Hái lộc đầu năm như thế nào để tài lộc, may mắn “ầm ầm” kéo vào nhà?

Hái lộc đầu năm như thế nào để tài lộc, may mắn "ầm ầm" kéo vào nhà? - Ảnh 1.

Tục hái lộc đầu năm của người Việt có nguồn gốc lâu đời – Ảnh minh họa.

Phong tục hái lộc đầu năm từ đâu mà có?

Theo truyền thuyết, từ thời Vua Hùng đã xuất hiện tục hái lộc. Chuyện kể rằng, nhân một ngày đầu xuân, khi các con đã khôn lớn, Vua Hùng bèn cho gọi các Lạc Hầu, Lạc Tướng, thần dân và các con đến truyền dạy rằng: “Nay các con đã khôn lớn, ta muốn các con đi dạy dân làm ăn và trấn cứ các nơi”.

Nghe cha phán truyền, các con đều bịn rịn không muốn chia tay mà muốn ở lại cùng cha mẹ. Trong khi các Lạc Hầu, Lạc Tướng, dân làng chưa biết tấu trình với Vua thế nào thì Hoàng hậu thưa: “Các con đều luyến mẹ, thương cha không muốn đi xa, tôi nghĩ rằng Nhà vua nên làm lễ tế trời đất rồi dùng cách hái lộc chia cho các con… các con ai nhận được cành lộc đi phương nào thì phương ấy mà đi”.

Thấy hợp lý, Vua lệnh truyền cho các Lạc Hầu, Lạc Tướng và các con về nhà nghỉ. Rồi chọn ngày lành tháng tốt, Vua làm Lễ tế Trời – Đất trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh (thuộc tỉnh Phú Thọ hiện nay) cầu trời đất phù hộ cho mưa thuận gió hòa, muôn dân no ấm. Chờ lúc sang canh, Vua cùng Hoàng hậu vào rừng hái lộc đầu xuân. Sáng sớm, khi mặt trời xuất hiện đằng Đông, Vua chia cho mỗi người con một cành lộc và dạy rằng:

“Non ở nhà, già đi ấp

Chẵn lên non, còn xuống biển”

Sau đó, Vua dặn các con hãy mang cành lộc này đi trấn giữ các phương, răn dạy dân cách làm ăn, kiếm sống. Trên đường đi, nếu gặp điều gì không may, các con hãy mang cành lộc còn đượm sương sớm này mà vẩy lên trời thì thú dữ, tà ma sẽ bỏ chạy không hại được các con. Nghe lệnh Vua, các con quỳ lạy cha mẹ, nhận cành lộc chia nhau đi trấn giữ các miền và giúp muôn dân.

Trải qua mấy nghìn năm, nét đẹp này còn lưu truyền mãi mãi, tục xin lộc đầu xuân đã quen thuộc và trở thành nét văn hóa Tết không thể thiếu trong đời sống của người dân Việt Nam.

Hái lộc đầu năm như thế nào để tài lộc, may mắn "ầm ầm" kéo vào nhà? - Ảnh 2.

Hái lộc đầu năm thiếu hiểu biết sẽ vô tình rước họa vào nhà – Ảnh minh họa.

Những ý nghĩa nhân văn…

Cũng từ truyền thuyết Vua Hùng, cùng với quan niệm cổ truyền, vào thời khắc Giao thừa hoặc sớm mồng một Tết, nếu xin một cành lộc nhỏ nơi đền, chùa, miếu… rồi đem về cắm vào bình hoa hoặc treo trước hiên nhà sẽ được Thần, Phật ban cho tài lộc, may mắn suốt năm. Thường thì sẽ là những cành nhỏ của các loại cây có sức sống mạnh mẽ như xanh, si, sung, đa với ý nghĩa tượng trưng là mang lộc chồi, mang sự sinh sôi nảy nở về nhà.

Trong màn sương đêm se lạnh, trong thời khắc giao thừa thiêng liêng, trong sự tịnh tâm nhìn lại bản thân mình, sân chùa và vườn cây thắp lên cho ta nguồn hy vọng bất tận về tương lai. Đó là Lộc! Lộc tượng trưng cho những gì mới được hình thành, tương lai xán lạn đang ở phía trước.

Cụm từ “hái lộc” không đơn thuần chỉ mang nghĩa tay người ngắt từ trên cây một cành cây, một ngọn cây hay một nhánh non vừa mới nhú. Mà cụm từ này còn mang một ý nghĩa rất nhân văn mà tiền nhân muốn gửi gắm cho con cháu, là một ý nghĩa giáo dục rất sâu xa. Bởi đó là đạo lý nhân quả rất đơn giản trong cuộc sống hằng ngày “có làm thì mới có ăn”, “tay làm hàm nhai”… rất phổ biến trong văn học dân gian Việt Nam. Từ đó mà chê bai, phê phán thói “ăn không ngồi dồi”, lười lao động, chỉ muốn hưởng thụ.

Bởi vậy mà, đạo lý nhân quả ông cha chúng ta đã gửi gắm qua nét đẹp “hái lộc đầu xuân” là: Những may mắn, những quả phúc mà ta gặt hái được phải xuất phát từ cái tâm, từ hành động, từ lời nói và ý nghĩ thiện lành mà chúng ta đã tạo nên. Vì thế, tâm thức của người khi “hái lộc” trước hết phải là một tâm thức thật sự thanh tịnh và thuần khiết, thì Lộc mà chúng ta hái được, nhận được mới thật sự tốt đẹp và ý nghĩa. Khi ấy, phúc lộc mà ta nhận được mới thật sự của ta, chính nó do ta gieo trồng từ chính tâm thức của chúng ta. Muốn có cuộc sống tốt đẹp, hưởng lộc nhiều, phước nhiều cần phải gieo nhiều nhân lành. Thay vì hái lộc, thay vì cầu xin trời Phật, chúng ta nên gieo nhân lành bằng cách nghĩ, nói và làm các việc thiện. Hơn nữa, ông bà ta còn có quan niệm cứ sống đúng với bổn phận của mình, lộc tự nhiên ắt sẽ đến.

Tuy nhiên, thực tế ngày nay, có được một tâm thức thuần khiết trong xã hội xô bồ, cuộc sống nhiều tham vọng, lắm đảo điên này quả thực rất khó. Dẫn đến nhiều phong tục tốt đẹp xưa kia cũng bị thay đổi ít nhiều, thậm chí bị biến tướng một cách tùy tiện, và tục “hái lộc đầu xuân” cũng không phải là một ngoại lệ.

…. Và những biến tướng

Theo phong tục xa xưa, “hái lộc” chỉ là hái những cành cây nhỏ của các loại cây có sức sống mạnh mẽ như xanh, si, sung, đa… Tuy nhiên, những năm gần đây, nhận thức của nhiều người về tục hái lộc đầu xuân đã sai lệch, mang khía cạnh tiêu cực, lạm dụng và biến tập tục này trở thành hủ tục. Chúng ta không còn lạ lẫm gì với những hình ảnh nhiều người đi hái lộc bằng cách cố sức trèo lên cây bẻ cả cành to, chọn lộc to, lộc đẹp, thậm chí mang cả công cụ trợ giúp để “chặt lộc”, “cưa lộc”. Sau mỗi đêm giao thừa, thực sự đau xót khi phải chứng kiến cảnh cây cối tan hoang vì bị bẻ gãy, nhiều cây xanh bị phá hoại, bị bức tử thảm thiết. Có người cầu kỳ hơn, phải tìm đến đúng các trụ sở ngân hàng, kho bạc… để hái lộc với mong muốn có một năm “đại cát đại lợi”.

Sai lầm trong tư tưởng của người Việt chính là ở chỗ, họ cứ nghĩ càng hái được cành to, cành đẹp thì càng có lộc nhiều, nhưng hoàn toàn không phải. Cây cối đang vào độ xanh tươi, đâm chồi nảy lộc mà bị vặt trụi, phá hỏng đến mức tàn tạ, xơ xác thì đó lại là “cái tội”, là sự tùy tiện chứ không mang ý nghĩa nhân văn như nó vốn có. Việc lạm dụng tục hái lộc đầu xuân không làm cuộc sống tốt đẹp lên mà chỉ góp phần tàn phá, hủy hoại môi trường sinh thái, không phù hợp với tín ngưỡng của dân tộc Việt Nam.

Hái lộc như thế nào cho đúng?

Việc hái lộc quá nhiều, vặt cả cành to um tùm mà không có sự chứng giám của thần thánh, không xuất phát từ cái tâm thì cũng chỉ như mang rác về nhà. Do vậy, hái lộc có rất nhiều cách chứ không nhất thiết phải bẻ cành, bứt cây. Sau khi điGiao thừa, người dân có thể mua vài cây mía, cành vàng lá ngọc hoặc một chậu cây nhỏ…

Ngày nay, không có chùa, đền nào cho người dân tự ý hái cây, bẻ cành mà chủ yếu phát cành lộc vàng. Việc này đã hạn chế rất nhiều việc vặt chồi non, cây cảnh trong chùa. Do vậy, nhiều người đã lựa chọn cách mua cành lộc bán sẵn. Cành lộc có nhiều loại tương ứng với ý nghĩa khác nhau, như cành trứng gà thì đem về may mắn đường con cái, tượng trưng cho sự sum vầy, cành phất lộc lại mang mong muốn tài lộc, công danh cho gia đình, còn cành hoa hải đường thì thể hiện sự giàu sang, phú quý.

Hái lộc đầu năm là một nghi thức văn hóa, tín ngưỡng của dân tộc Việt Nam. Đây là một nghi thức đẹp, giúp con người tạo dựng niềm tin, nâng đỡ tâm hồn, sống có ích và sống đẹp hơn. Hái lộc đầu năm – một phong tục đẹp không thể thiếu và đáng trân trọng của dân tộc Việt. Do vậy, cần phải tuyên truyền và giáo dục cho thế hệ ngày nay hiểu rõ về ý nghĩa của việc “hái lộc đầu xuân”, để vẫn có thể gìn giữ phong tục truyền thống, vừa không làm ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường. Để giữ vững nét đẹp truyền thống của tục “hái lộc đầu xuân” cũng như nâng cao ý thức, chúng ta hãy sống và hành động có ích theo đạo lý nhân quả mà cha ông ta truyền lại, đừng để truyền thống nay bị biến tướng và mai một đi theo năm tháng.