Hầu đồng cần chuẩn bị những gì ? – Phủ Dầy Nam Định
Đối với các thanh đồng khi thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu, trong một năm thường tổ chức một vài vấn hầu đồng để phụng thờ tiên thánh. Để một buổi lễ hầu đồng diễn ra thập phần viên mãn, việc chuẩn bị chu toàn là điều hết sức quan trọng, với khối lượng công việc rất nhiều khá nhiều đòi hỏi sự chính xác,tránh thiếu sót. Trong bài viết này, xin gửi tới ban đọc các bước chuẩn bị cho nghi lễ hầu đồng.
Hầu đồng cần chuẩn bị những gì ?
Trước tiên thanh đồng cần xem và lựa chọn ngày tốt để ra hầu thánh, tránh các ngày thần cách, sát sư.
Tiếp đến là việc xin cung hầu, có trầu cau đến lễ ở đền nơi mình định hầu, thống nhất các công việc với nhà đền. Có trầu cau đến lễ ở trốn tổ, mời đồng thầy, thầy pháp, cung văn, bạn bè, hầu dâng, thông báo ngày giờ, địa điểm để mọi người sắp xếp công việc.
Sắp khăn áo từng giá hầu, từng thứ đồ cần thiết, nếu như ở xa phải chuẩn bị phương tiện, xe cộ thống nhất thời gian địa điểm, phân công, nhờ nhà đền hoặc bạn bè đến trước để bày lễ, sắp xếp…
Mua sắm lễ vật: lễ bày Công đồng, lễ phát lộc, lễ mặn, lễ chay, cỗ bàn đãi khách, vàng mã, hoa đăng,…
>>> Xem thêm: Hầu đồng vào những dịp nào trong năm ?
Trình tự một vấn hầu đồng
Cúng trước khi hầu đồng
Khi lễ chay, mặn, vàng mã đã đầy đủ, pháp sư thỉnh Phật Thánh các khoa, thanh đồng chỉnh túc cân y theo lễ; việc thụ lộc trước hoặc sau khi hầu tùy thuộc vào thời gian hoàn cảnh công việc sao cho phù hợp. Trước khi vào hầu, thanh đồng một lần nữa mời/xin phép đồng đền, thủ nhang, đồng thầy, pháp sư, toàn thể bạn bè đạo hữu để đúng phép lịch sự, trước đó hầu dâng đã sắp xếp đầy đủ những thứ cần thiết cho một vấn hầu.
Phủ khăn hầu đồng
Nếu đi hầu trình xa lần đầu có đồng thầy mở phủ đi cùng, tân đồng phải thỉnh đồng thầy hầu vài giá đại diện chứng đàn lễ hoặc không thì thầy phải phủ khăn cho tân đồng vào hầu, còn nếu đồng thầy đã mất hoặc người đó là đồng cựu thì mình tự phủ khăn hầu Thánh. Tuần tự hầu tráng bóng (không mở khăn phủ diện) Tam tòa Thánh Mẫu, từ Ngũ vị Tôn Quan đến Tứ phủ Chầu Bà, Tứ phủ Thánh Cô, Tứ phủ Thánh Cậu rồi mới được mở khăn phủ diện để hầu theo thứ tự các giá đồng.
Hệ thống Tiên Thánh Tứ Phủ rất phong phú từ cao xuống thấp, nhưng trong một vấn hầu đa phần chỉ hầu đại diện khoảng 19 – 20 giá, bao gồm : ba đến năm giá Quan lớn, ba đến năm giá Chầu Bà, ba giá Ông Hoàng, ba đến năm giá Thánh Cô, một hoặc hai giá Cậu. Ngoài ra, các thanh đồng kiêm chi đôi nước thường hầu thêm giá Trần triều sau khi hầu Tam tòa Thánh Mẫu và trước khi hầu các quan lớn. Trước đây còn có Thanh đồng sau khi hầu Cậu thì hầu cả Ngũ Hổ và Ông Lốt.
Các nghi thức trong vấn hầu đồng ?
Ra tay dấu
Theo lề lối các vị Thánh nam ra tay trái, các vị Thánh nữ ra tay phải, nếu trên số năm phải ra bằng cả hai tay, như Chầu Lục, Chầu Mười, Ông Hoàng Bảy, Ông Hoàng Mười. Sau khi ra tay dấu tráng bóng rồi xe giá hoặc tung khăn hồi dương ngự đồng.
Theo tay dấu, cung văn biết để dâng văn, hầu dâng lên y phục cho giá hầu đó, giá đầu tiên phải tống khẩu bằng rượu trước khi hành lễ.
Hành lễ
Các vị thánh nam dùng khăn tấu hương và lên xuống gối ba lần, các vị thánh nữ dùng quạt và hương quỳ lễ, khi hành lễ cần nhất phải trang nghiêm diệu dụng.
Khai quang
Khai quang là việc thể hiện uy đức tối cao của Thần Thánh soi xét chứng giám từ đền phủ đến vật lễ, giấy sớ của thanh đồng cùng lòng thành tâm của bách gia đệ tử. Làm việc quan (các loại hình vũ đạo): tùy theo đặc thù từng giá đồng (múa kiếm, cờ, đao, hèo, chèo, đề thơ, múa mồi, múa quạt, múa bộ…). Chú ý khi thực hiện những vũ đạo này không được quay lưng vào bàn thờ hoặc đưa kiếm xiên lên hướng bàn thờ, vũ đạo cần nghiêm trang, đĩnh đạc, nhẹ nhàng, khoan thai, Thánh nam thể hiện chất Thánh nam, Thánh nữ thể hiện chất Thánh nữ, đẹp mà không thất lễ, tôn nghiêm đài các mà vẫn dân dã hòa đồng, sao cho phối hợp nhịp nhàng, diệu dụng, múa xong vái tạ ngự đồng.
Tọa ngự
Sau khi khai quang hành lễ, các giá tọa ngự hiến rượu, trà, trầu cau, thưởng thức văn đàn nhã nhạc, chấp ngôn tấu đối của bách gia, ban thưởng cung văn, thừa lời truyền phán với nội dung chứng giám lòng thành mọi người, ban phúc lành, phù trợ quốc thái dân an, chúng nhân cát khánh, sau đó phát lộc bằng tiền hoặc hiện vật.
Lưu ý phát lộc phải tuần tự, các đồng đền, đồng điện, thủ nhang, pháp sư, cung văn, tả hữu hầu dâng, các thanh đồng, quan khách đến dự lễ, các cụ cao niên, bạn bè, người nhà, chấp tác, nhà bếp bản đền, tránh phát lộc lộn xộn tránh để mất lòng, khi phát lộc đại trà có thể đưa ra ngoài nhờ một vị nắm được nghi lễ, quen người quen việc làm hộ, sau đó thưởng thức thêm một hoặc hai khổ văn, ban khen đàn hát rồi xe giá, không nên ngự đồng lâu quá sẽ thành nhạt đồng, gây nên tâm lí mệt mỏi cho người dự lễ.
Xe giá hồi cung (thăng đồng)
Có hai hình thức, một là tung khăn lên đầu, hai là che quạt vào mặt, lúc đó hầu dâng sẽ chủ động phủ khăn lên đầu, đầu hơi ngả ra phía sau, nhích nhẹ đầu vào hai vai, hai tay dơ cao trước mặt hoặc ngang trán, sau đó vái tạy để chuyển sang giá đồng khác.
Sau khi vấn hầu diễn ra hoàn hảo, có lễ mặn, giấy sớ, vàng hoa, vàng lá sắp một mâm nghi thiết bày biện trang nghiêm, mời pháp sư hoặc bản thân thanh đồng vừa hầu xong lễ sám hối tạ Thánh. Việc này có thể làm ngay sau khi hầu xong hoặc để ba ngày sau khi hầu xong đến đền tạ lễ cũng được, vì tùy theo duyên cảnh của thanh đồng, hoặc xa gần mà tùy phương tiện, sau đó biếu lộc quý khách đầy đủ, có lời cảm tạ nhà đền, thầy pháp cung văn, cùng thể quý khách và có lời xin lượng thứ sơ suất để mọi người cùng hoan hỷ rồi tiễn khách ra về sao cho “âm hài, dương hả”.
Ảnh: Tác giả Nguyễn Long Hưng
>>> Nhấn Subscribe để theo dõi các video về Phủ Dầy Nam Định tại kênh: Phủ Dầy Nam Định Official – YouTube