Hiển thị nội dung – Cổng TTĐT- Công an tỉnh Vĩnh Long

Bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử – văn hóa

     Di sản Văn hóa Việt Nam là di sản quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam và là một bộ phận của di sản văn hóa nhân loại, có vai trò to lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của nhân dân ta.

     Vĩnh Long được xem là cái nôi cách mạng, so với các tỉnh, thành trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), tỉnh Vĩnh Long còn lưu giữ và bảo tồn nhiều di tích lịch sử văn hóa cách mạng, hiện toàn tỉnh có gần 700 di tích phổ thông (trong đó, 48 di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh; 11 di tích cấp quốc gia).

     Để bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử – văn hóa, đáp ứng nhu cầu về văn hóa ngày càng cao của nhân dân, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và đóng góp vào kho tàng di sản văn hóa thế giới, thời gian qua, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di lích lịch sử – văn hóa được các ngành, các cấp trên địa bàn tỉnh quan tâm, chú trọng, có nhiều biện pháp tích cực mang lại hiệu quả cao.

Lãnh đạo tỉnh, đại biểu đến dâng hương CTHĐBT Phạm Hùng tại di tích cấp quốc gia Khu tưởng niệm CTHĐBT Phạm Hùng

     Đồng bộ nhiều giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di tích       

     Theo ông Nguyễn Xuân Hoanh- Phó Giám đốc Sở VHTTDL, công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua cơ bản đúng pháp luật, đạt được nhiều kết quả tốt; việc trùng tu, tu bổ di tích, các hoạt động lễ hội ngày càng được chú trọng từng bước đáp ứng nhu cầu người dân.

     Năm 2018, ngành văn hóa, thể thao và du lịch trùng tu, tôn tạo 7 di tích được xếp hạng; lập hồ sơ khoa học xếp hạng 04 di tích,… Việc trùng tu, tôn tạo di tích đảm bảo đúng quy định của Luật Di sản văn hóa, qua đó góp phần lưu giữ được nét văn hóa, kiến trúc lâu đời của di tích, giáo dục truyền thống cách mạng, văn hóa cho thế hệ trẻ; công trình còn đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, vui chơi giải trí, tập luyện thể dục thể thao của nhân dân.

     Đồng thời, hướng dẫn, chỉ đạo các di tích đã thành lập được Ban quản lý di tích tại cơ sở, có quy chế hoạt động cụ thể, công tác bảo vệ, cử người trực tại di tích được quan tâm, nhiều di tích đã có các bảng giới thiệu khái quát, biên soạn tờ gấp giới thiệu di tích,…; tổ chức 03 lớp bồi dưỡng, có trên 100 địa biểu tham gia về sưu tầm hiện vật, bảo quản hiện vật, viết bài thuyết minh cho di tích.

     Bên cạnh đó, ngành văn hóa, thể thao và du lịch phối hợp với ngành giáo dục và đào tạo ban hành kế hoạch liên ngành “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh, đa số các di tích đều có các trường học trên địa bàn đăng ký chăm sóc di tích. Cụ thể, hàng tháng, các trường tổ chức tiết học ngoại khoá cho học sinh tham quan, tìm hiểu, hỗ trợ Ban quản lý di tích làm vệ sinh, trồng hoa kiểng, tạo vẻ mỹ quan sáng, xanh, sạch, đẹp cho di tích. 

     Tình hình an ninh trật tự, nhất là vào các dịp lễ hội, lễ kỷ niệm tại các di tích được Ban quản lý di tích phối hợp với chính quyền địa phương bảo vệ tốt cơ sở vật chất của di tích, không để mất hiện vật, đồ thờ, thùng công đức,…; bảo đảm an toàn về tính mạng và tài sản, phương tiện đi lại của người dân đến tham quan, chiêm bái.  

     Hiện nay, hầu hết các di tích duy trì tổ chức 2 đến 3 lễ hội như: lễ hạ điền, thượng điền,… các lễ hội thực hiện theo hướng cộng đồng tự quản. Công tác quản lý, tổ chức lễ hội từng bước đi vào nề nếp, trang trọng, đúng quy định của pháp luật, thuần phong mỹ tục người Việt Nam, đáp ứng nhu cầu đời sống tâm linh, văn hóa tinh thần của người dân địa phương; tạo không khí vui tươi, đoàn kết, an toàn, thu hút đông đảo du khách đến tham quan. Trong năm 2018, các di tích trên địa bàn tỉnh đón khoảng 300.000 lượt khách đến tham quan, chiêm bái.

     Đặc biệt, người dân ngày càng có ý thức, tích cực hưởng ứng công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích, thông qua việc tham gia đóng góp tiền, công sức để tổ chức lễ hội, trùng tu, tôn tạo di tích,… Tiêu biểu, năm 2018, người dân đóng góp trên 6 tỷ đồng và nhiều ngày công lao động, hiện vật có giá trị để phát triển các di tích: chùa Tiên Châu, Công Thần Miếu, chùa Phước Hậu, Thánh Thất Trường An, chùa Ba Phố, chùa Gò Xoài,… 

     Chị Võ Thị Phương Thảo – khóm 5, phường 5, TP. Vĩnh Long cho biết: hằng năm, vào dịp lễ cúng ở di tích Công Thần Miếu, tôi thường đến làm công đức, cúng tế để cầu mong cho gia đình được bình an, công việc, cuộc sống thuận lợi, gặp nhiều mai mắn; trong tâm cảm thể hiện có một vị thần luôn ở bên mình phù hộ, cảm thấy an tâm hơn. Ngoài ra, tôi cùng người dân ở địa phương tham gia các hoạt động, trò chơi dân gian như: đập bong bóng, nồi đất, chạy xe đạp chậm, bắt vịt dưới sông,…

Người dân đến tham quan, vui chơi tại lễ giỗ Lăng ông tiền quân Thống chế điều bát Nguyễn Văn Tồn (xã Thiện Mỹ, huyện Trà Ôn)

     Thời gian qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch quan tâm đưa di tích lịch sử – văn hóa vào khai thác phục vụ khách du lịch. Theo đó, định hướng của tỉnh xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng là “Du lịch sông nước miệt vườn, du lịch homestay gắn với tìm hiểu danh nhân tham quan các di tích lịch sử văn hóa cách mạng và tâm linh, làng nghề truyền thống, du lịch nghỉ dưỡng”. Trong đó, Khu tưởng niệm CTHĐBT Phạm Hùng; Khu lưu niệm TTCP Võ Văn Kiệt; Khu lưu niệm GS,VS Trần Đại Nghĩa được Hiệp hội du lịch ĐBSCL công nhận là điểm du lịch tiêu biểu khu vực ĐBSCL. Di tích cấp quốc gia Văn Thánh Miếu là 01 trong 7 điểm du lịch quốc gia thuộc vùng ĐBSCL được Thủ tướng Chính phủ Quyết định Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch ĐBSCL đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Hằng năm, các di tích này đón hàng chục ngàn lượt khách đến tham quan, tìm hiểu, chiêm nghiệm hình ảnh, hiện vật, nghe những câu chuyện kể về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của các bật tiền nhân.

     Nhiều khó khăn, bất cập

     Theo Ban quản lý di tích tỉnh Vĩnh Long, hiện nay, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử – văn hóa vẫn còn gặp nhiều khó khăn như: việc triển khai chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước chưa thật sự sâu rộng, nhận thức người dân còn hạn chế dẫn đến một số sai phạm trong lĩnh vực tu bổ di tích; thiếu nguồn kinh phí hỗ trợ trùng tu, tôn tạo di tích so với nhu cầu thực tế của các địa phương; công tác vận động xã hội hóa ở một số nơi chưa được quan tâm; thiếu lực lượng kế thừa,…

     Ông Phan Văn Khải – Trưởng Ban quản lý di tích cấp quốc gia Công Thần Miếu, phường 5, TP. Vĩnh Long cho biết: lực lượng kế thừa rất quan trọng, đa số các thành viên trong Ban quản lý đều lớn tuổi; hiện nay, hầu hết các địa phương thiếu lực lượng kế thừa am hiểu kiến thức di tích; kinh phí tu bổ, trả lương cho người trông coi di tích còn hạn chế, chưa đáp ứng kịp thời; công tác vận động xã hội hóa để người dân đầu tư, đóng góp tiền, công sức phát triển di tích chưa cao; tình trạng người dân lấn chiếm đất di tích vẫn còn; các thành viên trong Ban quản lý di tích thiết nhiệt huyết, tham gia đóng góp phát triển di tích,…

     Để góp phần bảo tồn và phát triển di tích trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, ông Phan Văn Khải đề xuất: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nên quan tâm, chú trọng hơn trong công tác bảo tồn phát triển di tích; đặc biệt là đào tạo lực lượng kế thừa; gắn kết di tích với phát triển du lịch để thu hút người dân đến di tích; hỗ trợ kinh phí mở trang wedsite để quảng bá di tích với người dân trong và ngoài nước. Đồng thời, các thành viên trong Ban quản lý phải phát huy vai trò, trách nhiệm, tích cực hơn trong công tác quản lý và tổ chức các hoạt động tại di tích,…

     Ông Nguyễn Xuân Hoanh – Phó Giám đốc Sở VHTTDL đề nghị các địa phương trong việc tự tu bổ, tôn tạo di tích cần chú ý cảnh quan, giữ gìn giá trị di tích gốc; chính quyền địa phương, Ban quản lý di tích chú ý việc đưa các loại đồ cúng tiến, tượng, di vật ngoại lai, xa lạ với di tích vào khuôn viên di tích, không đúng với di tích làm mất giá trị di tích, vi pháp pháp luật; các Ban quản lý di tích tìm hiểu, nghiên cứu văn bản quản lý di tích để thực hiện đúng quy định về quản lý và tổ chức các hoạt động tại di tích; phát huy vai trò của chính quyền địa phương trong tham gia cùng Ban quản lý di tích để quản lý và tổ chức hoạt động; tiếp tục quan tâm đầu tư tôn tạo, tu bổ di tích; đóng góp ý kiến, đề nghị danh mục để thỏa thuận cấp có thẩm quyền xếp hạng di tích cho đúng luật, lộ trình,…

     Di tích lịch sử văn hóa là tài sản vô giá trong kho tàng di sản văn hóa lâu đời của dân tộc, là những chứng tích vật chất phản ảnh sâu sắc nhất về đặc trưng văn hóa, về cội nguồn và truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước hào hùng vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Đồng thời, là một bộ phận cấu thành kho tàng di sản văn hóa nhân loại, để góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử – văn hóa cần phải có sự phối hợp đồng bộ của các ngành, các cấp và quần chúng nhân dân, mỗi người, tổ chức đều phải thể hiện vai trò, trách nhiệm của mình.

Hiếu Liên