Hành vi nào là hành vi gây nguy cơ hủy hoại giá trị di sản văn hóa phi vật thể? Người Việt Nam định cư ở nước ngoài có được tiến hành nghiên cứu di sản văn hóa phi vật thể ở Việt Nam không?


Cho tôi hỏi hành vi nào là hành vi gây nguy cơ hủy hoại giá trị di sản văn hóa phi vật thể? Tôi thắc mắc người Việt Nam định cư ở nước ngoài có được tiến hành nghiên cứu di sản văn hóa phi vật thể ở Việt Nam không? Mong được giải đáp. Xin chân thành cảm ơn! Đây là câu hỏi của Mai Anh đến từ Bến Tre.

Người Việt Nam định cư ở nước ngoài có được tiến hành nghiên cứu di sản văn hóa phi vật thể ở Việt Nam không?

Căn cứ Điều 27 Luật Di sản văn hóa 2001 quy định như sau:

Người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài được tiến hành nghiên cứu, sưu tầm di sản văn hoá phi vật thể ở Việt Nam sau khi có sự đồng ý bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Như vậy, trường hợp bạn thắc mắc người Việt Nam định cư ở nước ngoài được được tiến hành nghiên cứu di sản văn hóa phi vật thể ở Việt Nam khi có sự đồng ý bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Di sản văn hóa phi vật thể

Nghiên cứu Di sản văn hóa phi vật thể (Hình từ Internet)

Di sản văn hóa phi vật thể được hiểu như thế nào?

Căn cứ khoản 1 Điều 4 Luật Di sản văn hóa 2001, được sửa đổi bởi khoản 1 Điều 1 Luật Di sản văn hóa sửa đổi 2009 quy định cụ thể về di sản văn hóa phi vật thể như sau:

Di sản văn hóa phi vật thể là sản phẩm tinh thần gắn với cộng đồng hoặc cá nhân, vật thể và không gian văn hóa liên quan, có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thể hiện bản sắc của cộng đồng, không ngừng được tái tạo và được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác bằng truyền miệng, truyền nghề, trình diễn và các hình thức khác.

Đối chiếu quy định trên, di sản văn hóa phi vật thể được hiểu là sản phẩm tinh thần gắn với cộng đồng hoặc cá nhân, vật thể và không gian văn hóa liên quan, có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thể hiện bản sắc của cộng đồng, không ngừng được tái tạo và được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác bằng truyền miệng, truyền nghề, trình diễn và các hình thức khác.

Hành vi nào là hành vi gây nguy cơ hủy hoại giá trị di sản văn hóa phi vật thể?

Căn cứ khoản 2 Điều 4 Nghị định 98/2010/NĐ-CP quy định về những hành vi gây nguy cơ hủy hoại hoặc làm giảm giá trị di sản văn hóa phi vật thể như sau:

Những hành vi vi phạm làm sai lệch hoặc hủy hoại di sản văn hóa

1. Những hành vi làm sai lệch di tích:

a) Làm thay đổi yếu tố gốc cấu thành di tích như đưa thêm, di dời, thay đổi hiện vật trong di tích hoặc tu bổ, phục hồi không đúng với yếu tố gốc cấu thành di tích và các hành vi khác khi chưa được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về văn hóa, thể thao và du lịch, tuyên truyền, giới thiệu sai lệch về nội dung và giá trị của di tích;

b) Làm thay đổi môi trường cảnh quan của di tích như chặt cây, phá đá, đào bới, xây dựng trái phép và các hành vi khác gây ảnh hưởng xấu đến di tích.

2. Những hành vi gây nguy cơ hủy hoại hoặc làm giảm giá trị di sản văn hóa phi vật thể:

a) Phổ biến và thực hành sai lệch nội dung di sản văn hóa phi vật thể;

b) Tùy tiện đưa những yếu tố mới không phù hợp làm giảm giá trị di sản văn hóa phi vật thể;

c) Lợi dụng việc tuyên truyền, phổ biến, trình diễn, truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể để trục lợi và thực hiện các hành vi khác trái pháp luật.

3. Những trường hợp sau đây bị coi là đào bới trái phép địa điểm khảo cổ:

a) Tự ý đào bới, tìm kiếm di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia trong khu vực bảo vệ di tích và địa điểm thuộc quy hoạch khảo cổ như di chỉ cư trú, mộ táng, công xưởng chế tác công cụ, thành lũy và các địa điểm khảo cổ khác;

b) Tự ý tìm kiếm, trục vớt các di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia còn chìm đắm dưới nước.

Theo đó, hành vi gây nguy cơ hủy hoại giá trị di sản văn hóa phi vật thể là những hành vi sau đây:

– Phổ biến và thực hành sai lệch nội dung di sản văn hóa phi vật thể;

– Tùy tiện đưa những yếu tố mới không phù hợp làm giảm giá trị di sản văn hóa phi vật thể;

– Lợi dụng việc tuyên truyền, phổ biến, trình diễn, truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể để trục lợi và thực hiện các hành vi khác trái pháp luật.