Hệ thống pháp luật của nhóm quốc gia – Kiến thức

Hệ thống pháp luật của nhóm quốc gia còn gọi là dòng họ hay gia đình pháp luật là khái niệm dùng để chỉ tập hợp pháp luật của một nhóm quốc gia có những điểm đặc thù giống nhau về lịch sử hình thành, phát triển, về nguồn pháp luật, về việc phân định các bộ phận pháp luật trong quốc gia, về các thiết chế thực thi và bảo vệ pháp luật… Trong hệ thống pháp luật của nhóm quốc gia ngoài việc nói tới các bộ phận quy phạm pháp luật, chế định pháp luật, ngành luật, nguồn pháp luật, còn nói tới các quan niệm, nguyên tắc pháp luật, ý thức pháp luật, quan hệ pháp luật, thực tiễn pháp lí, văn hoá pháp luật, các thiết chế bảo đảm thực thi pháp luật, nghề luật, hoạt động đào tạo nguồn nhân lực pháp luật… Việc phân định này thường được sử dụng trong luật so sánh.

Việc phân định pháp luật của các quốc gia trên thế giới thành các nhóm (gia đình hay hệ thống pháp luật) cũng tồn tại nhiều quan điểm khác nhau, nhất là việc xác định tiêu chí để phân chia. Chẳng hạn, có người căn cứ vào nội dung của các quy định pháp luật thực định, có người lại căn cứ vào hình thức (nguồn) pháp luật, người khác lại căn cứ vào lịch sử phát triển của hệ thống pháp luật hoặc hệ tư tưởng chính trị, tôn giáo chi phối đối với pháp luật…

Hệ thống pháp luật của nhóm quốc gia được hình thành từ hệ thống pháp luật của các quốc gia nên có quan hệ mật thiết với hệ thống pháp luật của mỗi quốc gia thành viên trong hệ thống. Hệ thống pháp luật của nhóm quốc gia và hệ thống pháp luật quốc gia thành viên luôn có sự tác động qua lại, thống nhất với nhau. Hệ thống pháp luật của mỗi quốc gia luôn chịu sự chi phối, tác động của hệ thống pháp luật của nhóm quốc gia. Hệ thống pháp luật của nhóm quốc gia là môi trường của hệ thống pháp luật quốc gia. Sự chi phối của hệ thống pháp luật của nhóm quốc gia đối với hệ thống pháp luật quốc gia thông qua các nguyên tắc chung của nó. Hệ thống pháp luật quốc gia chịu sự chi phối của hệ thống pháp luật nhóm quốc gia, song nó cũng có ảnh hưởng rất lớn trở lại đối với hệ thống pháp luật của nhóm quốc gia.

Thông thường, các học giả phân chia pháp luật của các quốc gia trên thế giới thành những hệ thống chính như: Hệ thống pháp luật châu Âu lục địa; hệ thống pháp luật Anh – Mỹ; hệ thống pháp luật Hồi giáo; hệ thống pháp luật xã hội chủ nghĩa và một số hệ thống khác nữa. Việc phân định hệ thống pháp luật của các nhóm quốc gia trên thế giới cũng chỉ mang tính chất tưong đối và còn nhiều tranh luận, nhất là trong điều kiện hiện nay các hệ thống pháp luật đều có sự thẩm thấu lẫn nhau, xích lại gần nhau do quá trình hội nhập quốc tế và toàn cầu hoá trên các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội. Chẳng hạn, hệ thống pháp luật châu Âu lục địa và hệ thống pháp luật Anh – Mỹ đang có khuynh hướng xích lại gần nhau do sự phát triển của hoạt động lập pháp và sự hạn chế dần vai trò của án lệ pháp ở các nước thuộc hệ thống Anh – Mỹ, còn các nước châu Âu lục địa cũng thừa nhận và sử dụng án lệ ở những mức độ nhất định.

I- HỆ THỐNG PHẤP LUẬT CHÂU ÂU LỤC ĐỊA (CIVIL LAW)

Hệ thống pháp luật châu Âu lục địa còn được gọi bằng những tên khác như hệ thống pháp luật Continental, hệ thống dân luật Pháp – Đức, hệ thống civil law… Hệ thống pháp luật châu Âu lục địa bao gồm pháp luật của phần lớn các nước châu Âu lục địa mà điển hình là của các nước Pháp, Đức, Italia và một số nước châu Mỹ Latinh. Hệ thống pháp luật châu Âu lục địa có một số đặc trưng nổi bật sau đây:

(i) Chịu ảnh hưởng sâu sắc của pháp luật dân sự La Mã cổ đại. Điều này có nguyên nhân là vì luật La Mã mà đặc biệt là luật dân sự đã phát triển và rất hoàn thiện ở châu Âu lục địa trong thời kì cổ đại và trung đại. Pháp luật La Mã đã được nghiên cứu và giảng dạy, được các quốc gia khác ở châu Âu lục địa sao chép, áp dụng trong một thời gian khá dài.

(ii) Nguồn luật chủ yếu là văn bản quy phạm pháp luật được hệ thống  hoá (pháp điển hoá) cao với sự hiện diện của nhiều văn bản luật có giá trị pháp lí cao như luật, bộ luật. Ngoài ra các tư tưởng pháp luật, học thuyết chính trị pháp lí và các nguyên tắc pháp luật ở châu Âu lục địa cũng được coi là nguồn quan trọng của pháp luật. Án lệ được áp dụng rất hạn chế ở các nước châu Âu lục địa và không có tính ràng buộc chính thức. Án lệ thường có vai trò quan trọng trong việc thống nhất giải thích các quy định pháp luật thành văn.

(iii) Pháp luật được phân định thành công pháp và tư pháp, mặc dù việc phân định này kliông tuyệt đối. Tuy nhiên, hiện nay ranh giới giữa công pháp và tư pháp ở các nước nói trên không còn đậm nét như trước đây.

(iv) Hệ thống pháp luật châu Âu lục địa dựa trên quy trình tố tụng thẩm vấn, các thẩm phán chỉ tiến hành hoạt động xét xử mà không được tham gia hoạt động lập pháp, họ không được tạo ra các chế định, các quy phạm pháp luật.

II- HỆ THỐNG PHÁP LUẬT ANH MỸ (COMMON LAW)

Hệ thống pháp luật Anh – Mỹ còn có các tên gọi khác như là hệ thống pháp luật Ănglôxắcxông, hệ thống common law… Hệ thống pháp luật Anh – Mỹ bao gồm pháp luật của các nước Anh, Mỹ, các nước chịu ảnh hưởng của Anh như Canada, úc… Hệ thống pháp luật Anh – Mỹ có một số đặc trưng nổi bật sau đây:

(i) Hình thành và phát triển trên cơ sở pháp luật dân sự của nước Anh là pháp luật coi trọng tiền lệ. Hệ thống pháp luật Anh – Mỹ ít chịu sự ảnh hưởng của pháp luật La Mã bởi tính phức tạp và chặt chẽ trong thủ tục tố tụng truyền thống của pháp luật Anh đã cản trở việc tiếp nhận luật La Mã vào lãnh thổ nước Anh.

(ii) Nguồn pháp luật chủ yếu của hệ thống pháp luật Anh – Mỹ là án lệ, phần lớn các chế định và quy phạm pháp luật được hình thành không phải bằng việc ban hành văn bản pháp quy mà bằng án lệ. Các phán quyết tại các toà án cấp cao thường được coi là án lệ và có giá trị bắt buộc đối với các toà án địa phưong. Hiện nay mặc dù các văn bản quy phạm pháp luật ở các nước này cũng được ban hành khá nhiều, nhưng các thẩm phán vẫn dựa vào cả án lệ, văn bản quy phạm pháp luật và những căn cứ thực tế để xét xử.

(iii) Hệ thống pháp luật Anh – Mỹ bao gồm hai bộ phận là tiền lệ pháp luật và luật công bình. Nếu tiền lệ pháp luật các vụ việc được xem xét giải quyết trên cơ sở các án lệ thì luật công bình lại xem xét và giải quyết các vụ việc trên cơ sở các nguyên tắc công bằng, công lí. Những nguyên tắc công bằng, công lí thường khá trừu tượng và khó định lượng vì vậy chủ yếu phụ thuộc vào niềm tin nội tâm, vào lương tâm và đạo đức của các thẩm phán. Hệ thống pháp luật Anh – Mỹ không chia pháp luật thành công pháp và tư pháp như pháp luật châu Âu lục địa.

(iv) Ở hệ thống pháp luật Anh – Mỹ nguyên tắc tranh tụng được áp dụng rộng rãi trong quá trình tố tụng. Trong quá trình tố tụng các bên (bên nguyên đơn và bên bị đơn; bên công tố và bên bào chữa…) luôn có sự tranh tụng, đấu trí và chứng cứ với nhau, còn thấm phán chỉ có vai trò như người trọng tài lắng nghe ý kiến của các bên và đưa ra phán quyết. Do việc sử dụng rộng rãi án lệ nên trong những trường hợp nhất định các thẩm phán của toà án tối cao vừa là người xét xử vừa là người sáng tạo ra pháp luật một cách gián tiếp.

Xem thêm: Xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam hiện nay

III- HỆ THỐNG HỒI GIÁO (ISLAMIC LAW)

Hệ thống pháp luật Hồi giáo gồm pháp luật của các nước theo đạo Hồi như Pakistan, Aíganistan, Arập Xêut, Iran, Marốc… là một trong những hệ thống pháp luật lớn hiện nay. Hệ thống pháp luật Hồi giáo có một số đặc trưng cơ bản sau đây:

(i) Các nước theo đạo Hồi, cư dân và kể cả nhà nước thường khẳng định sự trung thành của mình đối với các giá trị đạo đức, tôn giáo của đạo Hồi, trong đó có cả luật đạo Hồi. Ở nhiều quốc gia hồi giáo chính thống như Iran, Marốc, Pakistan có sự song hành của luật hồi giáo và các văn bản pháp luật do nhà nước ban hành.

(ii) Nguồn pháp luật bao gồm cả các quy định do nhà nước ban hành và cả các quy định do các tổ chức tôn giáo ban hành. Pháp luật đạo Hồi có bốn nguồn cơ bản là: Kinh Coran (Các luật gia đạo Hồi thường gọi Thánh kinh của đạo Hồi là “những khổ thơ pháp luật” quy định về quy chế cá nhân, dân sự, hình sự, thủ tục toà án, kinh tế, tài chính, quan hệ quốc tế…); Sunna (những lời truyền của Nhà tiên tri Môhammed); Idjma (Khế ước thống nhất của xã hội đạo Hồi); Kias (Suy diễn tương tự), trong đó quan trọng nhất là Kinh Coran. Do nguồn cơ bản của pháp luật Hồi giáo xuất phát từ Chúa trời nên những người trung thành với đạo Hồi cho rằng pháp luật đạo Hồi là vĩnh cửu, không thay đổi, bởi nó quá hoàn thiện và trong tương lai toàn thể loài người sẽ thừa nhận và tuân thủ. Các văn bản pháp luật mà các nhà nước Hồi giáo ban hành không thể làm thay đổi luật Hồi giáo, mà chỉ là sự chi tiết hoá hoặc bồ sung thêm những chỗ còn trống trong luật Hồi giáo.

(iii) Trong một số luật, bộ luật của các nước Hồi giáo còn có các quy định cho phép các cơ quan có thẩm quyền của mình áp dụng các quy phạm luật Hồi giáo để giải quyết những vấn đề mà pháp luật của nhà nước chưa điều chỉnh. Như vậy, đặc trưng lớn nhất của hệ thống pháp luật ở các nước Hồi giáo là sự liên kết giữa luật pháp nhà nước và luật pháp tôn giáo. Đối với những người theo đạo Hồi thì nhà thờ cũng là nhà nước và ngược lại nên luật pháp nhà nước và luật pháp tôn giáo chỉ là một, không có sự phân biệt.

(iv) Pháp luật Hồi giáo chỉ áp dụng đối với những người theo đạo Hồi, nguyên tắc tôn giáo làm cơ sở cho pháp luật đạo Hồi sẽ không có hiệu lực nếu một trong các bên không phải là người theo đạo Hồi. 

IV- HỆ THỐNG PHÁP LUẬT XÃ HỘI CHỦ NGHĨA

Hệ thống pháp luật xã hội chủ nghĩa hình thành khi hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa được tạo lập ở thế kỉ XX. Hệ thống pháp luật xã hội chủ nghĩa có nhiều điểm tương đồng với hệ thống pháp luật châu Âu lục địa như nguồn pháp luật chủ yếu là văn bản quy phạm pháp luật; hoạt động tố tụng theo mô hình tố tụng thẩm vấn, các thẩm phán chỉ tiến hành hoạt động xét xử và không được tạo ra các chế định, các quy phạm pháp luật…

(i) Hệ thống pháp luật xã hội chủ nghĩa dựa trên cơ sở của chế độ công hữu về tư liệu sản xuất, đề cao lợi ích xã hội, lợi ích nhà nước, không thừa nhận việc phân chia pháp luật thành công pháp và tư pháp mà với quan niệm tất cả đều là việc công nên các quy phạm pháp luật được phân định thành ngành luật, chế định pháp luật…

(ii) Hệ thống pháp luật xã hội chủ nghĩa đặt mục tiêu giải phóng con người khỏi bóc lột và xoá bỏ mọi sự áp bức, bất công.

Luật sư: Nguyễn Thị Bích Phượng – Trưởng phòng Doanh nghiệp của Công ty Luật TNHH Everest, tổng hợp (từ Giáo trình Lý Luận chung về nhà nước và pháp luật – Đại học Luật Hà Nội và một số nguồn khác).