Hiện tại tiền ảo Bitcoin có thể được dùng để thanh toán các giao dịch hay không? Nếu không thì sẽ bị xử lý như thế nào?


Hiện tại tiền ảo Bitcoin có thể được dùng để thanh toán các giao dịch hay không? Nếu không thì sẽ bị xử phạt như thế nào? Khi nào thì sử dụng tiền ảo Bitcoin để thanh toán trong các giao dịch sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự?

Hiện tại tiền ảo Bitcoin có thể được dùng để thanh toán trong các giao dịch hay không?

Căn cứ Điều 4 Nghị định 101/2012/NĐ-CP (sửa đổi bởi khoản 1 Điều 1 Nghị định 80/2016/NĐ-CP) quy định về về thanh toán không dùng tiền mặt như sau:

“Điều 4. Giải thích từ ngữ

6. Phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt sử dụng trong giao dịch thanh toán (sau đây gọi là phương tiện thanh toán), bao gồm: Séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng và các phương tiện thanh toán khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

7. Phương tiện thanh toán không hợp pháp là các phương tiện thanh toán không thuộc quy định tại khoản 6 Điều này.

8. Dịch vụ ví điện tử là dịch vụ cung cấp cho khách hàng một tài khoản điện tử định danh do các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán tạo lập trên vật mang tin (như chip điện tử, sim điện thoại di động, máy tính…), cho phép lưu giữ một giá trị tiền tệ được đảm bảo bằng giá trị tiền gửi tương đương với số tiền được chuyển từ tài khoản thanh toán của khách hàng tại ngân hàng vào tài khoản đảm bảo thanh toán của tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử theo tỷ lệ 1:1.”

Và theo hướng dẫn tại Công văn 5747/NHNN-PC năm 2017 như sau:

“Sau khi nghiên cứu, căn cứ chức năng, nhiệm vụ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có một số ý kiến như sau:

– Khoản 2 Điều 17 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam 2010 quy định: “Tiền giấy, tiền kim loại do Ngân hàng Nhà nước phát hành là phương tiện thanh toán hợp pháp trên lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

– Khoản 6, 7 Điều 4 Nghị định 101/2012/NĐ-CP ngày 22/11/2012 của Chính phủ về việc thanh toán không dùng tiền mặt (đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 80/2016/NĐ-CP) quy định: “6. Phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt sử dụng trong giao dịch thanh toán (sau đây gọi là phương tiện thanh toán), bao gồm: Séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng và các phương tiện thanh toán khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. 7. Phương tiện thanh toán không hợp pháp là các phương tiện thanh toán không thuộc quy định tại khoản 6 Điều này.”

– Khoản 6 Điều 6 Nghị định 101/2012/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 80/2016/NĐ-CP) quy định về các hành vi bị cấm: “6. Phát hành, cung ứng và sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp”.

Căn cứ quy định nêu trên, tiền ảo nói chung và Bitcoin, Litecoin nói riêng không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam. Việc phát hành, cung ứng và sử dụng tiền ảo nói chung và Bitcoin, Litecoin nói riêng (phương tiện thanh toán không hợp pháp) làm tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm. Chế tài xử lý hành vi này đã được quy định tại Nghị định 96/2014/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng và Bộ luật Hình sự 2015 (đã sửa đổi, bổ sung). Ngoài ra, về việc đầu tư vào tiền ảo, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã cảnh báo nhiều lần việc đầu tư này tiềm ẩn rủi ro rất lớn cho nhà đầu tư.”

Theo quy định của Nhà nước thì phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt sử dụng trong giao dịch thanh toán bao gồm: Séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng và các phương tiện thanh toán khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, các phương tiện thanh toán khác không thuộc các trường hợp được pháp luật quy định thì là phương tiện thanh toán không hợp pháp.

Do đó bạn không thể sử dụng tiền ảo để thành toán các giao dịch. Ngoài ra có thể xem thêm Chỉ thị 10/CT-TTg năm 2018 về tăng cường quản lý các hoạt động liên quan tới Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác.

Sử dụng tiền ảo Bitcoin để thanh toán trong các giao dịch sẽ bị xử phạt như thế nào?

Sử dụng tiền ảo Bitcoin để thanh toán trong các giao dịch sẽ bị xử phạt như thế nào?

Sử dụng tiền ảo Bitcoin để thanh toán trong các giao dịch sẽ bị xử phạt như thế nào?

Căn cứ điểm d khoản 6 Điều 26 Nghị định 88/2019/NĐ-CP được sửa đổi bởi điểm d, điểm g khoản 15 Điều 1 Nghị định 143/2021/NĐ-CP như sau:

“Điều 26. Vi phạm quy định về hoạt động thanh toán

6. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Mở tài khoản thanh toán cho khách hàng, cho phép khách hàng sử dụng tài khoản thanh toán không đúng quy định của pháp luật trong quá trình cung ứng dịch vụ thanh toán;

b) Thuê, cho thuê, mượn, cho mượn tài khoản thanh toán, mua, bán thông tin tài khoản thanh toán với số lượng từ 10 tài khoản thanh toán trở lên mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

c) Làm giả phương tiện thanh toán, lưu giữ, lưu hành, chuyển nhượng, sử dụng phương tiện thanh toán giả mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

d) Phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

đ) Hoạt động không đúng nội dung chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước về việc cung ứng dịch vụ thanh toán không qua tài khoản thanh toán của khách hàng.

9. Hình thức xử phạt bổ sung:

Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 1, điểm b khoản 5 và điểm c, d khoản 6 Điều này.

10. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc nộp vào ngân sách nhà nước số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 1, khoản 4, khoản 5, khoản 6, khoản 7 và khoản 8 Điều này;

b) Không cho mở rộng phạm vi, quy mô và địa bàn hoạt động trong thời gian chưa khắc phục xong vi phạm đối với hành vi vi phạm quy định tại các điểm a, c, d khoản 6, điểm c khoản 7 và điểm a khoản 8 Điều này;

c) Đề nghị cấp có thẩm quyền thu hồi văn bản chấp thuận hoạt động cung ứng dịch vụ thanh toán không qua tài khoản thanh toán của khách hàng đối với hành vi vi phạm tại điểm đ khoản 6 Điều này.”

Như vậy, sử dụng tiền ảo Bitcoin để thanh toán trong các giao dịch sẽ bị phạt từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng. Bên cạnh đó, tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm, buộc nộp vào ngân sách nhà nước số lợi bất hợp pháp có được và không cho mở rộng phạm vi, quy mô và địa bàn hoạt động trong thời gian chưa khắc phục xong vi phạm.

Mức phạt tiền sử dụng tiền ảo Bitcoin để thanh toán trong các giao dịch là mức phạt tiền áp dụng đối với cá nhân; mức phạt tiền đối với tổ chức có cùng một hành vi vi phạm hành chính bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân;

Sử dụng tiền ảo Bitcoin để thanh toán trong các giao dịch thì có bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không?

Căn cứ Điều 206 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi khoản 48 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 như sau:

“Điều 206. Tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây gây thiệt hại cho người khác về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Cấp tín dụng cho trường hợp không được cấp tín dụng, trừ trường hợp cấp dưới hình thức phát hành thẻ tín dụng;

b) Cấp tín dụng không có bảo đảm hoặc cấp tín dụng với điều kiện ưu đãi cho đối tượng bị hạn chế cấp tín dụng theo quy định của pháp luật;

c) Vi phạm quy định về tỷ lệ bảo đảm an toàn cho hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng;

d) Cố ý nâng khống giá trị tài sản bảo đảm khi thẩm định giá để cấp tín dụng đối với trường hợp phải có tài sản bảo đảm;

đ) Vi phạm quy định của pháp luật về tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với đối tượng bị hạn chế cấp tín dụng;

e) Cấp tín dụng vượt giới hạn so với vốn tự có đối với một khách hàng và người có liên quan, trừ trường hợp có chấp thuận của người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật;

g) Vi phạm quy định của pháp luật về góp vốn, giới hạn góp vốn, mua cổ phần, điều kiện cấp tín dụng;

h) Phát hành, cung ứng, sử dụng phương tiện thanh toán không hợp pháp; làm giả chứng từ thanh toán, phương tiện thanh toán; sử dụng chứng từ thanh toán, phương tiện thanh toán giả;

i) Kinh doanh vàng trái phép hoặc kinh doanh ngoại hối trái phép;

k) Tiến hành hoạt động ngân hàng khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép theo quy định của Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Luật các tổ chức tín dụng.

2. Phạm tội gây thiệt hại về tài sản từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.

3. Phạm tội gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm.

4. Phạm tội gây thiệt hại về tài sản 3.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.

5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”

Sử dụng tiền ảo Bitcoin để thanh toán trong các giao dịch thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi gây thiệt hại cho người khác về tài sản từ 100.000.000 đồng trở lên.