Hậu Giang có nhiều lợi thế phát triển du lịch cộng đồng

(CLO) Hậu Giang đặc biệt quan tâm xây dựng sản phẩm du lịch, nhất là du lịch cộng đồng, tạo điều kiện cho các hộ dân được tiếp cận với kiến thức làm du lịch, tham quan, học tập những mô hình du lịch cộng đồng hiệu quả.

(CLO) Hậu Giang đặc biệt quan tâm xây dựng sản phẩm du lịch, nhất là du lịch cộng đồng, tạo điều kiện cho các hộ dân được tiếp cận với kiến thức làm du lịch, tham quan, học tập những mô hình du lịch cộng đồng hiệu quả.

Hậu Giang có sông Ngã Bảy với nét văn hóa đặc sắc miền sông nước, kênh xáng Xà No – Con đường lúa gạo, vườn cây ăn trái trĩu quả và đồng rộng bao la tạo nên không gian xanh mát, dễ chịu. Hậu Giang còn có nhiều làng nghề truyền thống, vùng cây ăn trái đặc sản trải đều ở các huyện, thị thành có thể xây dựng thành sản phẩm du lịch cộng đồng tạo được nét riêng đặc sắc, như vùng khóm Cầu Đúc thành phố Vị Thanh, vùng quýt đường Long Trị thị xã Long Mỹ, vùng trồng xoàt cát Hòa Lộc huyện Châu Thành A, mãng cầu xiêm ở huyện Long Mỹ, huyện Phụng Hiệp, dưa lưới ở huyện Châu Thành, làng trầu ở huyện Vị Thủy, dâu, chôm chôm, sầu riêng thành phố Ngã Bảy.

Những năm qua, một số nhà vườn đã quyết tâm làm du lịch từ sản vật của địa phương và trồng thêm nhiều loại cây ăn trái, để có thể thu hút khách đến nhiều mùa trong năm.

Tỉnh Hậu Giang đề ra chủ trương, định hướng, đầu tư mang tầm chiến lược, tạo đà cho du lịch có thêm nhiều cơ hội, điều kiện để phát triển. Bằng những nghị quyết, kế hoạch, đề án… đã, đang và sẽ tiếp tục được triển khai, là động lực, cơ hội để du lịch nói chung, du lịch cộng đồng nói riêng, có thêm nhiều cơ hội để phát triển xứng tầm.

hau giang co nhieu loi the phat trien du lich cong dong hinh 1

Làng du lịch cộng đồng khóm Cầu Đúc – Hậu Giang

hau giang co nhieu loi the phat trien du lich cong dong hinh 2

Sản phẩm đặc trưng khóm Cầu Đúc

hau giang co nhieu loi the phat trien du lich cong dong hinh 3

Khu sinh thái rừng Tràm – Vị Thủy

Hậu Giang đặc biệt quan tâm xây dựng sản phẩm du lịch, nhất là du lịch cộng đồng, tạo điều kiện cho các hộ dân được tiếp cận với kiến thức làm du lịch, tham quan, học tập những mô hình du lịch cộng đồng hiệu quả. Tỉnh đã hỗ trợ người dân làm du lịch cộng đồng tại vùng khóm Cầu Đúc, đang xây dựng đề án phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đến năm 2025, định hướng đến năm 2025, để thực hiện bài bản, có điểm nhấn và xây dựng những sản phẩm du lịch cộng đồng thật sự hiệu quả, mang đậm dấu ấn riêng.

Tuy nhiên, phải nhìn nhận dù tiềm năng, cơ hội có, nhưng thách thức cũng không nhỏ để Hậu Giang có thể phát triển du lịch cộng đồng.

Mới đây, UBND thành phố Vị Thanh tổ chức tọa đàm “Tháo gỡ khó khăn trong phát triển du lịch cộng đồng”, với sự tham dự của người dân làm du lịch, nhà nghiên cứu, đơn vị lữ hành… Nhiều ý kiến tạo buổi tọa đàm đã nói lên được những tồn tại, khó khăn khi làm du lịch cộng đồng ở vùng khóm Cầu Đúc trong những năm qua.

Trước đó, một hộ dân được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh theo sát, tạo mọi điều kiện để xây dựng sản phẩm du lịch, với mong muốn từ đây sẽ tác động đến những hộ dân trồng khóm lân cận, để họ cùng nhập cuộc, nhưng rồi điểm này chỉ tồn tại được một thời gian ngắn, giờ không còn hoạt động. Địa phương vận động tiếp tục 5 hộ dân cùng tham gia, nhưng hiện tại, họ vẫn chưa hình dung câu chuyện làm du lịch và chưa biết mình phải làm gì để nhiều du khách biết đến.

PGS.TS Nguyễn Duy Cần, nguyên Trưởng khoa Phát triển nông thôn, Trường Đại học Cần Thơ, bày tỏ: “Khái niệm du lịch cộng đồng chưa được hiểu tường tận, đúng bản chất của nó, nên việc làm manh mún, chưa mang lại hiệu quả là thực trạng đang tồn tại ở Hậu Giang. Tôi nghĩ, cần phải tổ chức cho người dân, những chủ thể sẽ làm du lịch, đi thực tế mô hình du lịch nhiều hơn, không chỉ trong nước, mà cả những nước gần gũi với Việt Nam. Tự họ sẽ cảm nhận xem họ làm gì có thể ứng dụng vào thực tế của mình. Điều quan trọng bậc nhất để xây dựng sản phẩm du lịch cộng đồng thành công là chính người dân xem đây là cách phát triển kinh tế, làm cho chính mình, thì mới dốc tâm, dốc sức suy nghĩ phải làm gì để có sản phẩm độc, lạ thu hút du khách”.

Từ câu chuyện tập trung xây dựng sản phẩm du lịch cộng đồng ở vùng khóm Cầu Đúc trong những năm qua vẫn còn trong vòng lẩn quẩn, đã cho thấy sự lúng túng trong việc tìm một cách đi riêng, khác biệt để làm du lịch cộng đồng. Điều quan trọng là chưa có sự quyết liệt nhập cuộc của người dân. Họ vẫn còn tư tưởng trông chờ, chưa xem đây là cách để vừa phát triển kinh tế của chính mình, thay đổi cuộc sống vừa góp phần giữ gìn và phát huy nét độc đáo từ những sản vật của quê hương…

Một điều nữa là sản phẩm du lịch hiện manh mún, nhỏ lẻ, không theo quy hoạch nên khi xây dựng sản phẩm gặp nhiều khó khăn, nhất là đường vào điểm du lịch. Đây cũng là điều đã được nhìn nhận và sắp tới đây, khi đề án phát triển du lịch cộng đồng của tỉnh được hoàn thành và triển khai thực hiện, kỳ vọng là hướng mở mới, tháo gỡ những điểm nghẽn, tiếp tục tạo thêm nhiều cơ hội để du lịch cộng đồng phát triển bền vững.