Hầu đồng – nét đẹp văn hóa bị biến tướng
Lên đồng, hầu đồng là nhu cầu tâm linh, hình thức sinh hoạt tín ngưỡng dân gian của một bộ phận người Việt. Nét đẹp văn hoá tâm linh đặc sắc có từ lâu đời này đã trải qua nhiều giai đoạn biến thiên thăng trầm của lịch sử, ngày nay được nhìn nhận đánh giá lại một cách công tâm. Tuy nhiên, ngoài những thanh đồng chân chính, đồng văn hoá, đồng có tâm thì trong xã hội hiện đại xuất hiện nhiều đồng giả, đồng vụ lợi.
Nét đẹp văn hóa tâm linh đặc sắc
Năm 2016, UNESCO công nhận thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu là di sản văn hoá phi vật thể, chúng ta không thắc mắc là loại hình đấy đúng hay sai, phù hợp hay không phù hợp mà đây là một di sản của dân tộc được UNSESCO công nhận, là vốn quý của tiền nhân trao lại cho hậu thế.
Đã bao đời nay, cứ mỗi độ Tết đến Xuân về, lòng người phơi phới mỗi khi nghe cung đàn, tiếng hát văn khi rộn ràng, lúc nỉ non, khoan thai dìu dặt trong đền, trong điện, trong phủ, trong chùa. Hầu đồng nhiều năm trở lại đây xuất hiện trong đời sống tâm linh của một bộ phận không nhỏ người Việt như một món ăn tinh thần không thể thiếu.
Mùa xuân, cùng với những giọt mưa xuân lắc rắc bay là thời gian các thanh đồng đắm mình vào chốn tâm linh đượm mùi nhang khói để phiêu diêu, tri ân cùng các Thánh, cầu mong Thánh ban tài phát lộc, để bình an yên vui đến với mình hay còn vì lý do đặc biệt nào nữa?! Hầu đồng trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, có thời kì từng bị cấm đoán, ngày nay đã được nhìn nhận lại, ngày càng có vị thế và được công nhận là loại hình văn hoá phi vật thể, tín ngưỡng dân gian được ưa chuộng bậc nhất. Nhưng cũng từ đây, có không ít cảnh dở khóc dở cười.
Hầu đồng là một nét đẹp trong văn hóa Việt.
Lên đồng, hầu đồng là nhu cầu tâm linh, hình thức sinh hoạt tín ngưỡng dân gian của một bộ phận người Việt. Nét đẹp văn hoá tâm linh đặc sắc có từ lâu đời này đã trải qua nhiều giai đoạn biến thiên thăng trầm của lịch sử, ngày nay được nhìn nhận đánh giá lại một cách công tâm. Tuy nhiên, ngoài những thanh đồng chân chính, đồng văn hoá, đồng có tâm thì trong xã hội hiện đại xuất hiện nhiều đồng giả, đồng vụ lợi. Nhiều người xem hầu đồng như một trò chơi mang tính giải trí, hay mang ra để trục lợi cá nhân. Và do nhận thức chưa đúng, chưa đủ về giá trị của hầu đồng mà loại hình văn hoá tâm linh tín ngưỡng đặc sắc có một không hai này bị biến tướng trở nên méo mó, biến dạng. Nhất là trong lúc đại dịch COVID – 19 đang hoành hành, mọi người cần phải tỉnh táo để nhận biết thật giả và tránh tụ tập đông người.
TS Nguyễn Đức Bá (Trung tâm Bảo tồn Di sản văn hoá Tôn giáo) – Hiện nay có nhiều đồng giả, đồng vụ lợi
– Là một nhà nghiên cứu chuyên sâu, anh có quan điểm thế nào về việc hầu đồng xuất hiện và tồn tại trong xã hội như một lẽ tất nhiên…
+ Năm 2016, UNESCO công nhận thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu là di sản văn hoá phi vật thể, điều đấy chúng ta không thắc mắc là loại hình đấy đúng hay sai, phù hợp hay không phù hợp mà đây là một loại hình di sản của dân tộc được UNESCO công nhận. Hầu đồng là một dạng thức sa man giáo xưa nay của nhiều dân tộc, nhiều đất nước trên thế giới, Đông Nam Á phổ biến, và hầu đồng thì cũng là một dạng thức tín ngưỡng dân gian của người Việt. Để trả lời câu hỏi hầu đồng có từ bao giờ, ở thời điểm lịch sử cụ thể nào thì rất khó, nhưng nó được hình thành từ mạch nguồn niềm tin và tín ngưỡng của người dân. Theo khảo cứu tài liệu xác thực và ghi chép thì hầu đồng hình thành trong dân gian dưới dạng thức sơ khai, nhưng quy tụ đầy đủ để tạo nên hình thức hầu đồng thì khoảng cuối Lê đầu Nguyễn.
– Trước nay, người ta đến dự những buổi hầu đồng, hoặc kể cả những thanh đồng để hiểu cặn kẽ nét văn hoá tâm linh tín ngưỡng này thì không phải ai cũng có thể dễ dàng hiểu được.
+ Dạng thức hầu đồng hội tụ rất nhiều yếu tố, ý nghĩa. Từ giá trị đầu tiên là tri ân những người có công với đất nước, làng xã, nhân dân bản địa. Và đương nhiên khi tiến hành hầu đồng thì cảm xúc mà trong đấy lòng biết ơn và lòng cầu mong giá trị vị thần, thánh từ trong truyền thuyết, lịch sử, có công bảo vệ nhân dân, đấy là giá trị đầu tiên. Và ước vọng nguyện cầu được che chở, bảo vệ và mong cuộc sống bình an hạnh phúc, và giá trị thứ ba là để gắn với cảm xúc cầu mong, mong muốn đấy, ngoài giá trị chung người ta còn muốn giải toả lo toan phiền não trong cuộc sống hiện tại, người ta muốn đẩy mình vào một cảm xúc mới, không gian linh thiêng, tôn nghiêm, và người ta định hướng cuộc sống của người ta được các vị thánh thần che chở bảo vệ trực tiếp và muốn được gặp, nghe trực tiếp, muốn được hộ trì trực tiếp. Khi hầu đồng là nhập bóng của thần linh thì người ta muốn vị thần thánh ấy giáng vào người ta, hoặc ngay lúc đấy có cảm xúc nào đấy để vị thần thánh ban bố, dạy bảo, hộ trì cho người ta, rồi người ta lại thay mặt thánh thần để mang lại niềm tin cho những người tham dự khoá hầu đồng đấy.
Những người được coi là thanh đồng, có người có lòng biết ơn, tôn vinh công trạng với các vị thánh thần có công với đất nước, nhưng cũng có những người không có tấm lòng đấy. Vậy thì hầu đồng là một dạng thức đối tượng người khác nhau tham gia. Và đương nhiên đôi khi không có niềm tin, lòng biết ơn …
– Không, tôi lại nghĩ khác, nếu không có niềm tin thì tại sao họ có thể cúng kiếng, nhảy múa, nhập vai vào các Thánh, các Mẫu được. Có thể người ta có niềm tin, nhưng người ta không có lòng biết ơn. Người ta có niềm tin người ta mới hầu đồng…
+ Không, không hẳn đâu. Đồng giả nhiều chứ. Đồng hình thức nhiều chứ. Đồng làm màu nhiều chứ. Đồng vụ lợi nhiều chứ. Sao mà có niềm tin được. Một số mặt trái lợi dụng hầu đồng nên mới có những đồng hình thức, đồng tò mò vào cho vui, cho hay, xong thấy nhiều người cung phụng quá nên cũng vào, xong càng ngày càng dấn thân vào. Tự nhiên thấy có người quỳ lạy mình, cuối cùng là giá trị vật chất được cung phụng lấn át niềm tin và người ta đi theo thiên hướng tà, có phải ai cũng giữ được thiên lương đâu. Bị sa ngã bởi quyền lực, vị thế, vật chất, người ta sẽ không còn đầu tư vào giá trị chính thống nữa, hiện tượng đấy nhiều chứ. Người ngoài thì tưởng là giá trị thật, bề ngoài người ta vẫn thực hiện đúng quy trình bản chất, hình thức của những giá trị đó, nhưng lõi bên trong, trong tâm người ta không hướng đến giá trị thực. Có một nhóm người hầu đồng ở dạng thức như thế. Người thực hành tín ngưỡng đã như thế rồi thì những người khác bị lệ thuộc theo, người ta gọi là đặt niềm tin nhầm chỗ.
Nhà nghiên cứu văn hoá Nguyễn Huy Hùng (Nguyên giảng viên Trường Đại học Quốc gia) – Hầu đồng đã ít nhiều biến tướng
– Là người gần cả cuộc đời gắn bó với đạo Mẫu, ông thấy đạo Mẫu đã đi vào đời sống tâm thức của người dân ta như thế nào?
+ Trong đạo Mẫu là những tích ca ngợi những vị anh hùng dân tộc, người có công với đất nước và khuyến dạy lòng nhân từ bác ái, đấy là mặt tích cực, là cơ sở của đại đoàn kết, mà không đoàn kết thì không đánh được giặc xâm lăng. Quay trở về lịch sử dưới thời nhà Trần, ở hội nghị Diên Hồng, các bô lão một lòng khuyên đánh, mà nhà Trần ba lần thắng quân Nguyên – Mông. Thế thì người Việt Nam chúng ta ai yêu nước thương nòi, ai làm việc phúc, việc thiện thì được dân tộc thờ suốt, và được phong Thánh. Các vị đấy đều hiển Thánh. Mà nước chúng ta là theo chế độ Mẫu hệ, bạn vào Bảo tàng Lịch sử mà xem, cái thạp chôn người chết, người đàn ông bé tí nằm ở dưới còn người phụ nữ to lớn hơn ở bên trên. Cho nên trong cửa đền, cửa phủ, ban thờ bao giờ Thánh tam toà Thánh Mẫu cũng ở nơi cao nhất. Việt Nam ta có tứ bất tử, có Thánh Gióng, Sơn Tinh, Chử Đồng Tử và Chúa bà đệ nhất Tiên Hương Phủ Dầy là mẫu Liễu Hạnh. Mẫu Liễu Hạnh được tôn kính và khắp các đền đều thờ bà, bà còn có một tên gọi khác là Mẫu đệ nhất Thiên Tiên, uy quyền bậc nhất, cai quản trần gian, người dân bao đời một lòng một dạ tin như thế.
Trong tam toà Thánh Mẫu thì có ba Thánh nữ. Một vị thần cai quản dưới nước, một vị thần cai quản rừng, một vị thần cai quản trần gian. Một vị thánh coi về sông nước, tam sơn, tứ hải. Miền Bắc có nhiều hồ, trong Nam thì nhiều sông. Đức đại vương nhà Trần là một cung riêng không ai dám đụng chạm cả. Hầu Đức Đại vương trước, hầu hết vế nhà Trần mới sang vế tứ phủ. Những giá đồng, toàn những vị Thánh có công với dân tộc, như cô Bé dạy dân kéo gỗ rồi làm nhà, trồng trọt, cô Chín thì trị bệnh cứu người, cô Bơ chèo đò để cứu dân độ thế, các quan bảo vệ đất nước, quan Đệ Ngũ Tuần Tranh thì ngài xử nghiêm không tha kẻ gian, không oan người ngay chả kém gì Bao Công. Ngài bị vu oan là thông đồng với giặc nên ngài cởi thắt lưng ra bảo: “Thà thác oan còn hơn sống nhục”, ngài tuẫn tiết để tỏ lòng trung với nước. Về sau ngài được minh oan..
– Ông có nhận xét gì về hình thức hầu đồng xưa và nay?
+ Thời nay hầu đồng đã bị biến tướng ít nhiều. Tôi thấy một số các vị đồng đền “dại dột”, ngày xưa từ đầu đến cuối có một bộ áo, xã hội bây giờ phát triển lên nhưng mấy ông “đồng đểu” tích hàng bao nhiêu nhà, nhiêu của, nhiêu vàng, ô tô… Ngày xưa các cụ đi hầu chỉ mặc có một cái áo màu trắng hoặc màu đỏ. Lộc thánh là cái gì?! Ngày xưa không có tiền lộc, chỉ mấy quả táo chát xít bằng cái ngón tay, hoặc bổ một quả bưởi, một múi cắt làm hai, mấy củ đậu của cô Bơ cắt ra từng mảnh, quả dưa cũng cắt chia cho mỗi người một miếng, cái kẹo bột, cái oản bằng ngón tay để trên cái đĩa thư hương… Bây giờ phú quý sinh khoe của, còn ra oai khoe mẽ dâng oản to, chuối lớn. Đấy, người ăn chứ các Thánh có ăn đâu. Thánh ở trên trời chứng tâm, khuyến khích thanh đồng làm việc phúc, hướng thiện, cứu mạng người phúc đẳng hà sa.
Thanh đồng bây giờ toàn vận quần áo văn công diễn, sang hẳn Hồng Kông mặc cả xiêm áo của Từ Hi Thái Hậu. Trên đền, trên điện, nhiều người nhố nhăng nhẩy nhoi nhoi lên, ngày xưa các cụ có thế đâu, các cụ đi, đứng, ngồi, quỳ lạy rất kính cẩn, nghiêm trang. Cho nên gọi là lễ thì phải khiêm cung, kính trọng chứ. Bây giờ thanh đồng còn có màn quăng tiền, quẳng táo, trông thấy ai ngồi gần giúi cho tờ 500 nghìn. Thánh gì thánh thế?! “Thánh fake”… rất cần các cơ quan chức năng vào cuộc để trả lại đúng bản chất cho một di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc đã được UNESCO công nhận.
Nhà báo Phan Đăng (Thư ký tòa soạn Chuyên đề An ninh thế giới tháng, Báo CAND) – Tại sao một người bình thường phải/được trình đồng mở phủ?
– Thưa nhà báo Phan Đăng, tuy có nhiều nhà nghiên cứu về hầu đồng nhưng cho đến tận bây giờ, vẫn chưa có nhà nghiên cứu nào trả lời được đích xác hầu đồng có từ bao giờ…
+ Không ai có thể trả lời tuyệt đối chính xác một câu hỏi như vậy cả. Bởi tín ngưỡng thờ Mẫu với nghi lễ hầu đồng xuất hiện trong lòng dân gian, tồn tại với những thăng – trầm nhân học của cộng đồng. Nó không được văn bản hoá, chính quy hoá, tóm lại là không trở thành “đạo”. Nó là tín ngưỡng chứ không phải đạo. Nếu đạo có giáo hội, có ban chỉ đạo giáo hội, có luật lệ, có ban điều hành và giám sát việc thực thi luật lệ thì tín ngưỡng hoạt động chủ yếu dựa trên niềm tin cộng đồng. Mà trong lòng một cộng đồng, thuộc cùng một tín ngưỡng cũng tồn tại rất nhiều loại niềm tin khác biệt. Mỗi địa phương, mỗi bản hội, thậm chí mỗi cá nhân lại có thể theo đuổi một kiểu niềm tin riêng, tạo ra những khác biệt lớn trong sinh hoạt tín ngưỡng. Thế nên vẫn là nghi lễ trình đồng mở phủ, một nghi lễ chính thức đưa “con đồng” đến với “cửa thánh” thì mở phủ ở Hà Nội cũng có những khác biệt so với mở phủ ở Hải Phòng. Phải thấy rõ đặc thù tín ngưỡng như vậy để nhấn mạnh lại rằng, không thể trả lời một cách chính xác câu hỏi chị đặt ra. Chỉ biết rằng nhiều nhà nghiên cứu ước lượng một cách tương đối rằng, tín ngưỡng này xuất hiện từ thời nhà Lê ở thế kỷ XV. Vậy thôi!
– Hầu đồng là một nét văn hoá đẹp trong tâm linh tín ngưỡng của người Việt, tuy nhiên do trình độ nhận thức khác nhau mà cách thể hiện cũng rất khác biệt. Nếu không được hiểu biết một cách rành rọt sẽ dẫn tới hiện tượng mê tín dị đoan, hay làm biến tướng nét văn hoá tâm linh đặc sắc này. Nhà báo Phan Đăng có quan điểm như thế nào về vấn đề hầu đồng hiện nay?
+ Tôi đi nghiên cứu nhiều vụ hầu đồng, phỏng vấn nhiều thanh đồng trong khoảng trên dưới 10 năm trở lại đây, và tôi thấy cách đặt vấn đề như vậy là rất đáng suy ngẫm. Xét về mặt bản chất, tại sao một người bình thường phải/ được trình đồng mở phủ? Nói theo ngôn ngữ nhà Thánh thì người đó có “căn đồng số lính”. Vậy thế nào là “căn đồng số lính”, hay nói theo đúng ngôn ngữ dân gian: Thế nào là “có căn”? Có lần tôi ngồi với cố Giáo sư Ngô Đức Thịnh – người tiên phong nghiên cứu hầu đồng ở thời điểm nó còn gặp nhiều cấm đoán, để cùng trả lời một cách tương đối câu hỏi này. Và sau một buổi chiều, một kết luận tương đối được đưa ra: người có căn là người có tính cách giống với tính cách đặc trưng của một vị thánh nào đó trong điện thờ tứ phủ. Ví dụ người mạnh mẽ, quyết liệt, có uy phong, có tính cách của các quan, nên có thể là có căn quan. Người tài hoa, phong tình có tính cách của các ông hoàng, nên có thể là có căn hoàng. Người yểu điệu, tinh nghịch, đanh đá có tính cách của các cô bé trên vùng thượng, nên có thể là có căn cô. Và theo niềm tin dân gian, tôi xin nhấn mạnh đó là theo niềm tin, thì người có căn mà không trình đồng mở phủ thì sẽ bị cơ đày. Tức là sẽ bị ốm đau, bệnh tật, vất vả, truân chuyên trong cuộc sống. Dân gian tin như vậy, nên theo dân gian, những người này phải trình đồng mở phủ để có cuộc sống ấm êm hơn.
Nhưng đã nói đến phạm trù niềm tin thì chúng ta đều hiểu, nó không cố định, không bất định. Bên cạnh kiểu niềm tin đặc trưng như tôi vừa nói lại xuất hiện những kiểu niềm tin rằng, phải trình đồng mở phủ thì mới có thể giàu có, buôn may bán đắt, thậm chí với một bộ phận người nào đó họ lại tin rằng mình phải lễ Thánh và hầu Thánh thì mới có thể trúng lô trúng đề. Lại có những người tin rằng đã hầu Thánh thì phải thật tố hảo thì mới tố linh, tức là phải nhiều vàng mã, phải mâm cao cỗ đầy thì mới thể hiện trọn vẹn lòng thành của mình. Riêng ở chỗ này, thậm chí còn có chuyện người này so sánh với người kia, thế nên trong dân gian cũng có câu vè rằng: “Ghen vợ ghen chồng không bằng ghen đồng ghen bóng”. Nói tóm lại có muôn hình vạn trạng những kiểu niềm tin khác nhau, dẫn tới muôn hình vạn trạng những vấn hầu to/ nhỏ, lớn/ bé khác nhau”.
– Nghe đậm màu sắc liêu trai, nhà báo có tin điều đó không?
+ Đấy là câu chuyện niềm tin của mỗi người, và trong tư cách một nhà báo, tìm hiểu, nghiên cứu vấn đề, tôi tuyệt đối không dám bình luận gì về những mẫu niềm tin như thế. Chỉ có điều, khi tôi phỏng vấn một số thanh đồng gạo cội, thì họ đều cho rằng cái chính không phải là mâm cao cỗ đầy, mà là phải đúng phép tắc. Theo họ, đúng phép tắc ở đây nằm ở tất cả các công đoạn, từ khâu cúng thỉnh trước vấn hầu đồng, đến khâu tiến hành hầu đồng, và lễ tạ sau khi hầu đồng. Trong đó đặc biệt là khâu tiến hành hầu đồng, phải sử dụng trang phục thế nào, thực hiện nghi lễ ra sao, cách thức phát lộc ra sao, cách thức “sang tai” thế nào…, nói chung tôi thấy những thanh đồng gạo cội rất chú ý đến những điều này.
– Sảy một ly đi một dặm, tôi thấy theo thời gian, ngày nay hầu đồng biến tướng đi khá nhiều do các thanh đồng tự sáng tác ra, nhiều khi rất quá dẫn đến lố.
+ Tất nhiên như tôi đã nói đây là tín ngưỡng chứ không phải đạo, nên không có những quy định thật sự cụ thể, chặt chẽ và chuẩn mực. Mọi thứ được vận hành theo những quy ước tương đối, và ai làm quá khác, quá lạ, quá biến tướng theo những quy ước dân gian tương đối đó thường không nhận được những đánh giá tích cực từ những thanh đồng gạo cội. Ví dụ trong quy ước của tín ngưỡng không hề có chuyện hầu giá Tôn Ngộ Không, hầu giá chú bộ đội…, thế mà đây đó vẫn xuất hiện những người hầu cả những giá này, và rõ ràng những giá hầu biến tướng như thế không được cộng đồng ủng hộ. Một ví dụ khác, quy ước của tín ngưỡng là thỉnh tam toà thánh mẫu, nhưng đâu đó lại có người thỉnh nhiều hơn tam toà thánh mẫu… Đấy, nói chung là những biểu hiện quá sai khác với quy ước truyền thống thường khó được chính những người trong giới này chấp nhận.
– Khoảng chục năm trở lại đây, số lượng thanh đồng nhiều lên trông thấy ở mọi lứa tuổi, mọi ngành nghề, tuy nhiên có nhiều người do “căn cao số nặng”, hoặc do tham gia cho vui gọi là “đồng đua”, “đồng đú”. Tuy nhiên không phải ai cũng có điều kiện kinh tế để những buổi hầu đồng dẫn đến tình trạng một số người sạt nghiệp…
+ Quả nhiên, tôi thấy rất nhiều người đã nói tới hiện tượng “đồng đua”, “đồng đú”, dẫn tới sạt nghiệp như chị vừa đặt ra. Vì thế cũng không cần phải nói thêm nhiều làm gì. Nếu có một điều gì đó bao quát hơn, có thể nói ở đây, thì có chăng nó nằm ở chỗ khi chúng ta làm bất cứ điều gì thì cũng nên cố gắng tìm hiểu kỹ lưỡng bản chất vấn đề. Nếu chúng ta tìm hiểu không/ chưa kỹ lưỡng, để rồi hành động theo cảm tính, cảm xúc hoặc sự xui khiến, cổ động của những người bên ngoài thì có nghĩa là chúng ta đang đánh đu với chính cuộc đời mình. Mà đánh đu với cuộc đời mình, để mọi chuyện cho may/ rủi quyết định thì nguy hiểm lắm.