Hầu đồng – Hành trình đi tới di sản văn hóa được UNESCO vinh danh
Nhân dịp này, phóng viên Dân trí đã có cuộc phỏng vấn GS.TS Nguyễn Chí Bền – Ủy viên Hội đồng di sản văn hóa quốc gia, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, Trưởng ban xây dựng hồ sơ và đồng thời là Giám đốc của dự án trình để UNESCO công nhận di sản.
Trước hết, chúc mừng Giáo sư và xin được hỏi ai là tác giả của ý tưởng khá độc đáo và có phần “mạo hiểm” này?
GS.TS Nguyễn Chí Bền
Đây là ý tưởng của lãnh đạo tỉnh Nam Định dựa theo nguyện vọng của nhân dân. Cụ thể là giữa năm 2006, sau khi hoàn thành hồ sơ “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”, được UNESCO công nhận, tôi khi đó là Viện trưởng Viện Văn hóa thông tin (nay là Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia) có về công tác tại Nam Định. Trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh và lãnh đạo huyện Vụ Bản, bà Phó Chủ tịch phụ trách Văn xã Trần Thị Hà (hiện là Thứ trưởng Bộ Nội vụ) bày tỏ nguyện vọng muốn xây dựng hồ sơ quốc gia về tín ngưỡng thờ Mẫu để trình UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Đến cuối năm 2013, ông Nguyễn Văn Tuấn, khi đó là Chủ tịch UBND tỉnh lại trực tiếp mời tôi và một số anh em trong cơ quan về Nam Định, ngỏ ý muốn chúng tôi đứng ra làm đơn vị tư vấn chuyên môn, giúp Nam Định xây dựng hồ sơ trình UNESCO về di sản Nghi lễ Hát Văn – Hầu đồng này. Lý do mời, ông Nguyễn Văn Tuấn nói bởi biết chúng tôi có nhiều kinh nghiệm trong việc xây dựng hồ sơ và đã từng thành công đối với các di sản như: Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, Dân ca Quan họ Bắc Ninh, Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ, Dân ca Ví Giặm Nghệ Tĩnh…
Công việc cụ thể mà tỉnh Nam Định muốn các ông làm là gì, thưa Giáo sư?
Bạn biết đấy, để di sản được UNESCO công nhận là cả một chặng đường rất vất vả, số lượng hồ sơ lên đến hành ngàn trang. Vì thế, việc đầu tiên là phải sưu tầm tài liệu từ nguồn Hán, Nôm và văn hóa dân gian, đặc biệt là qua truyền thuyết và những cách thức thực hành tín ngưỡng. Bước thứ hai, chúng tôi phải tiến hành kiểm kê theo tiêu chí của UNESCO, đánh giá giá trị di sản. Bước thứ ba, ghi hình những giá Hầu đồng tại 2 trung tâm thờ Mẫu ở Nam Định như Phủ Tiên Hương, Phủ Vân Cát (Vụ Bản), Phủ Nấp (Ý Yên) và tại một số Đền, Phủ tiêu biểu trong cả nước. Bước thứ tư là lấy ý kiến đồng thuận của các nghệ nhân (các thanh đồng, các cung văn và thủ nhang) tại những nơi thờ tự, chính quyền sở tại và những nhà quản lý văn hóa các cấp.
Khi thực hiện việc này, tôi nhận thấy một niềm khao khát rất lớn của người dân không chỉ ở các địa phương có di sản mà cả trong nước cũng như kiều bào ta ở nước ngoài. Đây là động lực rất lớn để chúng tôi quyết tâm thực hiện thành công dự án.
Ông vừa nói riêng phần tư liệu trình để UNESCO công nhận lên tới hang ngàn trang. Đó là những tài liệu gì và được thực hiện như thế nào?
Phía UNESCO luôn đòi hỏi rất khắt khe và cụ thể. Ví như phần kiểm kê thực trạng tồn tại của di sản, chúng tôi phải chuẩn bị hàng ngàn trang, sau đó cô đọng lại còn khoảng 500 trang và báo cáo tổng quan trên dưới 30 trang, dịch ra tiếng Anh, tiếng Pháp. Việc này, tôi giao cho nhóm của PGS. TS. Bùi Quang Thanh thực hiện, với sự giúp đỡ của Bảo tàng Nam Định và các cán bộ văn hóa cũng như người dân địa phương.
Việc thứ hai là quay băng ghi hình và chụp ảnh lễ hội và các giá đồng với hàng ngàn bức ảnh, thước phim. Sau đó, dựng thành bộ phim ngắn không quá 10 phút, chọn 10 tấm ảnh tiêu biểu theo tiêu chuẩn để làm sao họ (những người chưa từng biết gì về hát văn – hầu đồng) chỉ cần xem phim và các bức ảnh là có thể hình dung ra toàn bộ qui mô cũng như “hồn cốt” của lễ hội và sinh hoạt tín ngưỡng này.
Công việc thứ ba rất khó khăn, đó là viết báo cáo khoa học theo mẫu định sẵn, khoảng 20 trang A4 nhưng phải khống chế từng chữ. Họ qui định rất chặt chẽ số từ, ví như mục “Nhận diện di sản” không quá 200 từ, “Giá trị di sản” không quá 250 từ… tất nhiên là bằng tiếng Anh. Viết quá một chữ theo quy định là “công toi”! Hai công việc này, tôi giao cho nhóm công tác do PGS,TS Nguyễn Thị Hiền phụ trách.
Việc thứ tư là xuất bản các công trình về tín ngưỡng thờ Mẫu bằng tiếng Anh và tiếng Việt. Việc này tôi giao cho phòng Tạp chí Văn hóa học do TS Võ Hoàng Lan phụ trách.
Được biết, sau khi chuẩn bị tài liệu, các ông còn phải tổ chức Hội thảo quốc tế…?
Đúng thế. Đây được coi là nhiệm vụ khó khăn nhất bởi vì nếu không có uy tín và mối quan hệ, rất khó có thể mời được các nhà khoa học lớn trên thế giới đến dự. Tất nhiên, khi họ đã đến phải tổ chức làm sao có hiệu quả để người ta ủng hộ mình. Để chuẩn bị cho Hội thảo này, chúng tôi phải sưu tầm, lựa chọn và dịch toàn bộ tư liệu thu nhận được từ chữ Hán, chữ Nôm, tiếng Anh, tiếng Pháp… ra tiếng Việt rồi dịch tất cả ngược lại ra tiếng Anh. Công việc này, phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế của Viện đảm nhiệm.
Đây có phải là Hội thảo do bộ Ngoại giao Việt Nam đứng ra tổ chức không, thưa ông?
Không. Đây là Hội thảo khoa học chuyên sâu về một loại hình di sản, gồm nhiều nhà khoa học thuộc lĩnh vực này trên thế giới. Còn cuộc do Bộ Ngoại giao tổ chức là do Ủy ban nhân dân Nam Định nhờ Bộ Ngoại giao mời các vị đại sứ của các quốc gia tại Việt Nam về “mục sở thị” tại Nam Định. Người trực tiếp chỉ đạo mọi công việc, thậm chí kiêm cả MC là Đại sứ Phạm Sanh Châu, khi đó là Vụ trưởng Vụ Văn hóa, Tổng Thư ký UB quốc gia UNESCO Việt Nam.
Ông nghĩ gì khi Hầu đồng, một sinh hoạt văn hóa-tín ngưỡng từng một thời gian dài bị coi là mê tín dị đoan nhưng lại là một thành tố quan trọng của di sản vừa được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Đúng là như thế và tôi nghĩ, đây chính là thành công của Đổi mới trong lĩnh vực văn hóa. Song, là một người nghiên cứu văn hóa, tôi cho rằng công lao trước hết thuộc về cha ông chúng ta đã sáng tạo, bảo tồn, trao truyền và lưu giữ những giá trị văn hóa vô giá này. Đây là di sản to lớn mà cha ông ta đã để lại. Tất nhiên, cùng với đó là ý tưởng sáng tạo, hợp lòng dân của lãnh đạo tỉnh Nam Định cũng như chính quyền các cấp cơ sở đã nhiệt tình ủng hộ.
Còn việc Hầu đồng, một hình thức văn hóa -tín ngưỡng góp phần tạo nên di sản tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, đã từng có thời gian bị coi là mê tín dị đoan cũng có lý do cả chủ quan và khách quan. Về chủ quan, loại hình nghệ thuật này đã từng bị lợi dụng cho việc bói toán hay các hoạt động mê muội khác. Mặt khác, công bằng là cũng đã có lúc chúng ta có cái nhìn thiên lệch, khắt khe và thiếu sự gạn lọc về hiện tượng văn hóa – tín ngưỡng này.
Thưa ông, người xưa có câu: “Dẫn lễ thì dễ, giữ lễ thì khó”. Trong khi việc “dẫn lễ” để được UNESCO công nhận là rất khó rồi, còn việc giữ lễ…?
Tôi thấy việc “giữ lễ” đúng là còn khó hơn. Lý do là bởi xu thế xã hội hiện nay, đang có rất nhiều “biến thái” khôn lường, nhất là trong tôn giáo và văn hóa. Vì thế, muốn “giữ lễ” là cả một nghệ thuật và trách nhiệm cao của các nhà quản lý. Về phía những người thực hiện, không biến thái nghi lễ văn hóa này thành phương tiện cho mục đích cá nhân. Về phía chính quyền, cần phải thực hiện đầy đủ, thực chất các cam kết trong Chương trình và hành động mà Chính phủ Việt Nam đã ký với UNESCO. Mặt khác, cần tôn trọng cộng đồng, tôn trọng truyền thống, không can thiệp quá sâu đặc biệt là sử dụng những mệnh lệnh hành chính sai trái làm mai một nghi lễ truyền thống.
Có lẽ cũng cần nhắc lại rằng, đây là di sản rất quý mà tổ tiên chúng ta để lại nên cần giữ gìn, bảo vệ đúng với bản chất văn hóa của nó, không để biến thái vì bất cứ mục đích gì.
Xin cám ơn Giáo sư!
Bùi Hoàng Tám