Hệ giá trị văn hóa gia đình Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa

Lý Viết Trường

  –  

Thứ sáu, 18/11/2022 06:00 (GMT+7)

Trong thang bảng giá trị chung của nhân loại, gia đình được xếp ở vị trí trân trọng nhất, giá trị văn hóa gia đình Việt Nam từ trong truyền thống đến đương đại đã và đang biến đổi mạnh mẽ.

Hệ giá trị văn hóa gia đình Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóaGia đình tứ đại đồng đường của cựu chiến binh Nguyễn Anh Cường tại phố Thụy Khuê, Hà Nội. Ảnh: Vân Anh

Hệ giá trị gia đình truyền thống

Gia đình là tập hợp những người có quan hệ hôn nhân và huyết thống sống chung trong một mái nhà. Theo PGS.TS Từ Thị Loan – Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, văn hóa gia đình được biểu hiện qua những khía cạnh như sự gắn kết giữa vợ chồng, con cái, sự chăm lo giữa các thành viên trong gia đình dành cho nhau, sự dạy dỗ những giá trị tốt đẹp.

PGS.TS Phạm Ngọc Trung – Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhận định, hệ giá trị văn hóa gia đình Việt Nam truyền thống mang đậm yếu tố phương Đông, là hệ quả của văn minh nông nghiệp, văn hóa xóm làng theo cấu trúc gia đình tiểu nông, gia trưởng, bao gồm nhiều thế hệ cùng chung sống, theo tư tưởng trọng nam khinh nữ, đề cao họ nội hơn họ ngoại.

Hệ giá trị gia đình gồm nhân – hiếu – chung – nghĩa, với các khía cạnh biểu hiện như yêu thương, tôn ti trật tự, hy sinh và chăm sóc. Trong gia đình người Việt luôn đề cao tình yêu thương giữa các thành viên, tình yêu đó thể hiện qua sự quan tâm, chăm sóc hàng ngày và sự hy sinh vô bờ bến.

Quan hệ giữa các thành viên trong gia đình truyền thống luôn nằm trong khuôn khổ của lễ giáo phong khiến, theo tôn ti trật tự: Quan hệ giữa con cái với cha mẹ phải đề cao chữ hiếu, quan hệ giữa vợ chồng phải đề cao chữ chung thủy, quan hệ giữa các thành viên trong gia đình phải đề cao chữ nhân và chữ nghĩa.

Hệ giá trị gia đình hiện nay

Từ khi nước ta thực hiện đổi mới (1986) đến nay, sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế – xã hội đã kéo theo sự biến đổi của văn hóa gia đình, hệ giá trị văn hóa gia đình cũng từ đó biến đổi theo.

Theo PGS.TS Phạm Ngọc Trung, gia đình Việt đang biến đổi theo các xu hướng quy mô gia đình nhỏ dần, vai trò cá nhân ngày càng được đề cao, lợi ích vật chất được khẳng định, bình đẳng và dân chủ được nhấn mạnh, nhu cầu của cuộc sống hiện tại đáp ứng thỏa mãn nhu cầu cuộc sống. Hệ giá trị văn hóa gia đình đương đại được thể hiện thông qua các biểu hiện như gia đình hạt nhân thay thế gia đình nhiều thế hệ, gia đình bình đẳng và dân chủ, đề cao vai trò cá nhân, sự độc lập, thẳng thắn và công khai…

Hiện nay nhiều người tỏ ra lo ngại vì trong bối cảnh xã hội biến đổi mạnh mẽ, nhiều giá trị tốt đẹp trong gia đình bị mờ nhạt, thay vào đó là cái xấu lộng hành. Trên các trang mạng xã hội mỗi ngày đưa hàng loạt những tin tức về việc tranh chấp đất đai giữa anh chị em trong gia đình, con cái đánh đập thậm chí giết cha mẹ vì quyền thừa kế, vợ chồng vì vấn đề sở hữu tài sản mà mâu thuẫn đến tan vỡ gia đình…

PGS.TS Phạm Ngọc Trung khẳng định, trong xã hội toàn cầu hóa như hiện nay, để bảo lưu những giá trị văn hóa gia đình truyền thống, tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa văn hóa nhân loại, việc nghiên cứu hệ giá trị văn hóa gia đình trong lịch sử và sự biến đổi của nó dưới tác động của những yếu tố chính trị, kinh tế, khoa học công nghệ là rất cần thiết. Chúng ta muốn xây dựng thành công văn hóa gia đình trong xã hội đương đại thì phải nắm chắc những đặc điểm, tính chất của gia đình Việt Nam truyền thống, các giá trị hiếu – chung – nhân – nghĩa đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Cũng theo PGS.TS Phạm Ngọc Trung, các giá trị hiếu – chung – nhân – nghĩa là những điều tốt đẹp, cốt lõi để xây dựng văn hóa gia đình, trong bối cảnh hiện nay chúng ta cần phải tìm hiểu, bổ sung thêm những nội dung mới để những giá trị văn hóa này phù hợp với đời sống đương đại.

GS.TS Đặng Cảnh Khanh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu truyền thống và phát triển cho rằng, con người chỉ có thể tôn trọng gia đình khi gia đình thực sự là một tổ ấm. Về mặt khách quan chúng ta cần phải làm cho gia đình không phải là một thứ quán trọ, một nhà tập thể của những người có chung huyết thống và giấy đăng ký kết hôn, mà là một nơi nương tựa về vật chất, tinh thần và tình cảm không thể thiếu được của mỗi cá nhân trong xã hội. Mỗi người có thể tìm thấy ở gia đình mình niềm vui, ý nghĩa trong sáng của cuộc sống, điểm tựa vững vàng và nguồn sinh lực mạnh mẽ để bước vào xã hội. Sự tồn tại đẹp đẽ, trong sáng, lành mạnh của gia đình sẽ là những giá trị khách quan đối với cuộc sống của mỗi người.

Về mặt chủ quan, theo GS.TS Đặng Cảnh Khanh, để nâng cao vị trí của gia đình trong thang bảng giá trị của xã hội hiện đại, cần phải nâng cao nhận thức và hành vi của xã hội về gia đình. Cần phải tăng cường các giải pháp về truyền thông và giáo dục về giá trị gia đình và văn hóa gia đình cho các thành viên trong xã hội, đặc biệt là thế hệ trẻ. Phải trao truyền cho thế hệ trẻ truyền thống tôn trọng gia đình của người Việt Nam, tình cảm yêu thương đối với ông bà tổ tiên, trên cơ sở đó là lòng biết yêu thương đồng bào, Tổ quốc.

Như vậy giá trị văn hóa nói chung và văn hóa gia đình nói riêng, từ trong truyền thống đến hiện tại đang có những vận động và biến đổi mạnh mẽ phù hợp với xu thế phát triển của xã hội. Tuy nhiên, qua tìm hiểu, các nhà nghiên cứu cho rằng, hệ giá trị gia đình Việt vẫn nguyên giá trị, nếu chúng ta biết tiếp thu với tinh thần trọng thị thì những giá trị đó chính là động lực thúc đẩy quá trình xây dựng và đổi mới hiện nay.