Hiến kế xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc

Hiến kế xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc -0
Tổng Biên tập Báo Đại biểu Nhân dân Phạm Thị Thanh Huyền và các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại tọa đàm. Ảnh: Duy Thông

Văn hóa còn thì dân tộc còn…

Nằm trong chuỗi các hoạt động tuyên truyền kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về Văn hóa Việt Nam, cuộc Tọa đàm với chủ đề “Nâng cao trí lực, bồi dưỡng tri thức cho con người Việt Nam trong thực hiện cách mạng văn hóa Việt Nam theo tinh thần “Đề cương về Văn hóa Việt Nam” năm 1943, tính kế thừa và phát triển qua các giai đoạn lịch sử” đã thu hút sự tham gia của các nhà quản lý, nhà lý luận, nhà phê bình, chuyên gia trong lĩnh vực văn hóa.

“Đây là đề tài rất thú vị” – Nguyên Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản, Nhà báo, TS. Nhị Lê đã mở đầu cuộc Tọa đàm như vậy. Và, trong những phần trao đổi vừa mang tính lý luận, học thuật vừa rất thực tiễn tiếp sau, TS. Nhị Lê nhiều lần ghi nhận và đánh giá cao chủ đề cũng như nội dung của Tọa đàm. “Với tôi, cuộc tọa đàm hôm nay là cuộc “tọa đàm kép” để chúng tôi có thể nói rộng ra không chỉ về “Đề cương về Văn hóa Việt Nam” năm 1943, mà còn là nhìn về “Chủ nghĩa Marx và vấn đề văn hóa Việt Nam” (tựa đề cuốn sách của Tổng Bí thư Trường Chinh viết từ năm 1948 – PV) – TS. Nhị Lê nói.

“Trước tiên, tôi cảm ơn Báo Đại biểu Nhân dân đã tổ chức cuộc tọa đàm với chủ đề hết sức cần thiết, quan trọng trong tình hình mới hiện nay, cụ thể là trong việc xây dựng con người mới và nền văn hóa mới”, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, PGS. TS Tạ Quang Đông chia sẻ. 

Hiến kế xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc -0
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, PGS. TS Tạ Quang Đông. Ảnh: Duy Thông

Đánh giá cao nỗ lực của Báo Đại biểu Nhân dân trong việc tổ chức tọa đàm quan trọng này nhân dịp kỷ niệm 80 năm Đề cương văn hóa Việt Nam, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Bùi Hoài Sơn cho rằng, “chủ đề Tọa đàm hôm nay là vấn đề nóng, cần thiết, bởi không chỉ được đề cập trong Đề cương về Văn hóa Việt Nam năm 1943 mà còn rất có ý nghĩa trong bối cảnh chúng ta đang tiến hành cải cách giáo dục theo hướng thay đổi tư duy, phương pháp để đưa giáo dục trở thành công cụ giúp đất nước phát triển bền vững, tương xứng với thời đại Hồ Chí Minh”. 

Hiến kế xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc -0
Ảnh: Duy Thông

Qua các phát biểu, chia sẻ tâm huyết, trách nhiệm, vừa lý luận, vừa thực tiễn tại Tọa đàm, các diễn giả đã từng bước lý giải và làm sâu sắc hơn giá trị của Đề cương về Văn hóa Việt Nam năm 1943. Chỉ với hơn 500 chữ, nhưng bản Đề cương ra đời cách nay tròn 80 năm đã đưa ra những vấn đề căn cốt nhất, có giá trị “soi đường” không chỉ trong giai đoạn cuộc cách mạng giải phóng dân tộc đang ở tình thế “nước sôi lửa bỏng”, “nghìn cân treo sợi tóc”, mà còn trong suốt hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp, chống Mỹ sau đó cũng như giai đoạn phát triển hiện nay của đất nước, của dân tộc. Một trong những vấn đề căn cốt đó chính là Đề cương đã nhấn mạnh 3 thành tố đặc biệt quan trọng của văn hóa, gồm: Tư tưởng, học thuật và nghệ thuật cùng mối quan hệ biện chứng giữa các thành tố, trong đó, tư tưởng là thành tố cơ bản nhất.

Hiến kế xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc -0
Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Bùi Hoài Sơn. Ảnh: Duy Thông

Lý giải rõ hơn về nội dung này tại Tọa đàm, trước khi đi vào 6 chữ – tư tưởng, học thuật và nghệ thuật, TS. Nhị Lê đã đưa ra cái nhìn rộng hơn để không chỉ thấy phần diễn kiến của Đề cương, mà còn thể hiện rõ tính thời đại của Đề cương. “Cho đến nay, trong lịch sử, chưa có nước nào sụp đổ về kinh tế dẫn đến sụp đổ quốc gia, dân tộc, mà chỉ có sụp đổ về văn hóa dẫn đến sụp đổ về dân tộc, mà đã sụp đổ về dân tộc thì không còn gì cả. Mấy nghìn năm trước, cổ nhân từng nói rằng, có 4 nhân tố giềng mối tạo nên xã hội, gìn giữ và phát triển một xã hội là: Nhân – Lễ – Liêm – Sỉ. Mất 1 dây thì nước nghiêng, mất 2 dây thì nước nguy, mất 3 dây thì nước đổ, mất 4 dây thì nước diệt. Đối với mỗi con người chúng ta cũng vậy: Cần – Kiệm – Liêm – Chính là 4 nhân tố tạo nên một con người. Mất 1 điều người nghiêng, mất 2 điều thì người nguy, mất 3 điều thì thân bại, mất 4 điều thì danh liệt. Thế mới càng thấm thía điều mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc tháng 11.2021: Văn hóa còn thì dân tộc còn!”, TS. Nhị Lê nói. 

Nhìn trong lịch sử đất nước nói riêng và toàn cầu nói chung, có thể thấy, để đạt được vị thế cường quốc về kinh tế có thể chỉ cần 50 năm, điển hình như Hàn Quốc, nhưng để trở thành cường quốc về văn hóa, một dân tộc thực sự văn hóa, văn hiến, thì cần đến hàng trăm, thậm chí hàng nghìn năm. Văn hóa làm nên phẩm giá, linh hồn, cốt cách của dân tộc. Và sức mạnh văn hóa là như thế – vừa không định hình, không nắm bắt được, có gì đó biến ảo nhưng hiện hữu trong từng bước đi của dân tộc, của số phận mỗi con người. Nhấn mạnh điều này, theo TS. Nhị Lê, là để thấy rõ hơn vị thế, tầm nhìn mà bản Đề cương cách đây 80 năm Đảng ta đã hoạch định. Và, “80 năm qua, dưới ngọn cờ của Đảng, chúng ta từng bước hiện thực hóa những nét sơ thảo ban đầu về tầm nhìn, chiến lược về văn hóa”. Điều này chính là minh chứng cho giá trị thời đại và tính thời sự sâu sắc của văn kiện chính thức đầu tiên về văn hóa của Đảng ta. 

Hiến kế xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc -0
Nguyên Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản, TS. Nhị Lê. Ảnh: Duy Thông

Phân tích giá trị của bản Đề cương từ những kết quả đạt được trong một lĩnh vực cụ thể là văn học, nghệ thuật, PGS. TS Nguyễn Thế Kỷ – Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương nói rằng, Đề cương năm 1943 có tính chất mở đường, dẫn đường cho lực lượng trí thức, văn nghệ sỹ đi theo cách mạng. Nói cách khác, Đề cương có tính chất “thức tỉnh” giới trí thức, văn nghệ sỹ không bị luận thuyết của phát xít Nhật, hay thực dân Pháp lừa gạt, mua chuộc, đánh lạc hướng… Và, từ sự “dẫn đường”, “thức tỉnh” của Đề cương về Văn hóa Việt Nam năm 1943, sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, trí thức, văn nghệ sỹ hăng hái đi vào kháng chiến với tấm lòng yêu nước nồng nàn và cảm hứng, nguồn năng lượng mới không đo đếm được. Rất nhiều công trình nghiên cứu, tác phẩm văn học… nổi tiếng đã ra đời trong thời kỳ này. Không chỉ ở lĩnh vực sáng tác mà lý luận văn học nghệ thuật cũng rất sôi nổi. Những câu thơ, như “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai” của nhà thơ Tố Hữu không phải là “khẩu hiệu” nữa mà chính là “tiếng lòng” của đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, của nhân dân…

Cũng phân tích giá trị của Đề cương từ góc nhìn văn hóa, nghệ thuật, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa và phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, GS.TS.NGND. Trần Văn Bính chỉ rõ: Nếu trước cách mạng là cảnh tù túng, cô đơn và bế tắc của đội ngũ văn nghệ sỹ, thậm chí, muốn yêu nước nhưng không dám nói yêu nước vì yêu nước là quốc cấm, chỉ dám nói xa xôi…, từ đó, mọi khát vọng, sáng tạo của họ bị vùi dập; thì với Đề cương năm 1943, đó là sự giải phóng. Đặc biệt, sau thành công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, thì hầu hết các văn nghệ sỹ có mặt lúc bấy giờ đều có những thay đổi, có tiếng nói mới, khuynh hướng mới, đưa sự sáng tạo của mình đến sâu rộng với quần chúng Nhân dân.

Hiến kế xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc -0
PGS. TS Nguyễn Thế Kỷ – Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương. Ảnh: Duy Thông

“Đề cương đã tạo cảm hứng, động lực sáng tạo văn học nghệ thuật”. Khẳng định điều này, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ nhận định: Những giá trị văn hóa đúc kết từ bản Đề cương đã được kế thừa và phát triển trong các văn kiện, nghị quyết của Đảng, như Nghị quyết Trung ương 5 Khóa VIII (về xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc), Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI (về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước). Và mới đây nhất là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, trong đó nội dung về văn hóa được quán triệt cụ thể, sâu sắc tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc (ngày 24.11.2021), với bài phát biểu chỉ đạo quan trọng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. 

Vấn đề dân tộc trong văn hóa phải được đặc biệt lưu ý

Không chỉ phân tích, làm sáng tỏ hơn giá trị của bản Đề cương về Văn hóa Việt Nam ra đời cách nay đã 80 năm, các đại biểu tham dự Toạ đàm còn chỉ ra những giá trị vẹn nguyên của Đề cương, chỉ ra những việc đã làm được và những việc cần tiếp tục để kiên định, bản lĩnh, tích cực hiện thực hóa sáng tạo các vấn đề có tính nền gốc của văn hóa Việt Nam trong thực tiễn cách mạng Việt Nam hiện nay. Đặc biệt, phải có thái độ kiên quyết đấu tranh chống mọi biểu hiện giáo điều, rập khuôn máy móc trong tiếp cận Đề cương. Đồng thời, luôn phải có quan điểm phát triển về văn hóa, trong đó, quan tâm phát triển những nội dung cơ bản, cốt lõi trong Đề cương cho khát vọng vì một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.

Hiến kế xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc -0
GS.TS.NGND. Trần Văn Bính. Ảnh: Duy Thông

Ví “văn hóa” và “dân tộc” như “hai mặt của một tờ giấy” và việc tách văn hóa ra khỏi dân tộc là “không thể”, như “xé rách cả một tờ giấy”, GS.TS.NGND. Trần Văn Bính thẳng thắn: Tách văn hóa ra khỏi dân tộc thì văn hóa không tồn tại được. Dân tộc tạo dựng và phát triển văn hóa. Văn hóa góp phần sáng tạo và phát triển dân tộc. Và trong xu thế hiện nay, theo GS.TS.NGND. Trần Văn Bính, thì “vấn đề dân tộc trong văn hóa phải được đặc biệt lưu ý, bảo tồn và phát huy giá trị. Bên cạnh tiếp thu các giá trị văn hóa ngoại lai, cần có sức đề kháng với các giá trị văn hóa bên ngoài. Nỗi lo ngại về sự xâm lăng văn hóa đang diễn ra âm thầm trên toàn cầu, chứ không riêng với nước ta, vì vậy, chúng ta phải hết sức cảnh giác và thận trọng”.

Trong gần 3 giờ đồng hồ của Tọa đàm, các chuyên gia, nhà lý luận, nhà quản lý, đại biểu Quốc hội… đã cùng kiến giải các vấn đề theo 3 phần, gồm: “Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 – Kim chỉ nam cho đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ”; “Tiếp nối mạch nguồn văn hóa dân tộc từ Đề cương về văn hóa năm 1943 – Tính kế thừa và phát triển qua các giai đoạn lịch sử”; “Nâng cao trí lực, bồi dưỡng tri thức trong xây dựng nền văn hóa dân tộc và hiện đại”. Qua đó, làm rõ hơn sự cần thiết và cấp thiết mà chủ đề của Tọa đàm đặt ra, đó là: “Nâng cao trí lực, bồi dưỡng tri thức cho con người Việt Nam trong thực hiện cách mạng văn hóa theo tinh thần “Đề cương về Văn hóa Việt Nam” năm 1943, tính kế thừa và phát triển qua các giai đoạn lịch sử”. Một chủ đề, như đánh giá của PGS.TS. Nguyễn Thế Kỷ, đó là “rất hay, đặt ra nhiều vấn đề”. Đó là Quốc hội, Chính phủ triển khai thực hiện như thế nào? Bằng các cơ chế, chính sách, nguồn lực đào tạo con người như thế nào để thích hợp với thời kỳ mới? Các ban, ngành, đoàn thể, địa phương làm như thế nào để có những bước đi vững chắc và không bị choáng ngợp với thành tựu khoa học công nghệ bên ngoài… để chủ động, tự tin đón nhận và làm chủ, làm cho văn hóa của đất nước, tầm trí tuệ của dân tộc cao lên một cách vững chắc?…

Hiến kế xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc -0
Ảnh: Duy Thông

Quan trọng hơn cả, qua những trao đổi tại Tọa đàm đã một lần nữa khẳng định giá trị thời đại, tư duy lý luận sắc bén và tầm nhìn chiến lược của Đảng ta với văn hóa qua bản Đề cương về Văn hóa Việt Nam năm 1943 qua 80 năm triển khai và kiểm nghiệm trong thực tiễn.