hoàng bản thổ tại ngôi miếu cạnh Đầm Vực.
Sau khi xong phần lễ, một hồi trống chiêng vang dậy, đích thân người đứng đầu làng hú to một tiếng và cầm nơm xuống đầm úp cá trước. Sau đó tất cả mọi người trong làng, từ già trẻ, gái trai mỗi người cầm nơm, lưới ào xuống đầm để thi nhau bắt cá.
Qua thời gian, lễ hội đánh cá Đồng Hoa đã không còn được nguyên vẹn như xưa, nhưng chính quyền và bà con nơi đây vẫn duy trì những nét căn bản của lễ hội và tổ chức vào ngày chủ nhật trung tuần tháng 5 âm lịch để con em xa quê được tham gia đông đủ.
Từ sáng sớm, hàng trăm người dân xã Xuân Viên và khu vực lân cân đã chuẩn bị nơm, vó, lưới đến vực Rào để đánh bắt cá tạo nên không khí vui tươi, rộn ràng và mang đậm màu sắc dân gian.
7
Tục thờ thần và lễ cầu ngư làng Hội Thống – Hà Tĩnh
Tục thờ thần và lễ cầu ngư làng Hội Thống: Xã Hội Thống trước năm 1945 thuộc tổng Đan Hải, sau năm 1945 vẫn là xã Hội Thống. Từ năm 1954 lại nay, là xã Xuân Hội huỵện Nghi Xuân. Hội Thống nằm mé bờ Nam cửa Hội (cửa Đan Nhai ngày xưa) có nghề nông, nghề buôn nhưng nổi tiếng nhất vẫn là nghề biển. Ở đây ngoài ngôi Đình Kiên Nghĩa còn có các đền miếu mà trong đó có 3 ngôi đền thờ Nam Hải Ngư thần (cá ông) thường gọi đền Cô, đền Cố, đền Cậu.
Đình hội Thống còn gọi là đình Kiên Nghĩa, thuộc làng Hội Thống. Đình được khởi dựng vào năm 1659 và khánh thành năm 1660, quay hướng tây, kién trúc kiểu chữ nhị gồm 2 toà Nội tẩm và Bái đường. Nội tẩm là nơi đặt bài vị thờ thần Thành Hoàng. Chính giữa có tấm hoành phi đề 4 chữ ” Xuân đài thọ vực “. Nhà bái đường gồm 7 gian, 32 chân cột chính giữa là bức hoành có chữ ” Kiên Nghĩa “, gian chính đặt hương án, hai gian tả, hữu đắp nổi lên làm nơi ngồi cho quan viên theo thứ bực, hai đầu là gác chuông, gác trống. Nhiều trang trí trên gỗ mang phong cách Hậu Lê. Sân đình rộng, bên trái là nhà bia, bên phải miếu thờ thổ thần. Ngoài cổng đình là khoảng ruộng, nơi hàng năm dùng làm lễ hạ điền sau đó tế Thành Hoàng. Đây là một trong những ngôi đình cổ xưa nhất và có qui mô nhất Nghệ Tĩnh, đã được xếp hạng di tích Quốc gia .
Tục thờ ngư thần của cư dân ven biển nói chung và ở Hội Thống nói riêng đã có từ lâu đời. Người dân biển mỗi lần ra khơi gặp sóng to, gió lớn thường được cá voi tới cứu đỡ cho thuyền khỏi chìm, do vậy mà cư dân ven biển gọi cá voi là “Nhân ngư ” và tôn là “Ông “.
Lễ cầu ngư ở Hội Thống được tổ chức hàng năm hoặc 3 năm 1 lần vào ngày 3/2 âm lịch. Từ đầu năm các chủ thuyền (lái) họp bàn việc đóng góp và cử ban “chịu việc ” và ban hành lễ bao gồm những người được tín nhiệm nhất. Lễ đặt mỗi thuyền phải đóng 10 quan tiền, trước ngày lễ mọi việc chuẩn bị đều hoàn tất. Trên cạn người ta dựng rạp ở bên luồng hay bãi biễn gọi là nơi dâng lễ, rạp cao khoảng 3m, dài rộng khoảng 6m, ngoảnh mặt ra biển. Mái và 3 phía của rạp phải dùng thuyền che kín. Trong rạp chính giữa là nơi đặt lễ vật, trên vách treo nhiều bức tranh thờ.
Dưới nước người ta kết 4 thuyền với nhau lót ván sàn thành một sân gỗ rộng, trên đặt bàn thờ. Các đồ đặt lễ vật, hương đèn đều bằng nứa, hương cắm vào những khúc chuối. Trên bàn thờ có con lợn luộc đặt trong mâm và xôi gà, trầu rượu đặt trong một mâm khác. Các chủ thuyền đều đưa đến cúng mỗi nhà một mâm oản. Trong rạp cũng như trên thuyền, cỗ bàn đều đặt hướng đông, thầy cúng cùng mọi người ngồi hướng tây, ngoảnh mặt ra biển. Trống chiêng nhã nhạc nổi lên, lễ tế được tiến hành nghiêm trang, kết thúc lễ tế là cuộc đua thuyền.
8
Lễ hội chùa Chân Tiên – Hà Tĩnh
Đến hẹn lại lên, vào ngày mồng 3/3 âm lịch, các vị tăng ni phật tử, du khách gần xa lại về lễ chùa Chân Tiên, thắp hương nguyện cầu và vãn cảnh. Đây là một hoạt động văn hóa tâm linh, mang sắc màu riêng có trong đời sống tinh thần của cư dân nơi đây…
Chùa Chân Tiên có từ đời nhà Trần. Trải qua hàng trăm năm, do những biến cố thăng trầm của lịch sử, chùa bị xuống cấp và đã được trùng tu, tôn tạo nhiều lần, nhưng vẫn giữ được nét đẹp cổ kính, tôn nghiêm. Cấu trúc chùa gồm 3 tòa: thượng điện, trung điện kiệu long đình và bái đường. Nơi đây còn lưu giữ được một số câu đối lâu đời, ca ngợi công lao của Đức Thánh mẫu, theo thông tin từ báo Hà Tĩnh.
Về với lễ hội chùa Chân Tiên là về với tình yêu khát vọng và lòng yêu thương con người để cầu mong cho quốc thái dân an, trăm họ tốt lành, cho cuộc sống vĩnh hằng, cuộc đời đơm hoa kết trái. Đến chốn thiêng này, du khách sẽ trút bỏ được những ưu tư, phiền muộn để quyện hòa với thiên nhiên.
Lễ hội chùa Chân Tiên năm nay, bên cạnh các hoạt động phần lễ, dự kiến sẽ có nhiều hoạt động phần hội, như: giải bóng chuyền nam các đội mạnh liên huyện Nghi Xuân – Lộc Hà, đi cà kheo trên bãi biển, kéo co nữ và các hoạt động văn hóa, văn nghệ khác.
Hà Tĩnh có lễ hội gì? Trên đây là danh sách những lễ hội tại Hà Tĩnh đặc sắc mà bạn nên tham gia khi du lịch tới miền đất này. Hi vọng bài viết này sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn cuộc sống, những phong tục, tập quán của con người nơi đây. Chúc các bạn có những chuyến du lịch trải nghiệm Hà Tĩnh thật thú vị nhé.