Hà Tĩnh tăng 10 bậc trong bảng chỉ số PCI 2018, vào nhóm khá của cả nước
Mục lục bài viết
Hà Tĩnh tăng 10 bậc trong bảng chỉ số PCI 2018, vào nhóm khá của cả nước
Từ vị trí 45 của 3 năm trước, Hà Tĩnh đã “vọt” lên vị trí 23 trong báo cáo đánh giá Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2018, tăng 10 bậc so với năm 2017.
Báo cáo đánh giá Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2018 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cơ quan Viện trợ Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) công bố sáng nay (28/3).
Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2018 của 63 tỉnh, thành. Nguồn: VCCI.
Kết quả PCI năm 2018 cho thấy Hà Tĩnh đã vào nhóm khá của cả nước. Tính từ năm 2015, Hà Tĩnh đã bứt phá mạnh khi tăng đến 22 bậc. Nếu như năm 2015, Hà Tĩnh còn xếp thứ 45 thì một năm sau đã “rút” được 6 bậc lên 39, đến năm 2017 tiếp tục lên vị trí 33 và năm 2018 vừa qua đã “vọt” đến 10 bậc – lên vị trí 23.
Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2017
Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2016
Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2015
Kết quả PCI năm 2018 tiếp tục khẳng định việc cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật đã được Hà Tĩnh quan tâm, chỉ đạo quyết liệt. Các ngành, địa phương đã tập trung cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin, giảm thời gian và chi phí hành chính cho doanh nghiệp…
Được biết, đây là năm thứ 14 liên tiếp VCCI và USAID công bố bộ chỉ số này. PCI được xây dựng nhằm đánh giá về môi trường kinh doanh, chất lượng điều hành kinh tế và nỗ lực cải cách hành chính của chính quyền các tỉnh, thành phố của Việt Nam, qua đó thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân trong nước.
Không chỉ dừng lại ở việc công bố 10 chỉ số thành phần, phản ánh lĩnh vực điều hành kinh tế có tác động đến sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân, Báo cáo PCI 2018 còn có nghiên cứu chuyên đề – thảo luận về tác động của hội nhập toàn cầu đến việc thực hiện giao kết hợp đồng của doanh nghiệp.
Nghiên cứu PCI gồm 10 chỉ số thành phần gồm:
1) Chi phí gia nhập thị trường thấp;
2) Tiếp cận đất đai dễ dàng và sử dụng đất ổn định;
3) Môi trường kinh doanh minh bạch và thông tin kinh doanh công khai;
4) Chi phí không chính thức thấp;
5) Thời gian thanh tra, kiểm tra và thực hiện các quy định, thủ tục hành chính nhanh chóng;
6) Môi trường cạnh tranh bình đẳng;
7) Chính quyền tỉnh năng động, sáng tạo trong giải quyết vấn đề cho doanh nghiệp;
8) Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, chất lượng cao;
9) Chính sách đào tạo lao động tốt;
10) Thủ tục giải quyết tranh chấp công bằng, hiệu quả và duy trì được an ninh trật tự.
Tin liên quan:
- Hà Tĩnh quyết liệt cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư
Ngày 31/1/2019, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 139/NQ-CP ngày 9/11/2018 của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp (DN). Đây thực sự là tin vui đầu xuân mới với cộng đồng DN Hà Tĩnh để cùng kỳ vọng môi trường đầu tư, kinh doanh trong năm 2019 tiếp tục được cải thiện mạnh mẽ hơn…
- Hà Tĩnh nằm tốp 10 bảng xếp hạng phát triển Chính phủ điện tử cấp tỉnh
Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam và Thừa Thiên – Huế lần lượt dẫn đầu ở 3 khối về phát triển Chính phủ điện tử năm 2017, trong khi đó Hà Tĩnh xếp 10 trong bảng xếp hạng cấp tỉnh.
Hải Xuân